Sáng nay, một buổi sáng đầu năm mới, 2025, xem như mùng 3 Tết Tây phương. Tết Tây phương lại nhằm mùa đông, năm mới theo Tây lịch lại bắt đầu vào mùa đông ở đất trời này, trong khi ở bên kia đại dương, ở Úc châu, bây giờ là mùa hè. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chấp thuận bây giờ là bắt đầu năm mới, năm 2025. Vậy thì sáng nay, chúng ta sẽ mở tiệc ăn mừng năm mới nha các bạn.
Bữa họp mặt đầu năm này có một ổ bánh đặc biệt, mới vừa xuất hiện sáng nay thôi, như có bà tiên trong truyện cổ tích vừa giơ cao cái đủa tiên là ổ bánh xuất hiện vậy. Cho nên mình muốn đặt tên là “ổ bánh Tiên” hay “ổ bánh Thiền” hay “ổ bánh thập cẩm” cũng được.
Chúng ta có mấy thứ vật liệu nền tảng: bột mì, đường, sữa, thì Đức Phật đã cho mình: Giới, Định, Tuệ. Làm bánh thì trước nhất cân lượng đầy đủ, rồi nhào bột lại rồi cuối cùng đem vào lò nướng, phải không các bạn, thì đức Phật dạy mình 3 bước: Văn, Tư, rồi mới Tu.
Văn là nghe, nghe pháp cũng phải có trí tuệ, nghĩa là đúng cách. Đức Phật thường tán thán hạnh đa văn, nghe nhiều từ chính Đức Phật hay từ các vị đại đệ tử trong tăng đoàn Đức Phật. Nghe thuyết pháp thường xuyên thì ghi nhớ rõ ràng, trở thành nhận thức cô đọng, thì không thực hành sai lạc. Nghe nhiều như vậy là có tuệ trí, có pháp trí, hiểu biết các qui luật điều hành thế gian, tâm bớt dính mắc vào thế gian. Cho nên đa văn là một phương thức sống đúng chánh pháp trong bước đầu của bậc hữu học.
Có một bài kinh, nhan đề là “Lộn ngược” trong Nikāya, đức Phật phân loại 3 hạng người nghe pháp:
- Nghe pháp mà không hiểu, khi đứng dậy ra về thì quên hết, về nhà không biết gì để thực hành. Đức Phật so sánh hạng người này như cái ghè lộn ngược, cái ghè chứa nước nhưng lại úp miệng xuống nên không chứa nước được, như bao nhiêu pháp giảng đều rơi ra ngoài. Đức Phật gọi đây là “trí tuệ lộn ngược”.
- Nghe pháp thì hiểu, khi đứng dậy ra về thì quên hết, như thức ăn đang để trên bắp vế, khi đứng lên thức ăn rơi hết xuống đất, về nhà không thực hành được. Đức Phật gọi là “trí tuệ bắp vế”.
- Nghe pháp thì hiểu, đứng dậy ra về thì ghi nhớ, về nhà thực hành đúng. Đây là bậc có trí.
Tóm lại Tam Tuệ là Văn, Tư, Tu. Ta có thể nói là: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Nghĩa là văn cũng phát sinh trí tuệ, tư cũng phát sinh trí tuệ và tu cũng phát sinh trí tuệ. Mà ta cũng thấy rõ là cả 3 bước văn- tư- tu đều phải đặt trên nền tảng trí tuệ thì mới là thực hành đúng. Có nghĩa là trí tuệ là Nhân mà cũng đồng thời là Quả của Tam Tuệ.
Cái ổ bánh, bánh sinh nhật, hay bánh bông lan, mà không có trứng gà thì ổ bánh không mềm mại, nếu chỉ có bột, đường với sữa. Cho nên ta có thêm Quán hay Quán chiếu. Trứng gà có nhiều thứ, trứng nâu hay trắng, trứng «organic» hay trứng công nghệ, nhưng thôi, miễn trứng là được rồi.
Thì Quán cũng có mấy loại, thực tập hơi khác nhau:
Trong tiến trình tu học của chúng ta có Quán tức là quan sát với trí tuệ, suy nghĩ, suy gẫm, lý luận, đối chiếu kinh điển, đối chiếu khoa học, đối chiếu kinh nghiệm thực tế của mình, từ đó có cái thấy đúng với sự thực, tạm nói là chánh tư duy, đưa tới chánh kiến, hay chánh tri kiến, cũng gọi là tuệ trí (insight). Cuối cùng đưa tới chánh trí và chánh giải thoát, là trí của bậc Arahant. Vậy phương thức Quán cũng quan trọng không kém vai trò quan trọng của Giới, Định hay Tuệ.
Bánh thường có thêm nước cốt dừa, bớt một chút nước lọc đi. Nước cốt dừa beo béo, thêm hương vị đậm đà. Mình có thêm một phương thức tạm đặt tên là Samatha (hay Chỉ, là sự yên lặng của tâm/tranquility, calmness). Tâm bớt phóng ra ngoài, bớt buồn vui giao động lăng xăng (Chỉ), thì mình mới giữ gìn được giới đức (Giới), không lay động (Định) và nhìn đời khách quan hơn (tuệ). Và cũng từ công phu giữ gìn Giới, Định, Tuệ mà có tâm yên lặng vững chắc hơn. Nên chúng ta cũng có thể nói: Chỉ/Samatha là Nhân mà cũng là Quả trực tiếp của Giới, Định và Tuệ.
Bây giờ tới lúc làm bánh, phải đánh trứng gà cho nhuyễn, bong lên rồi mới từ từ rây đường, rây bột vào, từ từ trộn cho thiệt đều, nước cốt dừa, hay 1 chút vanille thơm v.v… rồi mới chuẩn bị cho vào khuôn để nướng. Thì chúng ta tu tập cũng vậy, phải kiên nhẫn nghe pháp, phải miên mật thực tập mỗi ngày, nào là thấy, nghe và xúc chạm cảnh thế nào, nhận biết đúng y như vậy. Mỗi ngày, chân thật nhận thấy mình khá hơn một chút. Mấy đức tánh: kiên nhẫn, miên mật, chân thật …như là gia vị thêm vào thì "ổ bánhThiền" mới ngon.
Bây giờ, đem ổ bánh vào lò nướng, phải vặn lửa nóng cho đúng, nếu ít nóng thì bánh sẽ chai, không nở phồng, mà lửa nhiều thì bánh sẽ chai và khét mà chưa kịp nở ra. Vậy thì phải cho sức nóng đúng với từng loại bánh, theo đúng chỉ dẫn của sách hay kinh nghiệm của người khác.
Đức Phật dạy chúng ta phương cách Trung Đạo. Sống và tu đều phải dung hòa, không đi tới thái quá thành ra dính mắc hay rơi vào chỗ cực đoan.
Thí dụ như: đa văn là tốt, nhưng nếu ta cứ đi nghe pháp hoài mà không thực hành thì rơi vào lý thuyết suông, hay đi chỗ này chỗ khác, nghe pháp nhiều nơi, có khi rối ren, không biết cái nào thích hợp với mình. Trái lại nếu ta không thích nghe giảng pháp, mà chỉ thích ngồi thiền, im lặng hằng giờ, không thích tìm hiểu kinh điển, thì có khi thực hành sai lệch mà không biết.
Thí dụ như tinh tấn, miên mật là tốt, nhưng nếu ta cố gắng buộc thân phải ngồi yên hằng giờ, có đau nhức cũng cắn răng, thì sẽ tác động qua giao cảm thần kinh, tim đập nhanh, mồ hôi ra v.v…Trái lại nếu ta dễ dãi với mình, thích vui chơi, tụ họp bạn bè, quên quan sát tâm mình, thì rơi vào chỗ phóng dật, phóng túng.
Trung Đạo là nghệ thuật sống hài hòa, thích hợp trong từng môi trường, từng hoàn cảnh. Căn bản là phải có trí tuệ để biết hành xử khéo léo trong mỗi lúc. Cuộc sống là luôn luôn chuyển hóa thay đổi, luôn luôn đổi mới, nếu ta khăng khăng theo một qui định nào, theo một nguyên tắc nào, một tiền lệ nào hay một cách xét đoán nào, thì có khi rơi vào chủ quan, đi tới cố chấp.
Cho nên, Trung Đạo cũng có nghĩa là không dính mắc vào cái gì trong đời, là chỗ vô trụ.
Bây giờ ổ bánh đã nướng xong, màu vàng ươm, thơm phức, chúng ta chia cho mỗi bạn một lát bánh mềm mại ngọt ngào. Cácbạn ơi, ổ bánh do tự tay mình làm ra, mình mới có bánh đem phân phát cho bạn bè. Bạn có hỏi cách làm bánh, mình mới trình bày rõ ràng và đúng từng bước làm bánh, còn nếu là ổ bánh mua ở tiệm thì làm sao nói lại cho bạn cách làm bánh ra sao, phải không bạn? Thì đó là biện tài. Biện tài là kết quả tất nhiên của tiến trình tu tập của mình. Biện tài là kinh nghiệm thực sự của mình thôi, đâu phải là cái gì ngoài tầm tay. Nếu không biện tài thì là chưa có kinh nghiệm, là chưa có trí tuệ.
Đầu năm mới, xin gởi tặng bạn ổ bánh Thiền này, nó ngọt hay nhạt, là tùy nơi bạn thấy mùa đông là mùa đông hay trong mùa đông đã có mùa xuân rồi. Trước khi ăn bánh, chúng ta sẽ hát bài Auld Lang Syne, tiễn năm cũ qua, đón mừng năm mới:
Bài hát này cũng chấm dứt “Tiếng Hát Giữa Trời”. Tuy nhiên còn sống thì vẫn còn hát, vẫn còn đi. Hát thì còn dư âm, đi thì còn để lại dấu chân. Những dấu chân dài dài trên bờ biển Tuy Hòa hôm ấy, những dấu chân chập choạng in trên bãi cát vàng nâu, chỉ một thoáng, sóng trắng xóa tung tăng tràn vào, rồi rút lui ra biển, còn lại gì đâu, mặt cát phẳng lì, dấu chân biến mất. Nhưng kìa, ta lại bước đi, dấu chân lại in trên cát, và rồi sóng biển tràn vào, bãi cát phẳng lì, ta vẫn cứ đi, mãi mãi là người đi một mình, không để lại dấu vết.
Thiền viện Chân Như
3- 1- 2025
TN
DẤU CHÂN TRÊN CÁT
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download