HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

Hòa Thượng Thích Thông Triệt: KHÓA BÁT NHÃ, Lớp Trung Cấp 3 - Bài đọc thêm số 1: BA LA MẬT

10 Tháng Năm 20223:46 CH(Xem: 2361)

Hòa Thượng Thích Thông Triệt
KHÓA BÁT NHÃ Lớp Trung Cấp 3

Bài đọc thêm số 1

 

BA LA MẬT

(Pāli & Skt: Pāramitā: Tới bờ bên kia:

Gone to the Other Shore; Gone to the Opposite Shore)

 

Ý NGHĨA VÀ TỪ NGUYÊN

 

Ba La Mật hay Ba La Mật Đa được người Trung Hoa dịch âm từ chữ Pāramitā và dịch nghĩa là “đáo bỉ ngạn”, tức “đến bờ bên kia” có nghĩa “đã đến Niết Bàn” hay “đạt được sự giải thoát tối hậu”.

 

Về từ nguyên, PāramitāPāramī có ngữ căn là Pāra.

 

Pāra có ba nghĩa:  

1)    Vượt qua, qua, bên kia (beyond, over, across).
2)    Bên kia, bờ bên kia (the other side, the opposite shore/bank).
3)    Giới hạn nơi cuối cùng của cái gì, đỉnh đến nơi (the limit/end of anything, the utmost reach).

 

Pāra + m  — m là biến cách (declension) của danh từ có vần a sau cùng.

 

Pāramitā = (Pāramī + tā) có nghĩa:

1)    Đã qua bờ bên kia (gone to the opposite shore/bank; crossed, traversed).
2)    Hoàn toàn đạt được, kiện toàn; đạo đức siêu vượt/siêu việt; siêu vượt trí tuệ tâm linh (complete attainment, perfection in; transcendental virtue; transcendent spiritual wisdom/knowledge).

 

Ngoài ra, trong Phật giáo Nguyên Thủy, từ “Parami” cũng được sử dụng chỉ Ba La Mật (đồng nghĩa với Pāramitā). Nó là sự nghiệp của người có nguyện vọng tu  để thành Phật.

 

Theo Phật giáo Nguyên Thủy, người này phải trải qua vô lượng kiếp tu theo phương hướng “tâm linh kiện toàn: spiritual perfections”. Trong Luận Câu Xá (Abhidharmakosha), ngài Thế Thân cho rằng phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp (P: asankheya-kalpa; Skt: asamkhyeya-kalpa: the course of three immeasurable world cycles), tức vô lượng kiếp (an uncountable aeon) tu Ba La Mật, vị ấy mới thành Phật.

 

Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, từ “Pāramitā” dịch là “độ”, có nghĩa “vượt qua”. Đây là “vượt qua biển sinh tử”, tức là thoát khỏi vòng luân hồi trong lục đạo. Trước khi thực hành Ba La Mật, tất nhiên vị ấy phải trải qua các giai đoạn kinh nghiệm hay thể nhập thực tánh, thực tướng hiện tượng thế gian, đó là như thật, duyên khởi - duyên sinh, vô ngã, không tự tánh, không, chân như, và như huyễn.

 

Trong nghĩa rốt ráo, “Pāramitā” là sự “kiện toàn: the perfections” hay “siêu việt/vượt trội: the transcendental”.  Theo hệ Nguyên Thủy, sự kiện toàn hay siêu việt này gồm 10 tiết mục. Theo Phát Triển gồm sáu tiết mục, gọi là “Lục Độ” hoặc 10 tiết mục, gọi là “Thập Độ”.  Thông thường, các nhà Phật giáo Phát Triển chỉ áp dụng “Lục Độ”.

 

Khi Pāramitā được kết hợp với Prajñā (Bát Nhã), lập thành Prajñāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật Đa), có những nghĩa:

-    Trí tuệ đến bờ bên kia, hay Trí Tuệ Kiện Toàn: the Perfection of Wisdom;

-    Sự hoàn thành Trí Tuệ Siêu Việt hay Trí Tuệ Vượt Trội: the Accomplishment of Transcendental Wisdom.

 

Trên căn bản, trong Phật giáo có hai hệ thống đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo truyền thống tu tập: hệ Nguyên Thủy và hệ Phát Triển. Hệ Nguyên Thủy chủ trương A La Hán Đạo. Hệ Phát Triển chủ trương Bồ Tát Đạo.

 

Theo A La Hán Đạo, giáo lý nồng cốt của Phật là Tứ Đế — trong đó đặc biệtChánh Kiến, Chánh Niệm, và Chánh Định, ngoài ra còn có các pháp:

 

-      Vô Ngã (P: anattā; Skt: anātman: not-self), gồm người và vật (pháp), nói chung là chư pháp hay tất cả hiện tượng thế gian đều không thực chất tính,
-      Duyên Khởi - Duyên Sinh,
-      Ba Định trong “Ba Cửa Giải Thoát” gồm: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, và
-      Như Thật, Như Vậy, và Huyễn.

 

Khi vô ngã thực sự đã đạt được, người tu liền kinh nghiệm “Không Lời”, “Biết Không Khái Niệm”. Đây là chỗ “không có lời để có thể nói về lời”.  Lúc bấy giờ “cái lóe sáng biết đầu tiên” đã thực sự mở rộng. Nó chính là cái biết ngoại lệ được Phật xem là cái biết của người bắt đầu đi vào dòng Thánh. Trong tiến trình này, vị ấy kinh nghiệm vững chắc ý niệm “Không Tôi”, “Không Cái Của Tôi”, phù hợp theo lời Phật thường công bố khi áp dụng các pháp tu: “Cái này không thuộc về tôi, không phải tôi, không phải của tôi”. (N'etaṃ mama - N'eso aham asmi. Na m'eso attā: This belongs to me not, this I am not, this is not my Self). Ngoài ra, vô ngã cũng là nền tảng của Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định.

 

Khi thực sự kinh nghiệm được vô ngã, vị ấy cũng thành tựu luôn như thật (yathābhūta), như vậy (tathā), không tánh, và “vô phân biệt trí”. “Hạt giống luân hồi” của vị ấy liền bị phá hủy. Vị ấy đắc quả A La Hán, đạt được Niết Bàn trong đời này.

 

BA LA MẬT ĐỐI VỚI CÁC NHÀ PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN

 

Các nhà Phật giáo Phát Triển tự phân chia Ba La Mật thuộc Con Đường Bồ Tát, trong đó bao gồm Con Đường A La Hán. Vì muốn thành tựu Con Đường Bồ Tát phải trải qua những phương thức thực hành của A La Hán Đạo. Trong lúc đó A La Hán Đạo không có lập trườngtư tưởng như Bồ Tát Đạo.

 

Điều này cho biết muốn đạt được trí tuệ kiện toàn hay trí tuệ siêu việt hoặc trí tuệ giải thoát hay giác ngộ, trên nguyên tắc vị ấy phải trải qua quá trình thời gian dài tu tập mới đạt được mục tiêu cuối cùng. Cho nên, pháp mang nội dung Ba La Mật là pháp phải thực hành dài hạn và từng bước.

 

Theo Bồ Tát Đạo, khi Bồ Tát nhận ra tánh yên lặng (the quyescent nature) của hiện tượng thế gian “như vậy” (tathatā), Bồ Tát liền nhận ra sự không thực chất tính, tức vô ngã (nairātmya) mà theo quy ước định danh là “nhân” (pudgalā: individualities) và “pháp” (dharmās). Đó là nhân vô ngã (pudgala-nairātmya: the non-self of personality), pháp vô ngã (dharma-nairātmya:  the non-self of things). Tiến thêm một bước, các nhà Phật giáo Phát Triển nhận ra cả hai nhânpháp đều Không (śūnya: empty), nên nói: nhân khôngpudgalaśūnyatā; pháp không: dharmaśūnyatā. Khi thực sự nhận ra như thế, Chân Như đã nội tại trong nhận thức Bồ Tát.

 

Đây là các nhà Phật giáo Phát Triển mở rộng ý nghĩa Vô Ngã, Không, Chân Nhưcụ thể hóa khái niệm không lời qua mô thức tathā trong Phật giáo Nguyên Thủy.

 

Các nhà Phật giáo Phát Triển thiết lập sơ đồ “Bồ Tát Địa: Bodhisattva-bhūmi”, có nghĩa những giai đoạn mà hàng Bồ Tát phải trải qua trong tiến trình tu tập đến mục tiêu cuối cùngtuyệt đối siêu việt đạo đức, tức “đã đến bờ bên kia”. Các giai đoạn này được cụ thể hoá bằng con đường gồm 10 giai đoạn hay 10 cấp độ, gọi là Thập Địa (Dśabhūmis) (xem chú thích 1a. cuối  bài). Tùy theo nhận định của mỗi vị Tổ, có nhiều loại thập địa được thiết lập. Điển hình là Thập Địa do ngài Long Thọ tạo ra và Thập Địa do ngài Tịch Thiên (Śāntideva) tạo ra. Cốt lõi các Thập Địa được đặt trên vô phân biệt trí (nirvikalpakajñāna: non-discriminative knowledge), tức nhận thức không lời. Qua vô phân biệt trí, ý thức bị chuyển hóa (is transformed) trở thành “tự tánh chân như”, trong đó tất cả nhận thức đều rõ ràng mà không dao động về “tự” (self) và “tha” (other), năng (chủ thể: grāhaka: the subject) và sở (khách thể: grāhya: the object), trong và ngoài (interior and exterior). Trong thực chất, đây là trạng thái nhận thức không lời mà người tu đạt được vững chắc. Bên trong đó cái biết (awareness) về thực tại tuyệt đối, (tức chân như) đã được siêu việt (transcended). Phiền não chướng (kleśa-āvarana; kleśāvaraṇa: the hindrance of defilement) và sở tri chướng (jñeye-āvaraṇa; jñeyāvaraṇa: the hindrance of knowledge) trong thân-tâm tự chấm dứt. Trí huệ siêu vượt tự phát từ thấp đến cao.

 

Đặc biệt, muốn đạt được Thiền Định Ba La MậtBát Nhã Ba La Mật, ta phải áp dụng nguyên lý tâm linh bằng cách thiết lập Bản Đồ Nhận Thức, dựa trên quy luật “Tác động-Tác dụng”.

 

CÁC BA LA MẬT

 

Trong hệ Nguyên Thủy có “Mười Ba La Mật” (xem chú thích 1b. cuối bài). Trong hệ Phát Triển có “Sáu Ba La Mật”, được gọi là “Lục Độ”. Ngoài ra, trong hệ Phát Triển cũng có Mười Ba La Mật, nhưng khác với Mười Ba La Mật của hệ Nguyên Thủy.

 

LIÊN HỆ CĂN NGUYÊN CÁC BA LA MẬT

 

Về căn nguyên công thức, các Ba La Mật vốn đã xuất phát trong văn hệ Nguyên Thủy. Đó là pháp Tam HọcTam Uẩn.

 

- Trong Tam Học có: Giới, Định, Huệ. Cả ba môn này được đề cập là quan trọng và là nền tảng trong việc tu tập để phát triển thượng giới (adhisīla), thượng tâm (adhi-citta) và thượng tuệ (adhiprajñā).trường hợp này, tâm được xem đồng nghĩa với Định. Vì Định vốn được đặt trên cơ sở Tâm. Tâm không yên lặng hay không thuần nhất thì không có Định. Do đó, thượng tâm chỉ cho trạng thái định sâu. Trong tiến trình định này, nhận thức không lời được hiển lộ.

 

- Trong Tam Uẩn có: Giới uẩn, Định uẩn, Tuệ uẩn. Trong đó vai trò Giới thường được đề cập là yếu tố đưa đến Định. Vì khi giới được gìn giữ nghiêm túc, tâm trở nên kiên cố. Cả ba nhóm này là yếu tố cơ bản trong tiến trình phát triển tâm linh của thiền Nguyên Thủy.

 

Các nhà Phật giáo Phát Triển khai triển Giới, Định, Huệ vốn do Phật đã thiết lập để lập thành những công thức mới và khai triển các mức độ của Ba La Mật thành ba mức độ từ tốt đến tốt hơncuối cùng là tốt nhất. Nếu trong trạng thái tốt thì đạt được “thế gian trí” (worldly knowledge); tốt hơn thì đạt được “xuất thế gian trí” (extraordinary knowledge); còn tốt nhất thì đạt được “xuất thế gian thượng thượng trí” (superlatively extraordinary knowledge).

 

Tuy nhiên, đặc biệt các nhà Phật giáo Phát Triển xếp các Ba La Mật này dành riêng cho hàng Bồ Tát bao gồm tu sĩcư sĩ. Trong lúc đó, A La Hán Đạo chỉ dành riêng cho tu sĩ.

 

MƯỜI BA LA MẬT TRONG HỆ NGUYÊN THỦY

 

  1. Bố thí: Dāna
  2. Giới: Sīla
  3. Xuất gia: Nekkhamma: renunciation
  4. Trí tuệ: Paññā: wisdom
  5. Tinh tấn: Viriya
  6. Nhẫn nhục: Khant
  7. Chân thật: Sacca: truthfulness
  8. Quyết định: Adhiṭṭhāna: resolute determination, firm determination
  9. Từ: Mettā: hiền lành, hảo tâm, từ ái, tình huynh đệ: benevolence, goodwill, friendliness, loving-kindness
  10. Xả: Upekkhā: equanimity, indifference (xem thêm phần chú thích cuối bài).

 

SÁU BA LA MẬT TRONG HỆ PHÁT TRIỂN

 

Dưới đây là đại cương sáu cách đạt được giác ngộ của hàng Bồ Tát gồm tu sĩcư sĩ, gọi là Lục Độ (Ṣaṭ-pāramitā: the Six Perfections)

 

1. Bố thí Ba La Mật: Dāna Pāramitā: Perfection of giving/generosity/ charity.

 

“Tam Luân Không Tịch” [năng thí (người bố thí), sở thí (người nhận), và thí vật: (vật cho)] đều ở trong vô tâm hay tâm trong trạng thái chân như (tâm như). Có nghĩa trong lúc bố thí, chỉ biết bố thí mà không gợi lên trong tâm về điều kiện bố thí phải như thế nào. Như vậy, ý niệm người bố thí sẽ không khởi lên. Chỉ có thái độ hay điều bố thí được khởi lên. Ngoài ra cũng không khởi lên niệm về tiêu chuẩn người nhận bố thí, và sự hồi đáp của vật bố thí thực sự sẽ mang lại phước báu gì cho ta. Chỉ có niệm biết bố thí với tinh thần đại bi. Tà niệm không xen kẽ khởi lên trong tiến trình bố thí. Tâm được thấm đẫm (saturated) hay thấm nhuần (impregnated) với tư tưởng và đường lối của Phật. Đó là thấy như thật, biết như thật về tiến trình bố thí. Tâm không kiêu mạn (pride) và thích lăn xả vào cuộc đời để làm việc xã hội trong tinh thần vô vụ lợi. Đây gọi là bố thí với tinh thần vô chấp (the spirit of non-clinging) hay bố thí trong ánh sáng Bát Nhã Ba La Mật. Kết quả của thái độ bố thí Ba La Mật, ta sẽ đạt được sự hoan hỷ sâu đậm (pramuditā: profound joy) trong tâm; tâm không còn dính mắc đối tượng, và phiền não cũng tự đoạn tận qua phương thức bố thí Ba La Mật (xem tiếp phần chú thích cuối bài).

 

2. Trì giới Ba La Mật: Śīla Pāramitā: Perfection of morality/moral conduct/virtue.

 

Mục đích độc nhất tu của Bồ Tát là đạt đạo của đức Phật, đó là giúp chúng sinh chìm trong biển sanh tử thoát ra khỏi chỗ bị chìm. Muốn thế, Bồ Tát phải có trí tuệ để trì giới nghiêm túc. Trí tuệ này gồm hai phần chánh kiếnchánh trí. Chánh kiến là sự hiểu biết đúng đắn. Chánh trí là biết rõ ràng đối tượng mà không suy luận hay không suy đoán, cũng không nghi ngờ. Thấy, nói thấy; biết, nói biết; có, nói có; không, nói không. Bồ tát không vọng ngữ, nhưng cũng không bị dính mắc giới tướng mà cần duy trì giới thể. Bồ Tát cố gắng làm cho giới thể lúc nào cũng trong sạch. Thân, khẩu, ý luôn luôn thanh tịnh. Không chú trọng hình thức giới tướng bên ngoài mà bên trong tâm, giới thể bị nhơ bợn. Nhờ đó ý thức tự chuyển hóa, đạo đức trở nên trong sạch.

 

Tác dụng thiết thực và đầy đủ ý nghĩa nhất của giới ba la mật là giúp ta đạt được “vô ngã”. Ngã chấp bị hoàn toàn cắt đứt. Vì có mất ngã, ta mới lìa xa tất cả nhơ bợn trong tâm. Chấp trước không còn bám sát trong tâm Bồ tát. Khi mất ngã, Chân Như sẽ hiện tiền. Tâm Bồ tát thường trực hội nhập trong Tánh Không (śūnyatā). Mắt huệ sẽ từ đó được triển khai, lúc bấy giờ Bồ tát ngắm nhìn (beholds) tội và công đức đều duyên sinh, không thực chất. Với sự tuyệt đỉnh trì giới, Bồ tát không xem thường (despises) tội cũng không có thái độ kiêu hãnh với công đức.

 

3. Nhẫn nhục Ba La Mật : Kṣānti Pāramitā: Perfection of patience/patient endurance.

 

Trong tinh thần vô chấp và lãnh hội chân tánh vạn pháp, vị ấy không đầu hàng nghịch cảnh, không chịu thua những chướng duyên. Tức giận (anger), căm thù (hatred), ác cảm (repugnance) hay ác tâm/hiểm độc (malice), kích động (excitement), lăng nhục (insult) không bao giờ xuất hiện trong tâm nhẫn nhục của Bồ Tát. Bồ Tát sẵn sàng tha thứ người khác bất luận vào thời gian nào về những điều người khác xúc phạm (trespass against) đến danh dự mình như lăng mạ, sỉ nhục (contumely), ngược đãi (abuse) và chỉ trích (censure).

 

Bồ Tát biết thiếu nhẫn nhục là do tâm kiêu mạn (māna: pride). Bồ Tát thường xuyên nhẫn nhục để loại trừ kiêu mạn. Có chiến thắng được kiêu mạn, giác ngộ mới thành tựu, vì gốc kiêu mạn do chấp ngã. Bồ Tát thông suốt quy luật vô thường nên vượt qua mọi sự đối đãi giữa có và không. Bồ Tát cố gắng tìm mọi cách để làm dịu bớt (alleviate) những khổ đau của người khác, dù phải gặp những điều kiện khó khăn, trừ khi không còn đủ nhân duyên với người đó. Trong những hoàn cảnh đói, khát, lạnh, nóng, và thời tiết gió mùa (the wind and weather) cay nghiệt (severe and inclement), Bồ Tát vẫn kiên nhẫn chịu đựng (enduring).

 

Bồ Tát nhớ đến lời Phật dạy: “Sức mạnh của bậc đạo sư là lòng kiên nhẫn”. Do đó, Bồ Tát lấy nhẫn nhục làm hạnh sống. Bồ Tát không tự tha thứ mình; trái lại nghiêm khắc với mình. Khi biết lỗi lầm, Bồ Tát tự sám hối và tự phấn đấu để không tiếp tục rơi vào lỗi lầm như trước nữa. Bồ Tát cũng biết tất cả con người đều là nạn nhân chính nghiệp của mình. Nghiệp chi phối con người từ những kiếp quá khứ đến hiện tại, từ đó Bồ Tát sẵn sàng tha thứthương xót tất cả con ngườicá nhân Bồ Tát bị xúc phạm (injured), bị gây tai hại (harmed), bị cướp đi (deprived) tài sản, của cải, danh dự. Bồ Tát không thể trách mắng (blame) hay tìm cách trả thù. Khẩu hiệu của Bồ Tát là “Biết tất cả, sẵn sàng tha thứ tất cả”. Đó là nguyên tắc cần thiết để thực hiện Nhẫn Nhục Ba La Mật.

 

Hạnh nhẫn nhục cao quí nhất mà Bồ Tát hằng noi theo là gương nhẫn nhục của ngài Phú Lâu Na (Pūrṇa) khi đi giáo hóa tại một vùng của dân xứ Śroṇāparānta vốn hung bạo và tàn ác.

 

4. Tinh tấn Ba La Mật: Vīrya Pāramitā: Perfection of vigour/energy; devotion.

 

Tinh tấn có nghĩa sức mạnh (strength), năng lực (energy), can đảm (courage), sự dũng cảm chịu đựng (fortitude), nam tính (manliness), sức hăng hái (vigour), sự nhiệt tâm (zeal).

 

Trong Bồ Tát Địa, Tinh tấn Ba La Mật được mô tả như “đại năng lực hay sức hăng hái của tâm trong sự tích lũy những nguyên tắc công đức”. Những từ cảnh giác (apramāda:  alertness, watchfulness, vigilance), dũng cảm chịu đựng (dhṛti: fortitude, steadfastness), cũng được dùng để chỉ cho tinh tấn. Phản nghĩa tinh tấn là “chây lười, biếng nhác” (kausīdya:  sloth, indolence).

 

Giác ngộ hoàn toàn tùy thuộc vào tinh tấn. Thiếu tinh tấn, bệnh đổ thừa dễ dàng xuất hiện. Đấy là lúc vô minh có mặt. Thiếu tinh tấn, cuộc sống tâm linh trở nên vô vị. Cho nên ở đâu có giác ngộ, ở đó có sự tinh tấn xuất hiện trong tâm người tu. Nó là nhân tố làm tăng tiến (promotes) sức mạnh tinh thần của người tu. Nó dẹp tan đau khổphiền não, khi người tu lúc nào cũng hăng say tu tập. Nó bảo đảm sự thành công trong bất kỳ môi trường nào. Đức Phật là vị đại tinh tấn. Ngài đã chiến thắng tất cả loại Ma chướng trong tâm của Ngài trong sáu năm khổ hạnh và trong cuộc chiến đấu chống lại tầm và tứ.

 

Bồ tát dụng công miên mật (sātatya-satkṛtya: to exert oneself continually and seriously), không bỏ sót thời khóa thiền, dù gặp bất kỳ trở ngại nào. Bồ Tát không bằng lòng những thành quả nhỏ mà mình vừa mới đạt được. Lúc nào cũng tinh tấn để đạt thêm những mức độ tâm linh cao hơn. Bồ Tát thức khuya (keeps vigil) và dậy sớm để thực hành thiền tọa với những chủ đề liên hệ đến sự giác ngộ tối hậu. Bồ Tát không đùa giỡn với niệm mà cố gắng kiểm soát hay làm chủ niệm. Bồ Tát không đầu hàng (does not yield) chướng duyên để đi đến thất vọng. Bồ Tát thu thúc (restrains) sáu căn (six senses) bằng niệm biết không lời trong bốn oai nghi.

 

Bồ Tát chuyên cần trong pháp học, có chiều sâu pháp học, nắm vững pháp học, và có khả năng trình bày rõ ràng pháp học cũng như pháp hành trước công chúng. Ngoài ra Bồ Tát cũng học về các môn nghệ thuật và khoa học trong thế gian để có kiến thức (vidyā: knowledge) căn bản liên hệ trong cuộc sống của người thế gian. Đây là những phần phương tiện trợ duyên cho Bồ Tát trên đường đi giáo hóa. Bồ Tát cần có những kiến thức hiện đại để thích nghi từng môi trường giáo hóa hay chỗ nơi giáo hóa. Bồ Tát không đóng khung pháp học hay pháp hành của mình theo truyền thống cổ thời. Trái lại Bồ Tát phải thích nghi với hoàn cảnh địa phương để thực hiện công tác giáo hóa thích hợp với tư tưởngkiến thức thời đại.

 

Những phần này được gọi là “Minh Xứ” (vidyā-sthānā: subjects of knowledge or branches of learning). Gồm năm phần, gọi là “Ngũ minh xứ” (pañca-vidyā-sthānas) như:

 

a)    Kiến thức về ngôn ngữ, văn tự, hành văn, gọi là “Thanh minh” (sabdavidyā).

b)    Kiến thức về những kỹ thuật nghệ thuật (technical arts), hay thủ công (crafts), gọi là “Công xảo minh” (silpakarmasthāna-vidyā).

c)    Kiến thức về thuốc men hay y học, gọi là “Y phương minh” (cikitsa-vidyā).

d)    Kiến thức về luận lý học (logic) hay biện chứng pháp (dialectical method), gọi là “Nhân minh”, tức kiến thức về nguyên nhân (hetuvidyā).

e)    Kiến thức về triết học Phật giáo bao gồm trong kinh, luật, luận, gọi là “Nội minh'' (adhyatmavidyā), tức kiến thức về tôn giáo của mình.

 

Để đạt được kiến thức bác lãm (well-learned knowledge) hay bách khoa nói trên, Bồ Tát phải tinh tấn tu học. Vì thế, siêng năng (diligence) và cần cù (industriousness) cũng là đặc tính của tinh tấn.

 

Khi lăn xả vào cuộc đời, Bồ Tát không có làm việc “bán đồ nhi phế: does not leave his work half-done”, tức là không có làm việc nửa chừng mà làm đến nơi đến chốn. Bồ Tát không bị nản lòng (daunted), nản chí (discouraged) bởi những khó khăn và nguy hiểm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bồ Tát cũng duy trì sự tinh tấn như nhau. Bồ Tát đặt ra những kế hoạch thiết thực để đạt mục tiêu cuối cùng. Bồ Tát không chán nản và bi quan, không mất hy vọng, làm công việc hằng ngày như mặt trời mọc và lặn, với tinh thần tự chủcan đảm, vui tươi và nhiệt tâm. Bồ Tát cũng hành động dựa trên hai nguyên tắc lớn: “Bình đẳng giữa mình và người”, và “Quan tâm đến người khác như quan tâm đến mình”. Bồ Tát thường tự nhủ: “Không có cái gì chinh phục được ta, trái lại ta chinh phục những cái khác”. Đó là chinh phục những thói hư, tật xấu, những đam mê dục lạc, những thứ ghiền, nghiện tiềm tàng trong tâm, những trạng thái hôn trầm, lười biếng, và những trạng thái nản lòng, thối chí. Đây là sự kiêu hãnh của Bồ Tát, nhưng kiêu hãnh này được biển lộ bằng sự tự tin và tự tôn trọng. Nó là một tham vọng cao thượng chứ không phải tham vọng xuất phát từ sự kiêu căng (arrogance), ngạo mạn (conceit) hay lòng tự cao tự đại (vanity). Bồ Tát tự xem mình là hiện thân (embodiment) của đạo đứctrí huệ.

 

Bồ Tát tìm hạnh phúc trong công việc, với Bồ Tát, công việc là hạnh phúc, hạnh phúc là công việc. Ở đây không phải Bồ Tát làm việc để đạt được điều gì lợi ích riêng cho cá nhân mình, mà là công việc lợi ích cho tha nhân. Vì thế Bồ Tát luôn luôn hoạt động. Hết việc này, Bồ Tát bày ra việc khác. Lý tưởng hoạt động không ngừng nghỉ này của Bồ Tátgiá trị đặc biệt của tinh thần tinh tấn trong Bồ Tát đạo.

 

5. Thiền [Định] Ba La Mật: Dhyāna [Samādhi] Pāramitā: Perfection of Zen Meditation.

 

Trong Bồ Tát Địa, định nghĩa thiền là “tập trung và vững chắc hay định tâm: citt-aikāgryam citta-sthitḥ: concentration and stability or fixity of the mind”. Đối nghịch với thiền là sự dao động tâm (vikṣepa: distraction of mind). Thiền là phương tiện chủ yếu của kinh nghiệmđạt được trạng thái yên lặng tâm (samatha). Thiền được chia làm bốn cấp: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, và tứ thiền.

 

Theo tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy, điều kiện tu thiền là phải xuất gia (renunciation) và sống độc cư (solitude). Người tu phải từ bỏ đời sống gia đình và sống độc cư trong rừng. Cũng vậy, trong điều kiện lý tưởng, theo tinh thần Bồ Tát đạo, người tu thiền nếu muốn đạt được giác ngộ tối hậu phải độc thân, lánh xa việc trần tục có như thế mới hoàn thành đại nguyện. Độc thânxuất giađiều kiện không thể thiếu được cho vị Bồ Tát. Có như thế Bồ Tát mới tránh được những áp lực của hoàn cảnh bên ngoài và duy trì được sự trong sạch tâm linh. Tuy nhiên, Bồ Tát đạo không dành riêng cho tu sĩbao gồm cư sĩ, vì vậytại gia vị ấy cũng hoàn thành được đại nguyện. Nhưng muốn đạt được giác ngộ tối hậu, vị ấy phải sống độc thân. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong sinh hoạt tâm linh của thiền.

 

Điều kiện cơ bản của việc thực hành thiền gồm:

a) Đoạn lìa nhân duyên thế gian,

b) Đoạn lìa tri kiến thế gian,

c) Nắm vững pháp học và pháp hành,

d) Nhập thất chuyên tu.

 

Các pháp cơ bản của thiền: Cận hành định, An chỉ định, Chánh định, Ba Định: Không định, Vô tướng địnhVô nguyện định, Vô trụ định.

 

6. Trí Tuệ Ba La Mật: Prajñā Pāramitā.
Đây là trí tuệ làm dịu tất cả tư duy biện luận, và cơ bản là dẹp tan tiến trình hoạt động của trí năng để đạt được hiểu biết không khái niệm (the nonconceptual understanding), cái biết không nhị nguyên (the nondual awareness), tức cái biết của tánh giác (buddhitā). Khi tánh giác trở thành năng lực vững chắc, tuệ giác liền có mặt, tiềm năng giác ngộ trở thành một năng lực hiện thực.

 

Muốn thành tựu Trí Tuệ Ba La Mật, có nhiều phương tiện. Riêng ở đây, sơ đồ của chúng ta là các pháp nồng cốt cơ bản gồm: Biết không lời, Tuệ trí không lời, Nhận thức không lời, Như thật, Chân Như, Huyễn, Không; và ba pháp dụng công cơ bản trong thiền quán, thiền định, thiền huệ.

 

MƯỜI BA LA MẬT TRONG HỆ PHÁT TRIỂN

 

Những Ba La Mật này được ghi trong kinh Hoa Nghiêm và trong Luận Duy Thức. Ngoài sáu Ba La Mật nêu trên, có thêm bốn Ba La Mật  như sau:

 

1. Phương tiện thiện xảo Ba La Mật (Upāya-kauśala: skillfulness in the choice/or adaptation of means for conversion or succour).

  1.  Nguyện Ba La Mật (Praṇidhāna: aspiration or resolution).
  2.  Lực Ba La Mật (Bala: strength, power).
  3.  Trí Ba La Mật (Jñāna: knowledge).

 

Với người tu thiền, Mười hay Sáu Ba La Mật đều được chú trọng, nhưng hai môn Thiền [Định] Ba La MậtTrí Tuệ Ba La Mật được xem là mục tiêu quan trọng nhất. Lý do là hai Ba La Mật này có khả năng đưa người thực hành “đến bờ bên kia” trong đời này. Trong đó, Trí Tuệ Ba La Mật được nâng lên hàng đầu.

 

TÁC DỤNG CỦA TRÍ TUỆ BA LA MẬT

 

Với trí tuệ Ba La Mật, nó cách mạng hóa Phật giáo trên hai phương diện triết họctôn giáo. Thứ nhất, nó không nằm trong nhận thức suy luận theo luận lý triết học mà trong nhận thức bằng giác quan và ngoài giác quan hay siêu lý luận. Thứ hai, trong nó không có vấn đề siêu hình của duy tâm thần bí, như tôn sùng Thượng đế hay tôn sùng những vị thần linh hoặc các vị Bồ Tát như trong tín ngưỡng của Mật tông Phật giáo hay tín ngưỡng A Di Đà hoặc tín ngưỡng Quan Thế Âm, và tín ngưỡng Văn Thù.

 

Để đạt cứu cánh trí tuệ Bát Nhã theo lý luận chân đế, Phật thiết lập nhiều pháp nồng cốt, giúp người thực hành theo pháp của Ngài đạt được mục tiêu. Tùy theo căn tánh hay khả năng ứng dụng các pháp của Phật, ta có thể chọn phương tiện nào cũng được. Dưới đây, chúng tôi chọn vài pháp cơ bản. Thí dụ:

 -          Trong Bát Chánh Đạo có ba phần cơ bản: a) Chánh Kiến; b) Chánh Niệm; và c) Chánh Định.

 -          Trong Tam Pháp Ấn hay Tứ Pháp Ấn có: a) Vô thường; b) Vô ngã; c) Không: “không ta”, “không cái của ta”. (Ở đây không liệt kê Khổ).

 -          Trong ba sắc thái Như Thật: a) Thấy như thật; b) Biết như thật; c) Thấy biết như thật.

 

Trong lúc đó trong hệ Phật giáo Phát Triển có những pháp nồng cốt như sau:

a)   Chân Như,
b)   Huyễn hay Như Huyễn, và
c)   Tính Không.

 

LẬP TRƯỜNG CỦA THIỀN TÔNG TRONG BA LA MẬT

 

Riêng Thiền Tônglãnh vực riêng của nó. Nó thực hành theo sự thuận tiện nhất của nó. Nó không bị lệ thuộc vào hình thức. Trong nó không có triết lý. Trong nó không có siêu hình.

 

Dĩ nhiên, thiền thường nhắc đi, nhắc lại hay dẫn chứng tất cả kinh luận của hai hệ Phật giáo, nhưng nó không bị vướng mắc vào văn tự, chữ nghĩa trong kinh, luận, cũng không bị ảnh hưởng những ý tưởng siêu hình trong các kinh, luận. Vì nó chọn lọc tinh ba lời dạy thực tiễn của Phật trong kinh, của Tổ trong Luận để thực hànhứng dụng vào cuộc sống hằng ngày.

 

Học và hành thiền không phải cách luyện tập văn chương chữ nghĩa.

 

  • Tổ Đạt Ma có những pháp nồng cốt như:

a) Không Lời,

b) Không suy nghĩ,
c) Vô Tâm,
d) Kiến tánh.

 

  • Lục Tổ Huệ Năng có những chủ trương:

 1) Vô niệm làm tông (Thoughtlessness is set up as the doctrine): Đối trên tất cả cảnh (external objects), tâm không nhiễm (is not stained) gọi là vô niệm. Vô là không có hai tướng (non-duality). Niệm là niệm Chân Như bản tánh (Thought is thought of the original nature Bhūtatathatā). Chân Như là thể của niệm (Bhūtatathatā is the body (substance) of thought); niệm là dụng của Chân Như (Thought is the function of the Bhūtatathatā).

2) Vô tướng làm thể (Immateriality is set up as the substance): Ngoài lìa tất cả tướng, gọi là vô tướng.
3) Vô trụ làm bổn (Non-abiding is set up as the basis): Đối trên tất cả pháp, mỗi niệm không trụ, gọi là vô trụ.
Tự tánh sở hữu thể (body or substance) và dụng (function: chức năng) hay sự hoạt dụng (activity). Thể mà không dụng là thể không dùng được, và dụng mà không thể thì dụng không tồn tại.
 
  • Còn Thiền sư Thanh Từ (Việt Nam) dạy môn đệ các giai đoạn như sau:

a)   Giai đoạn I - Không theo vọng tưởng,

b)   Giai đoạn II - Đạt được tánh giác, Hằng sống với Tánh giác hay Hằng sống với Ông chủ, Vô niệm,
c)   Giai đoạn III - Trút Sạch Khái Niệm hay Tâm Không hoặc Vào cửa Không.

 

  • Riêng ở đây, chúng ta kết hợp tinh ba các hệ thiền Phật giáo. Vì vậy, chúng ta cũng thực hành các Ba La Mật qua các chủ đề nồng cốt liên hệ đến Thiền ĐịnhThiền Huệ, gồm:  Như Thật, Chân Như, Không, Huyễn, Duyên Khởi và Nghiệp.

 

NHẮC LẠI THỰC CHẤT BÁT NHÃ

 

  1. Ta đã biết, Bát Nhãtri kiến bất nhị (the nondual knowledge), tuệ giác (intuitive wisdom), tuệ giác cao nhất (highest intuitive wisdom). Nó là thành phần cơ bản được triển khai từ Phật Tánh (Buddhatā: Buddha nature). Phật tánhtiềm năng giác ngộ vốn tiềm tàng trong mỗi con người nhưng chưa được phát triển. Muốn phát triển Phật tánh, trong thiền Phật giáo có nhiều phương thức. Phương thức căn bản nhất là Định và Huệ.

 

Về Định, gồm các tiến trình mà ta phải thành tựu, như Không tầm không tứ định, An chỉ định, Chánh định, Không định, Vô tướng định, Vô nguyện hay Vô tác định, và Vô trụ định.

 

Về Huệ, gồm các tiến trình mà ta phải đạt cho được là: thông suốt hay nhận ra chân tánh hiện tượng, thấy như thật, biết như thật, thấy biết như thật; hội nhập Chân Như... 

  1. Muốn hội nhập Chân Như, ta phải có kinh nghiệm nhận thức không lời thường hằng (the perpetual and wordless cognition).

 Tuệ giácnghĩa trí tuệ nhận rõ liền tức khắc về đối tượng trước mắt, không thể truyền đạt bằng khái niệm hay bằng trí năng. Trong bản chất, nó vượt qua mọi kinh nghiệm giác quan. Đó là cái biết thẳng vào chân tánh thực tại (tức Tính Không). Trí tuệ này đối nghịch với vô minh, thường được nói đạt được khi nào tập khí hay lậu hoặc bị vô tính hóa (neutralized) hay bị triệt tiêu (abolished), hoặc trong đó không có mặt bóng đen tự ngã. Đây là quan điểm của các nhà Phật giáo Phát Triển trước thời Ngài Long Thọ. Vì lẽ đó, họ cho rằng tự tánh Bát Nhã vốn nội tại trong mỗi chúng sinh, bằng phương tiện tự tu hành hay luyện tập Tam Học, họ có thể chuyển hóa trí phàm phu thành trí Bát Nhã. Sự chuyển hóa này (transformation) được so sánh như sữa trở thành sữa đông (curd) và sữa đông thành pho mát (cheese). Đó là Bát Nhã Ba La Mật hay Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajñā-pāramitā).

 

2. Không hay Chân Nhưthực tại nội tại và phổ biến của vạn pháp. Muốn đến thực tại phổ biến này, các nhà Phật giáo Phát Triển chủ trương áp dụng nhận thức ngoài cảm giác hay cảm giác ngoại lệ (extra perception). Trong tiến trình này, nhận thức không lời có mặt. Đây là tác nhân tạo ra sự chuyển hóa thân tâm và thăng hoa trí tuệ.

 

“Nội chứng Không” là nền tảng cấu trúc tâm linh Phật giáo. Nó là tuệ trí nhìn sâu vào chiều sâu của tâm, sự kỳ diệu của thiền. Để được sự kỳ diệu này, chúng ta có hai đường: Chân Như và Không. Không ở đây không phải là phủ định vạn pháp, mà thực sự là gạt bỏ tất cả tiến trình phủ định để đi đến chỗ không phủ định cũng không khẳng định chi cả. Khi đó, thực sự ta đã ở trong khẳng định mà chẳng có ý niệm khẳng định hiện hữu. Trái lại chỉ có sự tỏa rộng của nhận thức không lời càng lúc càng vững chắc hơn về Không hay Chân Như.

 

TÓM KẾT

 

Trên phạm vi thiền Phật giáo gồm chung ba hệ: Nguyên Thủy, Phát Triển và Thiền Tông, Ba La Mậtđức hạnh kiện toàn hay siêu việt (transcendental) của người áp dụng nó để nhắm phát triển tâm linh qua các giai đoạn tu tập theo từng Ba La Mật. Như vậy, bằng một trong các Ba La Mật, người tu có khả năng đến bờ bên kia hoặc trong kiếp này hay nhiều kiếp khác, tùy theo tác dụng của các loại Ba La Mật trong mười hay sáu Ba La Mật.

 

Tuy nhiên, tác dụng tối hậu của Ba La Mật mang hai ý nghĩa cơ bản :

 

-            Với hệ Nguyên Thủy, các Ba La Mật là “phương tiện chở người qua biển sanh tử đến Niết bàn, đạt được giải thoát tối hậu; không còn trở lại thế gian hay các cõi Trời nào”.

-            Với hệ Phát Triển và Thiền Tông, các Ba La Mật là “phương tiện chở người qua biển sanh tử, đạt được giải thoátthành Phật (Buddhahood), có đầy đủ phương tiện thiện xảo để đời đời độ lại chúng sinh cùng thoát ra khỏi biển sanh tửphiền não, khổ đau”.

 

Trong số các Ba La Mật, Thiền ĐịnhTrí Tuệ là hai Ba La Mậttác dụng trực tiếp đến thân, tâm, và trí tuệ tâm linh. Lý do, khi thực sự kiên trì áp dụng một trong hai Ba La Mật nêu trên, hành giả sẽ được những kết quả:

 

-      Chuyển hóa (transforming) tâm phàm tục thành tâm giác ngộ;
-      Cân bằng thân và tâm;
-      Phát triển trí tuệ trực giác;
-      Thoát ly sanh tử. Đạt được Niết Bàn trong đời này;
-      Vô Trụ Niết Bàn (nirvāna of no-fixed-abode).

 

MỤC TIÊU CỦA BÁT NHÃ

 

Mục tiêu của Bát Nhã Ba La Mật Đa là nhắm đối trị mê lầm căn để trong cái nhìn của chúng sinh về thế giới hiện tượng từ tư tưởng, tình cảm, cảm giác dưới sự điều động của tự ngã. Khí giới tuyệt hảo của Bát Nhãtuyên bố tất cả là Như Huyễn, hoàn toàn không có thực tại bất biến. Chúng chỉ là giả tướng.

 

Theo Long Thọ, trẻ thơ thấy mặt trăng trong nước, trong lòng nổi dậy muốn vớt trăng lên, rồi duỗi tay vào nước... Bồ Tát nhận ra Như Huyễn, người ngu thấy thật. Vì vậy phải trải qua Tánh không hay Chân Như mới hiểu thuyết Như Huyễn của Bát Nhã Ba La Mật Đa. Cho đến Niết Bàn cũng Như Huyễn, như mộng.

 

BÁT NHÃTRỰC GIÁC

 

Bát Nhã không dựa trên luận lý mà trên trực giác. Nó vượt qua khỏi óc tư duy nhị nguyên của không và có (astitvanāstitva). Nó dựa trên ba năng lực Không Lời: Biết Không Lời, Tuệ Trí Không Lời, và Nhận thức Không Lời.

 

Kinh thường nhắc nhở luôn luôn nhìn thấy các pháp như thực. Thấy, chớ không suy luận. Các nhà Phật giáo Phát Triển khai triển phương thức này để đạt được Nhất thiết trí.

 

 

CHÚ THÍCH

 

 1a. THÍ DỤ THẬP ĐỊA TRONG PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN

 

Tùy theo sự nhận định khác nhau của các vị Tổ trong Phật giáo Phát Triển, nên có nhiều loại Thập Địa với những chủ trương khác nhau được thiết lập. Dưới đây là một thí dụ về ĐẠI THỪA BỒ TÁT THẬP ĐỊA được thuyết minh trong Hoa Nghiêm Nhân Vương. Chúng tôi tóm lược như sau:

 

1. Hoan hỷ địa: Giai đoạn vui mừng: Skt: Pramuditā bhūmi: Land/Stage of great joy. Biết được nhân vô ngã, pháp vô ngã. Chứng nghiệm hay nhận rõ ý nghĩa Chân Như (tathatā) phổ biến khắp nơi trong thế giới hiện tượng. Đây là điều vui mừng lớn vì bây giờ mới hiểu rõ ý nghĩa Chân Như.

 

2. Ly cấu địa: Giai đoạn thuần tịnh: Skt: Vimalā bhūmi: Land/Stage of perfect purity. Để bắt đầu tu, Bồ Tát nghiêm trì giới hạnh. Thông qua trí tuệ để giữ thanh tịnh giới, Bồ Tát không bị vướng mắc giới tướng mà cốt làm cho giới thể được thanh tịnh từ trong tâm. Thân, khẩu, ý trong sạch. Ý thức tự chuyển. Đạo đức trong sạch. Phiền não xa lìa.

 

3. Phát quang địa: Giai đoạn phát sáng: Skt: Prabhākarī bhūmi: Land/Stage of luminosity. Sau khi Chân Như có mặt trong tiến trình định-huệ, chướng ngại của sự ngu si bị triệt (suppressed), dục tham si (kāmarāgamoha -  the delusion of desire-covetousness) cũng bị triệt theo. Sự u tối trong tâm không còn. Thần sắc trở nên trong sáng. Nhưng tâm thực sự chưa dừng lặng.

 

4. Diệm tuệ địa: Giai đoạn trí tuệ rực sáng: Skt: Arciṣmatī bhūmi: Land/Stage of glowing wisdom. Đây là giai đoạn ý niệm “Tôi” và “của tôi” bị triệt. Ngã kiến (ātmadṛṣṭi - self-belief), ngã mạn (ātmamāna - self-conceit), ngã ái (ātmasneha - self-love), và ngã dục (ātmakāma - self-desire) là những phần vi tế nhất bên trong tâm cũng bị loại. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Bồ Tát vẫn chưa thực sự dừng được niệm si mê vốn còn tiềm tàng trong tâm.

 

5. Cực nan thắng địa: Giai đoạn cực kỳ khó khăn: Skt: Sudurjayā bhūmi: Land/Stage of the mastery of utmost difficulties. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn nhất để đạt được trạng thái hoàn toàn dừng niệm. Vì Bồ Tát phải hợp nhất hai thứ trí: tục trí (saṃvṛtijñāna - worldly knowledge) và căn bản trí (tattvajñāna - fundamental knowledge) để thực hiện cách dừng niệm si mê tiềm tàng (the delusion and potential thoughts) trong tâm. Tục trí thì cứ suy luận, phân biệt, so sánh. Căn bản trí thì biết rõ ràng, không suy luận. Ở giai đoạn này, tâm Chân Như cụ thể biết những điều:

a.    Không phân biệt luân hồiniết bàn.
b.    Không có khuynh hướng chạy trốn thế giới hiện tượng

Trong giai đoạn này, Chân Như (Tathatā) không những tự biết bản chất thông thường (the common essence) của sự hiện hữu hiện tượng (phenomenal existence) mà đồng thời nhận ra (simultaneously recognizes) những hình ảnh gợi lên trong tâm và những diễn biến sự việc (contours) của những hình ảnh đó như là chính tự tướng của mình (its own self-appearances). Chính vì thế, giai đoạn này được gọi là “cực kỳ khó khăn”.

 

6. Hiện tiền địa: Giai đoạn “mặt hướng đến”: Skt: Abhimukhī bhūmi: Land/Stage of “the face directed towards”. Đây là giai đoạn giáp mặt với những đề mục thiền quán (meditations and contemplations) khác nhau, được thực hành với sự trợ duyên của hình ảnh, ý niệm, khái niệm (sanimitta) với mục đích loại dần quan điểm nhị nguyên. Trong giai đoạn này vấn đề khó khăn đặt ra là bản năng tâm cứ kiến giải liên tục vật trước mặt nó. Nó không thoát ra khỏi sự si mê tiềm tàng bên trong nó cho dù nó được cho biết rằng cứ kiến giải như thế là sai. Vì không thể nào thoát ra khỏi nhị nguyên. Do đó, chính Chân Như trong trường hơp này thường vẫn bị tâm bóp méo (distortedly retained). Tâm như là một đối tượng hay một vật tự chia cách nó hay siêu việt nó. Nhưng cuối cùng, Bồ Tát cũng vượt qua giai đoạn đối đãi hay năng, sở trong thiền quán để bước sang viễn hành địa.

 

7. Viễn hành địa: Giai đoạn đi xa: Skt: Dūraṃgamā bhūmi: Land/Stage of going far away. Vượt lên trên nhiều lãnh vực đối đãi hay hai mặt của trí năng phân biệt như tịnh/bất tịnh, sanh/diệt, thiện/ác khi áp dụng thiền quán. Nơi địa này, Bồ Tát đã thực sự triệt tiêu được quan điểm nhị nguyên và trở nên thuần vô tướng (có nghĩa “hoàn toàn không có một hình ảnh tự động khởi lên trong tâm”). Bồ Tát đã thực sự tiến xa hơn đối với những người này còn tu theo thiền quán của hàng Nhị Thừa (Thinh Văn và Duyên Giác).

 

8. Bất động địa: Skt: Acalā bhūmi: Land/Stage of non-agitation, immovable. Hoàn toàn đạt được vô tướng. Qua Không (Śūnyatā), Bồ Tát lãnh hội (comprehends) vạn pháp hoàn toàn không được làm ra và không khác với vô vi pháp hay thực tại không điều kiện. Nhờ trực giác này, Bồ Tát trụ trong vô sinh pháp (anutpāda-dharma: the unborn dharma), ngài lên đến Bát Địa, cảnh giới Bất Động. Đây là trạng thái Chân Như tự ngộ. Tâm không động trước năm cảnh do năm căn tiếp xúc, qua đó ba độc tham, sân, si không còn khởi lên. Phiền não tự chấm dứt. Không rơi vào bốn trọng cấm trong giới luật, như dâm, sát, đạo và đại vọng ngữ. Không thoái chuyển tâm. Nơi đây, ngài đạt được trí vô ngại (the unimpeded knowledge), vô phân biệt trí. Trí này là nền tảng của Phật tánh. Trong luận Đại Trí Độ (Māhāprajñāpāramitā), ngài Long Thọ làm vững thêm (corroborated) lý này và làm sáng cho dễ hiểu (clarified), khi đạt được “vô sanh pháp nhẫn” (anutpattika-dharma-ksānti), Bồ Tát bỏ sắc thân (physical body) sau cùng, và trong Bát Địa, đạt được Pháp Thân. Trong Bát Địa, Chân Như tự ngộ.

 

9. Thiện tuệ địa: Giai đoạn trí tuệ tốt: Skt: Sādhumatī bhūmi: Land/Stage of the good wisdom. Có nghĩa trí tuệ phân biệt khéo nhất (finest discriminating wisdom). Bằng vô lượng hình thức thiền địnhcông thức huyễn, Bồ Tát đạt được tính vô hạn (aprameya: the immeasurability) của Phật Tánh, tức trí tuệ siêu việt (transcendental wisdom). Đây là giai đoạn Chân Như tạo ra năng lực chuyển hóa tâm, Bồ Tát đạt được bốn quyền năng vô ngại (unhindered) hay vô hạn (unlimited powers) của kiến giảilý luận (pratisaṃvid: the interpretation and reasoning). Đó là Từ vô ngại, Pháp vô ngại, Nghĩa vô ngại, Biện tài vô ngại. (quen gọi là Tứ Vô Ngại Giải hay Tứ Vô Ngại Biện). 

  1. Về từ ngữ (arthapratisaṃvid), nhờ thông đạt cách dùng từ vô-ngại, nên khi đi giáo hóa Bồ Tát biết nhiều cách dùng từ ngữ thích hợp với từng đề mục pháp học hay pháp hành. Bồ Tát luôn luôn áp dụng từ ngữ đúng chỗ, đúng nơi để làm cho giáo pháp được sáng tỏdễ hiểu
  2. Về pháp (dharmapratisaṃvid), trong mọi trường hợp Bồ Tát áp dụng pháp học và pháp hành thích hợp từng căn cơ. Căn cơ nào cũng tiếp thu được đầy đủ và rõ ràng về tên, câu, lời, từ. 
  3. Về nghĩa (niruktipratisaṃvid), Bồ Tát giải thích ý nghĩa rốt ráo các dụng ngữ (expressions) được dùng trong các pháp, không hề bị ngưng trệ, âm thanh trong trẽo, rõ ràng. Người nghe tiếp thu dễ dàng. Đây gọi là Chân Như (Tathatā) hiển lộ năng lực giải thíchhiểu biết tất cả loại nghĩa, dụng ngữ. 
  4. Về biện tài (pratibhānapratisaṃvid), Bồ Tát trôi chảy trong lời lẽ, trong văn cú; nội dung luôn luôn được trình bày hoàn toàn khéo léo và phù hợp chánh pháp. Ngôn ngữ không bị ngưng trệ khi giảng pháp cho người nghe.
 

10. Pháp vân địa: Giai đoạn “Mây Lành của Pháp”. Skt: Dharmameghā bhūmi: Land/Stage of Dharma clouds. Giai đoạn này Phật tánh thực sự hoàn toàn hiển lộ. Hành giả chìm trong Chân Như hay tự chứng (self-realization) Chân Như trong trạng thái bất khả tư nghị (acintya). Nhiều quyền năng siêu phàm (supernatural powers) và nhiều hoạt dụng công đức tuần tự được triển khai. Những gì huyền nhiệm, bí ẩn vi tếthâm sâu nhất, được chiếu sáng lên trong Phật Tánh. Trong giai đoạn này, Bồ Tát đạt được Kim Cang Trí Huệ Định (Vajropamasamādhi: the samādhi of diamond-like wisdom).

 

 

1b. MƯỜI BA LA MẬT TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

 

Đây là mười nguyên lý đạo đức mà vị Bồ Tát (Bodhisatva) thường xuyên thực hành hoàn hảo.

 

  1. Bố thí: Dāna: perfection of giving. Lòng quảng đại, bố thí của cải, tài sảnsự nghiệp, kể cả thân mạng, và vợ con mà không mong cầu được báo ơn, cũng không thấy có điều kiện gì khi bố thí. Đây là cách cho vật mà không thấy bị vướng mắc với vật bị cho và người được cho, cũng không mong cầu được báo đáp hay được hưởng tiếng khen. Cho với lòng quảng đại và với tâm từ vô lượng, nên cho mà không phân biệt người được cho thuộc giai cấp hay chủng tộc gì. Chỉ biết cho để làm dịu bớt cơn đau khổ hay phiền não của chúng sinh khác một cách hợp lý. Thí dụ, không bố thí rượu cho người ghiền rượu; không cho tiền để người đi đánh bạc; không bố thí tiền cho kẻ nghiện cần sa ma túy; không giúp phương tiện cho kẻ sát nhân. 
  2. Giới: Sīla: perfection of morality. Làm những điều đáng làm; tránh những điều không nên làm. Không gây phiền não cho chúng sinh khác. Sợ những lỗi nhỏ nhặt, cố gắng giữ mình hoàn toàn trong sạch. Nói những lời chân thật, dịu dàng, đem lại an vui, hạnh phúc cho người khác. Giữ tròn tất cả giới mà mình đã thọ. Thí dụ, người cư sĩ có từ năm đến tám hay 48 giới (Bồ tát giới); tu sĩ có từ 10 đến 227 hay 250, và 348 cho nữ Tỳ kheo, và những điều ngăn cấm khác, v. v... 
  3. Xuất gia: Nekkhamma: renunciation. Xa lìa thế gian, từ khước những thú vui trần tục, sống đời sống tu sĩ, thực hành thiền định, sống khiêm tốn. Không luyến tiếc hay hối hận quá khứ, không mơ tưởng tương lai và cũng không quyến luyến hiện tại; luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, từ khước những gì đem lại những khoái cảm ngũ quan; không mê đắm dục lạc thế gian; sống hoàn toàn trong sạch thân và tâm, không dính mắc vào danh, lợi, tiền bạc và của cải thế gian. Ngăn ngừa bốn trọng tội: dâm, sát, đạo, và tự ý khoe khoang rằng mình đã tu chứng mà thực sự mình chưa có. 
  4. Tuệ: Paññā: wisdom. Hiểu biết rõ ràng và đúng về chân tướng hiện tượng thế gian hay ba đặc tính của vạn phápvô thường, khổ, vô ngã (hoặc vô thường, khổ, không, vô ngã) bằng phương thức trầm ngâm suy tưởng (meditation) và quán (contemplation) chúng. Về Không, gồm “không có cái tôi” và “không có cái của tôi”.  Có ba loại trí huệ: 1) văn huệ (nghe lời giảng dạy: sutamaya-paññā), 2) tư huệ (suy luận về những điều đã được nghe hay đã học: cintāmaya-paññā), 3) tu huệ (thực hành những điều đã được hiểu: bhāvanāmaya paññā). 
  5. Tinh tấn: Viriya: perfection of forbearance. Sức mạnh nội tâm; nỗ lực tu tập không ngừng, luôn luôn tự tin; không đầu hàng nghịch cảnh; không đổ thừa ngoại duyên; vượt qua mọi trở lực; nhắm thẳng đến mục tiêu phục vụ nhân sinh để đi; không chán nản, không chùn chân vì những cản trở của ngoại duyên; không một chướng duyên nào làm thay đổi sự quyết tâm. Nó là nền tảng của sự thành công tu tập
  6. Nhẫn nhục: Khanti: perfection of striving. Sức chịu đựng những phiền não do người khác gây ra cho mình và gánh chịu những lỗi lầm của kẻ khác mà không than van, trách cứ hay oán hận ai; luôn luôn giữ tâm bình thản đối với những người có ác tâm gây hại mình về uy tín, danh dự và khổ đau thân xác. Thí dụ như dán nhãn hay chụp mũ và hành hung, đánh đập. 
  7. Chân thật: Sacca: truthfulness. Chánh trực, thành thậttrong sạch. Không giả dối trong lối sống cũng như khi đi giáo hóa. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều nói thật và giữ tròn lời hứa; không vì một lý do gì để quên lời hứa. Vị ấy nói sao làm vậy; làm sao nói vậy: “He acts as he speaks; he speaks as he acts: yathāvādi tathākari, yathākarī tathāvādī”). Do đó trước khi hứa với ai điều gì, vị ấy phải suy nghĩ cho thật chính chắn. Không dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ người khác, cũng không nịnh bợ người khác để được lợi dưỡng. Khen tặng những ai đáng được khen, đáng cần sách tấn, đáng được khích lệ, và chê trách những ai đáng bị chê trách để người khác biết lỗi lầmsửa chữa. Không dùng lời nịnh bợ để lấy lòng người khác; không thích nghe ai ca tụng mình. Đây là vì lòng từ bi để chỉ chỗ sai lầm của người khác. Tuy nhiên, sự thật nào không đem lại lợi íchhạnh phúc người khác, thì không nói ra. 
  8. Quyết định: Adhiṭṭhāna: resolute determination, firm determination. Quyết đoán một cách bình tĩnhvững chắc; không có bất cứ điều gì làm lung lay tâm; không thối chí, không nản lòng, không đi sai những nguyên tắc đã đề ra. Ý chí vững chắc; không từ bỏ trách nhiệm phục vụ chúng sinh; nhắm thẳng mục tiêu đã đề ra
  9. Từ: Mettā: benevolence, goodwill, friendliness, loving-kindness. Hiền lành, hảo tâm, từ ái, tình huynh đệ. Thương yêu hết thảy chúng sinh. Không phân biệt và không kỳ thị tất cả chúng sinh. Không oán hận bất cứ ai và cũng không trìu mến bất cứ ai, vì từ trìu mến sinh ra lo sợ và phiền não. Trong lúc đó, tâm từ đem lại niềm an lạc cho mình, và đem lại an vui cho tất cả chúng sanh.
  10. Xả: Upekkhā: equanimity, indifference. Không luyến ái cũng không ghét bỏ; không ưa thích cũng không oán giận. Luôn luôn giữ tâm bình đẳng trước tất cả đối tượng; không thiên vị, suy luận vô tư, nhận định đúng đắn. Bình thản trước tất cả đối tượng và sự kiện; không dính mắc và cũng không vướng mắc trước thấy, nghe, hiểu biết. Được ca tụng hay chê bai cũng không xao xuyến nội tâm. Tám gió thế gian không làm dao động tâm. Không bị dục vọng (chanda), sân hận (dosa), si mê (moha), và sợ hãi (bhaya) chi phối.
 Bổ sung bố thí trong Lục Độ Ba La Mật

 

Trong Phật giáo, bố thí là một hành động đạo đức ý nghĩa nhất.

Pháp bố thí này căn bản vốn xuất phát từ trong hệ Nguyên Thủy, được các nhà Phật giáo Phát Triển khai thác thành một trong sáu pháp hay mười pháp Ba La Mật của Bồ Tát Đạo. Trước hết, bố thí là một công đức rất to lớn trong sáu hay mười Ba La Mật. Vì khi một người thực hiện được hạnh bố thí, người đó phải tự hy sinh một phần tài vật hay công sức của mình để chia xẻ với người khác mà không cầu mong báo đáp hay được phước báu.

 

Nội dung bố thí gồm hai phần: bố thí tiền hay sản vật, và bố thí pháp, cũng gọi là pháp thí. P: dhammadāna: the gift of dharma, giving of advice and spiritual guidance.

Phần lớn, bố thí tiền của dành riêng cho cư sĩ, còn bố thí pháp dành riêng cho chư tăng, chư ni và những cư sĩ có vốn liếng pháp học căn bản.

 

Có bốn loại đối tượng bố thí:

  1. Thú vật và mạng người: Đây là cách phóng sanh thú vật, đại xá tù nhân, tha chết mạng người.
  2.  Người nghèo khổ: Đây là cách bố thí cho những người đói rét, thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật thiếu thuốc men, thiếu tiền bạc cho nhu cầu cần thiết nhất và quan trọng nhất.
  3.  Báo ân: Đây là cách giúp đỡ bậc cha, mẹ, thầy dạy và những người mà mình đã thọ ân, hoặc giúp đỡ tiền bạc hay sức lực của mình khi người khác cần giúp mà mình có khả năng giúp.
  4. Bố thí công đức: P: danapunna: the religious merit of almsgiving or liberality. Đây là bố thí tài sản, tiền của cho những người nghiêm trì giới luật, chân tu hay thiết lập chùa, tháp, cúng dường chư tăng, và giảng pháp cho người khác nghe để phá mê, khai ngộ cho họ.

 

Bố thí cũng được thực hành bằng lời nói vui tươi và tâm rộng lượng: một nụ cười thân mật, lời nói với thiện ý (a good will), tính khoan dung (a generous nature) và đầy tâm từ (full of loving-kindness).

Khi một người bố thí để được tái sinh vào cõi trời hay vì danh tiếng, hoặc phước báo (blessful reward) hay vì sợ hãi, sự bố thí như thế không thể đạt được hiệu quả trong sạch.

Viết sách, dạy trẻ con, nói pháp, sửa soạn bữa ăn, rửa chén, giúp đỡ kẻ khác, đều là bố thí, vì những điều này là việc thiện cho tất cả mọi người.

Bố thí không những diễn đạt tính hào phóng, mà còn là lòng tốtthông cảm những vui buồn của người khác. Nó cũng bao gồm thiện ý cống hiến những công đức dành được vì sự cứu nguy người khác.

Nếu bố thí được thực hành trong lúc tâm dính mắc vào tướng, hành động này là hữu vi.

 

  • Lời của đức Phật dạy ngài Cấp Cô Độc về bố thí

 

Khi ngài Cấp Cô Độc từ Xá Vệ, xứ Kosala, đến Vương Xá (Ma Kiệt Đà), ông hay tin đức Phật đang ngự trong rừng Sītavana. Giữa đêm khuya, ông đến khu rừng này và gặp đức Phật đang đi kinh hành. Đức Phật hỏi Cấp Cô Độc:

 -       Vì sao ông đến sớm như thế này khi hầu hết mọi sinh hoạt của những người khác hãy còn yên ngủ?

Cấp Cô Độc đáp:

-      Giải thoát ! Suốt đời con, con đã bố thí cho người khác. Giờ đây con yêu cầu bố thí cho chính con. Con cầu sự bố thí Niết Bàn, sự bình an vĩ đại.

-      Ông không hài lòng rằng những việc thiện của ông sẽ dành cho ông cõi Cực Lạc Thiên sao?

-      Có thể như vậy, Thế Tôn, con không biết, cần học điều này nên con đến với Thế Tôn.

Đức Phật bảo:

-      Này Sudatta, những hoài nghi của ông đều đúng. Tất cả cách sống có thể là phương tiện giải thoátbình an vĩ đại. Nhưng chỉ với một điều kiện.

-      Điều kiện gì, thưa Thế Tôn?

-      Đó là không bị nhiễm bởi bất cứ ý nghĩ gì của ngã. Bố thí của cải không đủ, chừng nào mà ý nghĩ nhỏ nhất của ngã còn lại trong việc bố thí, nó sẽ hủy hoại hết việc thiện của ông. Những ý nghĩ của ngã che lấp ngay cả mục tiêu cao thượng, như tro che dấu lửa, nếu dẫm chân lên đó, bàn chân sẽ bị bỏng.

Sau khi nghe những lời dạy của đức Phật, Cấp Cô Độc đã hiểu rõ được ý nghĩa của sự bố thí. Niềm vui sướng lớn nhất của ông là bố thí không giới hạn, bố thí mà không có ý nghĩ của sự khen ngợi hay sự cám ơn của người khác, và không mong đợi phước báo trong bất cứ kiếp nào. Sau đó, ông quy y Phật, và tỏ ý muốn xây cất tịnh xá ở miền Bắc cho đức Phật. (Trích một đoạn trong Tự Điển Phật Học và Thiền, phần tiểu sử ông Cấp Cô Độc)

 

Trong kinh Kim Cang, Đức Phật giải thích cho Tôn Giả Tu Bồ Đề về bố thí:

 

“Lại nữa Tu Bồ Đề, tâm Bồ Tát không nên trụ vào đâu khi bố thí, nghĩa là Bồ Tát bố thítâm không trụ vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tu Bồ Đề, như thế Bồ Tát bố thítâm không trụ vào ý niệm sai lầm của tướng”.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Năm 20239:41 SA(Xem: 1679)
Khóa Tu Thiền Tập Đơn Giản Để Sống An Lạc từ 14 đến 19 tháng 4 năm 2023 tại Chùa Tích Lan, Ontario.
10 Tháng Năm 20237:33 CH(Xem: 1276)
Nếu thành tựu trọn vẹn pháp chánh niệm và tỉnh giác trong bốn oai nghi, các vị Tỳ kheo xứng đáng được mọi người chắp tay cung kính, được mọi người tôn trọng, cúng dường, và được xem như có rất nhiều ruộng phước trên đời.
02 Tháng Năm 202312:58 CH(Xem: 1649)
Mười Hai Duyên Khởi, cũng còn gọi là Mười Hai Nhân Duyên, là 12 nhân duyên liên kết nhau để hợp thành một chuỗi nhân quả (P: nidāna). 12 nhân duyên như 12 mắt xích hay 12 nguyên nhân đưa đến tình trạng Khổ của con người hay tái sinh.
30 Tháng Tư 20238:57 CH(Xem: 1414)
Der Buddha sagte: "Der Tathagata ist nur ein Wegweiser, alleine musst du gehen." Das heißt, du kennst nun den Weg, gehst alleine hin, verlass dich auf niemanden, der richtige Weg ist deine Weisheit, die dich zu deinem ursprünglichen Geist zurückbringt. Im ursprünglichen Geist sind alle Phänomene Buddha-Dharmas, und die Welt ist ein reines und glückliches Nirwana.
24 Tháng Tư 20236:07 CH(Xem: 1256)
Trong thiền Phật giáo có nhiều nguyên lý tâm linh dẫn đến mục tiêu cứu cánh là chuyển hóa tâm, cân bằng thân-tâm, phát triển tuệ giác, và giải thoát.
17 Tháng Tư 202310:01 SA(Xem: 1856)
Thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thiền Chủ Thích Thông Triệt thiết lập, kết hợp những tinh hoa rút từ tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca, các truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Phát Triển, Thiền Tông và kỹ thuật Thiền, được soi sáng bởi các khám phá đương thời của khoa học não bộ và các chứng ngộ của Thầy thành một hệ thống tu thiền sâu sắc, tân thời, rõ ràng và hiệu quả.
11 Tháng Tư 20237:56 CH(Xem: 1968)
Vai trò của khoa học não bộ rất quan trọng. Đây là kiến thức thời đại. Chúng ta mượn khoa học não bộ để đối chiếu cách thực hành của chúng ta qua Pháp của Phật. Có như thế chúng ta mới chứng minh được giá trị Pháp của Phật đối với mọi trình độ căn cơ. Chúng ta biết vì sao chúng ta thực hành sai, vì sao chúng ta thực hành đúng.
01 Tháng Tư 20239:35 SA(Xem: 1505)
Wir befinden uns mitten in einem wirbelnden Wasserstrudel, würden wir darin stehen bleiben, würden wir von dem absorbiert werden und wir werden ertrinken. Wenn wir uns bewegen würden, würden wir uns auch nur in diesem wirbelnden Strudel herum drehen. Aber wie können wir denn diesem Lebenskreis entkommen?
26 Tháng Ba 20237:30 CH(Xem: 1934)
Đã không biết bao năm qua, mình khờ dại đi tìm “Qua khỏi vùng sương mù là xứ thần tiên”. Đã bao lần thấy vùng sương mù, bao lần mơ ước sẽ gặp xứ thần tiên, nào có gặp được. Tìm cầu bên ngoài, làm sao có xứ thần tiên. Cuối đời mới biết xứ thần tiên thiệt ở trong tâm của mình.
24 Tháng Ba 202310:02 CH(Xem: 1996)
Đức Phật tự nhận: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, các ông phải tự đi”. Các ông phải tự đi có nghĩa là các ông thấy ra con đường rồi, cứ tiến bước một mình, không được ỷ lại nơi ai khác, con đường chánh pháp là trí tuệ của mình sẽ đưa chúng ta trở về bản tâm. Trong bản tâm, tất cả pháp đều là Phật pháp, và thế gian là cõi Phật thanh tịnh an vui.
24 Tháng Ba 202310:18 SA(Xem: 1200)
Tài sản mà đức Phật nói đây không phải là tiền bạc, vòng vàng, châu báu, mà là tài sản về tinh thần, như niềm tin bậc giác ngộ, đạo đức, trí tuệ là những thứ tài sản không bao giờ bị đánh cắp, chiếm đoạt, trừ phi chính người sở hữu tài sản tâm linh đó tự mình phá hủy chúng. Các tài sản quý báu đó có tên gọi là: Tín tài, Giới tài, Tàm tài, Quý tài, Văn tài, Thí tài và Tuệ tài.
22 Tháng Ba 20234:26 CH(Xem: 1585)
Không phải hễ ngộ là chấm dứt hết lậu hoặc! Vì vậy, tuy hạt ngọc đã có sẵn, nhưng ta phải nỗ lực dụng công. Vô ngôn chính là phương thức làm cho Phật tánh bật ra vậy.
18 Tháng Ba 20239:58 SA(Xem: 1460)
Wir müssen in der Lage sein, zu erkennen, wann wir den Bedingungen folgen sollen und wann wir eventuell andere Bedingungen schaffen sollen, um im Einklang mit dem Universum leben zu können, denn wir sind die Schöpfer unseres Lebens, für jetzt und für die Zukunft.
15 Tháng Ba 202311:03 CH(Xem: 1936)
Thực tập phương thức làm chủ sự suy nghĩ, đó là cách ta trực tiếp huấn luyện tâm trở nên yên lặng hay trở nên thuần. Nó không lăng xăng dao động vì những chuyện thị phi (phải-trái) của thế gian.
13 Tháng Ba 202311:02 SA(Xem: 1150)
Những ai hủy phạm giới pháp mà lòng không biết tàm quý, không biết ăn năn, hối hận, không biết sám hối, không chịu từ bỏ tật xấu ác quay về với con đường thiện lương đạo đức, thì hiện tại dù họ đang sống trên đời, nhưng sống trong thống khổ, vì phải chịu trả giá những tội lỗi của họ gây ra...
08 Tháng Ba 20238:24 CH(Xem: 1743)
Hôm nay, thấy hoa thủy tiên nở rộ, hoa mai cũng e ấp đón gió mát, con biết mùa xuân sang. Đã tới mùa mừng sinh nhật Thầy. Thầy đã xuất hiện nơi cõi đời nhằm mùa xuân, Thầy đã thấy con đường, cũng một mùa xuân năm đó, rồi Thầy ra đi, một đêm cuối mùa đông.
08 Tháng Ba 20238:17 CH(Xem: 1644)
Chúng ta đang ở giữa biển nước xoáy, nếu chúng ta đứng lại nơi đó thì ta sẽ bị đắm chìm cuốn hút và chết đuối. Nếu chúng ta bước tới, cũng chỉ là loanh quanh trong biển nước xoáy thôi, bước tới hay bước lùi, có khác gì đâu, rồi cũng trôi giạt bồng bềnh trong biển đời, không ra khỏi. Vậy thì làm sao đây?
05 Tháng Ba 20239:03 CH(Xem: 1405)
GEDANKE heißt in Chinesisch “mạt na”. Wahrscheinlich wurde es aus dem Wort “Manah oder Manas“ in Sanskrit übersetzt. “mạt na” (S: Manah) oder Gedanke bedeutet die Denkfähigkeit oder das Denkvermögen. In English heißt er “the capacity of thought”, “the thinking faculty”. In Pali bedeutet das Wort Mano der Geist oder der Gedanke. Im Abhidharma wird Manha gleichgesetzt mit Bewusstsein (viññāna) und Geist (citta, Bewusstseinszustand).
05 Tháng Ba 20239:01 CH(Xem: 1086)
Ngày lành tháng tốt đối với người Phật tử là ngày đẹp trời, thuận lợi cho mình và cho mọi người tham dự, có thể xem là một trong những điều kiện góp phần vào kết quả chứ không phải là yếu tố tối quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
28 Tháng Hai 20239:06 CH(Xem: 2304)
Chúng ta phải sáng suốt biết lúc nào nên tùy duyên, lúc nào phải tạo duyên tốt, phải biết mình sống có thuận pháp không, vì chính mình là chủ tạo ra cuộc đời của mình, trong bây giờ và mai sau nữa.
27 Tháng Hai 20238:19 CH(Xem: 1846)
Việc làm bếp đâu có khác việc tu tập. Làm bếp để sống, thì tu tập cũng để sống thôi. Cho nên những nguyên tắc để làm bếp tốt cũng là những nguyên tắc để tu tập tốt. Việc gì ta làm cũng là tu tập, con đường đời cũng là con đường tu, do nơi cái tâm của mình, nó thấy ra sao. Nó thấy ra sao, đó là cảnh giới mình đang sống.
25 Tháng Hai 20232:42 CH(Xem: 1719)
Trời đất vô tình, vạn vật vô tình, mà vạn vật biết sống hài hòa với hoàn cảnh tự nhiên. Chúng ta có trí, có tri giác, có tình cảm, vậy phải biết sống đời thiện lành, quan sát tâm mình từng giây phút, ý nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng...
23 Tháng Hai 20237:55 SA(Xem: 1203)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Các nhà tâm lý học ngày nay mô tả hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của con người được thể hiện bởi cảm giác vui vẻ, thích thú, hài lòng trước những đầy đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần. Nó khiến bản thân người ta cảm thấy yêu đời hơn.
18 Tháng Hai 20232:24 CH(Xem: 1389)
Das Naturgesetz regelt alle Phänomene. Es ist gleichzeitig ihr Evolutions- und Entwicklungsgesetz. Es gründet das Universum, regelt den Ablauf des Universums, schützt und pflegt die Existenz des Universums. Die Welt ist offenbar eine wunderbare Harmonie von Idappaccayatā.
14 Tháng Hai 20233:56 CH(Xem: 1531)
Đọc tụng bài kinh “Bát Đại Nhân Giác” chúng ta học theo tinh thần từ bi, lấy trí tuệ làm sự nghiệp của chư Phật, chư Bồ tát. Kinh nhắc nhở chúng ta tám điều quan trọng cần phải học hỏi tu tập. Đó là phải luôn quán xét vạn pháp trong đó có tấm thân ngũ uẩn của con người không thực chất tính nên nó vô thường, khổ, không, vô ngã...
13 Tháng Hai 202310:37 SA(Xem: 1547)
Mạt na hay Ý có nghĩa năng lực của tư tưởng hay năng lực tư duy, Trong tiếng Pāli, từ mano hay Ý có nghĩa tâm hay tư tưởng, Trong tiếng Pāli, từ mano hay Ý có nghĩa tâm hay tư tưởng tương đương trong tiếng Anh là “mind” hay “thought”. Trong A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma), mạt na dùng để chỉ đồng nghĩa với THỨC (viññāna: consciousness) và TÂM
05 Tháng Hai 20236:14 CH(Xem: 1708)
Tánh giác không từ đâu đến. Nó không nằm trong quy luật duyên sinh của hiện tượng. Ta không thể khám phá nó khởi ra từ đâu khi có sự xuất hiện của con người trên quả đất.
28 Tháng Giêng 20237:39 SA(Xem: 1347)
Realität ist nicht 100%ig echt aber auch nicht 100%ig illusorisch. Oder „Das Gerade jetzt“ existiert, ist „echt“ und gleichzeitig „illusorisch“. Oder In der Realität ist eine Illusion vorhanden und in der Illusion existiert eine Realität.
25 Tháng Giêng 202311:14 SA(Xem: 1849)
Định luật Y Duyên Tánh vận hành tất cả thế gian. Nó cũng là định luật biến hóa và phát triển, là sức sống mãnh liệt, đã thành lập vũ trụ, điều hành vũ trụ, và bảo vệ duy trì sức sống của vạn vật. Thế gian biểu hiện sự hài hòa tuyệt vời theo sự biến hóa khách quan của “Y Duyên Tánh”. Vậy, các bạn thân ơi, đây có phải là một bức tranh puzzle tuyệt vời không?
24 Tháng Giêng 20233:16 CH(Xem: 1529)
Chỉ có người thực sự bước vào dòng Thánh mới kinh nghiệm được thọ thanh tịnh. Người còn nhiều dính mắc không bao giờ kinh nghiệm được nhận thức ngoài cảm giác.
18 Tháng Giêng 20237:43 CH(Xem: 2150)
Đất trời quê hương đang vào xuân, mong gởi một món quà nhỏ tặng cho bạn tri âm, mùa xuân trong tâm mình.
18 Tháng Giêng 20237:51 SA(Xem: 1482)
Der Buddhismus betrachtet die „Geburt“ nicht als Beginn eines neuen Lebens sondern die Geburt beginnt bereits mit dem Tod, dann folgt eine Rückkehr und eine erneute Geburt. Diesen Zyklus: Geburt und Tod, Werden und Vergehen, nennt man im Buddhismus den Daseinskreislauf (Samsara) und Alter ist ein Teil dieses Lebenskreislaufs.
17 Tháng Giêng 20231:21 CH(Xem: 1337)
Cái gì được nhận ra đầu tiên trong một sát na, và nhận rõ cuối cùng qua những chuỗi sát na tiếp theo, là đối tượng của nhận thức.
10 Tháng Giêng 20231:01 CH(Xem: 1473)
Thực tại là “giống như Thực” , đồng thời là “giống như Huyễn”. Đó là Trung Đạo. Nói cách khác nữa: Thực tại là không phải hoàn toàn Thực, cũng không phải hoàn toàn Huyễn. Cũng có thể nói: “Cái Đang là” vừa là “Thực” vừa là “Huyễn”.
08 Tháng Giêng 20235:46 CH(Xem: 1568)
Es gibt kein Phänomen oder Ereignis, das unabhängig und von selbst oder zufällig gebildet und entwickelt wird.
05 Tháng Giêng 20239:01 SA(Xem: 1468)
Các bạn ơi, đây cũng chỉ là một bài ghi lại chuyện sinh hoạt trong tháng 12- 2022 này, mình trở về thăm thiền viện Chân Như, ở Navasota thuộc Texas. Không thể nói là”chuyến du hóa” được vì thiền viện Chân Như là “nhà mình” mà.
69,256