Chúng ta thầm nhận mình là người con Phật, tu học theo lời giảng dạy của đức Phật Thích Ca. Đức Phật từng nói rằng: Cũng như nước trong tất cả đại dương chỉ có một vị thôi, là vị mặn, tất cả giáo pháp Như Lai chỉ có một vị thôi, là vị thoát khổ.
Đời là biển khổ, khổ do thân: sinh, già, bệnh, chết; khổ do tâm: sầu, bi, khổ, ưu, não, ái biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc, chấp thủ ngũ uẩn. Tạm nói vậy, thiệt ra chỉ có tâm mới cảm nhận khổ thọ thôi, chứ thân là khối vô tri giác.
Khi chứng ngộ Ba Minh, Đức Phật cũng nhận ra Khổ là do tâm con người bị Lậu hoặc chi phối. Năm thứ đam mê (ngũ dục) của con người là: tài, sắc, danh, thực, thùy (dục lậu). Do đâu lại đam mê, khao khát tìm cầu không bao giờ đủ? Là vì để bảo vệ mình, để mình được sống mãi (hữu lậu). Đó là cái thấy sai lầm (kiến lậu). Là do không có trí tuệ (vô minh lậu).
Bài toán là đó. Làm sao hết khổ? Có nhiều cách. Chư Tổ Phát triển nói có vô số cách, vô số pháp môn tu (84.000 cửa vào).
Trước nhất xin vẽ lại con đường đi gian nan của chính đức Phật Thích Ca trước đây 26 thế kỷ.
Vài nhận định về kết quả của 6 năm tu theo Thiền vô sắc và khổ hạnh:
1- Bốn tầng Thiền vô sắc dường như do tác ý, tưởng tượng hay tự kỷ ám thị để lập thành nhận thức tin rằng hư không là vô biên, thức cũng vô biên, hoàn toàn không có vật gì, cũng không có tri giác hay không tri giác. Do lý luận và tưởng tượng nên tâm không khách quan, không thực sự tĩnh lặng và trống rỗng, trí tuệ siêu vượt không phát huy. Chứng minh điều này: chính ngài đã nhận thấy như vậy nên « từ bỏ pháp ấy, ta bỏ đi ». Một chứng minh 2: trong kinh Đại Bát Niết bàn, có trình bày so sánh 2 tầng Định sâu:
Cuối đoạn kinh trên là lời tán thán tầng Định của Đức Phật là thâm sâu và chê bai tầng Định của ngài Āḷāra Kālama. Kinh không giải thích rõ vì sao. Chỗ này ai có thực hành kinh nghiệm thì có thể tự kiến giải.
2- Nhận định về kết quả của khổ hạnh :
- Trước nhất chúng ta nhận ra ngài đã làm chủ được thân và tâm của mình, khi ý chí dũng mãnh bắt buộc thân phải chịu nắng mưa sương tuyết trong rừng sâu, thân phải chịu đói khát, chịu hành hạ cho tới kiệt sức. Đó là đã chấm dứt ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Như vậy, ngài không còn dục lậu và hữu lậu, nhưng còn vô minh lậu và kiến lậu (chưa có trí tuệ nên cái thấy sai lầm). Từ đời sống nhung lụa, ăn uống vui chơi phủ phê trong hoàng cung, là một cực đoan của khoái lạc phóng túng, ngài đã rời xa và chuyển qua một đời sống không nhà, đói khát, nhịn ăn, nhịn uống, không ngủ nghỉ trong rừng sâu một mình, lại vướng vào một cực đoan ngược lại, là kham khổ và khe khắt. Ngài nhận ra cả hai lối sống đó đều đưa tới quả đau khổ. Từ đây ngài đưa ra lối sống Trung Đạo: không lợi dưỡng thái quá cũng không khổ hạnh thái quá. Áp dụng thực tế cho những vị tỳ kheo đệ tử của ngài là: mỗi sáng đi khất thực đủ ăn trong 1 lần cho 1 ngày. Chính bản thân đức Phật khi ấy, đã tỉnh ngộ, không còn hành hạ thân thể nữa.
Chỗ này mình biết là trong thời gian 6 năm, ngay cả thời gian tu theo 4 tầng Thiền vô sắc, là tác động qua Giao cảm thần kinh. Dùng ý chí để nắm giữ tâm và dùng ý chí để nắm giữ thân. Có lần, chính đức Phật đã tự nhận. Trong thời gian khổ hạnh, ngài đã thực hành Thở, bằng cách nín thở ngang qua mũi, qua miệng và qua tai, ngài đã cảm thọ những cảm giác đau đớn khốc liệt, như có người đồ tể cầm con dao sắc bén cắt ngang bụng, như có người quấn sợi dây xích sắt quanh đầu rồi siết mạnh, như có 2 người lực sĩ nắm 2 cánh tay mình nuớng mình trên một hố than cháy đỏ. Có lần, ngài ép lưỡi dán chặt lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, lấy tâm nhiếp phục tâm. Tâm được chế ngự, không lay động, nhưng thân không được khinh an vì phải tinh tấn chống lại khổ thọ đó.
Tóm lại, trong 6 năm tu tinh tấn, cố gắng, miên mật, nhưng vì ép buộc thân, ép buộc tâm, nên tất cả công phu đều là pháp hữu vi, do tác ý mà thành, có mục tiêu đạt tới, có đối tượng, có tự ngã dụng công nên kết quả có giới hạn: làm chủ lậu hoặc, làm chủ cảm thọ, không dính mắc với thế gian, tuy vậy chưa kinh nghiệm «cái vô sanh» «thượng trí và niết bàn». Đây là mục tiêu của bậc thánh, trong bài kinh Thánh Cầu: «Ta đã lỡ bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, ta thấy cái nguy hiểm của bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, nay ta đi tìm cầu cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm.»
Ngài đã rời xa gia đình năm 29 tuổi, qua 6 năm tinh cần gian nan, đem thân và tâm ra thử nghiệm tất cả những lối tu khác nhau đương thời, nhưng vẫn chưa thấy được tâm an tịnh, thanh thản, chiếu sáng tất cả những chân lý của cuộc đời.
Tới đây, là một bước ngoặt quan trọng nhất. Ngài không tìm cầu bên ngoài nữa. Quay lại nội tâm.
A thì ra ta có một kinh nghiệm. Hồi đó, khi ta còn thơ ấu, ngây thơ, trong sạch, khoảng 10 tuổi. Trong một ngày theo vua cha làm buổi lễ cày cấy cho cả nước, khi vua cha xuống ruộng làm lễ, ta ngồi dưới bóng mát cây jambu trên đường, nghỉ ngơi, thảnh thơi, hít thở không khí trong lành, cậy cỏ xanh tươi, bỗng nhiên ta cảm thấy tâm trống không, yên lặng vô cùng. Nhè nhẹ khép mắt lại, ta ngồi yên, thân nhẹ nhàng như hư không, mát rượi, tất cả như tan loãng, không còn gì, không còn âm thanh, không còn hình ảnh, chỉ là bao la mênh mông, tĩnh lặng vô cùng. Cho tới khi nhè nhẹ mở mắt, vua cha đang cúi thân đảnh lễ ta, cha mĩm cười mà sao ưu tư…Ta cũng mĩm cười, trời đất như sáng rực lên…
Bây giờ, tâm ta cũng tĩnh lặng, thảnh thơi, hồn nhiên, đâu có mong cầu điều gì, nhè nhẹ đi vào không gian mênh mông tĩnh lặng. Bất động, không có thời gian… Vậy là tâm ta vẫn ở đó, tĩnh lặng, thênh thang. Lâu nay ta đã bỏ quên nó, mãi quăng mình ra chạy tìm cầu bên ngoài, hành khổ thân, hành khổ tâm. Càng tìm kiếm, nó càng biến mất. Bây giờ, mỏi mệt, thất vọng, buông tất cả gánh nặng tìm cầu, thì nó xuất hiện, tự nhiên, thầm lặng, như nó có sẵn đó, tự bao giờ.
Ta tự hỏi : «Đây có phải là đạo lộ đưa tới giác ngộ?» Ta tự biết : «Đây đúng là đạo lộ đưa tới giác ngộ». «Ta có sợ chăng hỷ lạc này?» «Ta không sợ hỷ lạc này».
Qua kinh nghiệm trạng thái tâm hoàn toàn tĩnh lặng, rỗng rang, chiếu sáng, ngài quyết định tìm chỗ vắng vẻ, không có làng xóm để có thể trải nghiệm sâu hơn những tiến trình tâm của mình. Ngài băng qua con sông nhỏ Ni liên thiền, vào khu rừng hoang cây cổ thụ Pipphala. Trải mấy bó cỏ kusha nơi gốc 1 cây pipphala, ngài nguyện: «Dù cho xương và máu của ta có khô cằn, nếu không chứng được giác ngộ giải thoát, ta quyết không rời khỏi chỗ này».
Trải qua 4 tuần lễ, dòng tâm của ngài tuôn chảy càng lúc càng trong sạch hơn, tĩnh lặng hơn, khách quan hơn, và cuối cùng rực sáng, soi thấy quá khứ của mình và của những người khác, nhận ra nguồn gốc của tái sanh là lậu hoặc. Đây là tiến trình chứng ngộ lần thứ 1 , nhận ra Ba Minh và Tứ Đế. Sau lần chứng ngộ này, tạm gọi là ABHISAMAYA (full Enlightenment) xem như ngài đạt quả vị Arahant.
Sau đó ngài lại thêm 1 lần chứng ngộ thứ 2, thâm sâu hơn, là chứng ngộ Lý Duyên Khởi, nhận ra Y Duyên tánh. Đây là quả vị Toàn Giác, hay Phật (BUDDHA) gọi là Vô thượng Chánh đẳng giác/ANUTTARA SAMMĀ SAMBODHI.
Từ đó, thành lập toàn bộ giáo pháp :
Tiếp theo là 45 năm đi giáo hóa, ngài thuyết giảng các chân lý này, và thành lập nhiều phương tiện tu học cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia, tùy theo căn cơ mỗi người. Cho nên các vị Tổ Phát triển mới nói có 84.000 pháp môn là vậy. Tức là có vô số phương tiện tu học, cũng có ý nói là cửa nào cũng có thể đi vào Đạo.
Cửa nào cũng có thể đi vào Đạo. Nhưng thiệt ra Đức Phật Thích Ca đã đi bằng cửa nào?
Đây là câu hỏi chủ ý của bài viết này. Đức Phật Thích Ca đã dùng phương tiện nào để đạt 4 tầng Thiền dễ dàng như vậy?
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Đức Phật đã trải qua lần lượt 4 tầng Thiền rồi thì trí tuệ phi thường bật ra, kiến giải Ba Minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Như vậy, 4 tầng Thiền hay Định này là nhân duyên, quả là giác ngộ.
Theo lý luận thông thường, muốn giác ngộ, phải kinh nghiệm 4 tầng Thiền. Cho nên, đối với những hàng đệ tử quyết tâm dấn thân, thì 4 tầng Thiền là mấu chốt để có thể giác ngộ. Nhưng mà, trong kinh điển, nhiều lần trình bày về 4 tầng Thiền, luôn luôn kinh chỉ nói lướt qua, rất là đơn giản:
Bốn tầng Thiền là nhân trực tiếp dẫn tới Tuệ siêu vượt phát huy, kiến giải sáng tạo, kiến giải những điều hoàn toàn mới lạ, chưa từng biết, mà tại sao kinh chỉ nói lướt qua, không nói rõ chi tiết về 4 tầng Thiền của đức Phật?
Đây là một câu hỏi mà mình vẫn mang trong tâm từ nhiều năm nay, tuy có khi cũng suy gẫm có mấy câu trả lời tạm chứ không mãn ý.
Lúc trước, mình nghĩ đơn giản, thì đức Phật thực hành pháp Thở, đây là đề mục đầu tiên trong bài kinh Niệm Xứ, cũng có kinh Định niệm hít vào thở ra. Xem như Thở là 1 phương thức được trình bày tương đối rõ ràng trong kinh. Nhưng tại sao khi kinh trình bày về 4 tầng Thiền lại không bao giờ nói: Như Lai đã dùng pháp Thở mà đi vào 4 tầng Thiền. Có lúc mình lại tự trả lời: Nếu kinh nói Đức Phật đã thực hành Thở mà đạt 4 tầng Thiền, thì có thể mấy ngàn năm nay, chúng ta chỉ thực hành pháp Thở mà thôi. Như vây cũng không được, nên kinh lướt qua chỗ này.
Đó là nghi vấn của mình thôi, có thể các bạn đã có câu trả lời rồi.
Bây giờ xin tiếp tục. Sau khi thành đạo, đức Phật bắt đầu đi khắp nơi giáo hóa. Phần giảng dạy của đức Phật lại rất rõ ràng, thực tế là giúp con người thoát khỏi khổ, bằng cách chuyển hóa nhân cách, trí tuệ mỗi người.
Ba trụ cột làm nên một con người hoàn hảo là : Giới- Định- Tuệ. Thiệt ra 3 lãnh vực này liên hệ mật thiết với nhau. Có thể nói 3 cũng là 1, là chân tâm. Tuy nhiên khi hướng dẫn những người sơ cơ, còn nhiều dính mắc, ưu phiền, đức Phật phải dạy từng bước thực hành, điển hình như trong bài Đại kinh Xóm Ngựa từ Giới sinh Định, từ Định sinh Tuệ. Tạm lược kể như sau :
Sau đây xin trình bày một phương thức khác để chứng minh Giới - Định - Tuệ đồng thời, không khác nhau. Phương tiện này xem như dành cho người căn cơ sắc bén hơn. Bài kinh Niệm Xứ hướng dẫn 3 bước thực hành:
Quán tánh sanh/diệt của thân, tho, tâm, pháp. Đây là sử dụng Quán chiếu Anupassanā.
Ba bước thực hành này đưa tới kết quả là đạt được chánh trí, chứng quả Bất Lai. Chánh trí cũng là trí của A la hán.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp căn cơ thuần thục hơn nữa, chưa xuất gia, chưa nghe Phật giảng thời pháp nào, mà đạt được 4 tầng Thiền. Đó là ngài Upāli, người thợ trẻ cạo tóc cho đức Phật, chỉ trong thời gian ngắn khi cạo tóc đức Phật xong, ngài vào tầng Thiền thứ tư rồi. Vậy ngài Upāli đã có phương pháp gì mà qua hết 4 tầng Thiền?
Còn nhóm ngài Koṇḍañña 5 vị khổ hạnh nghe Phật giảng 2 bài kinh Chuyển pháp luân đầu tiên là Tứ Đế và Vô ngã tướng, thì đắc quả Arahant. Vậy 5 vị này đã sử dụng phương tiện nào?
Còn nữa, ngài Moggallāna/Mục Kiền Liên, khi gặp Phật là đắc quả Arahant, ngài Sāriputta 1 tuần lễ sau mới đắc quả Arahant. Trong thời gian quá ngắn như thế, 2 vị đại đệ tử này đã dùng phương thức gì?
Nhớ lại thái tử Siddhattha lúc 10 tuổi, ngài biết gì mà dụng công để đạt trạng thái tâm hoàn toàn tĩnh lặng và hỷ lạc?
Bây giờ chúng ta thử sử dụng phương pháp quy nạp, tất cả những trường hợp sáng đạo trên có chung kết quả gì? Là Tâm hoàn toàn tĩnh lặng, trong sạch, chiếu sáng, là chân tâm hiển lộ. Tuy cách nói khác nhau: đạt quả vị Arahant, hay đạt 4 tầng Thiền… cũng là chân tâm hiển lộ vững chắc.
Mà chân tâm là có sẵn nơi mỗi người, hoàn hảo, hoàn thiện. Nhưng mình không biết, lại chạy theo cảnh bên ngoài. Một khi quay lại nhìn thì thấy nó ngay lập tức. Khi chân tâm không bị che lấp, thì nó hiển hiện rõ ràng. Lậu hoặc như mây mù che lấp chân tâm. Cho nên khi thấy rõ chân tâm thì tự khắc lậu hoặc tan biến, vì lậu hoặc là pháp hữu vi, do tạo tác huân tập mà thành, nó vô thường, biến hoại, hiện rõ là trống không, như mộng như huyễn.
Chân tâm, tạm gọi như vậy, thiệt ra nó không có tên, chân tâm là tự nhiên, có sẵn, trong sạch, chiếu sáng, khách quan, nó là pháp vô vi, vô tác, vô nguyện, không do duyên sinh nên không do duyên diệt. Thiệt ra không có thể diễn nói về nó, không thể dùng phương tiện gì để đạt được nó. Nếu dùng phương tiện đạt được nó thì nó trở thành pháp hữu vi, thì nó có sinh có diệt, không phải là chân tâm.
Bốn tầng Thiền mà có dụng công, có cố gắng, có kỹ thuật, có chủ đề, thì là pháp hữu vi, vô thường, biến hoại. Nó chỉ là một dòng sông tâm tuôn chảy tự nhiên, thanh thản, dần dần trong sạch, trở về nguồn cội thiên nhiên. Vì đời, mà đức Phật phải tạm nói 4 tầng Thiền, phải tạm nói quả vị Arahant, phải tạm nói kia là luân hồi sinh tử, đây là niết bàn tịch tịnh. Chúng ta cần hiểu là 4 tầng Thiền bản thể rỗng không, quả vị Arahant cũng rỗng không, luân hồi sinh tử rỗng không, thì cần gì phải lập ra niết bàn, niết bàn cũng rỗng không như vậy.
Đêm nay, mới hiểu vì sao kinh điển không nói rõ Đức Phật đã thực hành như thế nào trải qua 4 tầng Thiền. Nếu có thực hành thì cả thế gian liền có: có ta thực hành, có đối tượng, có phương pháp, có mục tiêu nhắm tới, có đạt được quả vị, có mong cầu, có sanh có diệt, có vô thường, có biến hoại…thì rơi vào thế gian sanh trụ hoại diệt để rồi tái sanh.
Tổ Đình, 6-2-2025
TN
CHỖ ĐÓ LÀ CHỖ NÀO ?
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download