TỔ ĐÌNH VÀO XUÂN
Hôm nay đang giữa tháng 2, theo nguyên tắc thì đang mùa đông. Tuy nhiên, chúng ta đã ăn Tết 2 tuần rồi, mình cứ thấy là mùa xuân đang tới. Mấy ngày mưa vừa qua đã tưới tẩm cây cảnh thiền viện xanh tươi hẳn lên. Thiệt vậy, Tổ đình chúng ta đang “thay áo mới” chờ ăn mừng ngày Kỷ niệm 30 năm Thiền Tánh Không sắp tới đây. Mấy hàng cây thủy tiên dọc theo hàng hiên chánh điện bắt đầu xuất hiện ra lá xanh mướt. Mấy gốc hoa mai vàng đã bung nở hoa, tuy khí trời vẫn còn lành lạnh. Nhưng “cái áo mới” ở đây mình thấy rõ nét nhất là mấy cái cốc nho nhỏ của Tổ đình mình.
Tổ đình có tất cả 30 cốc, là mấy cái nhà nhỏ xíu, như nhà của “7 chú lùn”, hay nhà để cho chú “Le petit poucet” vậy. Mỗi cốc có 2 giường đơn, có khi có 3 giường, có máy sưởi và máy lạnh đầy đủ, vì ở vùng đồi núi này mùa hè nóng và mùa đông lạnh hơn dưới phố. Mấy cái cốc khi xưa Thầy làm cho thiền sinh ở xa tạm trú trong những khóa nhập thất. Chắc phải trên 10 hay 15 năm rồi. Tất cả toàn là màu xám, cửa thì màu trắng.
Vừa qua, mình khởi ý muốn sơn lại, thấy màu xám có chỗ đã bạc màu rồi. Mình dự tính trong 3 tháng an cư tại tổ đình, tháng 1- 2 và 3 này, sẽ cùng với Như Vân, từ từ sơn lại, tới đâu hay đó không gấp. Mình sẽ sơn chỗ thấp, dễ, Như Vân sơn chỗ khó hơn, phải leo thang. Hôm sinh hoạt với đạo tràng Nam Cali, có lẽ vui miệng, mình nói dự tính này. Không ngờ, sau đó nghe tin Như Quỳnh sẽ bay xuống tổ đình ở 1 tuần để sơn lại mấy cái cốc. Hỏi kỷ lại, tại sao biết chuyện ở tổ đình? Thì ra, ông Tuệ Nguyên nghe vậy, nói cho Như Thảo biết, Như Thảo cho Như Quỳnh hay. Rồi Như Quỳnh thu xếp công việc, tù North Carolina bay xuống, cùng với bà chị, là bà Hương.
Mấy năm trước, cũng là Như Quỳnh đã phát tâm sơn lại bên ngoài của thiền viện. Một người làm biết bao giờ mới xong, lần đó, cũng đại gia đình của Như Quỳnh có: chị là Như Thảo với 2 cậu con trai là Hy và Minh, em là Sỹ và vợ là Michelle, và 2 cô con gái của Như Quỳnh nữa.
Năm nay không có 2 cô trẻ này, mà có thêm bà Hương, lớn tuổi, chỉ thích quét sân, quét dọc con đường thiền hành dài quanh sân tổ đình. Ở suốt một tuần tại tổ đình chỉ có Như Quỳnh, Michelle và bà Hương. Cuối tuần có thêm Như Thảo, Sỹ, Hy và Minh. Như Vân cũng phụ sơn, học nghề và lo cơm nước.
Trước ngày hẹn của nhóm Như Quỳnh tới làm việc thì Tuệ Sơn và Huệ Châu đã thu xếp công việc, từ thành phố Gilroy gần San Jose, lái xe xuống Tổ Đình, làm mọi việc để chuẩn bị trước, khi nhóm “thợ sơn trẻ” này tới là tất cả 30 cái cốc đã sẵn sàng “mặc áo mới”. Tuệ Sơn suốt ngày loanh quanh. Quan sát các cốc, chỗ nào hư hỏng điện, nước, máy sưởi máy lạnh, vách nhà, tự ý điều chỉnh lại. Huệ Châu thì có cái máy xịt nước, rửa các pho tượng đá ngoài trời, rửa các vách tường bụi bặm, giặt rửa mấy chục cái ghế cất trong kho, rửa sạch xong, đem phơi nắng cho khô. Hôm đó cũng có Đạo Chiếu lên phụ và 2 người bạn trẻ của Tuệ Sơn Huệ Châu mới tới Tổ đình lần đầu, cũng ra nắng, vui vẻ làm công quả.
Qua một tuần mới thấy công việc sơn mấy cái cốc không phải đơn giản. Mình cứ tưởng chỉ phết qua phết lại xanh xanh đỏ đỏ là được rồi. Không ngờ là khó lắm: phải sơn cho đều, không nhiều cũng không ít nước sơn, không được lem luốc, lại thêm khi nắng khi gió khi mưa. Rồi phải leo thang ở mấy chỗ cao cao, cổ thì ngó lên ngó xuống, tay cầm cây cọ, khi ngắn, khi dài. Sợ bụi thì phải mang khẩu trang. Tới chiều chạng vạng tối, không còn thấy rõ nữa mới chịu nghỉ, ăn uống xong lại rủ nhau mấy chị em chất đầy một xe, đi Home Depot mua thêm sơn hay dụng cụ cần dùng. Mà nước sơn cần phải chế biến thêm nên chờ hơi lâu. Mấy lần phải 9 – 10 giờ tối mịt mới về.
Mình chọn mãi mới được vài màu tạm, vừa sáng, vừa tươi tươi cho tổ đình trẻ lại một chút. Mỗi cốc tuy nhỏ cũng có “áo mới ba màu”. Thường sơn nhà có 3 chi tiết: “body, trim, accent”. Mình chọn 5 cốc đầu gần cổng ra vào, sơn body màu đất đỏ, trim màu nâu đậm, cửa màu trắng. 6 cốc gần thiền viện nhất bao quanh thiền viện, body màu trắng, trim màu nâu đậm, cửa màu đất đỏ. 5 cốc xa hơn, gần pho tượng đức bồ tát Quan Thế Âm, body màu vàng, trim màu xanh lá, cửa màu trắng. Còn lại chưa sơn, là hàng cốc trên đồi cao cao, xây sau nên nước sơn còn mới, toàn màu xám, cửa màu trắng.
Trong tuần vừa qua có gần 3 ngày mưa dầm nên mấy cô quay vào nhà, lại sơn nữa, sơn được 1 phòng trên lầu và 2 phòng tầng trệt. Phòng sơn lại thấy mát rượi, quang đãng hơn.
Chiều nay mấy cô vẫn còn hoàn chỉnh tất cả, và dọn dẹp đồ nghề. Sáng thứ ba Như Quỳnh phải bay về lại N. Carolina. Đó là mới nói tới công việc sơn lại các cốc. Từ trước tới nay, giúp công việc bảo trì thiền viện trường kỳ thì có Tuệ Sơn và Huệ Châu, 2 cô chú này tuy ở xa, thỉnh thoảng vẫn lái xe xuống tổ đình, ở mấy ngày, làm xong việc mới về. Nào là cắt cây, cưa cây, nào là sửa điện, sửa nước, mái nhà bị dột, phải kêu hảng chuyên môn tới, Tuệ Sơn Huệ Châu phải xuống và trông coi xong mới về.
Thiền viện là của chung, ai cũng có thể tới đây tu tập, mà ai cũng có thể góp công bảo trì. Cho nên mới nói thiền viện là ruộng phước. Một hạt giống tốt gieo trồng thì tự nhiên ra hoa ra quả ngon ngọt. Làm việc chung cho tập thể, cho người khác, tuy nói là tu phước, nhưng ta cũng biết là mình làm mà không mong cầu ai cám ơn hay khen ngợi, biết là cần, là đúng, là có ích lợi, thì mình làm, đó cũng là trí tuệ hiển hiện ra trong đời sống thực, chứ không phải tu chỉ là tụng niệm hay ngồi thiền trước bàn Phật mới là tu.
Hôm nay, 1 ngày nắng ấm, thấy tổ đình trẻ ra, mình gởi tới các bạn những hình ảnh chụp mấy ngày qua. Nhìn kỷ các bạn sẽ thấy có cốc chưa sơn, còn “mặc áo cũ” màu xám, có cốc đang sơn mà chưa hoàn tất, có cốc đã hoàn chỉnh rồi. Và đó là công sức của những người bạn trẻ của chúng ta.
Tổ Đình, 16-2-2025
TN
Cho con và gia đình con có cơ hội góp tay sơn lại mấy cốc nhỏ.
Chuyến này về tổ đình con nhận ra được ý nghĩa của "hoa vi tíu " nhờ ni sư giảng bài " tâm-phap"
Thấy được lợi ích việc giữ giới mà mấy lâu nay trong kinh hay đề cập .
Và hiểu được ý nghĩa " sống bằng hỷ
Con Như quỳnh .