Chúng ta cùng xem lại một đoạn trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”:
23. Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết. Nhưng Thế Tôn giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán. Thế Tôn tự nghĩ: "Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận Ta, không từ biệt chúng Tỷ-kheo. Vậy Ta hãy lấy sức tinh tấn, nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống". Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy duy trì mạng căn.
24. Rồi Thế Tôn lành bệnh. Sau khi lành bệnh không bao lâu, đức Phật rời khỏi tịnh xá và ngồi trên ghế đã soạn sẵn, trong bóng mát của ngôi tịnh xá. Lúc bấy giờ tôn giả Ananda đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn khỏe mạnh. Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn kham nhẫn, bạch Thế Tôn, thấy Thế Tôn bệnh hoạn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng, dầu cho, bạch Thế Tôn, con được một chút an ủi rằng, Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.
25. Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). Này Ananda, những ai nghĩ rằng: "Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai" thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta" thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?
Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.
26. Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?
Tiếp theo đoạn văn kinh này, Đức Phật nhắc lại pháp Tứ Niệm Xứ (tức là quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp). Xem như Đức Phật nhắc rõ Chánh Pháp là: chánh niệm, hay tuệ tri, hay tuệ tri như thực, hay an trú chánh niệm như vậy, hay biết cái đang là, hay biết cái bây giờ và ở đây, hay biết rõ thân thọ tâm pháp của mình, trong bây giờ và ở đây. Đây là bước đầu tu tập.
Bước kế tiếp khai triển rộng hơn. Thân, thọ, tâm, pháp : nội hay ngoại, thô hay tế, xa hay gần, cũng tuệ tri tương tự vậy.
Bước thứ ba phát huy tuệ trí quán chiếu: thấy rõ tánh sanh diệt trên thân, thọ, tâm , pháp. Kết quả là: không chấp trước, không dính mắc bất cứ cái gì trên đời, tâm thanh thản, rỗng không, an trú chánh niệm như vậy.
Phương thức này cô đọng tất cả các cách thực hành khác: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng; không tác ý tất cả tướng; giới, định, tuệ; bát chánh đạo v.v…
Như vậy, khi chúng ta nhận biết rõ chánh pháp rồi thì tự mình bước đi, tiến tới bằng ý chí của mình, khả năng của mình, dốc hết nhiệt tâm ra mà tu tập. Chúng ta đâu cần nương tựa vào ai nữa, Đức Phật ân cần nhắc nhở chúng ta:
… “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác…”
Điều dễ hiểu, bởi vì cái biết đó chính là cái bản tâm của mình. Chúng ta sẵn có, nó luôn hiện hữu, luôn trong sạch, luôn chiếu soi khách quan. Mỗi khi chúng ta nhìn nó, thì nó xuất hiện trong sáng, rõ ràng, lặng lẽ. Nó giải quyết tất cả mọi vấn đề phiền toái của cuộc đời. Chuyện thị phi à? Nó im lặng, mặc cho ai muốn chê bai, hủy báng. Ai nói sai, làm sai à? Đã có lưới nhân quả, làm sao ra khỏi. Ai nghĩ tốt, làm tốt? Người ấy sẽ có phước báu theo sau. Lời chê trách hay khen ngợi không cần thiết, phải không các bạn?
Nếu mình làm thiện với tâm chân thật thì mình không cần lời khen, chỉ thông cảm nhau là đủ, sống hài hòa với nhau đã là phước báu chung hưởng rồi. Mình không cần những lời nói xã giao, những buổi hoang phí thời gian trên điện thoại với các chuyện phải trái của người đời. Đức Phật đã tự mình cắt đứt nhân duyên thế gian và tri kiến thế gian, là gương sáng cho mình noi theo. Chúng ta cũng phải biết cắt hết những chuyện rắc rối của đời: nói xấu người khác, nói chuyện về người vắng mặt, đem chuyện của người này nói ra với người kia để gây chia rẻ…
Làm sao tránh những lỗi lầm này? Thì nhớ thực hành: tuệ tri thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp. Luôn quay lại quan sát thân và tâm mình, thì chúng ta sẽ thấy ngay tâm mình đang ra sao? Nếu mình đang ở trong chân tâm, thì làm thế nào phạm lỗi. Bởi vậy, trong kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Huệ Năng nói:
“Nếu thấy lỗi của người.
Lỗi mình đã đến bên”.
Trong đoạn văn kinh này, Đức Phật có ý nhắc nhở chúng ta phải có tinh thần tự lập, tự chủ, đứng vững một mình trong đời, có trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời của mình, mình đã trôi lăn vô số kiếp, một mình, rồi cũng sẽ đi một mình tiếp nối sinh tử tử sinh. Hơn nữa, Đức Phật còn tâm tình một điều chí thiết nữa, đó là ngay chính Đức Phật cũng không bao giờ nghĩ rằng:
"Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai".
Tại sao vậy?
Trong thực tế, Đức Phật là vị lãnh đạo giáo đoàn, ai cũng rõ điều này. Hằng ngày Đức Phật đã giảng thuyết cho các vị tỳ kheo. Devadatta có lần đã muốn dành quyền lãnh đạo giáo đoàn với lý do Đức Phật đã lớn tuổi, nhưng Đức Phật đã từ chối. Vậy tại sao bây giờ Đức Phật khuyên chúng tỳ kheo đừng bao giờ nghĩ rằng: "Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai".
Chi tiết này thật là thâm thúy, các bạn ơi!
Ý nghĩa của việc xuất gia là gì? Thực tế trước mắt là rời xa gia đình, sống không gia đình. Tại sao phải xa gia đình? Tại vì:
“Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia, như sống giữa hư không”.
Gia đình có rất nhiều ràng buộc: nào là bổn phận đối với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, anh em, bà con cô bác. Những trách nhiệm này muốn làm tròn, thiệt không phải dễ. Có khi ràng buộc trong thân ái, có khi ràng buộc trong oán trách hận thù. Những trách nhiệm này có khi là tình cảm, có khi là tiền bạc, của cải vật chất. Cho nên Đức Phật có lần so sánh người đời như con tằm, nhả tơ, làm tổ kén, rồi chui vào giam mình trong đó, cuối cùng bị chết, và người khác lấy tơ. Mà chuyện “công sức dã tràng” này cứ lặp lại mãi chưa dừng. Vì vậy mà chư vị Bồ tát mới phát đại nguyện “đời đời tái sinh thừa hành bồ tát đạo”.
Trở lại việc xuất gia, xem như kết quả đầu tiên là thoát ra khỏi “gông cùm của gia đình”, là sự ràng buộc của thân ái, thoát ra một phần lớn của khổ đau. Đức Phật đã từng nói: “Hễ có một người thân ái, là có một mối khổ đau”.
Mục tiêu của người tu là: thoát khổ, giác ngộ, giải thoát. Vì thế, đời sống xuất gia như thế nào mà Đức Phật nói là: phóng khoáng như sống giữa hư không? trong khi vừa xuất gia là thọ 10 giới, tỳ kheo 250 giới, tỳ kheo ni 348 giới v.v…Giới tướng này không phải là để ràng buộc người tu. Chúng ta cần phải hiểu là vì lòng từ bi mà Đức Phật và chư Tổ chế ra giới luật để gìn giữ chúng ta không vướng vào tội lỗi, tâm trong sạch thì mới an tâm tiến tu được. Cho nên, tâm mềm dịu, nhu hòa thì sẽ biết ơn giới luật. Giới luật giúp chúng ta thoát ra khỏi những ác nghiệp, lại huân tập thêm phước báu và công đức.
Đức Phật là vị cầm đầu chúng tỳ kheo, chúng tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Đức Phật. Người đời có thể thấy như vậy, nhưng Đức Phật không nghĩ như vậy, ngài muốn chư vị tỳ kheo cũng đừng nghĩ như vậy. Nếu ai nghĩ như vậy thì người ấy còn bị lệ thuộc vào người khác, tâm còn vướng mắc trong một khuôn khổ của pháp và luật nào đó, còn ở trong thế giới nhị nguyên, tâm còn hướng ra ngoài tìm cầu. Bao giờ mới quay lại nhận ra bản tâm, tự mình phát huy giới, định, huệ, và từ, bi, hỷ, xả, tròn đủ. Vì thế, người xuất gia là người có tinh thần tự lập, tự chủ, chí khí xuất trần xuất thế, đời sống xuất gia mới phóng khoáng như hư không.
Đức Phật tự nhận: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, các ông phải tự đi”. Các ông phải tự đi có nghĩa là các ông thấy ra con đường rồi, cứ tiến bước một mình, không được ỷ lại nơi ai khác, con đường chánh pháp là trí tuệ của mình sẽ đưa chúng ta trở về bản tâm. Trong bản tâm, tất cả pháp đều là Phật pháp, và thế gian là cõi Phật thanh tịnh an vui.
Sau những ngày mưa dầm gió lạnh, mùa xuân của đất trời mới sang, hoa mai nở rộ tròn đầy, hoa đào hồng, hoa đào trắng cũng nhởn nhơ đơm, chen chúc trĩu cành còn sũng mấy giọt nước mưa trong veo. Thiên nhiên thiệt là tươi đẹp, các bạn ơi!
Thiền viện, 15- 3- 2023
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 34
NƯƠNG TỰA CHÍNH MÌNH