THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Luận giảng số 6
Trạm Tiếp Vận Thứ Nhất
CƠ CẤU MẠNG LƯỚI
Chức năng
Qua những công trình nghiên cứu về cơ thể và não bộ của các nhà khoa học chuyên về bộ phận này, cho thấy chức năng của "cơ cấu mạng lưới" như sau:
1. Trạm tiếp vận (Relay station). Nó truyền những thông tin tri giác từ các thụ thể của lưỡi, mắt, tai và thân (da, xương, thịt) đến Đồi Thị và truyền những định hướng về các thông tin mà nó vừa tiếp nhận từ các căn đến tiểu não, để tiểu não căn cứ vào đó mà cân bằng cơ thể và xác định hướng xuất phát của thông tin. Vì thế, với tính chất tiếp vận nầy, nó được xem là một hệ thống giải hội (the recognition system), tức là nó nhận ra (recognize) đối tượng hay môi trường bên ngoài hoặc bên trong cơ thể mà chưa thông qua vỏ não. Ví dụ, khi nghe một âm thanh, nó nhận ra liền âm thanh đó thuộc loại gì và biết hướng phát ra âm thanh đó ở hướng nào; trong lúc vỏ tiền trán (vùng tư duy và ý thức phân biệt) chưa kịp can thiệp vào. Cũng như khi nó nhận ra lửa từ mắt truyền vào, nó liền biết ngay tính chất lửa nầy như thế nào, rồi nó báo động sự quan trọng hay bình thường về ngọn lửa kia lên vỏ não qua ngã Đồi Thị.
2. Cơ chế báo động (Alerting mechanism). Dựa vào đặc tính nói trên của Cơ cấu mạng lưới (CCML), các nhà khoa học thần kinh về não bộ xếp cho nó chức năng thứ hai là "báo động." Tuy nhiên, sự báo động của nó chưa hẳn là chính xác. Ví dụ, nếu nó nhận thông tin từ mắt sai (thấy sợi dây, bảo là rắn, nó cũng báo động là con rắn). Sự báo động này chưa hẳn là chính xác, nhưng ít ra nó cũng giúp vỏ não có thái độ cảnh giác về những hiện tượng này hay những sự kiện mà các thông tin tri giác từ bốn căn truyền đến nó. Vì vậy, nếu cơ chế này bị tổn thương nặng, đưa đến hôn mê (coma), nếu nhẹ đưa đến trạng thái mất ý thức về môi trường. Ngược lại, khi ta đang ngủ say, bất thình lình vùng nầy bị tác động mạnh, ta sẽ tỉnh thức ngay và có thái độ đáp ứng thích hợp với thông tin mà ta vừa mới nhận được trong khi ngủ say.
3. Duy trì sự Tỉnh thức và cảnh giác. Ở đây, sự tỉnh thức và cảnh giác = wakefulness and alertness) được các nhà tâm lý học và khoa học về thần kinh và não bộ định rõ nghĩa của nó là sự thức tỉnh táo và cảnh giác điều gì sắp xảy ra có tính cách bất lợi cho tự ngã (ta). Đây là mức độ hoạt động cao của Cơ Cấu Mạng Lưới. Nó phản ánh trạng thái hằng tỉnh (state of arousal) nói chung của một cá nhân. Nó giúp cho ta có sự ý thức tỉnh táo (a conscious arousal) để ta đáp ứng thích hợp với môi trường chung quanh khi ta đối duyên xúc cảnh mà không thông qua các vùng tiền trán (prefrontal cortex areas). Bởi vì nó tương liên (interconnected) với khu Dưới Đồi, nơi biểu lộ các sắc thái vọng tâm, cũng như chân tâm. Tuy nó không điều khiển được cơ bắp nhưng nó giúp ta thiết lập những đặc tính hóa thái độ như run rẩy, lờ đờ, nhanh nhẹn hay khoan thai, dửng dưng hay khẩn trương. Nó điều hòa lại vỏ não với môi trường bên ngoài và trạng thái tâm lý bất an tác động bên trong. Đó là chức năng tỉnh giác của nó. Bởi vì nó là trạm tiếp vận, có nhiệm vụ lọc những thông tin tri giác từ bên ngoài truyền vào và từ bên trong nội tạng khởi lên để nó truyền lên Đồi Thị hay truyền xuống nội tạng. Nếu nó không truyền đi, các phản ứng khác của sinh lý cơ thể sẽ không phát ra (như không ớn xương sống, không nổi da gà, vì ảo kiến tưởng tượng như có ma quỉ, khi trong đêm khuya canh vắng ta nghe tiếng sột soạt bên ngoài thiền thất).
4. Quản trị toàn bộ sự tỉnh thức của vỏ não. Ở đây, sự ý thức tỉnh táo (a conscious arousal) theo ý nghĩa của khoa học về thần kinh, não bộ và tâm lý là sự tỉnh táo có ý thức, tức là hằng tỉnh hằng biết trong trạng thái có sự phán đoán, sự phân biệt trong đó. Đây là một chức năng rất đặc biệt của một nhóm dây thần kinh trong Cơ Cấu Mạng Lưới. Nhóm dây nầy liên kết qua lại với khu Dưới Đồi, Tiểu Não, và Cột Sống. Vì vậy nó được xem là cơ cấu quản trị toàn bộ sự tỉnh thức của vỏ não. Ví dụ, có một mạng lưới tế bào thần kinh nào đó gởi một dòng xung lực liên tục đến vỏ não qua Đồi Thị, nhưng mạng lưới nầy không truyền đi, khiến vỏ não không nhận được thông tin của dòng xung lực kia. Các nhà khoa học về thần kinh, não, và tâm lý gọi nó là hệ thống mạng lưới hoạt hóa (Reticular activating system). Bởi vì những xung lực tri giác từ tất cả các tuyến truyền lên vỏ não đều nối khớp với mạng lưới này trước khi qua Đồi Thị, đến vỏ não; bây giờ thay vì tiếp tục truyền đi nó lại phớt lờ. (Điều này cho biết vì sao có những sinh viên thích ngồi học bài trong quán ăn của Trường Đại học mà họ không bị khó chịu, bực dọc trước những sự ồn ào náo nhiệt của khách ăn vô ra liên tục, và những tiếng khua của dao muỗng nĩa, ly tách của người ngồi ăn đối diện cùng trên bàn của họ. Đâu phải họ không thấy, không nghe. Cũng giống như trường hợp những đạo sĩ Yoga Ấn Độ, họ thường tọa thiền tại các ngã ba, ngã tư đường có đông đúc xe cộ và người qua lại. Và rõ ràng hơn cả là khi bạn say mê đọc quyển tiểu thuyết trinh thám hay kiếm hiệp, bạn sẽ không hề biết gì về những diễn tiến đang xảy ra chung quanh bạn.) Hoặc hệ thống mạng lưới nầy cũng tự báo cho bạn biết về một dấu hiệu khác lạ nào đó sắp xảy ra để vỏ não có thái độ chú ý hay cảnh giác. Ví dụ, trong khi đang đi trên đường phố, bạn không hề biết gì về sự tuột dây đồng hồ mà bạn đang đeo trên cườm tay, nhưng nếu sự siết chặt đột nhiên lỏng ra, xung lực tri giác từ cườm tay liền truyền lên hệ thống mạng lưới hoạt hóa, khiến bạn có sự chú ý về sự kiện nầy: bạn biết đồng hồ mình sắp rớt ! Tuy nhiên, trong những trường hợp nó không lọc những thông tin tri giác từ bên ngoài truyền vào, cứ truyền lên hết vỏ não, bạn sẽ rối trí ngay. Đó là mạng lưới hoạt hóa đã bị suy nhược, không đủ mạnh để lọc tin. Chính vì thế, trong giấc ngủ ta thường mơ những điều cấm kỵ trong giới luật như quên mình là Tăng hay Ni, cứ tưởng như mình còn là cư sĩ nên dự tiệc mặn, thịt cá ê hề hoặc vui trong "ma dâm."
Ngoài ra, hệ thống này cũng không đóng được vai trò của nó trọn vẹn, nếu nó bị trung tâm gây ngủ ở khu Dưới Đồi tác động, khiến bạn phải buồn ngủ. Trạng thái ngủ gục sẽ xảy ra nếu bạn cứ tiếp tục tọa thiền. Chỉ khi nào bạn biết duy trì niệm biết, qua phương tiện thực hành Chỉ hay Định, trung tâm gây ngủ ở khu Dưới Đồi sẽ không tác động được nó.
Mặt khác, trung tâm này cũng bị suy nhược do rượu, thuốc ngủ hay thuốc gây mê và sự ghiền hút thuốc quá nặng.
Vậy thì, sự quản trị của hệ thống mạng lưới hoạt hóa còn phải tùy thuộc vào những điều kiện chủ quan khác. Đó là sự kiêng cử rượu và thuốc lá, và sự tập luyện cách làm chủ suy nghĩ. Ở đây, các nhà khoa học chỉ ghi nhận những chức năng của nó thôi.
5. Tập trung sự chú ý. Dưới ảnh hưởng của vỏ não, Cơ Cấu Mạng Lưới không những kiểm soát được sự tỉnh thức cảnh giác, sự hằng biết, mà còn giúp ta đạt được hiệu quả cao của năng lực chú ý, thông qua bốn căn liên hệ với nó, gồm: mắt, tai, lưỡi và thân. Khi bạn thực hành những phương pháp điều tức theo Yoga, theo Thiền Phật Giáo (Nguyên Thủy, Phát Triển và Thiền Tông), chính là bạn đang sử dụng năng lực chú ý của Cơ Cấu Mạng Lưới. Bởi vì toàn bộ hệ thống hít vô thở ra của bạn đều do nó đóng vai điều khiển. Trong trường hợp nầy, vỏ não (vùng Ý căn) như một nhạc trưởng. Chính vì thế, sự tập chú vào việc thở phải có phương pháp. Thực hành đúng theo phương pháp mới có hiệu quả cao.
Trong những phương pháp của Yoga và của các hệ thiền Phật Giáo, thường sử dụng hai căn: mắt và tai để tập trung sự chú ý vào các đề mục đều sử dụng hay thông qua Cơ Cấu Mạng Lưới. Các nhà luyện khí công khi họ tập trung tư tưởng để "vận khí" hoặc khai thông kinh mạch, hoặc chữa nội thương, họ đều sử dụng Cơ Cấu Mạng Lưới. Cho đến một lực sĩ luyện cơ bắp hay những thao tác thi đấu trong đua chạy, bơi lội, đấu quyền...cũng đều do Cơ Cấu Mạng Lưới thực hiện chức năng tập trung sự chú ý.
6. Kiểm soát. Nó có khả năng kiểm soát những chức năng của thân thể như sự hô hấp, sự tuần hoàn máu ở tim; giám sát và điều chỉnh tất cả thông tin tri giác từ bên ngoài. Ví dụ, sự thở bình thường của con người là do sự kiểm soát của nó. Đó là khi con người không có gá sự chú ý vào việc điều khiển sự hô hấp. Trong trường hợp các phế nang (túi phổi) thiếu dưỡng khí, nó liền điều khiển các hệ thống trực thuộc như cơ hoành, cơ gian sườn để vận động sự hít thở một hơi dài vào, ngoài sự kiểm soát của vỏ não. Chính vì thế khi thiền gia đạt được trạng thái dừng niệm khởi hay trạng thái "tịnh tức" (quiet breathing) bỗng nhiên hai lá phổi tự động kéo một hơi dài. Đó là vì các phế nang thiếu dưỡng khí (theo dung tích tối thiểu nào đó), nó truyền xung lực đến "trung tâm kích thích sự hít vào" ở hành tủy, trung tâm này liền phản xạ bằng cách điều khiển các hệ trực thuộc, kéo một hơi dài.
Thuở xưa (và cho đến ngày nay) các đạo sĩ Yoga ở Ấn Độ gồm các Fakir có khả năng chế ngự hệ thống Cơ Cấu Mạng Lưới qua sự dùng ý chí để điều khiển trung tâm thở ở Cuống Não (Brain stem) và Hành Tủy (Medulla), nên họ kiểm soát được trung tâm nầy. Vì vậy khi thực hiện cuộc chôn sống trong nhiều ngày, họ vẫn sống (với số lượng dưỡng khí vừa đủ chứa trong hòm chôn sống họ). Tuy nhiên, nếu quá số thời gian quy định, chắc chắn họ phải chết vì thiếu dưỡng khí.
Kết luận
Cơ Cấu Mạng Lưới là một cấu trúc thần kinh đặc biệt đóng vai trò trung gian giữa tâm và những hành vi của tâm (tâm sở). Không có nó, cuộc sống của ta khó có thể bình thường. Từ ngàn xưa, Đông phương đã biết khai thác chức năng đặc biệt của nó để điều hòa thân, tâm qua phương pháp Thở; để cảnh giác giác quan qua phương pháp Quán, mặc dù họ không nhận ra vai trò của nó như các nhà khoa học Tây phương.
Đối với người tu Thiền trong thế hệ mới, chúng ta cần kết hợp hai kinh nghiệm Đông và Tây phương để trợ duyên cho sự dụng công của chúng ta hữu hiệu hơn, không mất nhiều thời gian mò mẫm như ngày xưa.
Mặc dầu chỉ là một mạng lưới thần kinh (nerve network) có chiều dài khoảng hơn một tấc hai, hay hơn chiều dài của ngón tay giữa của người lớn, nằm trong cuống não, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự chú ý và sự tỉnh táo (arousal). Khi chúng ta thiền hành: tập chú vào từng bước đi, từng động tác với sự tỉnh táo hay hằng tỉnh, chính là lúc chúng ta sử dụng khả năng của Cơ Cấu Mạng Lưới. Cũng vậy, khi chúng ta tập chú vào việc Quán đề mục, như "Quán Tam Pháp Ấn" chẳng hạn, chính ngay lúc đó ta đã sử dụng vai trò Cơ Cấu Mạng Lưới. Điều nầy có nghĩa ta không sử dụng sự cố gắng của Ý thức. Khi một người đạt được trạng thái tỉnh thức hay tỉnh giác, người đó đã thật sự chủ động được Cơ Cấu Mạng Lưới. Ngoại duyên (hay bốn trần cảnh của 4 giác quan: thấy, nghe, nếm và xúc chạm) không tác động được vị đó, cho dù vị đó có tọa thiền nơi ồn ào náo nhiệt, nhưng âm thanh không truyền lên Đồi Thị.
Sách Tham Khảo
Liên Hệ về Cơ Cấu Mạng Lưới
- Job's Body, của Deane Juhan, trang 216, xb tại Hoa Kỳ 1967.
- Psychology, của Norman L. Muun, trang 63, 263, 362, 565, xb tại Hoa Kỳ 1956.
- Human Neuroanatomy, của Raymond C. Truex và Malcolm B. Carpenter, trang 6, 280, 298, 319, 324, 338, 362, 364, 394-401, 465-466, xb tại Hoa Kỳ 1969.
- Mind-Body Therapy, của Ernest L. Rossi và David B. Cheek, trang 21, xb tại Hoa Kỳ 1988.
- The Brain, của Richard M. Restak, trang 129, 314, 317, xb tại Hoa Kỳ, 1984.
- Images of Mind, của Michael I. Posner và Marcus E. Raichle, trang 210, xb tại Hoa Kỳ năm 1994.
- Neurophysiology, của Ruch-Patton-Woodbury-Towe, trang 216, 218, xb tại Hoa Kỳ 1984.
- The Human Brain, của Mc Diamond/AB. Scheibel/LM. Elson, trang 4-12,5-12, 5-19, xb tại Hoa Kỳ 1984.
- Exploring Psychology của David G. Myers, trang 29-30, xb tại Hoa Kỳ 1990. 10. Zen Meditation and Psychology của Tomio Hirai, trang 121, xb tại Hoa Kỳ 1989.
- The Human Psyche, của John C. Eccles, trang 142-145, 163, xb tại Hoa Kỳ năm 1992.
- Atlas of Human Anatomy, quyển III, của R.D. Sinelnikov, trang 26, 48, 75, xb taz5i Moccow 1990.
- Human Anatomy and Physiology, của Elaine N. Marieb, trang 402, 487, xb tại Hoa Kỳ 1992.
- Anatomy and Physiology, của Dr. James Bevan, trang 59-60, 62, 92, xb tại Hoa Kỳ 1978.
- Psychology, an Introduction của Ann L. Weber, trang 53, xb tại Hoa Kỳ 1990.
- Psychology, an Introduction của Kagan and Havemann, trang 253-254, xb tại Hoa Kỳ 1976.