Thiền Tuệ: “QUÁN TÂM TRÊN TÂM”
I. DẪN NHẬP
Khi nói đến thiền Quán là nói đến Tứ Niệm Xứ. Quán Tứ Niệm Xứ là thiết lập Chánh niệm trên bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Những lần sinh hoạt trước, chúng ta đã học qua phần quán Thân và quán Thọ. Quán Thân có sáu đề mục để thực tập, đó là quán hơi thở; quán bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi; quán các hành hoạt của thân; quán tứ đại: địa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại; quán 32 thể trược; và quán tử thi. Quán Thọ là quán các cảm thọ nơi thân tâm gồm Khổ thọ là những cảm thọ buồn phiền, không dễ chịu. Lạc thọ là những cảm thọ dễ chịu, thích thú, hài lòng. Xả thọ là những cảm thọ bình thường không khổ cũng không lạc.
Hôm nay chúng ta bước qua phần thứ ba, đó là “Quán Tâm trên Tâm”. Muốn quán Tâm, chúng ta cần tìm hiểu xem Tâm là cái gì?
II. KHÁI NIỆM VỀ TÂM
Tâm tiếng Pali là Citta. Theo định nghĩa của A-tỳ-đàm (Abhidhamma), Tâm được dịch là “cái biết cảnh” hay “cái bắt cảnh”. Có cảnh mới có tâm, không có cảnh không có tâm. Con người có sáu cảnh, đó là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Tâm nhận biết cảnh qua sáu căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý gọi là Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Như vậy tâm duyên cảnh mà sinh khởi. Từ một trong sáu Thức, phát sinh nhiều tâm khác như: Tâm thương, tâm ghét, tâm vui, tâm buồn, tâm hận, tâm oán, tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm pháp, tâm ấn, tâm bình đẳng, chân tâm, vọng tâm v.v... gọi chung là tâm sở.
Tâm gồm có ba phần: Ý (Mano), Thức (Vinnana), Tâm (Citta). Tên gọi khác là Ý Căn, Ý thức và Trí năng. Ý hay Ý căn có khả năng tư duy, suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra, thường hướng về quá khứ nên trong kinh gọi là Tâm quá khứ. Ý thức thì có khả năng tổng hợp, phân biệt, nhận định... đưa đến quyết định qua lời nói, hành động ngay trong hiện tại nên gọi là Tâm hiện tại. Vai trò của Tâm (hay Trí năng) là huân tập, dung chứa những thông tin từ Ý Căn và Trí năng rồi phát họa ra ý tưởng hành động trong tương lai, nên được xếp là Tâm tương lai. Cả ba gọi chung là Tâm Ba thời.
Về tướng trạng, tâm có hai mặt: Động và Tịnh. Động là mặt nổi. Tịnh là mặt sâu lắng yên lặng.
1) Động hay tướng ảo: Là mặt nổi của tâm, do cảnh vật bên ngoài tác động thông qua sáu căn, nên cảnh hiện khởi trong tâm để cho thức thấy biết. Gọi là động vì lúc nào tâm cũng dao động, bất an, do suy nghĩ; phân biệt phán đoán, vẻ vời của ý căn, ý thức và trí năng. Gọi là ảo, vì tâm thay đổi từng sát-na, lúc vui, lúc buồn, lúc thương, lúc ghét, lúc vầy lúc khác... nên cái biết của nó không thường hằng. Tâm này còn có tên gọi khác là Vọng tâm, Tâm thế gian hay Tâm ba thời.
1) Tịnh hay tướng thật: Chiều sâu bên trong của tâm, tức bản thể của tâm là sự yên lặng, sâu lắng, bất sanh bất diệt. Ở nó, có cái “tự biết” thường hằng bẩm sinh không cần học hỏi. Đối tượng như thế nào nó biết như thế đó, không khen, không chê... tức không chế định bất cứ điều gì lên đối tượng nên nó được xem là thật tướng. Tên gọi khác của tâm này là Tánh giác, là Chân tâm hay Tự tánh v.v...
Khi tu tập bất cứ pháp môn nào, đức Phật cũng dạy hành giả nên quay về chỗ Thật tướng của tâm, tức quay về Chân tâm, nghĩa là hành giả trở lại sống với cái Tự tánh chân thật của mình. Thật tướng chỉ thuần là cái “Tự Biết” là cái “Tuệ tri”. Đối tượng hiện hữu nó biết, không có đối tượng, nó cũng biết. Cho nên đặc tính của Thật tướng tâm là thường biết, thường tri.
III. KINH VĂN “QUÁN TÂM”
Bây giờ chúng ta vào đề mục chính là học phần “Quán Tâm” trong bài Kinh Tứ Niệm Xứ. Kinh ghi như sau:
“Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri: “Tâm có tham”; hay với tâm không tham, tuệ tri: “Tâm không tham”. Hay với tâm có sân, tuệ tri: “Tâm có sân”; hay với tâm không sân, tuệ tri: “Tâm không sân”. Hay với tâm có si, tuệ tri: “Tâm có si”; hay với tâm không si, tuệ tri: “Tâm không si”.
Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: “Tâm được thâu nhiếp”. Hay với tâm tán loạn, tuệ tri: “Tâm bị tán loạn”. Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: “Tâm được quảng đại”; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: “Tâm không được quảng đại”. Hay với tâm hữu hạn, tuệ tri: “Tâm hữu hạn”. Hay với tâm vô thượng, tuệ tri: “Tâm vô thượng”. Hay với tâm có định, tuệ tri: “Tâm có định”; hay với tâm không định, tuệ tri: “Tâm không định”.
Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: “Tâm có giải thoát”, hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: “Tâm không giải thoát”.
Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm” (hết trích)
IV. TÌM HIỂU Ý NGHĨA - KINH VĂN
- Thế nào là “Quán Tâm trên Tâm”: Quán là quan sát, là tuệ tri, là ghi nhận, là hay biết... Chữ Tâm đầu tiên được hiểu là Thức. Chữ Tâm thứ hai trong “Quán Tâm trên các Tâm” chỉ toàn bộ hệ thống 6 thức của chúng ta. Thức nào trổi lên mạnh nhất thì lấy cái đó làm đối tượng để quán. Quán một thức trong 6 thức đang vận hành gọi là “Quán Tâm trên các Tâm”.
Quán hay Niệm ở đây bao gồm ý nghĩa là quán sát, tuệ tri. Tuệ tri là cái biết trong sáng khách quan. Còn tâm bị quan sát là trạng thái hiện hữu của tâm thức, là những phản ứng của tâm thí dụ như tâm thiện, tâm ác, tâm tham hay tâm sân... gọi chung là tâm sở.
Quán tâm là ghi nhận, hay biết rõ những gì đang xảy ra nơi tâm, tức những hoạt động ở nơi tâm. Như vậy thiền Quán là nhìn sâu vào sự vật hiện tượng để thấy được hoạt động của nó, từ đâu có nó và bản chất của nó như thế nào.
Trong kinh Tứ Niệm Xứ hay Đại Niệm Xứ, đức Phật đưa ra 16 tâm để hành giả thực tập:
1) Khi tâm có tham, hành giả tuệ tri tâm có tham. Tâm tham là khi tâm bị dính mắc hay ràng buộc với một ái dục nào đó, chẳng hạn như tài, sắc, danh, thực, thùy... Đây là tâm tham của người thế gian nhằm phục vụ riêng cho cá nhân cho bản ngã của mình. Cũng có loại tham của những vị đã bước vào dòng Thánh, đạt các quả vị: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Cái tham của những vị này là lòng mong muốn giúp mọi người tu tập đạt được quả vị thoát khổ giống như mình. Về tâm tham, đức Phật dạy, khi tâm có tham thì tuệ tri tâm có tham.
2) Tâm vô tham, tuệ tri tâm vô tham: Quán tâm vô tham nghĩa là khi tâm không tham, hành giả tuệ tri tâm không tham.
3) Tâm có sân, tuệ tri tâm có sân. Tâm sân là tâm buồn bực, bất như ý, hờn giận thù ghét... Quán tâm sân, là khi tâm có sân, tuệ tri tâm đang có sân.
4) Tâm không sân, tuệ tri tâm không sân. Quán tâm không sân là khi tâm không sân, tuệ tri tâm không sân.
5) Tâm có si, tuệ tri tâm có si. Tâm si là tâm nghi ngờ giằng co, lưỡng lự, không dứt khoát giữa hai vấn đề. Nói cách khác si giống như một màn che chắn khiến hành giả mê man không thấy biết một cách đúng đắn những gì đang hiện hữu trước mặt.
6) Tâm không si, tuệ tri tâm không si. Tâm không si, tuệ tri tâm không si.
7) Tâm thâu nhiếp, tuệ tri tâm thâu nhiếp. Tâm thâu nhiếp có hai ý. Ý thứ nhất là tập trung. Thí dụ như thâu nhiếp 6 căn không cho chạy theo 6 trần, hay tập trung tâm vào một đối tượng giúp tâm yên lặng, khi thực hành thiền định. Đây là thiện pháp. Còn ý thứ hai là tâm trạng dả dượi, mệt mỏi, chán chường ... là một hình thức của hôn trầm thụy miên, gọi là “tâm co rút”. Trong bối cảnh “quán tâm trên các tâm”, thì tâm co rút được hiểu là tâm mỏi mệt, lười biếng. Khi tâm mỏi mệt, buồn ngủ, lười biếng, thì tâm trí không còn tỉnh táo, không còn sáng suốt, mất chánh niệm không muốn tu tập quán chiếu gì cả, nên nó thuộc về ác pháp.
Khi “tâm co rút” đưa đến sự mất tỉnh giác, đồng nghĩa với sự hay biết của tâm đang co rút giảm thiểu sự sáng suốt.
8) Tâm tán loạn, tuệ tri tâm tán loạn. Tâm tán loạn là phóng dật, thiếu sự tập trung, do suy nghĩ liên tục hết chuyện này sang chuyện khác, tức thân ở chỗ này mà tâm ở chỗ khác. Nó còn có nghĩa là tâm bất an. Quán tâm tán loạn là khi tâm tán loạn, biết rằng tâm đang tán loạn.
9) Tâm quảng đại, tuệ tri tâm quảng đại. Tâm quảng đại là tâm rộng lớn, thông khoáng của các vị tu thiền đạt được các tầng định như Sơ định, Nhị định, Tam định, Tứ định thì tâm mới đi đến chỗ quảng đại. Tâm quảng đại còn được hiểu là tâm từ, bi, hỷ, xả. Đức Phật dạy khi hành giả đạt được tâm quảng đại thì tuệ tri tâm quảng đại.
10) Tâm không quảng đại, tuệ tri tâm không quảng đại. Tâm không quảng đại là những tâm liên quan đến dục giới. Phật dạy tâm không quảng đại biết rằng tâm không quảng đại.
11) Tâm hữu hạn, tuệ tri tâm hữu hạn. Tâm hữu hạn là tâm ở trong phạm vi cuộc sống của người thế gian. Khi tâm hữu hạn thì tuệ tri tâm hữu hạn.
12) Tâm vô thượng tuệ tri tâm vô thượng. Tâm vô thượng là tâm thoát ra khỏi tam giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới, là tâm ở trạng thái cao nhất, như tâm của đức Phật khi chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Người bình thường không có tâm này. Đức Phật dạy vị nào tu tập chứng được tâm vô thượng thì tuệ tri tâm vô thượng.
13) Tâm có định, tuệ tri tâm có định. Tâm định là tâm yên lặng ở trạng thái cận định hay nhập định. Tâm có định thì tuệ tri tâm có định.
14) Tâm không định, tuệ tri tâm không định. Tâm không định thì tuệ tri tâm không định.
15) Tâm giải thoát, tuệ tri tâm giải thoát. Tâm giải thoát là tâm thoát khỏi phiền não trong từng sát-na, hay trong thời gian ngắn, đó là tâm minh sát. Hoặc là tâm giải thoát từng phần của các bậc thánh tăng hay toàn phần của các vị A-la-hán. Phật dạy tâm giải thoát, tuệ tri tâm giải thoát.
16) Tâm không giải thoát, tuệ tri tâm không giải thoát. Tâm không giải thoát, tuệ tri tâm không giải thoát.
V. THỰC HÀNH “QUÁN TÂM TRÊN CÁC TÂM” NHƯ THẾ NÀO?
Thiền Tuệ hay thiền Quán là thiền để thấy cho được bản chất của sự vật hiện tượng. Sự vật hiện tượng được hiểu là con người (thân-tâm) và cảnh vật bên ngoài. Tất cả sự vật hiện tượng đều do duyên sinh. Vì duyên sinh nên vô thường, vô ngã. Do duyên sinh nên các sự vật hiện tượng thay đổi theo thời gian một cách khách quan không theo ý muốn của một ai. Vì không thuận theo ý muốn của mình nên mình khổ (dukkha).
Về vấn đề tu tập, thiền Tuệ không bắt buộc hành giả phải tọa thiền với tư thế bán già hay kiết già liên tục như thực hành thiền Định. Thực hành thiền Tuệ, hành giả có thể ngồi yên quán chiếu những gì xảy ra trên thân trên tâm, hay lúc đi, đứng, nằm, ngồi cũng có thể thực hành thiền Tuệ, nếu hành giả giữ chánh niệm, tức ghi nhận những diễn biến nơi thân, nơi tâm bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Điều cần nhớ là hoạt động của tâm như thế nào, rõ biết tâm như thế đó chứ không phải cố làm điều thiện, cố làm những gì tốt hơn tâm hiện tại. Vì khi có “thay đổi đối tượng” thì lúc ấy bản ngã đã xuất hiện. Khi bản ngã xuất hiện thì sự quán sát của hành giả không còn trong sáng khách quan nữa.
Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, đức Phật giới thiệu 16 loại tâm thức, để hành giả thực hành bài “Quán tâm”. Bất cứ tư tưởng, hình ảnh nào hiện hữu trong tâm, thì đó là đối tượng để tâm quán sát. Khi quán sát, hành giả không đưa thêm tư kiến đúng sai, thiện ác, không bóp méo, bẻ cong uốn nắn, tư duy theo ý của mình, cũng không cố gắng giữ đối tượng thiện, xua đuỗi đối tượng ác... nghĩa là không có bản ngã xen vào trong lúc thực hành “Quán Tâm trên Tâm”. Tâm tham biết đó là tâm tham. Tâm sân biết đó là tâm sân. Tâm si biết đó là tâm si... Tâm như thế nào biết rõ, và khi nó chấm dứt lúc nào cũng biết rõ. Quán như thế để nhận ra tánh sanh-diệt, vô-thường - khổ - vô ngã của Danh-Sắc.
Khi trí tuệ nhận ra tất cả mọi thứ hiện hữu trong tâm có sanh có diệt, thì cũng nhận ra tất cả hiện tượng trên thế gian cũng tùy theo điều kiện mà có sanh có diệt, cho thấy tính vô thường-vô ngã của vạn vật. Người có tuệ giác sẽ không dại gì sống nương tựa chấp trước với những thứ không bền vững ở trên đời, mà chỉ an trú trong chánh niệm phát huy chánh trí hướng tới quả vị giải thoát Niết-bàn.
VI. RÚT RA BÀI HỌC
Tu thiền là tu tâm. Tu tâm có hai mặt. Một mặt là tập trung tâm vào một đối tượng nào đó để giúp tâm yên lặng, thoát khỏi tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến... Đó là tu thiền Định. Còn một mặt khác là phát huy trí tuệ bằng cách quán sát mọi hành hoạt trên thân và tâm của chính mình để nhận ra tánh sanh-diệt, tánh vô thường-khổ-vô ngã của thân tâm, thì đó là tu thiền Tuệ, còn gọi là thiền Quán. Từ đó, hành giả không còn nương tựa hay chấp trước một thứ gì ở trên đời.
Ở phần đầu bài, chúng ta có đề cập đến tướng trạng của tâm con người. Rằng tâm con người có 2 tướng trạng, đó là Tướng thật chỉ cho Chân tâm và Tướng ảo chỉ cho Vọng tâm.
- Nếu chúng ta ở chỗ thật tướng của tâm, thì tâm đó có sự “tự biết” , “hay biết” bẩm sinh, mà không phải huân tập, suy nghĩ, hay phân biệt. Cái tâm này, nó sâu lắng yên tịnh, bất động, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, tức không có sự hiện diện của Tâm ba thời: Quá khứ (Ý căn), Hiện tại (Ý thức), Vị lai (Trí năng).
- Còn Ý căn, Ý thức, Trí năng do cảnh trần mà hiện khởi, nên nó là tướng ngoài của tâm. Vì dính mắc với cảnh, nên nó luôn bị dao động. Nó thay đổi liên tục hết cảnh này sang cảnh khác, hết tư duy này đến tư duy khác, không đứng yên một chỗ nên trong giáo lý nhà Phật gọi nó là Vọng tâm. Vọng là không thật.
Như vậy khi tu tập, chúng ta trở về với cái tướng thật của tâm. Tướng thật của tâm chỉ thuần “là cái biết khách quan, trong sáng” nó không tác động thêm bớt vào sự hiện hữu, ngược lại cũng không ai làm chủ được nó. Vì thế người sống với tâm này sẽ không bị ràng buộc bởi những dục vọng phiền não của thế gian.
Trở lại 16 loại tâm, đức Phật dạy chúng ta thực hành quán chiếu trong bài kinh Tứ Niệm Xứ. Có ít nhất là 9 loại tâm rất phổ biến trong đời sống của chúng ta, đó là các tâm: Tham, Sân, Si, Vô tham, Vô sân, Vô si, Thâu nhiếp, Tán loạn, Hữu hạn. Đức Phật dạy khi một trong các loại tâm này xuất hiện, chúng ta không làm gì khác, ngoài việc ghi nhận, quan sát, biết rõ sự hiện diện của nó mà thôi!
Khi quan sát mà trong tâm không khởi lên bất cứ một ý nghĩ nào khác thì lúc đó hành giả đang trú trong tự tánh, tức tướng thật của tâm.
Tóm lại, Quán Tâm có nghĩa là chúng ta sống được với Cái Thật Tướng của mình. Chỗ đó trong kinh gọi là Chân tâm, Chân như, Bình đẳng tánh, Tự tánh hay Pháp giới tánh v.v... Một lần nữa, chúng ta cần ghi nhớ, mục đích tu tập pháp môn nào, đức Phật cũng đều dạy chúng ta hòa nhập với cái thực tướng của tâm.
Đến đây, chúng tôi tạm ngưng bài “Quán Tâm Trên Tâm”. Chúc quý vị hữu duyên, thực hành bài tập “Quán Tâm” tới đâu thành tựu tới đó. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Sinh hoạt trên zoom ngày 03/11/2024
với thiền sinh Thiền Tánh Không, Houston, Texas)