Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 54
Sáng nay, mặt trời không lên, không có nắng, cũng không có mây, chỉ thấy một màu trắng đục. Sân vườn trước mắt thì đầy cây cảnh, ngay bây giờ thì màu xanh sậm, mấy khóm hoa 10 giờ màu tím thẫm, đậm đà thấy vẫn đẹp, mặn mà. Ngày hôm qua trời nắng ấm sáng rực, hoa nở mãn khai, tím sáng rỡ, lóng lánh. Buổi sáng nay, hoa lá nhu mì, trầm mặc, thu mình khiêm tốn trong không gian lành lạnh không nắng, không gió, không mây.
Sáng nay, tổ đình có nhờ một người tới giúp dọn đất để trồng hoa ở sân trước. Sân trước, từ nhiều năm rồi, chỉ có cỏ dại, mùa xuân thì cỏ dại cũng đơm hoa, hoa nhỏ li ti màu vàng tươi. Miền đồi núi này, hai bên con đường đất nhỏ, trên sườn đồi cao, cũng có nhiều tấm thảm cỏ hoa vàng.
Chú dọn đất, bắt đầu lấy cuốc dẫy cỏ dại, rễ không sâu, chú chỉ dẫy đất trên bề mặt thôi, vun lại thành đống nhỏ, vừa rễ, sạn sỏi, vừa hoa dại rồi xúc lên cái chậu không trên xe cúc kích kéo qua bên kia sân, gần hàng rào, đất bỏ trống, đổ xuống đó. Rồi chú lấy bao đất phân trải trên đất, sẵn sàng cho việc trồng hoa sau này. Chú lại tiếp tục làm cho hai khoảng sân trống bên kia.
Sáng nay, nhìn chú chăm chỉ làm việc, mình thấy ngay cái tiến trình tu của mình giống y chú vậy. Thì cũng ba chữ: Văn- Tư- Tu thôi.
Mình giao cho một cô thiền sinh nhỏ tuổi, Như Trúc, lo việc giao tiếp trông coi chú này, vì cần nói tiếng Anh. Em hổm rày được nghỉ, lên Tổ đình tu, thiệt ra là làm mọi việc giúp tổ đình. Công việc của chú là dọn đất thôi, chú nghe hiểu là Văn. Rồi là bắt đầu thực hành ngay, không chần chờ, không do dự. Đối tượng làm việc của chú là dọn đất, phải thay thế đất khô cằn thành đất tốt phì nhiêu. Đầu tiên chú phải đào lên những cây dại. Trong khoảng sân này có một gốc cây lớn đã cưa thân rồi, nhưng còn gốc khô khoảng vài tấc trên mặt đất, cần đào lấy gốc. Đất ở đây khô như chỉ là cát, và sỏi sạn thôi, có thể nhiều năm qua, nước mưa, dù là rất hiếm ở Cali, đã lần lần mang đi hết những gì là phì nhiêu của đất. Hổm nay, Cali có mưa tương đối nhiều hơn các năm khác, nên đất có vẻ như mềm hơn, nhưng trên bề mặt khoảng sân này cũng chỉ là cát, và sỏi thôi.
Chư Tổ Thiền ngày xưa, ngài Bá Trượng đã nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”. (Đất tâm nếu là trống không, mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu sáng). Chúng ta tu, cũng chỉ là dọn dẹp cái tâm của mình để gieo trồng hạt giống bồ đề.
Làm sao dọn dẹp cái tâm của mình? Cái ý tưởng nào là không đúng? Thì phải cần nghe Đức Phật dạy. Nhưng mình nghe Đức Phât nói rõ trong kinh điển mà có khi không hiểu, phải cần tới vị thầy, nên vị thầy không thể thiếu, mới được xem là Tăng Bảo. Thầy cũng chỉ nhắc chúng ta quan sát cảnh khách quan, quan sát tâm mình chân thật.
Quan sát cảnh khách quan để không thu nhặt thêm những cái xấu bên ngoài, không dấy động tâm thêm vì những tác động bên ngoài. Quan sát tâm chân thật để loại trừ những ý tưởng xấu ác, tham lam, dính mắc, thù hận, ganh tỵ, để biết ý tưởng nào xấu ác, suy gẫm những kết quả nguy hiễm của ý nghĩ, lời nói, hành động xấu ác sẽ gây ra cho mình và cho người khác. Mà cái kết quả xấu trước nhất là ảnh hưởng tức khắc tới mình, chứ không phải là ai khác. Đây là công việc của Tư. Nó sẽ khai mở trí tuệ của mình từng bước, từng bước. Công việc này là quan trọng nhất, khó khăn nhất, chua xót nhất. Vì sao? Chỉ vì ta luôn thấy mình tốt, luôn thấy mình đúng, mình giỏi hơn người kia, mình phải được nhiều người tôn trọng v.v…Chỗ này ngày xưa Đức Phật đánh vào đây trực tiếp, bằng đời sống thực tế: ly gia cắt ái, khất thực, vào rừng, sống độc cư, thì cái ngã tự cao, cái tâm lười biếng, ngạo mạn, ganh tỵ không còn. Thì chú dọn đất, cũng là đang dẫy cỏ dại mọc không đúng chỗ, đâu ai cần mà cứ mọc, sỏi sạn nhiều thì làm sao trồng cây tốt được.
Những tiến trình của Tư rất quan trọng, cũng là bắt đầu công việc đào bới kho báu trí tuệ của riêng mình đó các bạn ơi. Bước đầu của Văn là nghe, từ kho báu trí tuệ của Đức Phật, được vị thầy giải thích lại, thì cũng chỉ là kho trí tuệ của vị thầy.
Tới Tư, thì mới bắt đầu dẫy cỏ dại, đào bới gốc rễ của tham, sân, si mà phơi bày cái xấu ác của tự ngã. Khi nào ta biết rõ ta? Đó là khi tự mình biết xấu hổ, chỉ lo cắm cúi tu một mình thôi, không dám ngẫng cao đầu lên nhìn ngó lỗi phải của người khác nữa. Lúc ấy họa may là có tiến một chút. Cho nên Đức Phật mới dạy Tam Tuệ: văn sẽ phát sinh trí tuệ, tư sẽ phát sinh trí tuệ, rồi cuối cùng tu sẽ phát sinh trí tuệ cao hơn nữa.
Chú làm vườn bây giờ đã dọn đất xong một khoảng sân, chú đã rải phân đều lên mặt đất rồi. Chú bắt đầu qua khoảng sân bên kia làm tiếp. Vài tháng sau, chúng ta sẽ trông thấy sân trước của tổ đình cũng sẽ có hoa lá xanh tươi bốn mùa, như sân sau vậy. Để rồi năm sau, chúng ta có thể tổ chức Ngày Truyền thống kỷ niệm 30 năm Thiền Tánh Không tại Tổ đình, hoa lá xanh tươi hơn.
Mảnh đất tâm không còn cỏ dại nữa, đã lấy đi sạn sõi rồi, gốc rễ cỏ cũng không còn, thì mình cứ gieo trồng cây cảnh nào mình thích. Nào là cây trường sinh, nào là cây bồ đề, hay là hoa vạn thọ, hay là hoa vô ưu, chỉ nghe tên gọi thôi, mình cũng thấy đẹp rồi. Đây là bước cuối, Tu, cũng là áp dụng vào cuộc sống, để đất tâm có thể đơm hoa ra trái, mình mới có hoa thơm trái ngọt dâng hiến cho đời.
Như vậy ba bước văn- tư- tu đều quan trọng, không thể thiếu bước nào. Nếu không hay lắng nghe lời của bậc thiện tri thức thì làm sao hiểu biết những sự thật của thế gian. Nghe rồi về nhà quên hết cũng không được. Đức Phật xếp người này có “trí tuệ bắp vế”, là người khi nghe pháp thì hiểu, mà khi đứng lên ra về, thì quên hết, như thức ăn để trên bắp vế, khi đứng lên, thức ăn liền rơi xuống đất (bài kinh “Lộn Ngược”). Bước Tư cũng quan trọng, là để phát triển thêm sự hiểu biết cho sâu hơn, rộng hơn nữa, cũng là chánh tư duy, là như lý quán chiếu, thuộc về Thiền Quán. Bước Tu là đem áp dụng trong thực tế, thì mới có kết quả trên sức khỏe, tâm và trí tuệ nhiều hơn, đối với mình và ảnh hưởng tới người khác nữa.
Mảnh đất tổ đình là công sức, mồ hôi nước mắt của bao nhiêu thiền sinh khắp nơi góp lại, cũng đâu khác là trải vàng trên đất này, cho nên nó cũng là ruộng phước cho chúng ta gieo trồng. Mảnh đất tâm của mình, nói nó nhỏ thì nó nhỏ, mà nói nó bao la như hư không thì nó cũng thiệt là vô cùng tận như hư không. Đã từ lâu chúng ta không chăm sóc nó, cỏ dại, sạn sõi khô cằn, nay cần phải dọn dẹp lại. Bài “Đại kinh Xóm Ngựa”, Đức Phật ân cần nhắc nhở đó, nào là giữ gìn thân khẩu ý và đời sống thanh tịnh, không che giấu, không tỳ vết…nào là ngày đêm đều phải chú tâm cảnh giác không cho pháp ác khởi lên trong tâm, và phải đoạn trừ năm chướng ngại:
- Tham
- Sân
- Hôn trầm thụy miên
- Trạo cử hối quá
- Nghi
Tới đây là tâm hỷ lạc tràn đầy, biết rằng mình đã qua hết khổ não.
Chiều nay, ngắm nhìn khoảng sân rộng trước tổ đình sạch bót, một màu đen phì nhiêu, đất xốp, sẵn sàng chờ đón được gieo trồng, mình cảm thấy vui. Các bạn hiền ơi, đất tâm nếu trống không, mặt trời trí tuệ sẽ tự chiếu!
Tổ đình, 25- 4- 2024
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 54
ĐÀO BỚI RUỘNG PHƯỚC
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download