Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 55
Ở thiền viện có hai cây bồ đề, một cây lớn trồng sau lưng pho tượng đức Bổn sư trên tảng đá cao và một cây nhỏ hơn trồng trong khuôn viên có pho tượng đức Bổn sư ở góc vườn khác. Có một lần, trông thấy ở nhà một thiền sinh, một cây bồ đề bonsai, trồng trong 1 chậu nhỏ, gốc cây lớn, lá sum suê tỏa ra đều, được cô thiền sinh trân trọng bày trên bàn giữa phòng khách. Từ đó, mình thầm ao ước phải chi có một cây bồ đề bonsai, để trên bàn làm việc tha hồ ngắm nhìn thư giãn. Nhưng tại sao lại phải là cây bồ đề? Trong vườn tổ đình đâu có thiếu cây cảnh hoa lá khác? Cũng tại mỗi khi trông thấy lá bồ đề là mình nhớ tới đức Phật, rồi bao nhiêu nỗi niềm lan tỏa ra, khó diễn tả lắm.
Thế rồi, một thiền sinh ở đạo tràng Sacramento đã gởi biếu một cây bồ đề bonsai cho thiền viện, từ lâu lắm rồi, khi còn đầy đủ tăng đoàn đầu tiên, tức là hơn 10 năm trước. Mình mừng lắm, chăm sóc ngắm nhìn hoài không chán, mới nhú lên búp lá cũng thấy, rồi lá từ từ xuất hiện non mướt, rồi lá xanh xanh trưởng thành. Lúc đó, mình cũng đã phải đi du hóa theo Thầy, mà cũng có khi đi xa một mình. Thời gian đi vắng nhiều hơn thời gian về tổ đình. Mỗi khi đi vắng, mình vẫn nhớ gởi cây bồ đề bonsai cho sư cô Phúc Trí và sư cô Hạnh Như chăm sóc tưới nước giùm. Một thời gian sau, lần lần thấy lá bồ đề úa vàng, mình lo lo, cho nó thêm một chút nước. Nhưng rồi cuối cùng nó vẫn rụng hết lá vàng. Mình buồn buồn, báo tin cho chủ của nó là không biết sao cây bồ đề bonsai đã chết. Thì được biết chắc tại tưới nhiều quá nên cây bonsai mới chết.
Vài năm sau thiền sinh này lại gởi cây bồ đề bonsai khác xuống cho thiền viện. Mình mừng quá, thầm cám ơn, thiệt ra đâu có thể nói là mình muốn có một cây bồ đề bonsai khác.
Lần này rút kinh nghiệm, không dám tưới nhiều nữa. Tuy nhiên mình vẫn phải đi vắng hoài, làm sao cho an toàn đây? Thôi thì đem cây bồ đề bonsai cho ra ngoài vườn, bên cạnh cây cảnh hoa lá khác, mỗi khi quí thầy tưới vườn, sẽ tưới chung tất cả. Nó là cây cổ thụ mà, sức sống rất mạnh, cho nó sống bình thường giữa thiên nhiên là tốt nhất. Nhưng rồi, một thời gian sau, lần lần nó vàng lá, héo úa rồi chết khô. Một lần nữa, mình lại báo tin buồn cho chủ của nó. Lần này chắc tại nó không chịu nỗi sức nóng của vùng đồi núi sa mạc này nên héo khô mau.
Mới đây, thiền sinh này lại trao cho một cây bồ đề bonsai nữa, vừa nhắc: “Đây là cây bồ đề thứ ba!”. Cây bồ đề thứ ba này trông khỏe hơn hai cây trước, gốc lớn hơn, lá nhiều hơn tỏa ra từ 3 cành đều, mình bày ngay giữa phòng sinh hoạt, ai tới cũng có thể thưởng thức. Trong 2 năm liền, nhằm mùa covid-19, mình trụ tại tổ đình, mỗi ngày ngắm nhìn nó. Có một búp non, thêm một niềm vui. Rồi nở ra mượt mà, từ từ vươn ra tròn vo, cái đuôi lá dài ẻo lả. Từ từ lá vươn lên cao hơn, sum suê ra.
Lần này mình lấy một bình nhỏ để cắm hoa, cho nước vào, rồi đặt chậu trồng cây bồ đề bonsai lên trên, rễ của cây bồ đề sẽ tự hút nước vừa đủ cho nó. Khoảng gần 1 tuần thì nước hết, mình lại cho thêm nước vào. Trong 2 năm mình trụ tại tổ đình, cây bồ đề thiệt đẹp.
Bắt đầu từ năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mình lại bắt đầu tới thăm thiền sinh khắp nơi. Mỗi lần đi xa thường là 2 hay 3 đạo tràng nên thời gian thường là 3 tuần. Mình có nghĩ tới cây bồ đề bonsai, cây thứ ba này phải sống. Buổi sáng, trước khi lên xe rời thiền viện ra phi trường, mình cho nước vào đầy bình chứa, dặn dò lần nữa, nhờ người ở lại, chăm sóc cây bồ đề, mỗi tuần chỉ cần cho thêm nước vào bình là được.
Khi trở về thiền viện, mình tới ngay cây bồ đề, nhấc cây lên, thấy bình chứa khô cạn, giật mình lấy nước đổ vào, đặt cây bồ đề xuống, thấy lòng xót xa. Không thể làm buồn ai, mình im lặng.
Rồi lại rời thiền viện đi tiếp. Khi trở về, thấy lá hơi lưa thưa, vàng vàng. Nhấc cây lên, thấy bình chứa cạn khô. Mình cho nước vào, ngẫm nghĩ: Sao chậu cây bồ đề mình đã chủ ý đặt ngay giữa phòng ăn, mỗi ngày đều phải tới đây ăn uống hai lần, mà không ai nhìn thấy lá bồ đề úa vàng? Cả chục chậu lan ở góc phòng mà sao không héo úa? Cây lá trong vườn sao không héo úa? Lần này trước khi đi xa, mình lại nhắc người ở lại nhớ mỗi tuần cho thêm chút nước (cốt cho nó sống sót đợi mình về!).
Mình đi liên miên, tháng nào cũng đi, gốc bồ đề sum suê khi xưa lần lần khô héo, không thể cứu được, lần nào trở về, nước cũng cạn khô. Cho thêm vài cục nước đá nhỏ quanh gốc, thấy lòng ngậm ngùi. Mỗi khi nhớ tới nó, tâm mình như ứa nước mắt. Không thể hiểu được, không thể nói gì, như có một vết thương trong tâm.
Hình ảnh cuối cùng cây bồ đề trơ cành, khẳng khiu, không còn một cái lá nào, thân khô héo, cứng đờ, răn reo, vẫn đứng thản nhiên chờ đợi mình trở về, im lặng hoàn toàn, mình đã câm nín, chịu đựng, không nói một lời. Từ đó, mỗi khi nhớ tới nó, tâm lại băn khoăn: Sao lại như vậy? Sao không ai thấy lá nó úa vàng? Sao không thấy lá nó khô rụng? Cái lá này rụng, rồi cái lá kia rụng? Ai đã nhặt lá rụng mà sao không bố thí cho nó một chút nước? Đất quanh gốc khô cứng, rễ cây cũng quăn queo héo khô. Bây giờ có tưới nước bao nhiêu cũng đã muộn rồi.
Từ đó tới nay, đã qua hai năm rồi, thỉnh thoảng mình có băn khoăn: Sao lại như vậy?
Sáng sớm hôm nay, trong thời thiền, mình đã cảm thấy tâm bình yên về chuyện ba cây bồ đề.
Thì không đủ duyên, nó phải như vậy thôi. Dường như mình đã quên cây bồ đề, nhất là cây bồ đề cuối cùng, nó là pháp hữu vi, nó phải biến hoại và diệt đi, làm sao sống hoài khi không đủ duyên? Mình đã yêu quí cây bồ đề vì nó tượng trưng cho sự giác ngộ. Nó nhắc nhở tới Đức Phật. Mình biết Bồ Đề có nghĩa là giác ngộ, cho nên mình đã phát tâm có một cây bồ đề của riêng mình, giống như là mình đang chăm sóc “cây giác ngộ” của riêng mình vậy. Mình đã tưởng khi cây bồ đề bonsai của mình tươi tốt sum suê, cũng là khi “cây trí tuệ” của mình phát triển tươi tốt. Cho nên khi nó héo khô, mình cứ hỏi: tại sao?
Cây bồ đề bonsai tạm xem là pháp duyên sanh, còn cây bồ đề trong tâm của mình là pháp vô sanh. Một bên là tướng, bên kia là tánh, tuy khác nhưng cũng không khác. Cây bồ đề trong tâm của riêng mình bản thể là vô sanh, nghĩa là không có sanh cũng không có diệt. Nó là thường hằng bất biến, là trong sạch hoàn toàn. Nhưng nếu mình không nhận ra nó thì nó giống như không có đối với mình. Nếu mình thấy nó rồi mà mình lơ là, không chăm sóc mỗi ngày thì tâm mình cũng héo khô, làm sao phát huy trí tuệ, làm sao chan hòa từ, bi, hỷ, xả?
Cây bồ đề trong tâm phải tự mình chăm sóc, lá bồ đề mới nảy sanh tươi tốt, có ai nhờ người khác chăm sóc giùm đâu. Cây bồ đề bonsai cũng vậy, mình quí nó thì tự mình phải chăm sóc, sao lại nhờ người khác. Đó là lỗi của mình.
Mà bây giờ mình đã biết, cây nào cũng là cây giác ngộ, hoa lá, cảnh vật nào cũng hiển lộ thực tại cuối cùng. Vậy thì cây cảnh hoa lá nào cũng là "cây bồ đề", đâu có cái nào là của riêng mình đâu ?
Thiền viện, 10- 6- 2024
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 55
CHUYỆN BA CÂY BỒ ĐỀ
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download