THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Luận giảng số 5
Đây là bài khai thông quan trọng. Nó vừa xác định nội dung Thiền mà chúng tôi chủ trương, vừa nói rõ điểm khác nhau giữa phương pháp của chúng tôi với những phương pháp khác. Lý do là hiện nay Thiền đã và đang trở thành một phong trào mở rộng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Thụy sĩ…và những quốc gia có gốc rễ truyền thống Thiền Phật giáo như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Mông Cổ, Nhựt, Đài Loan, Triều Tiên, và Việt Nam. Nhưng vì có nhiều phương pháp tu hay thực hành khác nhau, nên chúng tôi cần xác định phương pháp dụng công mà chúng tôi hướng dẫn như thế nào để người theo học nắm bắt được.
Mấu chốt của quan niệm mới
Gọi là quan niệm mới vì nó đi ngược lại quan niệm cũ của nhiều truyền thống Thiền trong những thế kỷ hay những thập niên trước đây. Chứ thật ra, nó vẫn cũ. Vì nó vẫn là pháp Thiền do Đức Phật Thích Ca thiết lập, và chúng ta noi theo lời dạy của Ngài để thực tập hay để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Có mới chăng là khi thực hành, chúng ta kết hợp Pháp với khoa học, và chúng ta không theo khuôn mẫu những truyền thống Thiền sử dụng giao cảm thần kinh quá nhiều, mà không để ý đến đối giao cảm thần kinh.
Cụ thể, quan niệm mới này được xây dựng trên 6 điểm:
1. Vai trò của định nghĩa
Trước khi học hay hướng dẫn bất kỳ chủ đề nào, chúng tôi đều định nghĩa chủ đề đó cho rõ ràng. Chủ đề mà định nghĩa không rõ, sẽ đưa đến thực hành sai lạc. Lạc đường thì dễ, lạc thiền thì có thể đi đến tẩu hỏa nhập ma, tức là loạn thần kinh và đưa đến bệnh tâm thể, như tiểu đường, cao máu, tim mạch rối loạn, tai biến mạch máu não, cuối cùng là chết do hậu quả của bệnh kia hoành hành.
Bất kỳ chủ đề nào, chúng tôi cũng định nghĩa trước, rồi sau đó mới đi sâu vào sự giải thích và hướng dẫn cách thực hành. Cho nên, định nghĩa rất quan trọng; giống như la bàn của thuyền trưởng vậy.
Thông thường, định nghĩa chủ đề có 3 cách:
1. Định nghĩa theo lối Hàn lâm (Academic definition).
2. Định nghĩa Lòng vòng (Circular definition)
3. Định nghĩa Bình dân (Popular definition)
Hàn lâm thì cao siêu, mang tính triết học. Nó giúp cho người nghe có thêm kiến thức rộng rãi, văn chương bác lãm, nhưng nó xa rời thực tế, và đưa vào thực hành thì giống như leo núi mà bám rêu.
Thí dụ:
Hỏi: - Định là gì ?
Đáp: - Định là tâm thuần nhất. Trong đó chỉ có đơn niệm biết. Định là nhất tâm. Nhất tâm là tâm trụ trong một cảnh. Tâm trụ trong cảnh là tập trung tâm ý vào một đối tượng.
Lòng vòng thì nói hoài mà vẫn không hết ý, nhưng không biết kết thúc chỗ nào. Người nghe cũng không biết cách thực hành chủ đề đó ra sao.
Thí dụ:
Hỏi: - Định là gì ?
Đáp: - Định là tâm không vọng tưởng. Tâm không vọng tưởng là tâm không kẹt hai bên. Tâm không kẹt hai bên là tâm không tán loạn. Tám gió thổi không động...
Bình dân thì dễ hiểu, dễ biết, dễ nhận ra, và cũng dễ biết cách thực hành, vì nó phù hợp với kiến thức của đại đa số.
Thí dụ:
Hỏi: - Định là gì ?
Đáp: - Là sự nhận biết không lời.
Hỏi: - Làm thế nào để thực hành ?
Đáp: - Thực tập cách không nói thầm trong não.
2. Vai trò của hài hòa
Thiền chú trọng thực hành để đưa đến chuyển hóa nội tâm, điều chỉnh bệnh của thân, và phát huy trí tuệ tâm linh. Sau cùng là đưa cá nhân đến hài hòa thân, tâm của chính họ; rồi chính họ hài hòa với người chung quanh, hài hòa với môi trường chung quanh gồm môi trường xã hội và môi trường thiên nhiên. Nếu nói tu thiền mà vị đó chưa biểu lộ kinh nghiệm hài hòa qua thái độ, cử chỉ, nói năng với người khác, việc khác, vị đó nên xét lại lối tu thiền của mình.
Cho nên, chúng ta đề cao hài hòa là điểm chính yếu trong Thiền. Nó vừa là kết quả của quá trình dụng công bằng niệm Biết không lời, mà cũng là tác nhân xây dựng sự tiến bộ tâm linh và xây dựng nền an ninh trật tự xã hội tại địa phương mình sinh sống.
Trong quan niệm mới về sự thực hành thiền, chúng tôi hướng dẫn nhiều cách thực hành để thiền sinh kinh nghiệm hài hòa thân tâm của chính mình. Đó là cách tác động vào Đối giao cảm thần kinh bằng những tiến trình của niệm Biết và Nhận thức biết.
Người chưa có kinh nghiệm hài hòa thân tâm của chính mình, thì không thể nào có hài hòa với người khác. Chỉ vì bản chất ích kỷ vốn tiềm tàng trong tâm của người chưa tỉnh ngộ. Họ thích thấy lỗi người mà không bao giờ có can đảm nhìn thấy lỗi mình để sửa chữa.
Phiền não, khổ đau, tranh chấp, đấu tranh, giành giựt, điên đảo, mê lầm, dính mắc vốn do sự không hài hòa thân tâm của chúng ta, mà trong đó là do chúng ta chưa biết khai triển năng lực của niệm Biết bên trong cơ chế tánh giác.
3. Vai trò của thư giãn
Thiền không chủ trương đì thân, đì tâm; trái lại, chủ trương thư giãn thân tâm bằng cách khai triển những năng lực của niệm Biết, Thầm Nhận Biết, Tỉnh Thức Biết, và Nhận Thức Biết.
Do đó, khi thực hành bất kỳ chủ đề nào, chúng tôi đều chủ trương:
không cố gắng quá mức, không bắt chước người xưa “dán chữ tử trên trán” là nỗ lực tối đa: bất kể ngày đêm; quyết tâm tu cho được, dù có chết cũng không sao;
không chú trọng đến cách tập trung tư tưởng hay tập chú vào đề mục;
cũng không áp dụng tưởng tượng để quán chiếu hiện tượng thế gian;
cũng không áp dụng tự kỷ ám thị để lấy đá đè cỏ hay như mèo rình chuột.
Trái lại, chúng tôi chủ trương:
Tu tà tà mà đều đặn, bằng cách áp dụng niệm Biết trong những sinh hoạt bình thường.
Chúng ta khép mình vào kỹ luật: sáng sớm ngồi thiền nửa tiếng, tối trước khi đi ngủ, ngồi nửa tiếng.
Ngoài giờ qui định nói trên, chúng ta áp dụng trong 4 oai nghi: khi lái xe, lúc tiểu tiện; khi ngồi chơi, lúc mặc áo; khi rửa xe, lúc tắm gội; khi ăn cơm, lúc rửa bát... Bất kỳ lúc nào chúng ta cũng sử dụng niệm Biết được.
Đây là cách chúng ta thực hành thẳng vào cơ chế Tánh giác bằng những tiến trình Biết: Đơn niệm biết, Biết không lời, Thầm nhận biết, Tỉnh thức biết, và Nhận thức biết của cơ chế Phật Tánh.
Chúng ta không thực hành lòng vòng vì vừa mất thời gian mà cuối cùng cũng chẳng đến nơi mình muốn đến là thân khỏe, tâm an, trí tuệ sáng; trái lại, đến nơi thân bệnh, tâm loạn, trí tuệ không có sáng tạo được điều gì.
Trong quan niệm mới về sự thực hành thiền, chúng ta cần nhớ đến điểm này. Khi chúng ta duy trì được những tiến trình biết không lời, chúng ta mới kinh nghiệm Định sâu, vững chắc. Qua tiến trình Định này, chúng ta mới kinh nghiệm hỷ lạc, thân tâm khinh an, chuyển hóa nội tâm, và kinh nghiệm thân tâm hài hòa.
Nguyên tắc phát huy trí huệ tâm linh vốn được đặt trên cơ sở của những tiến trình biết không lời.
Tóm lại, trong Thiền, thư giãn là thuốc giải độc của hầu hết bệnh của thân, tâm, và làm cho trí tuệ tâm linh phát sáng lên. Tính sáng tạo vốn nằm trong nguyên lý này.
Khi chúng ta thực sự kinh nghiệm tâm thư giãn, những bệnh dính mắc, chấp trước từ lần sẽ bị xua tan. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ kinh nghiệm nội tâm thanh thản, an vui, và hòa hợp. Trong Thiền, tâm thanh thản là điểm nòng cốt giúp ta phát huy trí tuệ tâm linh.
Đối lập với tâm thanh thản là tâm dính mắc, tâm chủ quan, tâm mang nhiều thành kiến, định kiến, thiên kiến với người khác, việc khác.
Nhưng làm thế nào để có kinh nghiệm tâm thư giãn ? Chúng ta thực tập cách thư giãn lưỡi, thực tập các tiến trình biết không lời trong 4 oai nghi, hay trong những bước thực hành chủ đề Thở trong pháp Định niệm hít vào thở ra (Ānapānasati Samādhi).
Hỏi: - Xin Thầy giải thích cách thư giãn tâm bằng những tiến trình của niệm Biết ?
Đáp: - Mỗi khi giác quan tiếp xúc với đối tượng bên ngoài, chúng ta chỉ nhận Biết đối tượng một cách khách quan. Đây là cái loé sáng biết đầu tiên, không lời. Chúng ta không tiếp tục suy nghĩ, phân biệt so sánh, hay suy luận suy đoán điều gì thêm. Như vậy, là cái biết đã dừng ở chỗ Thọ. Đó là cách thư giãn tâm hay thư giãn niệm trong bước thực hành Thiền đầu tiên. Chúng ta có thể áp dụng cách này trong 4 oai nghi.
Hỏi: - Thưa Thầy, thông thường hễ nhìn thấy đối tượng, chúng ta gọi tên liền, như vậy làm sao thư giãn tâm hay thư giãn niệm được ?
Đáp: - Đúng, đó là quán tính gọi tên mà chúng ta đã huân tập từ lúc còn nằm trong nôi, cha mẹ đã bắt dầu dạy chúng ta gọi tên. Trong suốt thời gian đi học và trưởng thành, chúng ta luôn luôn phát triển quán tính nói thầm này qua suy nghĩ, biện luận, phân biệt, so sánh, xét đoán. Vì thế, quán tính nói thầm đã trở thành kiên cố mà chúng tôi gọi là “đường mòn ngôn ngữ trong não bộ.”
Bây giờ muốn nhìn thấy đối tượng rõ ràng mà không gọi tên, chúng ta phải thực tập trong một thời gian dài để cho não bộ có quán tính mới, đó là quán tính không nói thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ kinh nghiệm được liền thế nào là thư giãn tâm hay thư giãn niệm.
4. Vai trò của khoa học và não bộ
Chúng ta mượn khoa học để đối chiếu cách thực hành của chúng ta qua Pháp của Phật. Có như thế chúng ta mới chứng minh được giá trị Pháp của Phật đối với mọi trình độ căn cơ. Chúng ta biết vì sao chúng ta thực hành sai, vì sao chúng ta thực hành đúng. Sai thì đưa đến gì. Đúng thì ra sao. Chúng ta không đổ thừa nghiệp khi chúng ta tu thiền mà mang nhiều thứ bệnh trên thân, tâm, và trí tuệ không phát sáng.
Thí dụ, chúng ta dựa vào các chất sinh hóa học (biochemical substances) trong các tuyến nội tiết hay trong giao cảm thần kinh - đối giao cảm thần kinh, và trong cuống não tiết ra để biết mình áp dụng chiêu thức hay kỹ thuật đó đúng hay sai. Đúng thì điều chỉnh được bệnh. Sai thì tăng thêm bệnh.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dùng phương pháp đo Điện Não Đồ để biết giá trị của các chiêu thức hay kỹ thuật thực hành, thực tế đưa đến dạng sóng não gì: Beta, Alpha, Theta, hay Delta.
Nói chung, Pháp của Phật bao giờ cũng đúng, chỉ có chúng ta áp dụng sai kỹ thuật, sai cơ chế thần kinh, sai cơ chế não bộ đưa đến chúng ta không kinh nghiệm được hài hòa thân tâm, hài hòa với môi trường chung quanh, và sự phát huy huệ lực từ cơ chế tánh giác và Phật tánh của chúng ta.
Nhưng, làm sao biết đúng ? Đó là khi dụng công ta không dùng giác quan để tập trung vào đối tượng. Trái lại, ta chỉ áp dụng các chiêu thức Biết, Chỉ Biết... Đây là tiến trình đối giao cảm thần kinh bị hoạt hóa, làm cho acetylcholine tiết ra...
Ngày nay, khi thực hành thiền, chúng ta cần dựa vào não bộ để biết rõ những định khu của vọng tâm, chân tâm phát ra như thế nào ? Tầm (vitakka), tứ (vicāra) khởi lên từ đâu ? Đặc tính vọng tâm là gì ? Đặc tính chân tâm là gì ? Làm sao an trụ chân tâm ? Làm sao hàng phục vọng tâm ? Đam mê, ghiền nghiện được huân tập như thế nào trong não bộ ?
Qua não bộ, chúng ta sẽ nhận ra sự tương tác dây chuyền giữa: Tâm - Pháp - Kỹ thuật - Vỏ não - Hệ thống viền não - Tuyến nội tiết và các chất sinh hóa học.
Những phần này thuộc kiến thức thời đại, chúng ta cần bổ sung để khi dụng công, tránh được những sai lầm.
Chính vì điểm quan trọng này, nên chúng tôi sẽ giải thích đại cương về cơ thể học gồm não bộ, hệ thần kinh, tuyến nội tiết, và nội tạng đối với những trạng thái tâm lý xúc cảm của Tâm sở.
Khi thông những phần căn bản này, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu về Hồi Đáp Sinh Học trong Thiền. Giá trị của Thiền nằm ở điểm này. Không nắm vững nguyên lý tác động - tác dụng giữa Tâm - Pháp - Não - Kỹ thuật thực hành, ta sẽ dễ dàng thực hành sai lạc, hoặc thực hành bằng cách tự kỷ ám thị.
5. Đi thẳng
Có nghĩa là không lòng vòng mà thực hành thẳng vào cơ chế tánh giác. Trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ có chút ít kinh nghiệm an lạc, kinh nghiệm tự chữa bệnh tâm thể.
Chúng ta có những chiêu thức mà chúng tôi thường nói đùa là phương pháp “chữa lửa” hay “mì ăn liền.” Thí dụ như Nhìn Ánh Sáng Nắng, Nhìn Bóng Đen, Nghe Âm Thanh, Thở Hai Thì... Đó là những cách đi thẳng.
Trang bị
Để biết cách thực hành đi thẳng, chúng ta cần trang bị bài Ba Sắc Thái Biết cho thật kỹ. Sau đó, là những nguyên tắc phản xạ giác quan và Hồi đáp sinh học trong Thiền.
Về các chất sinh hóa học, chúng ta cần rõ:
1. tuyến nào sản xuất chất gì ?
2. tác dụng của chất đó đối với nội tạng và sức khỏe con người ?
3. làm thế nào để chận đứng hay điều chỉnh hoặc phát huy chất đó thông qua cách thực hành thiền ?
Thông thường có 4 chất làm hại cơ thể đưa đến những thứ bệnh kinh niên mà thuốc tây chữa không dứt được, như bệnh cao máu, bệnh béo phì, bệnh mất ngủ kinh niên, bệnh đường cao trong máu, bệnh trầm cảm, bệnh mất ký ức, bệnh liệt rung. Bốn chất này là norepinephrine (hay noradrenaline), epinephrine (hay adrenaline), glucagon, và cortisol.
Tuy nhiên trong não bộ, ở tận cùng của đầu dây thần kinh đối giao cảm, trong các tuyến nội tiết cũng có những chất giúp cơ thể được quân bình trở lại, hoặc chữa được những thứ bệnh kinh niên nói trên. Những chất này như: serotonin, acetylcholine, melatonin, dopamine, insulin.
Hỏi: - Xin Thầy giải thích thêm “đi thẳng” là sao ?
Đáp: - Đi thẳng là thực hành trực tiếp nhắm vào mục tiêu mình nhắm tới. Ví dụ, chúng ta bị mất ngủ kinh niên. Chúng ta biết do khu Dưới Đồi bị rối loạn nhóm hạt nhân điều hòa ngủ thức, nên không tiết ra chất melatonin, do đó chúng ta bị mất ngủ.
Chúng ta có hai chiêu thức: (1) nhìn ánh sáng nắng, và (2) nhìn bóng đen. Nhìn ánh sáng nắng phản chiếu xuống sân trong khoảng 15 phút, từ tuyến Tùng (pineal gland) sẽ tiết ra serotonin và melatonin. Nhìn bóng đen trong khoảng từ 15 đến 30 phút, từ khu Dưới Đồi sẽ tiết ra melatonin, khi cảm thấy buồn ngủ thì chúng ta ngủ.
Hỏi: - Thưa Thầy, còn thực hành đi thẳng vào Tánh Giác là sao ?
Đáp: - Chúng ta biết chức năng của Tánh Giác là Biết không lời qua 3 tánh: Thấy, Nghe, và Xúc chạm. Thí dụ, khi thực hành chiêu thức nghe tiếng chuông, chúng ta chỉ giữ cái biết đang nghe, không phê phán, không suy nghĩ thì đó là cái Biết không lời của tánh Nghe.
Thí dụ khác, khi thực hành thở hai thì, chúng ta chỉ thầm nhận biết hít vào, thầm nhận biết thở ra, chúng ta không đếm số, cũng không theo dõi hơi thở. Tín hiệu biết không lời này sẽ tác động vào tánh Xúc chạm của Tánh Giác.
Hỏi: - Xin Thầy cho thí dụ thực hành đi thẳng vào tánh Thấy ?
Đáp: - Khi chúng ta nhìn thấy đối tượng, biết rõ ràng đối tượng, nhưng trong não không nói thầm tên đối tượng. Tín hiệu biết không lời sẽ tác động thẳng vào tánh Thấy.
6. Vai trò của chiêu thức và kỹ thuật
Sự thực hành thiền có kết quả tốt hay xấu, chậm hay nhanh, lòng vòng hay đi thẳng đều dựa trên chiêu thức và kỹ thuật.
Pháp dù có cao siêu mà ta không nắm được chiêu thức hay kỹ thuật thực hành, ta sẽ không bao giờ nếm được hương vị bánh thiền như thế nào.
Ngoại trừ phương tiện Quán là chúng ta không sử dụng chiêu thức hay kỹ thuật, kỳ dư 3 phương tiện Chỉ, Định, Huệ, chúng ta đều sử dụng chiêu thức và kỹ thuật khi thực hành.
Vì vậy, chúng ta cần nhuần nhuyễn các chiêu thức và kỹ thuật
Hỏi: - Xin Thầy cho biết sự khác nhau giữa chiêu thức và kỹ thuật như thế nào ?
Đáp: - Chiêu thức là những cách thực hành ngắn gọn mà không mất thời gian lâu dài, có kết quả liền, chúng tôi thường xếp đây là phương pháp “chữa lửa hay mì ăn liền.” Thí dụ như vị nào mất ngủ kinh niên, áp dụng cách nhìn bóng đen, thì sẽ điều chỉnh được ngủ thức. Hoặc là vị nào bị cao máu, áp dụng phương pháp thở hai thì, hay nghe tiếng chuông, thì áp suất máu sẽ từ từ điều chỉnh lại được. Hay vị nào bị bệnh trầm cảm, thì chúng tôi sẽ hướng dẫn nhìn ánh sáng nắng, thì bịnh trầm cảm sẽ từ lần được điều chỉnh. Đó là cách áp dụng chiêu thức.
Còn về cách áp dụng kỹ thuật, thì đây là cách thực hành miên mật trong thời gian lâu dài mới thấy có kết quả tốt. Thí dụ như làm sao cho Tánh Giác có mặt thường trực trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thì trước hết chúng ta phải biết ý nghĩa Tánh Giác là gì ? nó ở đâu trong não bộ của chúng ta ? đặc tính và chức năng như thế nào ? Xong rồi phải biết áp dụng kỹ thuật nào cho khế hợp với Tánh Giác. Thí dụ, đặc tính của Tánh Giác là sự Tự nhận biết mà không nói thầm. Khi nhận ra đặc tính của nó rồi, chúng ta chỉ áp dụng niệm Biết mà không nói thầm trong não, cho đến khi nào đạt được trạng thái đó thì chúng ta sẽ thành tựu đạt được cái Biết không lời của Tánh Giác.
Hỏi: - Xin Thầy đúc kết lại quan niệm mới về thực hành thiền mấu chốt ở chỗ nào ?
Đáp: - Mấu chốt quan trọng nhất là chúng tôi đem ánh sáng của khoa học não bộ Tây phương soi chiếu vào nền Thiền học Đông phương để làm sáng tỏ giá trị kỳ diệu của Thiền học Đông phương.
Hỏi: - Thưa Thầy, những giá trị kỳ diệu đó là gì ?
Đáp: - Trước nhất, khi thực hành Thiền, chúng ta biết rõ ta đã tác động vào cơ chế nào trong não bộ, từ đó tiết ra những chất nước sinh hóa học nào, những chất đó giúp cho sức khỏe của chúng ta ra sao?
Thí dụ, Phật dạy Thở chỉ áp dụng niệm Biết thôi, tín hiệu sẽ tác động vào tánh xúc chạm, đồng thời tác động vào Đối giao cảm thần kinh, đầu dây Đối giao cảm tiết ra Acetylcholine, từ đó ảnh hưởng đến nội tạng và hệ thống tuyến nội tiết v.v…
Thứ hai, chúng ta biết rõ do đâu phát huy trí tuệ tâm linh. Cũng bằng pháp Thở, nếu thực hành đều đặn, chúng ta sẽ kinh nghiệm nhận thức biết rõ ràng đầy đủ mà tâm không động. Đó là trạng thái Định bất động hay tâm Tathā, là chức năng của vùng Precuneus ở thùy đỉnh, vùng này nằm hai bên bán cầu não phải và trái thuộc vỏ não. Từ đây, tiềm năng giác ngộ sẽ từ lần được triển khai.
Hỏi: - Thưa Thầy, theo quan niệm mới, Thầy định nghĩa Thiền như thế nào ?
Đáp: - Chúng tôi định nghĩa Thiền là một nghệ thuật huấn luyện tế bào não có quán tính mới là quán tính yên lặng.
Hỏi: - Thưa Thầy, chúng ta phải xử dụng chủ đề nào để huấn luyện tế bào não có quán tính yên lặng ?
Đáp: - Trong Thiền có nhiều chủ đề hay phương thức dụng công để đạt kết quả đó. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị một chủ đề thống nhất để hướng dẫn thiền sinh đi thẳng vào đặc điểm Biết không lời của Tánh Giác. Đó là chủ đề “Không Nói.”
Không Nói xem như là một mệnh lệnh huấn luyện tế bào não không nói thầm, được lặp đi lặp lại nhiều lần, miên mật trong thời gian dài, nó sẽ trở thành một mã số cất giữ trong ký ức dài hạn và cũng cất giữ trong vùng Nhận thức Biết không lời hay vùng Precuneus. Khi mã số “không nói” nội tại trong vùng Precuneus rồi, chúng ta chỉ dùng nhận thức gợi lên “trạng thái không nói,” lập tức toàn bộ tế bào não đều bất động.
Hỏi: - Thưa Thầy, nội tại là gì ?
Đáp: - Nội tại (immanent) là đã có sẵn trong đó rồi, tức là đã được cất giữ qua tiến trình thực hành lâu dài từ trước.
Hỏi: - Thưa Thầy, tại sao khi chúng ta gợi lên trạng thái “Không Nói” thì toàn bộ tế bào não đều bất động lập tức ?
Đáp: - Bởi vì đặc tính của tế bào não là liên kết. Khi chúng ta gợi lên “không nói,” tín hiệu này lập tức đi vào não bộ qua 3 trạm tiếp vận và khuếch tán khắp não bộ trong nháy mắt. Đây là tính liên kết của tế bào não. Cũng nhờ tính liên kết của tế bào não này, mà chúng tôi xem Thiền là một nghệ thuật huấn luyện tế bào não để có quán tính mới, là quán tính yên lặng.
Hỏi: - Thưa Thầy, trạng thái toàn bộ tế bào não đều bất động có tương xứng với Định bất động hay không ?
Đáp: - Đó chính là trạng thái của tầng Định thứ Tư của Đức Phật tên là Định Bất Động, hay Chánh Định (trong Bát Chánh Đạo), hay Vô Tướng Định (trong Ba cửa giải thoát do đức Phật dạy), hay Kim Cang Định, Chân Như Định, Vô Trụ Định (theo hệ Phát Triển).