Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 56
Sáng hôm nay, mình lại nghĩ tới cây bồ đề nữa. Hôm qua tưởng là hết chuyện rồi.
Cây bồ đề, thiệt ra tên là Pipphala hay Pipal, hay Peepal, tuy nhiên đối với người Phật tử thì nó có tên là Bodhi tree, cây Giác ngộ hay cây Bồ đề, kỷ niệm nơi đức Phật Thích Ca thành đạo khi ngài tọa thiền dưới gốc cây này. Người Phật tử có lòng tôn kính đức Phật, thường có lòng biết ơn cây bồ đề, mình lại nghĩ thêm rằng cây bồ đề biểu hiện cho trí tuệ giác ngộ, nên đã có lúc phóng tâm muốn có một cây bồ đề xanh tươi của riêng mình.
Đã hơn mười lần được qua chiêm ngưỡng cây bồ đề tại Bodh Gaya, tương truyền là tại không gian này, đức Bổn sư đã sáng đạo và trở thành bậc Giác ngộ hoàn toàn, tương đồng với chư Phật ba đời ở khắp mười phương.
Cây bồ đề ở đây thiệt là to lớn, gốc cây chắc cũng phải hai ba người ôm, tỏa nhánh ra, vươn lên cao hơn mái nhà, mát rượi một vùng. Gốc cây này thiệt ra không phải là chính cây đã che nắng che mưa cho đức Phật từ hơn hai ngàn năm trước đâu. Cây bồ đề ngàn xưa đó đã mấy lần sinh và hoại theo vận nước thăng trầm, qua những biến động sóng gió của tâm đời, nhưng rồi mầm non lại mọc, cây lá lại vươn lên, đồng thời với mầm trí tuệ tỉnh thức của người Phật tử. Con người lại chăm sóc nó và nó lại có mặt, xanh mát, sống lại, sừng sững giữa trời.
Cây bồ đề là giống cây cổ thụ, gốc cây vững chắc, to lớn, lá xanh um tùm, khắp xứ Ấn Độ đều có, như một giống cây hoang dã, thiên nhiên, không cần người gieo trồng hay chăm sóc đặc biệt. Nó cứ rắc hột xuống đất, rồi nắng, gió, rồi mưa, đủ duyên thì mầm non cứ vươn lên, qua ngày tháng trở thành rừng cổ thụ.
A, vậy thì sao mình muốn có một cây bồ đề lại không được ? Cả 3 cây đều chết khô ?
Thì cây bồ đề nó cũng muốn được sống tùy duyên thuận pháp. Mình lại bắt nó là của riêng mình. Mình cắt bớt rễ của nó, bỏ nó vô một cái chậu nhỏ, không đủ đất, không đủ nước, mang nó vào nhà, không đủ không khí để thở, làm sao nó sống ? Nó đã im lặng nhận chịu, nó chỉ ủ rủ héo xào, sao mình không nhận ra sớm hơn, để trả nó lại cho thiên nhiên, cho nó xuống đất, nó sẽ hứng nắng, hứng sương, nó sẽ đong đưa theo gió, đời sống của nó là như vậy, nó sẽ lớn mạnh thành cây cổ thụ, hiên ngang giữa trời. Chỉ tại mình mê mờ, muốn đem nó vào nhà, nó chỉ xanh tươi cho mình ngắm, cho mình vui. Từ một cây bản chất là cổ thụ, mình lại không cho nó lớn, không cho nó trưởng thành, biến nó thành cây nhỏ xíu, thì nó phải yếu ớt, mong manh và hoại diệt.
Cây bồ đề của mình ơi, bài học này sao mà xót xa như vậy ?
Ngẫm nghĩ thêm, nhớ Đức Phật đã từng nói: "Hễ có một người thân ái là có một mối đau khổ". Phải, mình thương quí ai, thường mình muốn người đó là của riêng mình. Thì người ta làm sao sống nổi trong cái ngục tù này được, dù cho bốn bức tường làm bằng vàng. Người ta khổ, chết mòn thì mình khổ, mà như người ta muốn thoát ra, thì mình càng khổ hơn.
Vậy làm sao để không đau khổ ? Câu trả lời rất logic là : "Không có thân ái với ai, không có thân ái với cái gì, thì không khổ nữa" . Tâm thanh thản, bình đẳng với tất cả người, tất cả vật, cây cảnh hoa lá, thì không còn cái mơ tưởng "có cái gì là của riêng mình" thì không còn xót xa ngậm ngùi vì những cảnh hoại diệt của thế gian. Cảnh thành- trụ- hoại- diệt của thế gian là qui luật tự nhiên, không làm sao tránh khỏi. Vậy thì vui hay buồn theo nó là chuyện dư thừa, người có trí không vui không buồn theo dòng thăng trầm của thế gian.
Chuyện ba cây bồ đề tới đây xin chấm hết. Thôi xin từ giả ba cây bồ đề của riêng mình.
Thiền viện, 12- 6- 2024
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 56
LẠI CHUYỆN CÂY BỒ ĐỀ
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download