TỨ NIỆM XỨ LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT...
I. DẪN NHẬP
Thiền Phật giáo có hai nội dung, đó là thiền Chỉ và thiền Quán. Mục đích của thiền Chỉ hay Định là tập trung tâm vào một đề mục, không để tâm lang thang suy nghĩ dính mắc với ngoại cảnh, không nghĩ nhớ đến những hành vi trong quá khứ hay tưởng tượng những gì chưa xảy ra ở tương lai. Do đó mà tâm được định tĩnh, không bị tham sân si quấy nhiễu đưa đến phiền não khổ đau. Còn mục tiêu của thiền Quán là “duy trì chánh niệm tỉnh giác” liên tục trên bất cứ hiện tượng nào trổi lên từ thân-tâm, để nhận ra ba tướng “Vô thường-Khổ-Vô ngã” của ngũ uẩn, từ đó ly tham, ly sân, buông bỏ không dính mắc với mọi thứ trên đời đưa đến giác ngộ giải thoát.
Thiền Quán, còn gọi là thiền Minh Sát hay Minh Sát Tuệ. Tiếng Pàli là Vipassana. Vi là “sự khác biệt”. Passana là hiểu đúng, thuật ngữ nhà Phật gọi là “chánh niệm tỉnh giác”. Minh là ánh sáng, là trí tuệ. Sát là quan sát. Minh sát tuệ hay Vipassana là “sự hiểu biết một cách sâu sắc, tường tận đề mục mà hành giả quán chiếu”. Có bốn đề mục để thực hành thiền Quán là Thân, Thọ, Tâm, Pháp gọi chung là Tứ Niệm Xứ.
Những bài kinh về thiền Quán được ghi lại trong Trường Bộ Kinh phẩm 22 có tên là “Đại Niệm Xứ”, trong Trung Bộ Kinh, phẩm 10 có tên là “Tứ Niệm Xứ”, phẩm 119 có tên là “Thân Hành Niệm” và bàng bạc rất nhiều trong Bộ Kinh Nikãya như là Tiểu Bộ, Tương Ưng Bộ.
II. TỨ NIỆM XỨ LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT....
Bài kinh Tứ Niệm Xứ xuất phát từ câu chuyện về một pháp thoại do đức Phật dạy cho các đệ tử, mà trong chú giải nói rằng đầu tiên Ngài dạy cho các Phật tử tại gia. Những Phật tử được vinh hạnh nghe bài pháp này là người dân thuộc bộ tộc Kuru ở Kammassadhamma, Tây Bắc Ấn Độ. Về sau đức Phật mới đem bài pháp thoại này giảng cho các đệ tử xuất gia. Muốn tu tập pháp môn thiền Tuệ này, chúng ta cần hiểu rõ lời Phật dạy trong kinh văn. Mở đầu phẩm kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta), đức Thế Tôn thuyết rằng:
“Này các Thầy, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.”
Chúng ta hiểu như thế nào về việc đức Phật đã khẳng định đây là con đường duy nhất (Ekãyano maggo) thanh tịnh chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn? Các nhà chú giải đưa ra một số ý nghĩa của con đường độc nhất như sau:
“1) Con đường duy nhất (ekãyano maggo) ám chỉ một con đường tu thẳng tấp, không ngoằn ngoèo, không ngã rẻ. Đây là một phương pháp hành trì thẳng tấp đưa đến kết quả.
2) Con đường duy nhất, vì trên đường tu, mỗi người tự mình độc hành độc bộ, tự quán chiếu lấy thân tâm mình, cho dù trong thiền đường có đông người cùng tọa thiền.
3) Con đường duy nhất của đấng giác ngộ đã tu tập và thành công. Đó là đấng Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã tự mình khám phá ra con đường giải thoát và truyền lại cho chúng ta.
4) Nói con đường duy nhất, vì xưa nay chỉ trong đạo Phật mới có thiền Tuệ.
4) Là con đường độc nhất đưa hành giả thoát ly đau khổ thành tựu chánh trí chứng ngộ Niết-bàn.”
Trên đây là những ý nghĩa do các nhà Phật học chú giải, tại sao Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất đưa đến chứng ngộ Niết-bàn.
Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất giúp thanh tịnh chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, quả là lời hứa tuyệt vời của đức Thế Tôn. Với pháp môn này, đức Phật dạy hành giả trực tiếp quán thẳng vào bốn xứ thuộc thân-tâm để nhận ra thân, thọ, tâm, pháp thực chất của nó là vô thường, bất như ý, vô ngã, giúp hành giả nhận ra ngũ uẩn không thực chất tính, nên không cho ngũ uẩn là ta, của ta hay tự ngã của ta. Từ đó đoạn trừ được ngũ dục: Tài, sắc, danh, thực, thùy. Không bị quyến rủ khi các căn tiếp xúc với các trần như mắt thấy cảnh đẹp, tai nghe tiếng ngọt ngào, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm vị ngon, da thịt xúc chạm êm ái... là những thứ luôn mời gọi con người khao khát chiếm hữu.
Nhờ trực tiếp soi thẳng vào tâm, hành giả nhận ra những ô nhiễm, những bất thiện trong tâm như tham, sân, mạn, nghi, tà kiến gọi chung là tham ái, vô minh. Nhận ra để làm gì? Để thanh lọc chúng ra khỏi tâm trí của mình. Khi tâm trong sạch, thuần khiết thì đó là thanh tịnh.
Nhờ tu pháp môn này, hành giả vượt thoát sầu não, diệt trừ khổ ưu. Sầu não, khổ ưu là những điều bất như ý, là những lo âu, phiền muộn. Là khổ thân, khổ tâm. Khi thân tâm hành giả đã thanh tịnh, thì phiền não khổ đau không còn nữa!
- Thành tựu Chánh trí: Chánh trí có nghĩa là trí tuệ vượt thoát của các bậc thánh do thành tựu thiền Tuệ mà có. Trí này có khả năng đoạn trừ rốt ráo phiền não. Bậc thánh ngoài việc thực tập thánh đạo tám ngành tức Bát chánh đạo, các vị ấy còn phải tu tập thiền Tuệ để thành tựu Chánh trí và Chánh giải thoát mới đạt được Tứ quả tức A-la-hán, chứng ngộ Niết-bàn.
- Niết-bàn là một trạng thái tịch tịnh vô tham, vô sân, vô si, vô ái , vô thủ, vô hữu, vô sanh. Niết-bàn không phải là một cảnh giới, không phải là nơi chốn để con người quy tụ sống chung với nhau. Niết-bàn là một trạng thái chứng đắc của tâm, là một trạng thái trực ngộ của tâm. Muốn hiểu rõ, biết rõ Niết-bàn là gì, thì hành giả phải thực tu, thực chứng, tự mình trải nghiệm mới biết, còn ngôn ngữ lời nói thế gian không sao diễn tả được.
III. BỐN XỨ
Sau khi khẳng định pháp Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ, giải thoát luân hồi sinh tử. Đức Thế Tôn giảng tiếp nguyên văn như sau:
“Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ -kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. Đoạn kinh này đức Phật dạy các hành giả phải sống “quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp” để chế ngự tham ưu ở đời.
Thực ra, pháp tu Tứ Niệm Xứ sẽ đưa hành giả tiến xa hơn. Đó là đi đến giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn như lời tuyên bố của đức Phật, chứ không phải chỉ chế ngự tham ưu ở đời. Nhưng bước đầu cần phải đoạn trừ tham ưu để tâm được thanh tịnh. Điểm quan trọng trong bài học Quán đầu tiên này, đức Phật dạy phải luôn luôn áp dụng công thức: “Nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm”. Vậy nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác là gì?
- Nhiệt tâm: Muốn thành tựu pháp môn thiền Tuệ này, hành giả phải luôn luôn hâm nóng lòng nhiệt quyết, phải giữ lửa tu tập miên mật không lười biếng. Lúc nào cũng chú tâm soi sáng bốn đề mục tu tập của mình. Vì có nhiệt tâm mới có nghị lực vượt qua mọi khó khăn trở ngại trên đường tu. Như một chiếc xe hơi cần có xăng thì đề máy mới nổ. Hết xăng thì máy ngừng chạy và xe nằm yên một chỗ. Xăng là năng lượng để xe di chuyển. Còn nhiệt tâm là năng lượng của người tu tập không thể thiếu.
- Chánh niệm (Sammã-sati): Là một trong tám chi phần của Bát chánh đạo. Niệm có nhiều nghĩa như nhớ, biết, chú tâm, gắn chặt, quan sát v.v... Trong Tứ Niệm Xứ, chánh niệm là sự quan sát những gì xảy ra trong thân tâm mình ngay trong hiện tại bây giờ và ở đây, mà không có phản ứng tích cực hay tiêu cực gì cả. Đối tượng như thế nào thì ghi nhận và biết đúng với bản chất thật của đối tượng đang diễn ra như thế đó. Ở đây đối tượng của Chánh niệm là Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
Nhiệm vụ của Chánh niệm là dán cái tâm của hành giả vào đề mục cần quán niệm, từ lúc khởi sanh, tồn tại cho đến khi biến mất. Để làm gì? Để nhận ra bản thể thật sự của vạn pháp là vô thường, bất như ý và vô ngã. Đồng thời cũng nhận ra tánh sinh diệt của đối tượng. Từ đó hành giả không còn bám víu vào tham dục, sân hận, để tâm thanh tịnh, phát huy Chánh trí đi đến chứng ngộ Niết-bàn.
- Tỉnh giác: Là rõ biết một cách đầy đủ, trong sáng, không tà kiến, điên đảo trên đề mục tu tập. Tà kiến, điên đảo là cái biết chấp ngã, chấp pháp. Tỉnh giác trong Tứ Niệm Xứ là cái biết tự nhiên, thấy sao biết vậy, ghi nhận cái “đang là, như vậy” của đối tượng không phản ứng. Ý nghĩa tỉnh giác ở đây đồng nghĩa với chánh niệm, nên chúng ta thường thấy hai bộ chữ này đi chung với nhau là “chánh niệm tỉnh giác”.
- Quán thân trên thân: Chánh niệm về thân, nghĩa là hành giả chỉ quán thân thể là thân thể mà thôi. Thân thể đứng yên hay vận hành như thế nào chỉ biết và ghi nhận như thế đó. Tóm lại là quán cấu trúc của thân thể, diễn biến của thân thể, sự hình thành của thân thể, sự hành hoạt của thân thể... Và trong quá trình quan sát, không có phán đoán đây là đàn ông, đàn bà, trẻ con, người lớn, cao, thấp, mập, ốm, cũng không quan tâm đến màu da chủng tộc v.v... Hành giả chỉ quán chiếu tuệ tri về thân như chính thân đang là.
Quán niệm thân thể gồm có các đề mục để thực tập như: Hơi thở ra vào. Bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tất cả các động tác hoạt động của thân. 32 thể trược của thân thể. Tứ đại: địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. Mười giai đoạn tan rả của tử thi.
Quán thân trên thân, giúp hành giả nhận ra thân này không phải là ta, của ta hay tự ngã của ta, nên từ bỏ việc làm nô lệ cho bản ngã.
- Quán thọ trên thọ: Hay quán cảm giác nơi cảm giác, có nghĩa là tỉnh giác ghi nhận một cách khách quan những cảm giác hay cảm thọ của mình trổi lên ngay lúc đó: Vui sướng (lạc thọ), buồn phiền (khổ thọ) hoặc bình thường, không vui sướng cũng không đau khổ (xả thọ), xem chúng khởi lên ra sao, cường độ tăng, giảm và biến mất thế nào. Thí dụ khi có cảm giác vui, hành giả liền biết và ghi nhận: “có một cảm giác vui”. Có “cảm giác không vừa ý” hành giả liền biết và ghi nhận tâm đang không vừa ý.
Thông thường người ta hay thất vọng khi chứng nghiệm cảm thọ khổ, và phấn khởi vui sướng khi có cảm thọ lạc. Pháp quán thọ, đức Phật dạy, thì quán trong yên lặng, không khởi tâm thích hay không thích. Cảm giác khởi sinh như thế nào, quan sát cường độ tăng, giảm, lên, xuống và tan biến của nó như thế ấy mà thôi!
Quán niệm thọ nơi thọ giúp cho hành giả chứng nghiệm tất cả cảm giác bất luận vui, buồn một cách khách quan bình thản (tâm xả), tránh cho hành giả không bị cảm giác chi phối, tức không bị lệ thuộc vào cảm giác.
- Quán tâm trên tâm: Khi hành thiền, nếu có những ý nghĩ hay tư tưởng phát sinh thì hành giả liền biết và ghi nhận chúng. Dù là ý nghĩ thiện hay bất thiện khởi lên, hành giả chỉ quan sát chúng một cách khách quan không luyến ái hay bất mãn. Quán sát tâm mình một cách khách quan như vậy giúp cho hành giả thấu đạt bản chất và hành hoạt thật sự của tâm. Thường xuyên niệm tâm trên tâm sẽ học được cách kiểm soát và điều khiển tâm mình.
- Quán pháp trên pháp: Trong phần này đức Phật dạy hành giả quán những pháp thuộc về con số. Thí dụ như quán:
- Năm triền cái: Tham, Sân, Hôn trầm, Trạo cử, Nghi ngờ. Là 5 hiện tượng ngăn che cản trở thiền Định.
- Ngũ uẩn: Là năm tổ hợp tạo nên tiến trình sống của con người. Đó là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
- Lục nhập: Sáu giác quan hay sáu căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý. Và sáu đối tượng của 6 căn là: Hình sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (tư tưởng).
- Thất giác chi (Bảy yếu tố của sự ngộ đạo): Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định và Hành xả.
- Tứ diệu đế (bốn sự thật cao quý): Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.
IV. GÚT LẠI
Thiền Tuệ hay thiền Quán là pháp thực hành đặt trọng tâm “chánh niệm tỉnh giác” trên bốn đề mục: Thân, Thọ, Tâm, Pháp... bằng cách ghi nhận, quan sát những diễn tiến xuất hiện trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp mà không có Ý Căn, Ý thức, Trí năng can thiệp vào. Nguyên tắc quán Tứ Niệm Xứ là quan sát đối tượng lúc sinh khởi, tồn tại và biến mất theo chu kỳ Sinh-Trụ-Diệt một cách rõ ràng đầy đủ sáng suốt để nhận ra tánh Vô thường, Vô ngã và tánh Sinh diệt của đối tượng.
Bài viết này chỉ giới thiệu và tìm hiểu sơ khởi đoạn mở đầu của kinh Tứ Niệm Xứ. Sau này, nếu có dịp chúng tôi sẽ đi vào nội dung chi tiết của bài kinh.Trước khi rời bàn phiếm, một lần nữa, kính gởi đến quý vị hữu duyên lời nhắn nhủ của đức Thế Tôn như một lời hứa chắc chắn những ai tu tập theo pháp này sẽ thành tựu Chánh trí và chứng ngộ Niết-bàn: “Này các Thầy, đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.”
(Ngày 02/6/2024, Sinh hoạt với Hội Thiền Tánh Không,
tại Thiền Viện Minh Đăng Quang Houston, TX)