Trích từ sách Luận Giảng Vấn Đáp về
THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Luận giảng số 9
Phát biểu cảm tưởng của cô Minh Tuyền
trong dịp Ra Mắt Sách của Thầy tại Paris, tháng 6 năm 2008
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật
Kính thưa quý Thầy quý Cô,
Kính thưa quí quan khách,
Kính thưa các bác, các anh chị, và các bạn thiền sinh Paris.
Nhân duyên đã được đề cập rất nhiều trong đạo Phật. Chúng ta biết là mạng lưới nhân duyên thường trùng trùng điệp điệp: nhân hay duyên đó cho ra quả này, quả này lại trở thành nhân hay duyên cho những quả khác. Khi nhân duyên đã hội đủ thì sự kiện, sự việc nào đó chắc chắn sẽ thành hình
Vào năm 2007, nhân duyên đã đầy đủ, nên việc chụp hình não bộ cho Thầy Thiền Chủ ở Đức đã thành công. Với sự thành công này, một Chân trời mới về Thiền học Đông phương đang được mở ra tại Tây phương.
Hôm nay, Minh Tuyền xin được phép thưa lại về nhân duyên hay đúng hơn là mạng lưới nhân duyên nào đã đưa đến việc chụp hình não bộ cho Thầy và Tăng đoàn. Và đúng hơn là Minh Tuyền chỉ kể lại được về những nhân duyên mà Minh Tuyền đã có cơ hội đứng vào trong đó để tác ý và cố gắng...tạo duyên trong chương trình chụp hình não bộ...
Chúng ta trở lại vào năm 2002:
Năm 2002, khi Thầy qua Đức dạy khóa học Thiền Căn Bản lần thứ hai, Thầy có buổi nói chuyện cho Đại chúng vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Hôm thứ Bảy, ông chồng của Minh Tuyền là anh Quang Trí đã đi nghe giảng và có rủ Minh Tuyền đi theo, nhưng Minh Tuyền không đi, viện cớ là ở nhà với con. Lúc đó Minh Tuyền không có nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật, và thật sự là Minh Tuyền rất sợ đi nghe giảng pháp vì thường không hiểu nội dung bài thuyết pháp của quí thầy.
Tối hôm đó, sau khi nghe Thầy giảng, về nhà, anh Quang Trí thuật lại buổi giảng đó và nói Minh Tuyền nên đi nghe vào sáng hôm sau. Quang Trí cho biết là ông Thầy này giảng hay lắm: từ ngữ bình dân, dễ hiểu, và đặc biệt là khác hơn nhiều vị thầy... ông Thầy này có đưa ra nhiều cách thực hành dễ, phù hợp với tinh thần khoa học. Nếu đi nghe, Minh Tuyền sẽ thích... Minh Tuyền nghe Quang Trí nói như vậy, chỉ biết như vậy thôi, chứ không tỏ ra thái độ hưởng ứng...
Đến sáng sớm hôm sau, chủ nhật, Quang Trí đã năn nỉ, đốc thúc, thuyết phục Minh Tuyền nữa. Quang Trí muốn Minh Tuyền đi nghe giảng cho bằng được. Vì chiều Quang Trí, Minh Tuyền đồng ý. Minh Tuyền tính đi cho xong việc thôi.
Không ngờ, khi gặp Thầy và nghe Thầy giảng thì Minh Tuyền thấy Thầy giảng và dạy cách thực hành thật hay, rất khoa học, và rất thích hợp với sự hiểu biết của mọi người trong khóa tu học ngày hôm đó, nên sau đó Minh Tuyền đã ghi danh học và theo Thầy học cho đến bây giờ... Tính ra là 6 năm rồi...
Nghĩ lại thì đây là cái duyên lớn của Minh Tuyền đã gặp được Pháp và Thầy. Nhân của cái duyên lớn này là nhờ Thầy đã qua Đức, và một nhân khác không kém phần quan trọng chắc là nhờ tính bướng bỉnh của Quang Trí! Bây giờ nhìn lại thì cái duyên riêng này của Minh Tuyền đã trở thành cái nhân tốt. Đó là Minh Tuyền đã có cơ hội giúp Thầy trong những chuyện chụp hình não bộ vào năm 2007.
Còn nhớ, lần đầu tiên vào năm 2004, Đạo Tràng Stuttgart có tổ chức khóa học Thiền Căn Bản cho người Đức. Trong Khóa này có con và cháu của Minh Tuyền tham dự nên Minh Tuyền ở lại để yểm trợ. Đó là yểm trợ Ban dịch thuật của Đạo tràng Đức.
Một hôm, trong lúc giải lao, Minh Tuyền nghe Thầy và mấy người Đức và anh Quang Chiếu đang nói về chuyện chụp hình não bộ. Thầy định nhờ một người Đức đang đi học khóa học đó (ông này là một kỹ sư cao cấp của hãng Siemens), để nhờ ông ấy liên lạc với hãng Siemens lo cho Thầy vụ chụp hình não bộ, vì Siemens là hãng đã làm ra những máy MRI.
Về sau thì ông ấy nói là ông không lo được chuyện này.
Nghe được ý định của Thầy và đồng thời Minh Tuyền tình cờ đã đọc được một tờ báo viết về một nghiên cứu não bộ bằng MRI của một khoa học gia, ông Otto Giessen, nên Minh Tuyền cũng thưa với Thầy về chuyện này, và Minh Tuyền đề nghị là để Minh Tuyền thử liên lạc với ông đó để tiến hành việc chụp hình não của Thầy. Minh Tuyền còn nhớ lúc đó Thầy bảo “Thầy giao chuyện này cho Quang Trí và con đó.” Thầy còn định là sẽ trả tiền khoảng 2 ngàn Euros để nhờ ông Otto chụp hình não bộ của Thầy.
Khi Minh Tuyền liên lạc được với ông Otto thì ông ấy từ chối và bảo là không thể chụp hình cho 1 người được. Lúc đó Minh Tuyền rất ngạc nhiên không hiểu tại sao lại không thể chụp hình cho 1 người được.
Sau đó thì Minh Tuyền nhờ ông chồng của một chị bạn là Professor đang làm việc tại một Đại học. Ông Professor này cũng cho biết là không được, với lý do là rất khó khăn vì chỉ chụp cho 1 người. Lúc này thì thật sự là Minh Tuyền đã không hiểu tại sao chuyện chụp hình MRI lại quá khó khăn như vậy. Dưới mắt Minh Tuyền, thấy chuyện chụp hình não bộ thật rất dễ dàng mà tại sao ai cũng bảo là rất khó khăn ? Tại sao mình đưa tiền 2 ngàn Euros là một số tiền không nhỏ mà họ vẫn không chịu làm ?
Về sau Minh Tuyền mới hiểu là f-MRI là một máy chụp hình mới, trong khoa học chưa hề có một dữ kiện nào gọi là bình thường căn bản để có thể so sánh các vùng trên vỏ não cũng như bên trong não, căn bản là như thế nào. Chẳng hạn để sử dụng máy đo huyết áp, người ta phải đo cả trăm người trước đó để có một dữ kiện bình thường căn bản là khoảng 90 đến 120, và kết quả là bây giờ ai đo huyết áp mà trên 120, được xếp là có huyết áp cao… Trong lúc đó, khi chụp hình MRI cho não bộ, người ta chưa hề có những dữ kiện căn bản về vị trí các vùng trên não hay trong não ra sao. Bây giờ muốn đi tìm các vùng đó, trước hết các khoa học gia phải bỏ công đi tìm những dữ kiện căn bản bằng cách chụp cho nhiều người trước, chứ không thể chỉ chụp cho 1 người.
Vấn đề thứ hai là máy MRI lại cho hằng hà sa số các dữ kiện nên chụp hình cho một người tuy chỉ mất một hai tiếng đồng hồ, nhưng sau đó các nhà khoa học phải ngồi ngày này qua ngày khác, phân tích các dữ kiện trên để có thể cho ra một vài chẩn đoán nào đó. Số tiền 2 ngàn Euros không đủ để trả nổi cho những công sức đó, và bởi vậy nên Minh Tuyền gõ cửa đến đâu đều bị từ chối đến đó.
Phải nói là Quang Trí lúc đó cũng tiếp sức với Minh Tuyền để liên lạc với các nhà thương, nơi Quang Trí đang làm việc, nhưng cũng gặp các khó khăn như trên đã nêu ra.
Rồi đến cuối năm 2005, Minh Tuyền đi lên Đại học Tübingen để làm việc. Ở đó, Minh Tuyền gặp bà bạn là bà Bacher. Minh Tuyền nói về những khó khăn để kiếm nơi chụp hình não bộ cho Thầy. Nghe xong, bà đề nghị là bà sẽ liên lạc với một ông bác sĩ quen ở 1 phòng mạch tư nhờ họ làm thử... Nhưng sau đó, ông bác sĩ đó cũng nói là khó lắm, không làm được. Nhưng ông bác sĩ này có lòng tốt là giới thiệu Minh Tuyền với Phân khoa Nghiên cứu Não bộ bằng bức xạ học ở trường Đại học Y khoa Tübingen, Nam Đức.
Sau đó, Minh Tuyền liên lạc với phân khoa này. Minh Tuyền trình bày ý định của Thầy Thiền Chủ là muốn chụp hình 4 tánh, để chứng minh lời Phật dạy. Họ bằng lòng...
Thời gian chuẩn bị kéo dài cũng hơn nửa năm. Đến năm 2006, theo đề nghị của ông Dr. Michael Erb là chụp hình thử nghiệm 2 thiền sinh về não bộ qua 4 Tánh: Thấy, Nghe, Xúc chạm, và Nhận thức, và những vùng suy nghĩ, nói thầm là "tầm" và "tứ" thật sự ở đâu trong não bộ. Lúc đó Đạo tràng Stuttgart liền đề cử hai thiền sinh là chị Minh Vân và anh Quang Nguyên đi chụp thử.
Đến tháng 6 năm 2007, khi Thầy sang Đức mở khóa tu học, chương trình chụp hình não bộ của Thầy và Tăng đoàn đã thực sự bắt đầu. Cho đến hôm nay, 2008, chương trình đã tiến hành rất tốt đẹp. Cụ thể nhất là Thầy đã chứng minh được 4 Tánh mà Đức Phật đã giảng trong kinh Bāhiya
Nhìn kỹ lại, chúng ta thấy có một chuỗi nhân duyên thuận lợi kết hợp với nhau đưa đến kết quả này. Đó là Thầy chứng minh được Thiền Phật Giáo là một khoa học tâm linh thực nghiệm. Và biết đâu từ đây sẽ dẫn đến nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa: thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của Đạo Phật khoa học ở phương trời Tây Âu chăng ?
Xin chấm dứt ở đây, và xin cảm ơn sự chú ý của quý vị.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.