NGŨ CĂN – NGŨ LỰC LÀ GÌ?
I. DẪN NHẬP
Ngũ căn và ngũ lực tiếng Phạn là Pancindriya và Pancabala. Indriya có nghĩa là nguồn gốc, khả năng để tất cả các thiện pháp sinh khởi. Bala là lực, là sức mạnh. Ngũ căn và ngũ lực là phẩm đôi nhập một trong số 37 phẩm trợ đạo gọi chung là Đạo đế gồm: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn-Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo.
Ngũ căn là năm yếu tố cốt lõi, là phương tiện thực tiễn hỗ trợ cho việc tu học của hành giả. Năm yếu tố căn bản phát sinh và được làm cho viên mãn theo trình tự duyên khởi Tín-Tấn-Niệm-Định-Tuệ. Và khi ngũ căn được tu tập làm cho sung mãn, thì sẽ biến thành ngũ lực tức tạo ra sức mạnh gồm: Tín lực-Tấn lực-Niệm lực-Định lực và Tuệ lực.
II. Ý NGHĨA VÀ THÀNH PHẦN CỦA NGŨ CĂN
1) TÍN CĂN : “Tín” hay “tin” trong đạo Phật là sự chấp nhận một vấn đề gì bằng sự hiểu biết. Không phải là sự chấp nhận một cách mù quáng, vô điều kiện, bất chấp lý trí. Sự chấp nhận hay lòng tin này chỉ có được, sau khi suy luận sáng suốt và quan sát kỷ càng. Đức Phật không bao giờ bắt buộc Phật tử tin một điều gì mà không thể suy luận, hay không giải thích được.
Thí dụ như lời Phật dạy về bài pháp Tứ Diệu Đế là pháp nhận ra bốn sự thật. Đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Con đường đưa đến Diệt đế. Muốn thành công trên lộ trình tu tập giải thoát này, hành giả cần phải nghiên cứu pháp học theo lộ trình VĂN-TƯ-TU. Văn tức là nghe giảng. Tư là tìm hiểu rõ ràng ý tứ bài giảng. Tin tưởng nơi Pháp học, rồi mới tu tập sống theo lời dạy của Pháp. Như vậy hành giả có Tín căn vào pháp Tứ Diệu Đế. Nhờ VĂN tuệ và TƯ tuệ nên hành giả hiểu biết đúng đắn về giáo lý Tứ Thánh Đế. Hiểu biết đời sống thế gian không ai thoát khỏi Khổ. Khổ do nhiều nguyên nhân gây ra. Đó là hai vế đầu của Tứ diệu đế gọi là Khổ đế và Tập đế. Đồng thời hiểu rõ con đường đưa đến Diệt khổ là Đạo đế bát chánh gồm tám yếu tố : Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Hiểu biết như thật về Đạo đế tức Bát chánh đạo, nên hành giả không còn nghi ngờ, phân vân, lưỡng lự về hai đế: “Khổ diệt và Con đường Khổ diệt”, nên phát sinh lòng tin mạnh mẽ vào phương pháp hành trì. Đức tin phát xuất qua sự học hỏi hiểu biết như vậy, trong kinh gọi là Chánh Tín, là yếu tố đầu tiên trong Ngũ căn gọi là Tín Căn.
2) TẤN CĂN: Tấn là tinh tấn. Tấn căn là sự dũng mãnh tinh tấn trên bước đường tu tập không bao giờ thối lui. Khi có lòng tin sâu vào Phật pháp, thì mới cố gắng tu tập. Nếu không, thì niềm tin suông này sẽ trở thành vô dụng, không đưa chúng ta đến đâu cả.
Tinh tấn là pháp tu mà trong các phẩm trợ đạo đều có như: - Tu “Tứ Niệm Xứ” đức Phật dạy hành giả lúc nào cũng phải “nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm”. Nhiệt tâm đây được hiểu là tinh tấn siêng năng. - Trong “Tứ chánh cần” toàn bộ bốn pháp đều là tinh tấn. Hai tinh tấn phát sinh thiện pháp và hai tinh tấn ngăn chận bất thiện pháp. - Trong “Tứ thần túc” thì có Cần thần túc. – “Ngũ căn” thì có Tinh tấn căn. – “Ngũ lực” thì có Tinh tấn lực.- “Thất giác chi” thì có Tinh tấn giác chi.- “Bát chánh đạo” thì có Chánh tinh tấn. - Trong “Lục độ” thì có Tinh tấn độ. Điều này cho thấy Tinh tấn là yếu tố không thể thiếu trong việc tu học đạo và hành đạo.
3) NIỆM CĂN: Nói cho đủ là Chánh niệm. Niệm ở đây là chú tâm nhớ nghĩ đến pháp học và pháp hành không để tâm lang thang phóng dật. Chánh niệm là chi đầu tiên của lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế (Chánh niệm, Chánh định). Khi Chánh niệm có mặt, thì mọi tà niệm, tham, sân, si, mạn nghi, sầu, bi, khổ, ưu, não... vắng mặt. Ngược lại sống trong thất niệm, thì tâm hành giả dễ dàng bị ngũ dục lôi kéo khiến vô minh và tham ái bao trùm.
4. ĐỊNH CĂN: Khi chánh niệm vững chắc thì thân tâm hành giả gom lại thành một khối duy nhất gọi là định. Định có nghĩa là tâm vắng lặng, yên tịnh. Trên con đường tu tập Bát chánh đạo, khi Chánh tinh tấn khởi lên, thì phát sinh Chánh niệm liên tục đưa đến trạng thái định gọi là Chánh định bao gồm: - Sơ thiền: Ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. - Nhị thiền: Diệt tầm diệt tứ, chứng và trú nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. - Tam thiền: Ly hỷ trú xả, thân cảm lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. - Tứ thiền: Xả lạc, xả khổ, diệt trừ hỷ ưu, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, tâm thanh tịnh nhờ xả. Định được xem là yếu tố thứ tư trên con đường tu học.
5) TUỆ CĂN: Là yếu tố thứ năm của sự tu học. Khi một người có đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp. Vị ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ Tập khởi, biết như thật đây là Khổ Đoạn diệt, biết như thật đây là Con đường (Bát chánh) đưa đến đoạn tận Khổ. Đó là người có Tuệ căn.
Tín-Tấn-Niệm-Định-Huệ là một chuỗi yếu tố kết nối theo quy luật duyên khởi. Trong đó Tín và Tấn do VĂN TUỆ và TƯ TUỆ phát sinh, còn Niệm-Định-Tuệ nhờ TU TUỆ mới phát sinh.
Thế nào gọi là liên kết theo duyên khởi? Đó là khi hành giả tin mình có thể tu tập đạt kết quả, thì mình “không còn buông lung phóng dật”, tức là tinh tấn. Khi không buông lung phóng dật thì mình “trọn vẹn với cái hoàn hảo đang là”, thì đó là niệm. Với pháp hoàn hảo đang là nên “tâm không dao động” nữa, đó tức là định. Cuối cùng “biết rõ cái đang là” đó là tuệ. Cho nên Tín-Tấn-Niệm-Định-Tuệ là một chuỗi pháp nối kết rất tự nhiên.
III. Ý NGHĨA VÀ THÀNH PHẦN CỦA NGŨ LỰC
Ngũ lực là năm sức mạnh của ngũ căn. Đó là Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực. Ngũ căn tăng trưởng, không bị phiền não phá hoại gọi là ngũ lực. Có vị so sánh ngũ căn như năm ngón tay, còn ngũ lực là sức mạnh của năm ngón tay đó. Ngũ lực gồm có:
1) Tín lực: Là sức mạnh của đức tin, có công năng phá trừ sự nghi ngờ. Tín lực do lòng tin tưởng mạnh mẽ từ Tín căn mà phát sinh.
2) Tấn lực : Nói cho đủ là Tinh tấn lực. Khi Tinh tấn căn được huân tập mạnh mẽ tạo ra một lực, có công năng phá trừ sự biếng nhác của thân tâm, gọi là Tinh tấn lực.
3) Niệm lực: Do Niệm căn phát sinh. Niệm lực là sức mạnh của sự ghi nhớ trọn vẹn với cái đang là. Nó có công năng đánh tan mọi tà niệm, đưa đến trạng thái Nhất tâm làm viên mãn Định lực. Khi thực hành pháp quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp, Niệm lực sẽ làm cho phát triển và viên mãn Tuệ căn.
4) Định lực: Là sức mạnh của sự tập trung tư tưởng, nó phát sinh từ Định căn. Định lực có công năng diệt trừ sự loạn tưởng, giúp hành giả thoát ra khỏi sự chi phối ràng buộc của tham sân si, ra khỏi sự kiềm tỏa của dục lạc thế gian.
5) Tuệ lực: Là sức mạnh chấm dứt vô minh. Khi thân tâm gom lại thành một định lực, thì trong khối định lực đó có một sự hiểu biết trực giác vô ngôn, vượt ra ngoài không gian và thời gian. Sự hiểu biết không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian được gọi là Tuệ lực.
Như vậy Ngũ lực là sức mạnh tiếp nhận do sự kiên trì tu luyện của hành giả về Ngũ căn. Khi năm yếu tố căn bản của sự tu học: Tín-Tấn-Niệm-Định-Tuệ tuần tự khởi lên, và được phát triển viên mãn, thì mỗi một yếu tố sẽ sinh một lực. Lực này là sức mạnh giúp cho người tu vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt, gian nguy trên con đường tu học tâm linh hướng đến quả vị giác ngộ giải thoát.
IV. KẾT LUẬN
Tóm lại, Ngũ căn là năm nguồn gốc căn bản phát huy ngũ lực. Tu tập Ngũ căn thuần thục đạt được Ngũ lực, giúp người tu vượt qua mọi sự quyến rủ lôi cuốn bởi dục lạc của đời sống thế gian, không bị lay động bởi tám gió đời: Lợi-Suy, Hủy-Dự, Xưng-Cơ, Khổ-Lạc (Thành công-thất bại; Hạ nhục-tôn vinh; Xưng tán-chê bai; Lo buồn-vui sướng) cản trở con đường tu học hướng đến giác ngộ giải thoát.
Học Phật, chúng ta thấy Ngũ căn-ngũ lực là năm yếu tố căn bản, năm yếu tố cốt lõi trên con đường tu học, mà đức Phật đã dạy cho một kẻ phàm phu mới bắt đầu, cho đến khi kết thúc trở thành bậc Vô học (A-la-hán). Trong lộ trình tu học hành giả cần phải trải nghiệm đủ năm yếu tố này, thiếu đi, dù một trong năm yếu tố cũng không thể thành tựu quả giải thoát.
Là thiền sinh, chúng ta cần rút ra bài học quan trọng của “Ngũ căn-Ngũ lực” này là trước khi đặt lòng tin mãnh liệt vào pháp tu nào, chúng ta cần phải đi đúng theo lộ trình VĂN-TƯ-TU, tức là phải nghe, phải đọc, tìm hiểu cặn kẻ, hiểu đúng như thật về pháp tu mà ta sắp chọn. Xem pháp tu này có thích hợp với căn cơ của mình hay không? Pháp này có thực sự đưa đến giác ngộ, giải thoát cho người hành trì? Nghĩa là phải có Chánh kiến, Chánh tư duy về pháp học, pháp hành, rồi mới có Chánh tín được! Tiếp theo là Chánh tín là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh định và sau cùng là phát Huệ tức giác ngộ, giải thoát khỏi mọi phiền não khổ đau. Chúng tôi tạm dừng bài “Ngũ Căn- Ngũ Lực” tại nơi đây. Kính chúc quý vị hữu duyên thực hành tinh tấn lời Phật dạy. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Sinh hoạt với Hội Thiền TÁNH KHÔNG
Sacramento và San Jose ngày 22/10/2024)
Ghi thêm: 37 phẩm trợ đạo gồm:
1) Tứ Niệm Xứ: Tập trung niệm vào bốn phạm trù: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
2) Tứ Chánh Cần: (1) Việc ác đã sinh, nỗ lực đoạn trừ.. (2) Việc ác chưa sinh gắng không phạm phải. (3) Nỗ lực tăng trưởng việc thiện đã làm. (4) Chưa làm việc thiện nên cố gắng thực hiện.
3) Tứ thần túc (Tứ Như ý túc): Đây là bốn pháp thiền định. Bốn pháp đó là: Dục thần túc, Tinh tấn thần túc, Tâm thần túc và Quán thần túc.
4) Ngũ căn-Ngũ lực: Tín căn-Tấn căn-Niệm căn-Định căn-Tuệ căn; Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực.
5) Thất giác chi (Thất bồ đề phần): (1) Niệm giác chi, (2) Trạch pháp giác chi, (3) Tinh tấn giác chi. (4) Hỷ giác chi, (5) Khinh an giác chi, (6) Định giác chi, (7) Xả giác chi.
6) Bát chánh đạo: (1) Chánh kiến, (2) Chánh tư duy, (3) Chánh ngữ, (4) Chánh nghiệp (5) Chánh mạng, (6) Chánh tinh tấn, (7) Chánh niệm (8) Chánh định.