THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Luận giảng số 7
Tác Dụng của Thiền trong việc Điều Chỉnh
BỆNH TÂM LÝ và BỆNH TÂM THỂ
Tác dụng thực tiễn của Thiền
Thiền sẽ tạo ra những tác dụng kỳ diệu đối với việc điều chỉnh bệnh tâm thể và bệnh uất cảm (Stress).
Để vấn đề được rõ ràng, chúng tôi sẽ trình bày 3 điểm trong chủ đề này: Đại cương Thiền Phật giáo, Bệnh Tâm Thể, và Cách thực hành để điều chỉnh bệnh tâm thể.
1. Đại cương Thiền Phật giáo
Chúng tôi xin giới thiệu cơ chế quan trọng trong cơ thể chúng ta mà Thiền nhắm khai triển năng lực đó.
Giới thiệu Tánh giác
Trên thực tế, khi một người thực hành thiền đúng pháp, đúng kỹ thuật, tác dụng của nó sẽ đưa đến thân - tâm hài hòa và trí tuệ được phát huy. Chỉ vì những phương thức thực hành của Thiền cơ bản là tác động trực tiếp vào khu vực Tánh giác. Đó là vùng gây ra những tác dụng kỳ diệu đối với thân- tâm và trí tuệ con người.
Tánh giác là thuật ngữ của Thiền Tông; trong Phật giáo Nguyên Thủy, Phật gọi là trí Vô Sanh; trong Phật giáo Phát Triển, chư Tổ gọi là Bạch Tịnh Thức. Nó là cái biết không có ganh đua. Trong Khoa học gọi nó là vùng Giác tri Tâm linh hay vùng Kiến giải tổng quát, hoặc vùng Wernicke. Chúng tôi gọi nó là vùng Biết Không Lời. Tức là chỉ có sự nhận biết mà không có lời nói thầm kèm theo trong đó.
Thí dụ khi thấy toàn bộ các đối tượng trước mặt, ta tuy nhận biết tất cả rõ ràng mà trong não không có lời nói thầm về đối tượng. Đó là cái biết không lời của Tánh giác.
Cơ chế Tánh giác nằm sau bán cầu não trái. Danh từ khoa học gọi là “the General Interpretative Area” hay “Gnostic Area.” Chức năng của nó là kiến giải tất cả đối tượng của giác quan mà không có tự ngã can thiệp vào. Sự nhận ra đối tượng của nó chỉ bằng cách thầm nhận biết mà thôi. Khi nó có mặt, phiền não, sân hận, lo âu, sợ hãi, tranh chấp, ganh đua, hận thù không có mặt. Khi nó có mặt, tâm người hành thiền trở nên an tịnh, trầm lặng, và thanh thản.
Tác dụng của Tánh giác
Khi Tánh giác có mặt, trí năng không méo mó, xúc cảm không có, tâm trở nên an tịnh, và thanh thản; theo đó thân sẽ được khỏe mạnh. Tất cả năng lượng sinh học bên trong cơ thể được khai triển đồng bộ. Đây là tác dụng của Tánh giác trong Thiền.
Lý do là khi vùng này có mặt, cùng một lúc Vỏ não và khu Dưới Đồi bị tác động. Qua đó hệ thống Đối giao cảm thần kinh, hệ thống tuyến Nội tiết đồng bộ bị tác động. Thân khỏe mạnh, tâm an lạc nhờ dựa trên những sự tác động dây chuyền này giữa Tánh giác, Vỏ não, khu Dưới đồi, tuyến Yên, và tuyến Nội tiết.
Từ trên nguyên lý này, cho thấy Tánh giác đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị hay điều chỉnh bệnh tâm thể. Bởi vì khi nó có mặt, thần kinh ta không căng thẳng. Lo âu không có. Sân hận không có. Sợ hãi không có. Dính mắc không có. Đố kỵ không có. Chỉ có sự nhận biết trong sạch.
Đối giao cảm thần kinh bị tác động dựa trên sự có mặt của Tánh giác. Vai trò của Đối giao cảm là tiết ra chất nước acetylcholine. Chất này làm lợi cho não bộ và hạ huyết áp
Đối giao cảm cũng tác động đến tuyến tụy làm tiết ra insulin, giúp cho bệnh tiểu đường được giảm từ lần đi đến quân bình.
Giá trị thực tiễn của Thiền
Trên thực tế, sự kỳ diệu này nằm trong nguyên lý hồi đáp sinh học. Bằng những phương thức thực hành của Thiền, ta có khả năng khai thác những năng lượng sinh học bên trong cơ thể, giúp cho cuộc sống của ta có nhiều ý nghĩa hơn. Khi thực hành, ta cần biết rõ nguyên lý hồi đáp sinh học này. Có biết rõ, ta mới tránh được những phương thức dụng công sai lầm, làm căng thẳng thần kinh quá mức, đưa đến gây bệnh cho thân và làm cho tâm ngày càng rối loạn mà ta không hề hay biết.
Từ đó, ta có thể điều chỉnh phương thức dụng công để ngăn chận tình trạng sức khỏe suy sụp hay ngăn chận bệnh tâm thể như cao máu, rối loạn nhịp tim mà ta vừa mới phát hiện.
Ngoài ra, khi gặp tình trạng những người mắc bệnh tâm thể hay bị uất cảm kinh niên, ta có khả năng hướng dẫn những vị đó thực hành thiền đúng kỹ thuật; giúp họ tự chữa bệnh cho họ mà trong trường hợp thuốc Tây hay thuốc Đông không còn hiệu quả.
Đây là giá trị thực tiễn của Thiền. Thiền không hứa hẹn ta sẽ được an lạc, hạnh phúc miên viễn trong cảnh giới xa xăm huyền bí nào đó, sau khi từ bỏ xác thân này. Trái lại, nó giúp ta chứng nghiệm ngay trong bây giờ về sự cân bằng thân- tâm, sự an vui thực sự với môi trường chung quanh. Trong cuộc sống hằng ngày, ta giảm bớt khổ đau vì bệnh tật kinh niên, ta giảm bớt căng thẳng thần kinh vì những bất toại nguyện trong cuộc đời. Ta giảm bớt lo âu phiền não vì những va chạm trong cuộc sống hằng ngày. Tâm trở nên thanh thản, hòa hợp, hòa thuận với mọi người, dù hằng ngày ta phí nhiều sức lực trong lao động chân tay hay trí óc. Ta tỉnh thức biết trong 4 oai nghi để phát huy năng lượng sinh học bên trong cơ thể. Năng lượng sinh học này chính là những chất nước hóa học bên trong hàng tỷ tế bào não, tế bào cơ bắp, các tuyến nội tiết, dây thần kinh, và sức mạnh tinh thần của ta.
Sơ lược về hồi đáp sinh học
Trong cơ thể con người có nhiều chất nước hóa học vừa làm lợi cho cơ thể mà cũng làm hại cho cơ thể. Khi thực hành thiền đúng kỹ thuật, ta sẽ tạo ra những tác động dây chuyền của trục Tánh giác - Dưới Đồi - Đối giao cảm thần kinh - Tuyến Yên - Tuyến Nội tiết để tạo ra sự quân bình cơ thể và phát huy những năng lượng sinh học khác trong não bộ để giúp ích cơ thể được khỏe mạnh, tâm được an vui, thanh thản, và trí tuệ được phát huy rộng lớn. Khi cơ thể được quân bình, tâm cảm thấy an vui, thanh thản, trí nhớ và nhận thức được gia tăng, đây là hồi đáp sinh học.
Khi áp dụng Thiền là ta sử dụng phương thức làm cho tâm thư giãn. Khi tâm thư giãn, não và phần bên trong não là khu Dưới Đồi bị ảnh hưởng. Từ đó các chất nước hóa học được tiết ra theo hệ thống dây chuyền. Cuối cùng đưa đến thân được khỏe mạnh, linh hoạt. Ngay đó tâm cảm thấy sảng khoái, an vui yêu đời, và hài hòa với môi trường chung quanh. Trí tuệ ta cũng phát huy vì ký ức được gia tăng và nhận thức được đúng hướng. Trí năng không méo mó.
Đây là nguyên lý hồi đáp sinh học trong Thiền. Nguyên lý này dựa trên sự áp dụng đúng kỹ thuật thực hành mới đạt được kết quả tốt. Nếu áp dụng sai kỹ thuật, kết quả sẽ mang lại nguy hại cho cơ thể và trí tuệ. Ta có thể bị huyết áp cao, tiểu đường, loét bao tử, mất ngủ, chán nản, tai biến mạch máu não, mất trí nhớ và sa sút nhận thức.
Thân người là quí
Thật hết sức sai lầm khi ta có thân này mà không biết gìn giữ, lại còn đì nó nữa. Đối với người tu Thiền, chúng ta nên noi theo gương Phật: xem thân là quí. Sáu năm khổ hạnh để đì thân của Phật đã giúp cho Ngài nhận ra giá trị của nó. ‘
Ngài không đì thân nữa mà xem nó là phương tiện cần thiết để giúp Ngài đi đến giác ngộ tối hậu.
Nó là chiếc bè giúp ta vượt qua biển sinh tử. Nó có khỏe mạnh, ta mới dụng công tu tập được đều đặn. Nó có khỏe mạnh, trong lúc còn sống ta mới không bị khổ sở vì những thứ bất hài hòa bên trong thân, như táo bón, cao máu, thần kinh suy nhược.... Nó có khỏe mạnh, cuộc sống của ta mới có ý nghĩa trên phương diện phục vụ nhân sinh mà trước tiên là những người thân trong gia đình ta. Nó không khỏe mạnh, ta không thể nào thực hành thiền được lâu dài; sự dụng công tu tập của ta sẽ bị hạn chế khi thân đau ốm. Tâm ta cũng bị ảnh hưởng theo vì những cơn bệnh của thân.
Thiền là một dụng cụ tạo ra sự hài hòa cho con người
Yếu tố quan trọng trong Thiền là khai triển năng lực Tánh giác. Thực sự, Tánh giác vốn có sẵn trong mỗi chúng ta, nhưng chúng ta không biết làm sao cho nó có mặt thường trực để trở thành năng lực tác động vào các cơ chế khác bên trong não bộ và hệ thống tuyến nội tiết. Nếu thực hành thiền đúng kỹ thuật, ta sẽ kinh nghiệm được giá trị thực tiễn của năng lực này.
Ngày nay, trong Y khoa Tây phương và Tâm lý học Tây phương, cả hai xem Thiền là một dụng cụ có khả năng chữa trị bệnh tâm thể và bệnh uất cảm.
Vì thế, như những bộ môn Khoa học khác trên thế gian, Thiền được so sánh như một dụng cụ có khả năng điều chỉnh tâm thể và bệnh uất cảm kinh niên. Nó cũng có khả năng làm cho cuộc sống con người được hài hòa cùng với môi trường chung quanh. Đó là những sự hài hòa giữa thân và tâm của cá nhân, hài hòa giữa cá nhân này với cá nhân kia, và hài hòa giữa cơ thể của cá nhân với thời tiết trong thiên nhiên. Khi thân và tâm cân bằng, hài hòa sẽ xảy ra.
Thí dụ:
Khi thân và tâm không cân bằng, những bất hoà sẽ xảy ra. Đó là thân đau và tâm thì rối loạn. Cá nhân lại có nhiều xung đột với người khác. Phiền não không làm sao tránh khỏi khi thân và tâm bất hài hòa.
Cơ sở của Định và Huệ
Định được đặt trên cơ sở của chức năng Tánh giác. Chỉ vì đặc tính của Tánh giác là Biết Không Lời. Nơi đó không có mặt vọng tâm. Tiến trình niệm hai bên dừng lại. Lúc đó chỉ có niệm biết rõ ràng và đầy đủ hay chánh niệm tỉnh giác. Huệ cũng được đặt trên cơ sở của Tánh giác. Lý do là toàn bộ cơ chế vọng tâm nằm ở vùng tiền trán hai bán cầu não trái và phải. Khi vùng Tánh giác hoạt động, các vùng của bán cầu não trái và não phải không hoạt động.
Chúng ta cần biết rõ chức năng của các định khu vỏ não, hệ thống viền não, và những chất nước hóa học gây bệnh hay làm lợi cho cơ thể để ứng dụng đúng các kỹ thuật trong Thiền.
Thí dụ, vùng tiền trán bán cầu não phải đóng vai trò biểu lộ những chức năng của ý thức phân biệt. Nhưng nó phải kết hợp với bán cầu não trái để biểu lộ những mức độ phân biệt hai bên. Lý do cơ bản nhất vì vùng nói nằm ở bán cầu não trái. Còn bán cầu não trái luôn luôn biểu lộ những chức năng của vọng tâm. Trong đó, trí năng và suy nghĩ đóng vai trò quan trọng.
Tác dụng của những vùng này đưa đến bệnh tâm thể và uất cảm. Vì vậy khi người nào tu thiền mà bị bệnh tâm thể hay bị stress, và tâm rối loạn thường trực, đó là vị ấy đã sử dụng vùng tiền trán để dụng công mà vị đó không biết. Vị đó tưởng rằng mình áp dụng đúng kỹ thuật.
Tóm Kết
Những cách thực hành thư giãn tâm bằng Đơn niệm biết, Biết không lời, và cao nhất là Nhận thức biết không lời đều từng bước làm cho tâm trở nên thanh thản, tĩnh lặng, từ đó người thực hành Thiền sẽ có những kinh nghiệm cụ thể như sau:
Tóm lại, Thiền sẽ có giá trị thực sự đối với những vị nào thấy nó là nhu cầu cần thiết của mình trên các mặt thân, tâm, và trí tuệ tâm linh.