HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

Triệt Như SÁCH BÀI TRÌNH THẦY Audio Bài trình thứ ba: NHỮNG KHÚC SÔNG TÂM

13 Tháng Mười Hai 20211:13 CH(Xem: 2314)
Triệt Như
Sách BÀI TRÌNH THẦY
Audio Bài trình thứ ba:

NHỮNG KHÚC SÔNG TÂM


audio-icon_thumbnailCLICK icon tam giác để nghe - CLICK icon 3 dấu chấm để download


Những Khúc Sông TÂM

 

Kính thưa Thầy

 Đêm nay, 20-12-1998, con bắt đầu viết bài trình này, con xếp làm bài trình thứ ba. Lúc trước, khi con viết bài trình thứ hai, con không hề nghĩ đến chủ đề này, không biết là mình trình còn thiếu sót. Hôm nay, con sẽ đào sâu hơn nội tâm con, vì con nhớ đã có lần con nói là bây giờ càng ngày con càng nhìn thấy rõ tâm mình.

Con cho cái chủ đề này, chắc tại vì con thích hình ảnh của một dòng sông. Cuộc đời của mỗi người, khi quanh co, khi xuôi chảy, khi như thác đổ, khi lặng lờ. Tâm của mình cũng vậy, những suy tư, những xúc cảm, khi bâng khuâng, xao xuyến, khi ray rứt, u sầu, lúc vui, bao dung, tha thứ, khi buồn phiền, nặng trĩu. Nhưng không lúc nào dừng được cái dòng liên tục tuôn chảy của tâm. Chỉ có một dòng sông, nhưng nước sông không phải giống nhau từ đầu sông đến cuối sông. Mỗi khi va chạm một môi trường khác, sông lại tạm đổi màu, có khi đổi hướng, nhưng cuối cùng sông vẫn về biển, mặc dù trên quãng đường dài, không biết bao nhiêu hình ảnh in bóng vào lòng sông. Con sông dài không thể nào cắt ra từng khúc để nhận định, nhưng ta có thể chọn lọc vài điểm đặc sắc để tạm phân ra từng khúc sông.

Con xin đi ngược lại thời gian để nhìn ngắm lại những khúc sông dài của tâm mình.

Con xin lấy cái mốc thời gian năm 1989. Vào khoảng tháng 10- 1989, con bắt đầu ăn chay trường. Sự kiện ăn chay trường không phải là một điều đặc sắc; nhưng đối với con, nó đánh dấu bước khởi đầu cho việc tu tập. Trước đó con có dâng hai lời nguyện lên Tam Bảo. Hai lời nguyện đều được thực hiện, con an tâm về những người thân trong gia đình, mới bắt đầu lo cho chính bản thân. Hướng về đạo, tức là cắt bớt những ham muốn của đời, lúc ấy, con chưa có suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa của việc ăn chay, chỉ biết “không ăn thịt cá” là một điều dễ dàng. Từ nhỏ, có lần con nằm chiêm bao thấy một con cá trê, nhìn xa thì thấy đầu con cá trê tròn tròn, đen đen; chớp mắt nhìn kỹ lại thì thấy rõ ràng là đầu một người, hai cánh tay bắt chéo ôm trước ngực; chớp mắt nhìn lại thì thấy là đầu con cá trê. Mỗi lần phải cầm một miếng thịt tươi, nhìn màu máu đỏ, trong lòng thấy rờn rợn, vì biết rõ đây là một phần xác chết của con bò, con heo, con gà. Lần lần, con không thể ăn thịt cá ngon miệng nữa. Từ khi con ăn chay, dường như “nghiệp nấu nướng” của con được nhẹ bớt nhiều. Con vẫn lo cơm nước cho cả gia đình như trước, nhưng lần lần cả gia đình ăn uống dễ dãi hơn, nấu thức gì cũng ăn được, không còn chê mặn, lạt, nóng hay nguội nữa... mặc dù con không nêm nếm kỹ như khi xưa.

Như con đã nói, từ đây con bắt đầu tu tập, một mình. Buổi sáng, dành chút ít thì giờ lễ Phật, sám hối, đọc vài trang kinh trước bàn Phật, mỗi tối dành chút ít thì giờ, trước khi đi ngủ, để đọc kinh sách, nghiền ngẫm nghĩa lý. Đời sống của con chỉ thu hẹp trong gia đình, dòng sông vẫn miên man chảy xuôi, không có gió đời thổi đến, nhưng đã thấy thấp thoáng bóng đen của Vô thường. Đến cuối năm 1995, sau những tháng ngày dài nặng trĩu, cuối cùng định mệnh đã gỏ cửa, hai người thân lần lượt ra đi. Mất mẹ là mất tất cả; đối với người con gái, mẹ không những là cánh tay êm bảo bọc trìu mến khi con còn thơ dại, mẹ còn là người tri âm tri kỷ cùng vui cùng buồn với đứa con gái khi nó đã lớn khôn; khi mẹ buồn, con an ủi; khi con buồn, mẹ an ủi; con khổ, mẹ thở dài; mẹ không vui, con thao thức; mẹ và con gái, hai thế hệ mà cũng chỉ một dòng sầu.

Những tháng ngày này, chỉ có những giọt nước mắt thầm, trong đêm, không ai biết; không có nụ cười, chỉ có tiếng cười gượng gạo khô khan. Con thấm thía câu ca dao:

“Lan huệ sầu ai, lan huệ héo ?

Lan huệ sầu đời, trong héo ngoài tươi.”

Và câu thơ của Nguyễn Du:

“Vui là vui gượng kẻo mà,

Ai tri âm đó, mặn mà với ai ?”

Cho đến khi con lên Oregon để dự lớp Thiền vào tháng 7- 1996, con vẫn gầy gò ốm yếu, chỉ có 85 lbs., da xanh mét, cằn cỗi vì từ lâu quên cười. Nhiều lúc con cũng lấy làm lạ: tại sao mình thay đổi quá nhiều. Khi còn ở trung học, mấy đứa bạn thân vẫn gọi đùa mình là “cây cười của lớp.” Khi ra dạy học, là một cô giáo được nhiều học trò thương mến, lúc nào cũng tươi. Vậy mà giờ đây, muốn nở một nụ cười, sao khó quá.

 Khi con quyết định xin học Thiền với Thầy, dòng sông đời của con bắt đầu đổi hướng. Trong ba tháng tu học, vừa thâm nhập giáo nghĩa, vừa hạ thủ công phu dưới sự chăm sóc, hướng dẫn trực tiếp của Thầy, con lần lần chuyển hóa nội tâm, chuyển đổi nhận thức cũ. Trong bài trình này, con không kể lại sự kiện “một đêm chủ nhật của năm 1995, Tánh Giác của con đã tung ra những kiến giải mới lạ”; sự kiện đó lúc bấy giờ chỉ như những ngọn pháo bông tung bay rực rỡ giữa khung trời bao la tối thẫm. Pháo bông tàn thì bầu trời trở lại thâm u. Niềm vui mừng âm thầm có lan tỏa, kéo dài cũng một vài tuần sau, có thấm gì trong những ngày tháng đó, là những ngày dài nhất của một đời người.

Lúc ấy, con biết mình có một tiềm năng sáng suốt, nhưng nó cũng chỉ như một tia sáng lóe lên ở cuối con đường hầm dài mịt mù; còn trí huệ mãi sau này mới từ từ phát triển chút ít theo sức dụng công. Tuy nhiên, dù là những tia pháo bông vừa tung ra đã tắt, dù là một tia sáng cuối đường hầm vừa lóe đã tàn, nó đã là nguồn sinh lực tiềm tàng nâng đỡ con mỗi khi con muốn gục ngã.

Ba tháng Hạ đầu tiên của con, tức là khóa II- 1996, đã thay đổi nội tâm con nhiều. Đây là lần đầu tiên trong đời, con sống xa nhà, tạm cắt hết những nhân duyên với đời, như: các con, anh em, bạn bè, bà con, việc làm, nhà cửa, điện thoại, T.V...Trong lòng con lúc ấy, thật là nhẹ nhàng, thảnh thơi, không buồn nhớ quá khứ, không mơ tưởng tương lai, không lo lắng gì cho hiện tại, ngày đêm chỉ thực tập pháp: “Không định danh đối tượng.” Mỗi khi lách vào chỗ vô niệm, đầu trống rỗng, nhẹ nhàng, thân cũng như tan biến trong hư vô, chỉ còn cái Biết Không Lời rõ ràng

 Con còn nhớ cái kỷ niệm “chua cay” của mùa Hạ đó. Thường sau thời ngồi thiền buổi tối, chúng con xả thiền, thở nội lực xong, ai có điều gì cần thưa hỏi, Thầy sẵn sàng giải đáp. Một lần, con ngớ ngẩn hỏi: “Thưa Thầy, con đọc trong một quyển sách nào đó nói đến “Mặt trăng thứ hai và mặt trăng thứ ba”. Mặt trăng thứ hai là gì ? Mặt trăng thứ ba là gì ?” Thầy mở lớn mắt nhìn thẳng con, rồi bất thần dơ chân đá bay cái gối ngồi thiền bên cạnh con. Con sửng sốt, ngồi im, mà nghe đau. Sau đó, Thầy mới nói: “Lúc này là lúc dụng công dẹp quán tính suy nghĩ, sao còn vướng mắc tri kiến thế gian ?” Từ đó, con không còn băn khoăn về cái  “rừng ngôn ngữ” nữa.

Những buổi chiều, nơi thiền thất ở Beaverton (Oregon), khi rảnh rỗi, con ưa ngồi ở hàng hiên trước, nhìn ra sân, hàng cây cao, những cánh chim bay và khoảng trời xa xa trước mặt, con dụng công: thấy, biết, mà không có lời nói thầm trong não. Những lúc đó, tâm thực sự an vui, tạm thời rũ bỏ những phiền muộn của quãng thời gian vừa qua. Có một buổi chiều kia, con chợt nhận ra một điều mà từ lâu con không thấy, đó là nơi đây, đất nước này, cũng có những buổi chiều rất đẹp, những buổi chiều rơi êm ả, thảnh thơi, tia sáng hồng hồng, không gian yên tĩnh; giống như những buổi chiều thanh bình xa xưa nơi quê nhà. Cùng lúc ấy, con cũng nhận ra dòng sông đời mấy mươi năm của con đã trôi qua mất, như một giấc chiêm bao mà thôi. Giờ đây, con vẫn là một cô học trò ngày ngày nghe giảng bài, ghi chép, học hiểu và thực hành, vui cười bên những người bạn mới quen; nhiều lúc vô tư không nhớ gì đến quá khứ đau buồn, cũng không có thì giờ lo nghĩ đến tương lai xa xôi; ngày ngày chỉ nhớ lách vào chỗ vô niệm, thân nhẹ nhàng, tâm trống rỗng thảnh thơi.

Ngay trong mùa Hạ thứ nhất này, con đã nhận thấy sự ích lợi to tát của khóa Nhập Thất liên tục 3 tháng. Nó có ảnh hưởng sâu đậm trong tâm con. Và những biểu lộ ra bên ngoài rất rõ nét mà chính con cũng nhìn thấy. Thân khỏe mạnh hơn, lên cân mặc dù vẫn là ăn chay đạm bạc, sắc da không còn xanh mét nữa, thường vui vẻ, dễ cười.

Trong quãng thời gian này, tâm tư con đột nhiên trở lại tươi mát, như hồi còn nhỏ, hay làm thơ. Những lời thơ đột nhiên tuôn ra, không ngăn cản được. Con biết là mình đi “trật đường rầy” rồi ! Thầy dạy “Bước vào chỗ vô niệm”, mình lại tuôn ra niệm ! Đây là bài thơ thứ nhất, tuôn ra khi gần xả thiền, trong thời thiền xế chiều tháng 8 ở Beaverton:

MƯA NƠI THIỀN VIỆN

Ta đã bước vào nơi tĩnh lặng,

Không còn thân, ý, cũng không tâm,

Dòng biết không lời miên man chảy,

Dòng đời êm ái cũng về không.

Bên ngoài gió thổi mưa bay tới,

Rào rào nhỏ giọt, giọt mưa thu...

 

Khi xưa ta sẽ ưu phiền,

Bây giờ chỉ biết triền miên “không lời,”

Trong lòng ấm cúng, thảnh thơi,

Gió mưa, mưa gió, chẳng rơi vào lòng.

 

Chiều nay con xin Thầy tha thứ,

Đã dám làm thơ lúc tọa thiền.

Những lời này cho con biết con đường mà con đang bắt đầu đi, nó thích hợp với con. Trong bước đầu nó đã giúp con thắng được tâm buồn chán. Từ đó, con hay lách vào chỗ vô niệm để hóa giải ưu phiền. Mấy câu thơ sau đây cũng nói lên tâm trạng của con lúc đó: “phải vượt qua dòng tuôn chảy của thơ”:      

CẢM ĐỀ

Bao năm qua mải miết cõi u buồn,

Nước mắt và thơ nghe chừng đã cạn,

Bỗng giờ đây, thơ từ đâu lai láng ?

Chiến thắng mình, thôi lập tức vô ngôn.

Những ngày cuối khóa học, là thời điểm bận rộn, phải xem lại bài vở để chuẩn bị cho kỳ trắc nghiệm, viết bài trình mãn khóa; vậy mà một đêm kia, khi cùng một người bạn mang rác ra quăng ở thùng rác chung, trên đoạn đường thanh vắng, hai đứa bảo nhau cùng đi trong vô ngôn. Ngước nhìn lên bầu trời cao xanh thẫm, ánh trăng sáng vằng vặc mới biết là Trung Thu. Mấy ngày sau còn nhớ sắc trăng đêm ấy, con cảm hứng lại làm thơ:

NHỮNG NGÀY CUỐI KHÓA NƠI THIỀN VIỆN

Đêm nay chẳng biết có trăng không ?

Mà sao trăng sáng quá trong lòng.

Bốn mươi chín năm trời xưa ai chỉ ?

Bây giờ Thầy cũng chỉ Tâm Không.

 

Đêm nay còn gặp, mai ly biệt,

Mỗi đời êm ả chảy như sông,

Cuối cùng sông cũng xuôi ra biển,

Cuối cùng mình cũng trở về không.

 

Cửa khôngcửa không có cửa,

Trung đạo là đường đi không đường,

Tâm không đâu phải không tâm có,

Có không nào đâu phải thật không.

 

Thơ con vẫn còn chưa giải thoát,

Không phải trình kiến giải Thầy ơi,

Con biết Thầy sẽ cười cười,

Mắt môi rạng rỡ một trời bao dung.

 

Mai này dầu ở tha phương,

Cũng dâng một nén tâm hương vọng về.

Mai này huynh đệ chia ly,

Như đàn chim nhỏ tung đi khắp trời,

Dù cho dứt vọng, bặt lời,

Cũng xin chút nhớ cho người Cali.

 Niềm vui trong thời gian nhập thất này phai bớt đi khi con hết khóa học, trở về nhà, lặp lại đời sống thường nhật, nối lại những dây quan hệ cũ. Trở về đời, dòng sông trở lại mờ đục lặng lờ, tuy đã nhìn thấy con đường mình phải tiếp tục đi, nhưng sóng gió bắt đầu thổi tới.

Khi nhìn lại ngôi nhà mình đã xa vắng ba tháng, có một cái gì là lạ, bỡ ngỡ trong tâm. Kìa là chậu trúc héo khô, bụi trúc trồng trong chậu nhỏ nên chỉ cao có mấy tấc. Cây liễu ngày trước mình ngắt một khúc ngắn ở chùa Việt Nam, đem về để trong ly nước không ngờ sau đó mọc rễ con. Mình thương quá đem trồng trong chậu nâng niu tưới nước mỗi ngày; khi nó lớn, mình sang qua một chậu lớn hơn, bây giờ đã cao hơn đầu mình, mùa xuân ra lá non xanh mướt, thướt tha rủ xuống, đong đưa trong gió. Bây giờ là mùa thu, lá đã rụng, chỉ trơ cành khẳng khiu, cầu mong không phải đã chết. Bốn cây đào ở sân trước lại sum sê, tàng lá bắt đầu đổi màu để cuối mùa thu sẽ rụng, những nụ hoa non đã bắt đầu nhú ra. Bước vào nhà, bàn ghế dường như đã không còn y chỗ cũ, nhìn ba cái bàn chải đánh răng, ngẩn ngơ không biết cái nào của mình. Nhớ tới người bạn thân, cầm điện thoại lên, mấy lần lại để xuống, không thể nhớ nổi bảy con số quen thuộc nằm lòng ngày trước, phải đi kiếm lại cuốn sổ nhỏ ghi điện thoại mới liên lạc được. Câu chuyện vẫn dòn tan, nhưng dường như mình không còn hứng thú nghe kể những chuyện đời vui ít buồn nhiều nữa; còn khi mình kể những ngày tháng tu tập an lạc thảnh thơi, dường như người nghe một cách hững hờ.

Kính thưa Thầy,

Lúc ấy, con biết là con đã khác trước, tâm tình không còn y là tâm tình cũ, cả dáng dấp thần sắc bên ngoài. Con lại điện thoại đến người bạn tu thân thiết từ xưa nay, mong nối tiếp dây thân ái. Trong lòng náo nức, biết bao điều hay đã học hỏi, muốn chia bớt cho. Người bạn đến nhà thăm một lần, nghe kể những kinh nghiệm tu, rồi ra về, sau lại còn chê bai, đả kích; từ đó không trở lại nữa. Chỉ trong có một tuần lễ đầu, tính từ ngày mãn khóa, tâm tư con bị xúc động: con nhớ tới những ngày tháng ở thiền viện, sao mà an vui, sao mà nhẹ nhàng ấm cúng; còn sống trong đời, đông đảo rộn rịp, nhưng sao lạt lẽo, cô đơn.

Trong tuần lễ này, con chợt nhớ đến Lưu Thần và Nguyễn Triệu, cùng Từ Thức, ba kẻ được diễm phúc sống ở cõi Tiên một thời gian, sau lại trở về trần, cảm giác thất vọng, ngỡ ngàng, xa lạ chắc cũng mường tượng như con lúc đó.

 Con có ghi lại những xúc cảm đó trong mấy câu sau đây:

 

XUỐNG NÚI

Rằng xưa có gả từ quan,

Lên non tìm động hoa vàng ẩn tu.

Trăm ngày lá rụng mùa thu,

Tâm không, một đóa vô ưu, trở về.

Ngỡ ngàng đường cũ chân đi,

Cỏ hoa còn lạ, huống gì người xưa.

Một ngày là mấy nắng mưa,

Trăm ngày chốn ấy cũng vừa trăm năm.

Dòng đời cuộn chảy âm thầm,

Mình ta đứng đó tần ngần trông ai.

Người ta tất cả đổi thay,

Hay mình thay đổi, mình nay đứng dừng.

Mừng mừng kìa hỡi cố nhân,

Hay đâu thăm hỏi một lần rồi thôi.

Đường tu tẻ lối chia đôi,

Bạn bè đâu cả, không ai, ngậm ngùi.

Này đây là đóa vô ưu,

Này đây vô giá bảo châu tặng người.

Đời nghe, đời chỉ mĩm cười,

Đời nghe, đời chỉ mĩm cười dửng dưng.

 

Nhớ xưa có gả từ quan,

Lên non tìm lại hoa vàng ngủ say.

Nhớ xưa lời nói của Thầy,

Con nay mới hiểu được Thầy, Thầy ơi.

Nếu không duyên hóa độ người,

Thì thôi, xin quyết một đời ẩn tu.

(7-10-1996)

Tâm trạng này, mãi sáu tháng sau con mới hóa giải được. Một đêm kia, con thức giấc nửa khuya, ý thơ tuôn ra, con ghi lại, thành đoạn thứ II, tiếp đoạn trên:

Đêm nay chợt tỉnh giấc đời,

Trong lòng cũng có đất trời vào xuân.

Mới hay đâu gả từ quan,

Mới hay đâu có hoa vàng mà say.

Trăm năm hay chỉ một ngày,

Cố nhân, hay chẳng là ai, là mình.

Bạn bè bốn cõi mông mênh,

Làm sao mà được một mình ẩn tu.

Cái gì là đóa vô ưu,

Cái gì vô giá bảo châu tặng người

Đời nghe đời chẳng mĩm cười,

Đời nghe đời chẳng mĩm cười dửng dưng.

Sao còn có phút mừng mừng,

Làm sao dám nói đứng dừng với ai.

Ngỡ tay cầm đóa vô ưu,

Giật mình: lòng vẫn ngậm ngùi bâng khuâng.

Làm sao lại có tâm không,

Ở đâu mà chảy mấy dòng thơ si.

(31-3- 1997)

Trận gió chê bai chưa dừng, thì gió vô thường một lần nữa thổi tới. Đêm giao thừa năm đó là đêm thứ nhất ba con vào bệnh viện. Ba tháng liền, chiều chiều, nhìn thấy thực tại “già, bệnh, chết” trải dài trước mắt, đủ thứ đau, đủ loại khổ, đủ hạng người, cái quyết tâm tu lại càng vững chắc. Con nhớ người xưa có nhắc: phải thấy cái sinh tử như lửa cháy ngang mày, không chần chờ, hẹn lần lữa ... Hai ngọn gió thế gian này đã là hai nấc thang để cho con bước lên, vượt qua.

Nhưng biển đời có bao giờ yên, sóng gió của tâm vọng động lại nổi dậy. Sự kiện này con đã kể rõ trong bài trình thứ nhất. Nhờ con bị bế tắc vì bị tấn công nhiều phía, mà suy nghĩ, trí năng không giải quyết được, nên “kho châu báu của con” mới hất ra cho con hai chữ “Vô Tác”. Từ đó, mấy chữ Vô Tác, Vô Nguyện như là chiếc thuyền chở tâm con xuôi dòng.

Nhờ vậy, con có một kinh nghiệm mới: một hôm, nhìn tận mặt thực tại, con nhận ra rằng thực tại thì vô tư, khách quan, còn vui hay buồn là do tâm mình. Con ghi lại trong mấy câu sau:

 

MƯA XUÂN

Sáng nay từ tạ trở về,

Bận đi nắng đổ, bận về mưa tuôn.

Lặng nhìn từng giọt mưa trong,

Ngẩn ngơ sao có xuân hồng, xuân xanh ?

Giọt mưa không giác, không tình,

Sao mưa xao xuyến được tình thế nhân ?

Giọt mưa trong vắt, trong ngần,

Sao mưa không lấm bụi trần, mưa ơi.

Trong mưa, lá thắm, hoa cười,

Trong mưa, cũng thấy đất trời như không.

 

Chiều nay, mới biết mưa trong,

Chiều nay, cũng biết xuân trong, trong ngần.

Ngày 9- 8- 97, khai giảng khoá III, lớp 1; đồng thời là khóa Hạ mở cho khóa giáo thọ sơ cấp đầu tiên. Đã rủ bỏ hết những phiền muộn trong lòng, con lại thảnh thơi nhập thất. Thời khóa ngồi thiền nghiêm nhặt, mỗi ngày bốn thời, tổng cộng sáu tiếng rưỡi. Ngoài ra, có giờ thiền hành, giờ học thêm giáo lý căn bảnlý thuyết Thiền. Thời khóa cứng ngắt, không có giờ rảnh, tuy nhiên con và các bạn vẫn vui cười, vẫn thấy thoải mái, những tràng cười ha ha không có lý do cứ vang lên từng chập trong những phút rảnh rỗi phù du. Bây giờ nhìn lại, con biết đó là trạng thái tâm hỷ lạc, do công phu miên mật, biết phương cách bước vào vô niệm, bắt đầu dừng được vọng tưởng. Ba tháng ròng rã khép vào khuôn: ăn, ngủ, dụng công, học tập, đi đứng đều theo đúng giờ giấc, đúng nội qui, con tự thấy có khá hơn một chút. Tâm tư thì hoàn toàn rẽ qua một khúc quanh mới: không còn buồn phiền vì những sóng gió đã qua, trái lại còn quá vui là khác, niềm vui không có gốc rễ, không cần lý do, chỉ một lời nói diễu, một cử chỉ làm hề là những tràng ha ha nổi lên. Tuy nhiên giờ học tập vẫn trang nghiêm tề chỉnh, thời ngồi thiền vẫn cẩn mật.

Một điểm lạ trong thời gian này là: tâm thơ thới vui vẻ, yêu đời, nhưng sao nguồn thơ lại cạn, con không còn cảm hứng làm thơ. Và bắt đầu từ đây về sau, con không làm thơ được nữa. Con nghĩ chắc là từ công phu dừng niệm, nó đóng luôn cửa trí năng, suy nghĩ, tưởng tượng, xúc cảm... nên không còn thơ thẩn nữa.

 Mãn Hạ, nghỉ ngơi ba tháng, mồng 4 Tết- 1998, thầy khai giảng lớp 2 của khóa III. Con lại xin học dự thính, bổ túc những hiểu biết về Thiền và các chiêu thức dụng công mới.

Từ ngày 24-5-1998 đến 15-8-1998, Thầy mở Khóa Hạ, đồng thời với khóa IV. Con lại một lần nữa nhập hạ ba tháng. Quãng thời gian này, dường như tâm tình con đang lần lần chuyển đổi. Cũng tọa thiền, cũng thiền hành, cũng học thêm lý thuyết, cùng với ba cô bạn đạo nhiệt tâm, hiền lành, sống chung hòa hợp, mỗi ngày bốn chị em học tập, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm dụng công; cũng vui vẻ, thảnh thơi; nhưng sao không còn những tràng cười ha ha nữa. Niềm vui bây giờ như lắng sâu hơn, trầm lặng hơn, đằm thắm hơn, nó phảng phất trong không khí, nó lan tỏa nhè nhẹ. Niềm vui trong khóa hạ năm trước nồng nhiệt, rộn rực, hời hợt, như ngọn lửa rơm bùng lên, thành những tràng cười, cười chỉ để mà cười. Bây giờ con lần lần ít nói, ít cười hơn trước. Một điều thay đổi tự nhiên, không phải vì hoàn cảnh. So lại với lần Hạ trước, hoàn cảnh bây giờ chỉ là những cơn gió đời bình thường, nghĩa là chuyện thị phi nhỏ nhặt, lúc nào cũng có, chớ không có mặt Tử thần. Có lần, Thầy hỏi: Con đã trốc gốc chưa? Con thưa: Gió vô thường, con còn chưa trốc gốc. Câu nói này có vẻ ngang tàng, nhưng đó là tâm con. Từ lần, con đã nhìn thấy rõ tâm mình cũng như tâm người. Nghe một câu nói, con biết người đó còn ở trong vọng tâm, mức độ điên đảo nhiều hay ít, công phu miên mật hay không, chuyển đổi tâm hay hoàn toàn chưa. Nghe một câu nói, con biết sau này người này sẽ là đầu mối của thị phi, con cẩn thận, nhưng rồi chuyện cũng xảy ra. Nhờ đó con có một nhận định về nhân quả. Đã biết trước quả, mà không tránh được; đó là vì con chỉ sửa đổi cái duyên, khi con cẩn thận lời nói; còn cái nhân, là tâm của người, không sửa đổi được, nên quả cũng tới. Tuy nhiên, quả tới mà mình không nhận thì cũng không ảnh hưởng tới mình.

Nhờ có nhiều chuyện xảy tới cho con mà con nhìn thấy tâm mình rõ hơn; đồng thời giúp con rèn luyện hạnh nhẫn nhục. Con xin nói thêm về một kinh nghiệm nhẫn nhục. Thầy giao cuốn Tự Điển Thiền Dụng Yếu Lược cho con dò chính tả, sửa kiểu chữ thích hợp: chữ đậm, chữ thường, chữ hoa, chữ nhỏ, chữ nghiêng, chữ đứng, chuyển vị trí các từ nếu có sai, đánh dấu phết, chấm câu cho đúng v.v... Tất cả làm trên máy computer. Từ một người hoàn toàn không biết gì về computer, con kiên nhẫn học từ từ qua sự chỉ dạy của Thầy và các bạn. Con rị mọ làm liên tục gần một tháng, trong khi nhập hạ, có khi phải bỏ thời ngồi thiền. Vậy mà một hôm, công trình bổng nhiên bị xóa mất vì một sơ xuất kỹ thuật của một người bạn. Lúc ấy, con buồn phiền quá đổi mà không thể nói ra được, con rán nhẫn nhục; tim con bỗng nhiên đập nhanh hơn bình thường, đo thấy áp suất máu lên. Con tưởng mình bị bệnh, đi bác sĩ. Sau đó, con thường xuyên ngồi thiền, thư giãn. Bình tâm suy nghĩ, biết người bạn không phải cố ý, trong lòng nhẹ nhàng đôi chút, bây giờ bắt đầu làm lại, mình có dịp đọc đi đọc lại thêm nhiều lần nữa càng giúp mình thêm kiến thức; hơn nữa, trong khi làm việc, mình không có tạp niệm, cũng là đang dụng công thôi. Từ đó, con khỏe mạnh trở lại như bình thường. Do đó con có nhận địnhnhẫn nhục mà có ưu phiền thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nên Phật mới dạy: nhẫn nhục ba la mật. Trường hợp con chỉ là nhẫn nhục không ưu phiền nhờ quán chiếu. Đó cũng là một bước thắng được tự ngã: con không có nổi niệm sân, vượt qua được buồn phiền, có thêm một kinh nghiệm.

Con xin kể thêm một kinh nghiệm soi lại tâm mình. Trong chánh điện của thiền viện có một tấm bảng giấy khổ lớn, ghi tên những người có đóng góp tịnh tài hàng tháng để chi phí duy trì thiền viện. Mỗi tháng lại thêm những lằn gạch mực đỏ nổi bật; ai bước tới chánh điện đều trông thấy rõ ràng. Lúc đầu, con không để ý tới nó, vì con biết không có tên mình thì coi làm gì. Có một hôm, ngoài buổi học nên chánh điện vắng, con rảnh rỗi đến đọc từng tên, trong lòng không thấy có niệm gì khác lạ, để ý nhìn coi có mặc cảm tự ty hay không, coi mình có một chút buồn hay bực bội gì hay không, coi mình có ganh tỵ hay không, không có, chỉ có một chút mừng vì có nhiều người phát tâm làm Phật sự, một chút mừng vì Thầy có nhiều đệ tử ủng hộ. Về sau, con vẫn thường đọc đi đọc lại “tấm bảng vàng công đức” này, và thấy tâm mình vẫn vui, bình thản, không gợn sóng.

Kính thưa Thầy,

Mấy tháng sau này, con biết tâm con chuyển đổi từ từ, trở thành trầm hơn, trong lòng vẫn vui, thảnh thơi, nhưng không còn vui sôi nổi, rộn rã, đùa giỡn, như mùa hạ 97 nữa. Những chuyện vui hay buồn xảy tới cho con, bất quá như là những làn gió nhẹ làm xao động mặt nước lăn tăn, gió hết hay không thì dòng sông cũng vẫn êm đềm xuôi chảy. Viên ngọc như ý của con vẫn lấp lánh dưới đáy sông, thỉnh thoảng tung cho con một quả banh chớp nhoáng, con chụp lấy và hưởng dụng, giống như hồi trẻ, chơi bóng rổ trong trường. Khi nó chưa tung banh tới, thì con và nó là hai. Khi con chụp được quả banh trong tay rồi, thì con với nó là một. Bây giờ thời gian là hai nhiều hơn là một. Nhưng lần lần con thấy nó quen thuộc với con hơn trước. Nó không đòi hỏi điều kiện gắt gao là phải có nghi vấn, nghi tình, và suy nghĩ hay trí năng bế tắc, nó mới tung banh ra. Có khi cả tháng, có khi trong tuần, có khi cách vài ngày, là con có một nhận định mới lạ. Như bài trình thứ ba này, trong khi con viết bài trình thứ hai, con hoàn toàn không nghĩ rằng mình sẽ có thể còn ý gì để viết tiếp nữa. Cho nên khi xong bài trình thứ hai, con đã đệ lên Thầy xem; và yên chí là hai bài trình đã quá đủ. Vậy mà nó lại tung ra cho con bài trình thứ ba này. Trong khi con đang còn viết bài này, nó lại tung cho con thêm một chủ đề mới nữa để bổ túc; đó là Bài trình thứ tư: chủ đề: TRẬN CHIẾN. Là vì con chợt thấy ba bài rồi vẫn chưa trình rõ những chiêu thức dụng công của con, làm sao chiến đấu với Phàm Ngã.

v   

Vừa mới mấy ngày nay, con chợt hiểu một vấn đề, con không thể trình Thầy qua điện thoại viễn liên (Thầy đang ở Oregon), vì nó hơi dài dòng, phức tạp.

Đã từ lâu, con bị vướng mắc vì câu hỏi:

Cái gì đi tái sanh ?

Phật đã khẳng định là không có Ngã, không có cái Ta. Và câu trả lời từ trước đến nay là: Nghiệp thức hay Thần thức đi tái sanh. Câu trả lời quá ngắn, con chưa thỏa mãn. Vì con còn thắc mắc: Vậy cái gì là chủ thể của Nghiệp thức hay Thần thức ? Nếu không chủ thể, vậy Nghiệp thức của người này sao không lẫn với của người khác ?  Nếu có chủ thể, thì là có Ngã. Nếu tất cả nghiệp của một người gom lại, đủ nhân duyên, sẽ trở thành người; vậy khối nghiệp này cũng có thể coi là ngã, hay linh hồn ? Nếu có ngã thường còn, vậy tại sao khi chào đời lại không thể nhớ đời trước ? Nhưng nếu không có ngã, sao đời này phải chịu hậu quả của đời trước ? Ai làm và ai chịu ?

Mấy ngày trước, dòng tư tưởng của con đã khởi đầu như thế này:

Một người thích biển, lúc nào rảnh rỗi cũng tìm ra biển chơi; nếu chẳng may chết đi, tâm thức ra khỏi thân, tập khí thích biển sẽ tạo ra những ảo ảnh, ảo giác về biển. Tâm thức mê muội sẽ đi tới biển, và như vậy là rơi vào cảnh giới khác, tức là tái sanh vào bụng mẹ. Ngay lúc này, tâm thức cũ, cùng với tất cả quá khứ đều tắt. Một tâm thức mới sinh ra, những sự kiện của đời trước thì quên, nhưng tập khí cũ của quá khứ thì còn. Chính chỗ này, Phật gọi: “cái bị sanh”. Cái bị sanh ở đây là thân và tâm; tâm này là Vọng tâm. Vậy Chân tâm ở đâu ? Chân tâm không phải là cái bị sanh, khi ta còn mê muội, thì nó ẩn trong Vọng tâm. Vọng tâm bao phủ, che kín nó, nhưng nó không bao giờ mất. Một khi tâm dừng quán tính động của nó thì Chân tâm hiện ra.

Vấn đề gút mắt ở đây là : Tâm thức mới sinh ra, thực chất nó là gì ?

Con hiểu nó không phải là chính cái tâm thức cũ, mà nó là cái QUẢ của những NHÂN trong đời trước. Ngay chỗ này, không hề có cái Ngã nào đi tái sanh. Vậy cái gì làm thành cái dòng liên tục của Nghiệp ? Chính là sợi dây liên hệ giữa Nhân và Quả mà thôi. Ngay chỗ này không hề có cái Ta nào làm và cái Ta đó phải chịu.

Vậy khi ta nói: dòng sống của mỗi người, điều này có nghĩa là dòng liên hệ tất nhiên từ Nhân đến Quả, hay dòng tương tục của Nghiệp và Báo. Đó là qui luật khách quan chi phối vạn pháp. Qui luật này rất vi tế, phức tạp, chằng chịt, nhưng không bao giờ sơ sót, lầm lẫn. Chỉ có CÁI VÔ SANH mới không bị nó chi phối. Tức là tâm khôngđào thải hết lậu hoặc mới không còn luân hồi sanh tử. Vậy không hề có một chúng sanh nào đi lang thang trong dòng luân hồi sanh tử. Mà đó là sự liên hệ tiếp nối của nhân và quả. Nhân trong đời trước ra sao, quả sẽ hiện ra khi đủ duyên hình thành. Quả có thể biến đổi chút ít tùy theo các duyên khác; nhưng vẫn phải có quả. Chỉ khi nào hoàn toàn không có nhân nữa, mới cắt đứt được sợi dây tương tục này.

Và Phật chỉ rõ ba cửa Giải thoát: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện. Ai ứng hợp với cửa nào, thì đi cửa đó.

 Sau đó, một vài giờ, con có thêm một ý khai triển vấn đề trên:

Một đàng Phật giảng Vô Ngã (mà sau này Phát triển khai triển ra: nhân vô ngãpháp vô ngã), một đàng Phật nói đến thuyết nhân quả nghiệp báo và thuyết sanh tử luân hồi. Như vậy có mâu thuẩn không ? Con thấy rõ là không hề mâu thuẩn.

Nhân vô ngãpháp vô ngã là tất cả các pháp đều có mặt là do nhiều nhân và duyên hợp thành, khi nhân và duyên không còn đủ nữa, thì pháp sẽ tan rã. Không có pháp nào là chắc chắn, cố định, hiện hữu mãi mãi, tức là không có pháp nào có một bản ngã riêng, một thực chất riêng, hay một bản chất riêng, một tự tánh cố định. Như vậy nhân và duyên là những thành phần của pháp. Hơn nữa, ngay chính nhân và duyên cũng do nhiều thành phần hợp nên nó; và những thành phần này cũng lại do nhiều thành phần khác hợp nên. Nếu cứ thắc mắc đi tìm cái thành phần đầu tiên, ta sẽ không bao giờ tìm ra được. Do đó dòng sinh sinh hóa hóa của pháp giớivô thủy và vô chung. Đó cũng là cái dòng tương tục vô thủy vô chung của nhân và quả. Nhân sẽ trở thành quả, quả này lại là nhân cho cái quả tới, cứ thế liên tục mãi không bao giờ ngừng. Chính mối dây tương tục này là dòng sống miên viễn thường hằng của vạn pháp, trong đó gồm luôn con người.

Lúc trước, con nghĩ nông cạn và sai lầm rằng: thân người do 4 đại làm nên: đất, nước, gió, lửa. Thế thôi, con in trí 4 thành phần này đã là những nguyên tố, đầu tiên, căn bản, không còn thắc mắc tìm hiểu gì thêm. Bây giờ thì con đã biết chính đất, nước, gió, lửa, cũng có là do những duyên khác hợp thành mới hiện hữu.

Trên đây, con mới nói sơ về Nhân vô ngãPháp vô ngã. Bây giờ con xin nói về thuyết tái sinhluân hồi. Con nghĩ rằng Phật muốn nhắm đến mục đích quan trọng nhất của Ngài là: DIỆT KHỔ. Quan niệm về tái sinhluân hồi là để làm sáng tỏ hơn Tứ Diệu Đế.

Như con vừa mới trình bày ở phần trên, không có cái Ngã nào hiện hữu, ngay khi tạo ra nghiệp, ngay khi đi tái sinh, và luôn cả khi nhận lãnh quả báo. Tất cả đều thành hìnhtương tục mãi là do sự tương tục của nhân và quả, hay của duyên sinh, duyên khởi. Đối với người, ta thường nói đó là Nghiệp Báo, thuật ngữ này có ý nghĩa phân biệt thiện và ác, lành và dữ, phải và trái... Còn thuật ngữ nhân quả có ý bao quát hơn, gồm luôn các pháp khách quan, loài vô tình, vô tri.

 “Không có Ngã”: đó là bản thể của con người. Nhưng khi ta sống, tức là đã ở trong Cái Diệu Dụng. Ta cũng có thể nói cách khác, là hai mặt Tánh và Tướng của vạn pháp. Con có thể nói rõ hơn nữa, ta sống đây tức là ta đang ở trong thế giới tương đối, thế giới hiện tượng...Tứ Diệu Đế đã đặt nền tảng trên thực tại của thế giới hiện tượnglý luận. Vì thế Phật thuyết giảng về Nhân quả, về Tái sinh, về Nghiệp báo. Vì con người tự thấy có mình, có sống thực, có khổ đau thực...nên Phật tùy theo tâm con ngườigiáo hóa.

Kính thưa Thầy,

Trên đây là những bức tranh đơn sơ vẽ lại mấy khúc sông tâm của một đệ tử sơ cơ của Thầy.

Kính bút

30- 12- 1998

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Năm 20239:41 SA(Xem: 1695)
Khóa Tu Thiền Tập Đơn Giản Để Sống An Lạc từ 14 đến 19 tháng 4 năm 2023 tại Chùa Tích Lan, Ontario.
10 Tháng Năm 20237:33 CH(Xem: 1285)
Nếu thành tựu trọn vẹn pháp chánh niệm và tỉnh giác trong bốn oai nghi, các vị Tỳ kheo xứng đáng được mọi người chắp tay cung kính, được mọi người tôn trọng, cúng dường, và được xem như có rất nhiều ruộng phước trên đời.
02 Tháng Năm 202312:58 CH(Xem: 1666)
Mười Hai Duyên Khởi, cũng còn gọi là Mười Hai Nhân Duyên, là 12 nhân duyên liên kết nhau để hợp thành một chuỗi nhân quả (P: nidāna). 12 nhân duyên như 12 mắt xích hay 12 nguyên nhân đưa đến tình trạng Khổ của con người hay tái sinh.
30 Tháng Tư 20238:57 CH(Xem: 1421)
Der Buddha sagte: "Der Tathagata ist nur ein Wegweiser, alleine musst du gehen." Das heißt, du kennst nun den Weg, gehst alleine hin, verlass dich auf niemanden, der richtige Weg ist deine Weisheit, die dich zu deinem ursprünglichen Geist zurückbringt. Im ursprünglichen Geist sind alle Phänomene Buddha-Dharmas, und die Welt ist ein reines und glückliches Nirwana.
24 Tháng Tư 20236:07 CH(Xem: 1265)
Trong thiền Phật giáo có nhiều nguyên lý tâm linh dẫn đến mục tiêu cứu cánh là chuyển hóa tâm, cân bằng thân-tâm, phát triển tuệ giác, và giải thoát.
17 Tháng Tư 202310:01 SA(Xem: 1871)
Thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thiền Chủ Thích Thông Triệt thiết lập, kết hợp những tinh hoa rút từ tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca, các truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Phát Triển, Thiền Tông và kỹ thuật Thiền, được soi sáng bởi các khám phá đương thời của khoa học não bộ và các chứng ngộ của Thầy thành một hệ thống tu thiền sâu sắc, tân thời, rõ ràng và hiệu quả.
11 Tháng Tư 20237:56 CH(Xem: 1978)
Vai trò của khoa học não bộ rất quan trọng. Đây là kiến thức thời đại. Chúng ta mượn khoa học não bộ để đối chiếu cách thực hành của chúng ta qua Pháp của Phật. Có như thế chúng ta mới chứng minh được giá trị Pháp của Phật đối với mọi trình độ căn cơ. Chúng ta biết vì sao chúng ta thực hành sai, vì sao chúng ta thực hành đúng.
01 Tháng Tư 20239:35 SA(Xem: 1510)
Wir befinden uns mitten in einem wirbelnden Wasserstrudel, würden wir darin stehen bleiben, würden wir von dem absorbiert werden und wir werden ertrinken. Wenn wir uns bewegen würden, würden wir uns auch nur in diesem wirbelnden Strudel herum drehen. Aber wie können wir denn diesem Lebenskreis entkommen?
26 Tháng Ba 20237:30 CH(Xem: 1941)
Đã không biết bao năm qua, mình khờ dại đi tìm “Qua khỏi vùng sương mù là xứ thần tiên”. Đã bao lần thấy vùng sương mù, bao lần mơ ước sẽ gặp xứ thần tiên, nào có gặp được. Tìm cầu bên ngoài, làm sao có xứ thần tiên. Cuối đời mới biết xứ thần tiên thiệt ở trong tâm của mình.
24 Tháng Ba 202310:02 CH(Xem: 2011)
Đức Phật tự nhận: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, các ông phải tự đi”. Các ông phải tự đi có nghĩa là các ông thấy ra con đường rồi, cứ tiến bước một mình, không được ỷ lại nơi ai khác, con đường chánh pháp là trí tuệ của mình sẽ đưa chúng ta trở về bản tâm. Trong bản tâm, tất cả pháp đều là Phật pháp, và thế gian là cõi Phật thanh tịnh an vui.
24 Tháng Ba 202310:18 SA(Xem: 1201)
Tài sản mà đức Phật nói đây không phải là tiền bạc, vòng vàng, châu báu, mà là tài sản về tinh thần, như niềm tin bậc giác ngộ, đạo đức, trí tuệ là những thứ tài sản không bao giờ bị đánh cắp, chiếm đoạt, trừ phi chính người sở hữu tài sản tâm linh đó tự mình phá hủy chúng. Các tài sản quý báu đó có tên gọi là: Tín tài, Giới tài, Tàm tài, Quý tài, Văn tài, Thí tài và Tuệ tài.
22 Tháng Ba 20234:26 CH(Xem: 1588)
Không phải hễ ngộ là chấm dứt hết lậu hoặc! Vì vậy, tuy hạt ngọc đã có sẵn, nhưng ta phải nỗ lực dụng công. Vô ngôn chính là phương thức làm cho Phật tánh bật ra vậy.
18 Tháng Ba 20239:58 SA(Xem: 1468)
Wir müssen in der Lage sein, zu erkennen, wann wir den Bedingungen folgen sollen und wann wir eventuell andere Bedingungen schaffen sollen, um im Einklang mit dem Universum leben zu können, denn wir sind die Schöpfer unseres Lebens, für jetzt und für die Zukunft.
15 Tháng Ba 202311:03 CH(Xem: 1940)
Thực tập phương thức làm chủ sự suy nghĩ, đó là cách ta trực tiếp huấn luyện tâm trở nên yên lặng hay trở nên thuần. Nó không lăng xăng dao động vì những chuyện thị phi (phải-trái) của thế gian.
13 Tháng Ba 202311:02 SA(Xem: 1157)
Những ai hủy phạm giới pháp mà lòng không biết tàm quý, không biết ăn năn, hối hận, không biết sám hối, không chịu từ bỏ tật xấu ác quay về với con đường thiện lương đạo đức, thì hiện tại dù họ đang sống trên đời, nhưng sống trong thống khổ, vì phải chịu trả giá những tội lỗi của họ gây ra...
08 Tháng Ba 20238:24 CH(Xem: 1752)
Hôm nay, thấy hoa thủy tiên nở rộ, hoa mai cũng e ấp đón gió mát, con biết mùa xuân sang. Đã tới mùa mừng sinh nhật Thầy. Thầy đã xuất hiện nơi cõi đời nhằm mùa xuân, Thầy đã thấy con đường, cũng một mùa xuân năm đó, rồi Thầy ra đi, một đêm cuối mùa đông.
08 Tháng Ba 20238:17 CH(Xem: 1651)
Chúng ta đang ở giữa biển nước xoáy, nếu chúng ta đứng lại nơi đó thì ta sẽ bị đắm chìm cuốn hút và chết đuối. Nếu chúng ta bước tới, cũng chỉ là loanh quanh trong biển nước xoáy thôi, bước tới hay bước lùi, có khác gì đâu, rồi cũng trôi giạt bồng bềnh trong biển đời, không ra khỏi. Vậy thì làm sao đây?
05 Tháng Ba 20239:03 CH(Xem: 1410)
GEDANKE heißt in Chinesisch “mạt na”. Wahrscheinlich wurde es aus dem Wort “Manah oder Manas“ in Sanskrit übersetzt. “mạt na” (S: Manah) oder Gedanke bedeutet die Denkfähigkeit oder das Denkvermögen. In English heißt er “the capacity of thought”, “the thinking faculty”. In Pali bedeutet das Wort Mano der Geist oder der Gedanke. Im Abhidharma wird Manha gleichgesetzt mit Bewusstsein (viññāna) und Geist (citta, Bewusstseinszustand).
05 Tháng Ba 20239:01 CH(Xem: 1089)
Ngày lành tháng tốt đối với người Phật tử là ngày đẹp trời, thuận lợi cho mình và cho mọi người tham dự, có thể xem là một trong những điều kiện góp phần vào kết quả chứ không phải là yếu tố tối quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
28 Tháng Hai 20239:06 CH(Xem: 2316)
Chúng ta phải sáng suốt biết lúc nào nên tùy duyên, lúc nào phải tạo duyên tốt, phải biết mình sống có thuận pháp không, vì chính mình là chủ tạo ra cuộc đời của mình, trong bây giờ và mai sau nữa.
27 Tháng Hai 20238:19 CH(Xem: 1854)
Việc làm bếp đâu có khác việc tu tập. Làm bếp để sống, thì tu tập cũng để sống thôi. Cho nên những nguyên tắc để làm bếp tốt cũng là những nguyên tắc để tu tập tốt. Việc gì ta làm cũng là tu tập, con đường đời cũng là con đường tu, do nơi cái tâm của mình, nó thấy ra sao. Nó thấy ra sao, đó là cảnh giới mình đang sống.
25 Tháng Hai 20232:42 CH(Xem: 1728)
Trời đất vô tình, vạn vật vô tình, mà vạn vật biết sống hài hòa với hoàn cảnh tự nhiên. Chúng ta có trí, có tri giác, có tình cảm, vậy phải biết sống đời thiện lành, quan sát tâm mình từng giây phút, ý nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng...
23 Tháng Hai 20237:55 SA(Xem: 1208)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Các nhà tâm lý học ngày nay mô tả hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của con người được thể hiện bởi cảm giác vui vẻ, thích thú, hài lòng trước những đầy đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần. Nó khiến bản thân người ta cảm thấy yêu đời hơn.
18 Tháng Hai 20232:24 CH(Xem: 1396)
Das Naturgesetz regelt alle Phänomene. Es ist gleichzeitig ihr Evolutions- und Entwicklungsgesetz. Es gründet das Universum, regelt den Ablauf des Universums, schützt und pflegt die Existenz des Universums. Die Welt ist offenbar eine wunderbare Harmonie von Idappaccayatā.
14 Tháng Hai 20233:56 CH(Xem: 1535)
Đọc tụng bài kinh “Bát Đại Nhân Giác” chúng ta học theo tinh thần từ bi, lấy trí tuệ làm sự nghiệp của chư Phật, chư Bồ tát. Kinh nhắc nhở chúng ta tám điều quan trọng cần phải học hỏi tu tập. Đó là phải luôn quán xét vạn pháp trong đó có tấm thân ngũ uẩn của con người không thực chất tính nên nó vô thường, khổ, không, vô ngã...
13 Tháng Hai 202310:37 SA(Xem: 1552)
Mạt na hay Ý có nghĩa năng lực của tư tưởng hay năng lực tư duy, Trong tiếng Pāli, từ mano hay Ý có nghĩa tâm hay tư tưởng, Trong tiếng Pāli, từ mano hay Ý có nghĩa tâm hay tư tưởng tương đương trong tiếng Anh là “mind” hay “thought”. Trong A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma), mạt na dùng để chỉ đồng nghĩa với THỨC (viññāna: consciousness) và TÂM
05 Tháng Hai 20236:14 CH(Xem: 1709)
Tánh giác không từ đâu đến. Nó không nằm trong quy luật duyên sinh của hiện tượng. Ta không thể khám phá nó khởi ra từ đâu khi có sự xuất hiện của con người trên quả đất.
28 Tháng Giêng 20237:39 SA(Xem: 1352)
Realität ist nicht 100%ig echt aber auch nicht 100%ig illusorisch. Oder „Das Gerade jetzt“ existiert, ist „echt“ und gleichzeitig „illusorisch“. Oder In der Realität ist eine Illusion vorhanden und in der Illusion existiert eine Realität.
25 Tháng Giêng 202311:14 SA(Xem: 1858)
Định luật Y Duyên Tánh vận hành tất cả thế gian. Nó cũng là định luật biến hóa và phát triển, là sức sống mãnh liệt, đã thành lập vũ trụ, điều hành vũ trụ, và bảo vệ duy trì sức sống của vạn vật. Thế gian biểu hiện sự hài hòa tuyệt vời theo sự biến hóa khách quan của “Y Duyên Tánh”. Vậy, các bạn thân ơi, đây có phải là một bức tranh puzzle tuyệt vời không?
24 Tháng Giêng 20233:16 CH(Xem: 1539)
Chỉ có người thực sự bước vào dòng Thánh mới kinh nghiệm được thọ thanh tịnh. Người còn nhiều dính mắc không bao giờ kinh nghiệm được nhận thức ngoài cảm giác.
18 Tháng Giêng 20237:43 CH(Xem: 2167)
Đất trời quê hương đang vào xuân, mong gởi một món quà nhỏ tặng cho bạn tri âm, mùa xuân trong tâm mình.
18 Tháng Giêng 20237:51 SA(Xem: 1488)
Der Buddhismus betrachtet die „Geburt“ nicht als Beginn eines neuen Lebens sondern die Geburt beginnt bereits mit dem Tod, dann folgt eine Rückkehr und eine erneute Geburt. Diesen Zyklus: Geburt und Tod, Werden und Vergehen, nennt man im Buddhismus den Daseinskreislauf (Samsara) und Alter ist ein Teil dieses Lebenskreislaufs.
17 Tháng Giêng 20231:21 CH(Xem: 1342)
Cái gì được nhận ra đầu tiên trong một sát na, và nhận rõ cuối cùng qua những chuỗi sát na tiếp theo, là đối tượng của nhận thức.
10 Tháng Giêng 20231:01 CH(Xem: 1478)
Thực tại là “giống như Thực” , đồng thời là “giống như Huyễn”. Đó là Trung Đạo. Nói cách khác nữa: Thực tại là không phải hoàn toàn Thực, cũng không phải hoàn toàn Huyễn. Cũng có thể nói: “Cái Đang là” vừa là “Thực” vừa là “Huyễn”.
08 Tháng Giêng 20235:46 CH(Xem: 1570)
Es gibt kein Phänomen oder Ereignis, das unabhängig und von selbst oder zufällig gebildet und entwickelt wird.
05 Tháng Giêng 20239:01 SA(Xem: 1472)
Các bạn ơi, đây cũng chỉ là một bài ghi lại chuyện sinh hoạt trong tháng 12- 2022 này, mình trở về thăm thiền viện Chân Như, ở Navasota thuộc Texas. Không thể nói là”chuyến du hóa” được vì thiền viện Chân Như là “nhà mình” mà.
69,256