Tìm Hiểu Ý Nghĩa "ĐẠI KINH XÓM NGỰA"
(Mahà-Assapura sutta)
Thích Nữ Hằng Như
----------------------
I. DẪN NHẬP
"Đại Kinh Xóm Ngựa" là bài kinh đức Thế Tôn giảng cho các vị Tỷ-kheo tại xã Assapura tức là xóm Ngựa nên gọi là "Kinh Xóm Ngựa". Bài kinh khá dài nên các Tổ xếp là "Đại Kinh"; chứ nội dung không hề đề cập gì đến loài ngựa. "Đại Kinh Xóm Ngựa" được ghi lại và sắp xếp trong Trung Bộ Kinh (Majjhiam Nikàya), số 39, phẩm "Đại Kinh Xóm Ngựa”, do Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pàli sang Việt ngữ.
Trong ba tháng An Cư Kiết Xuân - 2019, tại Thiền Viện Chân Như, Navasota tiểu bang Texas, chúng tôi được dịp học qua bài kinh này. Nay xin ghi lại để chia sẻ cùng quý Phật tử "Ý Nghĩa bài Kinh Xóm Ngựa" trong góc nhìn hạn hẹp của người học Thiền.
II. NỘI DUNG TOÀN BỘ BÀI KINH
A. Mở đầu nguyên văn bài kinh:
"Như vầy tôi nghe.
"Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Anga (Ương-Già), tại một xã ấp của dân chúng Anga, tên là Assapura (xóm Ngựa). Lúc bấy giờ Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Những Tỷ-kheo ấy đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
- Sa-môn! Sa-môn! Này các Tỷ-kheo, dân chúng biết các Ông là vậy. Và nếu các Ông được hỏi: "Các Ông là ai?". Các Ông phải tự nhận: "Chúng tôi là Sa-môn". Này các Tỷ-kheo, các ông đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này, các Tỷ-kheo, các Ông phải tự tu tập như sau: "Chúng ta sẽ thọ trì và thực hành những pháp tác thành Sa-môn, những pháp tác thành Bà-la-môn. Như vậy danh xưng này của chúng ta mới chân chánh và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những đồ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích".
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Sa-môn: Phát âm từ tiếng gốc Samana, nghĩa là người vắng lặng, siêng năng tu tập theo hạnh thanh bần. Sa-môn là từ ngữ được xử dụng trong Phật học để chỉ những người đã xuất gia là đệ tử của Phật Thích Ca. Họ là người đã hoàn thành, hay đang nỗ lực tu tập để tự hoàn thiện chính mình, trong việc đoạn trừ những mớ ô nhiễm trong tâm thức, hướng đến mục tiêu giải thoát, giác ngộ với tâm nguyện tự độ, độ tha, giúp người khác sống trong lợi lạc hạnh phúc. Do phẩm hạnh cao quý trong đời sống tự lợi và lợi tha như thế, nên đức Phật đề cao nếp sống Sa-môn và nhắc nhở các Tỷ-kheo phải sống xứng đáng với danh hiệu mà mình đã tự nhận bằng cách phải miên mật tu tập các pháp tác thành Sa-môn hạnh để làm lợi lạc cho mình và lợi lạc cho người.
- Bà-la-môn: Âm từ chữ Brahman. Đây là danh từ để chỉ một đẳng cấp, một hạng người tại Ấn Độ thời xưa. Bà-la-môn gồm những Giáo sĩ, những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Họ tự nhận mình là người cao thượng, sanh từ miệng Phạm Thiên (Brahma), nên họ thay thế Phạm Thiên cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, vì thế họ có quyền ưu tiên được hưởng mọi sự tôn kính.
Trong các bộ kinh chúng ta thấy đức Phật không hề chống đối giai cấp Bà-la-môn, nhưng trong đạo Phật, Ngài đổi ý nghĩa "giai cấp Bà-la-môn" thành ý nghĩa khác mang tính cách đạo đức, trong sạch. Cho nên Bà-la-môn ở đây ám chỉ một người giữ gìn Phạm hạnh trong sạch, không còn các ác bất thiện pháp, tâm thức vị ấy không còn những ô nhiễm đưa đến tái sinh, già chết. Trên mặt ý nghĩa trong đạo Phật, danh từ Bà-la-môn cũng giống như danh từ Sa-môn.
- Tứ sự cúng dường: Nơi trú ở (nhà cửa, vật trải toạ thiền, mùng mền), cơm nước (khi đi khất thực), quần áo, thuốc men... là bốn thứ mà cư sĩ dâng cúng để Sa-môn có phương tiện sống mà thực hành đạo giải thoát.
- Thế nào là xuất gia làm Sa-môn không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích? Theo lời Phật dạy thì Sa-môn có nghĩa là người tu tập để đời sống của họ chấm dứt tham dục, ái dục, sân hận, căm thù, phẫn nộ, dối trá, não hại, tật đố, tà kiến v.v… là những ác pháp, là những nhân xấu đưa tới quả khổ đau nhiều đời và dĩ nhiên là phải chịu cảnh luân hồi sinh tử. Do vậy phải chăm tu theo chánh pháp, theo giới-định-huệ để đoạn trừ các bất thiện pháp kể trên. Ban đầu bớt dần sau hoàn toàn đoạn diệt. Có như thế thì sự xuất gia làm Sa-môn mới có kết quả lớn, lợi ích lớn và không trở thành vô dụng. Trong Kinh Pháp Cú kệ số 265, Phật có nói người nào diệt trừ được các ác pháp dù nhỏ hay lớn thì người đó xứng đáng gọi là Sa-môn: "Ai diệt trừ điều ác, Không luận nhỏ hay lớn, Vì điều phục ác pháp. Được xứng danh Sa-môn". Một bài kệ khác, đức Phật dạy các Tỷ-kheo ngoài việc nên làm những điều lành tránh những điều ác như bài kệ trên, còn phải giữ tâm ý trong sạch dẹp tham sân si nữa. Bài kệ đó như sau: "Chớ làm các điều ác, Vâng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đây lời chư Phật dạy".
A. Nguyên văn kinh:
" (Giới hạnh)
" Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp tác thành Sa-môn, và các pháp tác thành Bà-la-môn? "Chúng ta sẽ thành tựu tàm quý, như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
B. Tìm hiểu ý nghĩa: Đức Phật dạy nhiều pháp để tác thành một bậc Sa-môn. Các pháp đó được tu tập theo thứ tự. Đầu tiên là phải giữ tròn giới hạnh. Muốn viên mãn giới hạnh đó, vị Tỷ-kheo phải lần lượt thành tựu các pháp thiện lành, đầu tiên là hạnh tàm quý.
- Giới hạnh: Giới là những điều răn cấm do đức Phật chế ra, là những pháp thiện, đòi hỏi các Tỷ-kheo phải tuân theo. Hạnh là hành động, là đức hạnh. Người sống có giới hạnh ở đây là người đã đoạn tận năm pháp: Dục tham, Dục sân, Hôn trầm-thuỵ miên, Trạo cử-hối quá, Nghi ngờ.
- Tàm: Là mình gây ra một lỗi lầm nào đó. Dù người khác biết hay không biết, bản thân mình cũng tự cảm thấy xấu hổ, mắc cở với lương tâm của chính mình. Mình tự sám hối và quyết không tái phạm.
- Quý: Hổ thẹn với người khác khi mình làm điều sai quấy, dù việc làm sai quấy đó, có khi người ngoài chưa biết.
Tàm quý: Là một trong những hạnh tu của Đức Phật đã dạy cho hàng Tỷ-kheo. Tàm quý là thiện tâm sở; vô tàm vô quý là ác tâm sở. Như đã ghi ở trên tàm quý hiểu thông thường là xấu hổ, hổ thẹn. Người biết hổ thẹn với lương tâm mình khi làm điều sai trái, biết hối hận, sửa chữa... là người có hạnh tàm quý. Còn làm sai trái, suy nghĩ sai trái mà không xấu hổ là người không biết tàm quý.
Trong kinh điển có nhắc tới câu "Tâm sinh muôn pháp" nghĩa là từ nơi tâm mà phát sinh ra muôn pháp lành và muôn pháp ác. Nếu tâm không biết xấu hổ thì con người dễ dàng có hành động ngông cuồng và lời nói ác độc gây tổn hại cho mình và tổn thương người khác. Người biết tàm quý và biết khắc phục lỗi lầm, là người khiêm cung. Người khiêm cung thường hay "phản quan tự kỷ" tức tự phản ảnh, tự kiểm soát thân tâm và tự chỉnh đốn thay đổi mình cho tốt hơn. Nhờ thế mới có thể thăng tiến trên con đường đạo hạnh.
- Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa: Đức Phật dạy nếu các Tỷ-kheo hướng đến con đường tu tập để thành tựu hạnh Sa-môn thì phải nhớ mục đích mình đang theo đuổi. Khi thành tựu được hạnh tàm quý. Điều này rất tốt nhưng nếu thoả mãn và dừng lại chỗ này thì không thể thăng tiến trên con đường tâm linh.
A. Nguyên văn kinh:
"Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? "Thân hành chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì thân hành thanh tịnh ấy, khen mình, chê người". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh. chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
"Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? "Khẩu hành chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì khẩu hành thanh tịnh ấy, khen mình, chê người". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
"Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng làm hơn nữa? "Ý hành chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì ý hành thanh tịnh ấy, khen mình, chê người". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh và ý hành thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ, đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ -kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
- B. Tìm hiểu ý nghĩa: Thành tựu hạnh tàm quý rồi, hành giả muốn tiến xa hơn, còn nhiều pháp cần phải tu tập nữa. Đó là phải giữ thân hành, khẩu hành, ý hành thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không tỳ vết, không che giấu. Nếu thành tựu ở mỗi chặn đường tu tập mà khởi ý thoả mãn, tức hành giả đã bằng lòng với kết quả đã đạt được, cho nên vị ấy sẽ dậm chân tại chỗ, nếu không nói là bị lui trở lại.
- Thanh tịnh: Yên lặng, trong sạch.
- Minh chánh: Trí tuệ hiểu biết đúng đắn những chân lý đức Phật dạy.
- Cởi mở: Không giữ bí mật, không che giấu điều gì.
- Không tỳ vết: Trong sạch, không lỗi lầm gì hết.
- Thế nào là thân hành thanh tịnh: Người đạt được thân hành thanh tịnh là người không có những hành động xấu ác hại người, không gây tổn thương người khác. Chẳng hạn như ăn cắp, ăn trộm của không cho, hoặc có hành động tà dâm làm khổ người khác. Không đánh đập, giết hại con người đã đành mà cũng không đánh đập, sát hại những sinh vật khác để thoả mãn thú tính của mình. Chẳng hạn như thú giải trí săn bắn chim chốc, thỏ, nai rừng v.v...
- Thân hành minh chánh, cởi mở, không tỳ vết, không che giấu: Khi hành động phải quang minh chánh trực nghĩa là khi làm việc gì phải rõ ràng, cởi mở, không có gì phải che giấu. Hành động hoàn toàn trong sáng thánh thiện chẳng có tỳ vết đen tối tội lỗi.
- Khẩu hành thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không tỳ vết, không che giấu: Tu hành phải cẩn thận cái miệng. Lời nói phải đúng sự thật, không thêm bớt, không vẻ vời, không hung dữ cũng không nói chuyện phù phiếm thị phi.
- Ý hành thanh tịnh: Ý nghĩ tiềm tàng bên trong phát xuất ra ngoài qua lời nói, hành động. Tâm ý ác thì hành động ác, tâm ý thiện thì hành động thiện. Ở đây chúng ta cần hiểu ba ý hành phi pháp là: Tham, Sân, Si. Hành giả cần tu tập không tham tài vật của người khác. Không buồn giận, oán thù bất cứ một ai. Tu hành phải có Chánh kiến.
A-Nguyên văn kinh:
"Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? "Sanh mạng chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì sanh mạng thanh tịnh ấy, khen mình, chê người". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ, đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Sanh mạng phải được thanh tịnh: Mạng sống của mình phải được nuôi dưỡng bằng nghề nghiệp lương thiện như: Không buôn hàng lậu, không mua bán xác thân phụ nữ, không bán rượu, xì ke, ma tuý. Không hành nghề đồ tể giết hại thú vật v.v... Đó là những điều dặn dò dành cho người tu sĩ tại gia, Còn đối với các vị Tỷ-kheo thì đời sống tốt đẹp là hằng ngày đi khất thực, ai cho gì ăn nấy. Hạnh khất thực của người tu không phải là huân tập tánh lười biếng, mà là tập hạnh dẹp bỏ lòng tự ái, đè bẹp cái Ngã tự cao tự đại của mình, đồng thời bên cạnh đó cũng tạo cơ hội cho người cư sĩ thực hành hạnh bố thí. Người biết bố thí diệt trừ được lòng tham và nuôi dưỡng được lòng từ bi.
- Không vì sanh mạng (thân, khẩu, ý) thanh tịnh mà khen mình, chê người: Người giữ được thân, khẩu, ý và sanh mạng được thanh tịnh là người thành tựu được giới hạnh. Nhưng ỷ vào việc đó lại khen mình, chê người, tức là còn cái Ngã, tự đề cao mình, hạ thấp người khác. Như vậy Ý người đó không thanh tịnh, mà Ý không thanh tịnh thì đưa tới hành động (thân) và lời nói không thanh tịnh.
Đức Phật dạy các Tỷ-kheo cần phải thành tựu hạnh tàm quý, thanh tịnh thân, khẩu, ý và sanh mạng. Những pháp này thuộc về Giới Luật, đòi hỏi các Tỷ-kheo cần phải tu tập đầu tiên.
A. Nguyên văn kinh:
" (Hộ trì các căn)
"Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa. "Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng .... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc.... ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, và các căn đã được hộ trì, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Ông, Ta khuyến cáo các Ông, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích ấy, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Hộ trì các căn: Hộ trì là bảo vệ, giữ gìn. Các căn là giác quan của con người gồm: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý. Hộ trì các căn là tu tập "thu thúc lục căn", không để cho các căn này bị lôi cuốn, dính mắc khi tiếp xúc với hiện tượng thế gian là: Sắc (hình dáng), Thanh (âm thanh), Hương (mùi thơm hay ngược lại), Vị (mùi vị: mặn, ngọt, chua, đắng...), Xúc (cảm giác nóng, lạnh, trơn láng, sần sùi), Pháp (mọi việc xung quanh ta), mà trong kinh gọi là sáu trần.
- Sắc: Có hai nghĩa, một là sắc đẹp, hai là vật chất như: cảnh vật, con người, con vật, nhà cửa, xe cộ v.v... Là những vật thể mà mắt thường có thể nhìn thấy hình dáng, màu sắc và sờ mó được.
- Tướng chung, tướng riêng: Tướng là hình dáng màu sắc bề ngoài của đối tượng. Đối với sắc, khi mắt vừa thấy hình dáng toàn diện, đó là tướng chung. Còn thấy rõ ràng từng nét, từng chi tiết của hình dáng đó là tướng riêng.
- Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng: Khi mắt thấy sắc, không phản ứng, không dính mắc, không nhớ nhung hình dáng đối tượng, tức không nắm giữ tướng chung, cũng không để ý dính mắc với những chi tiết của đối tượng, tức không nắm giữ tướng riêng.
- Nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, các pháp bất thiện khởi lên: Khi mắt nhìn thấy đối tượng, nó chỉ thấy đối tượng "như vậy" thôi. Nếu không có sự hợp tác của ý thức, ý căn ... thì không xảy ra chuyện... Thí dụ: Khi mắt nhìn thấy ly cà phê. Cái thấy của mắt chỉ là cái thấy tổng quát, đó là hình dáng và màu sắc ly cà phê, là tướng chung của ly cà phê. Ngay lúc này trong tâm phát ra ý nghĩ gọi tên đối tượng: "Đây là ly cà phê sữa", tiếp ngay lúc đó liền phê bình "trông hấp dẫn, thơm quá", đưa đến lòng tham "tôi muốn uống một ngụm". Nhưng mà ly cà phê sữa này của người ta, muốn uống thì phải đi mua ly cà phê khác. Hiện tại không có thì giờ, hay không có tiền để mua ly cà phê. Ngay lúc ấy trong tâm khởi lên ý "hay là uống đại một ngụm". Dù chỉ là trong ý nghĩ và việc uống một ngụm cà phê không phải là chuyện lớn lao gì, nhưng đó là tâm bất thiện, là Ý không thanh tịnh đã khởi lên.!
- Nguyên nhân khiến chúng ta không kềm chế, không hộ trì được các căn: Nguyên nhân đó chính là "sự suy nghĩ, nói thầm qua lại" trong đầu, là "định tên" hay "gọi ngay tên đối tượng" khi mắt vừa thấy. Rồi từ đó đưa đến cảm thọ thích hay không thích, muốn hay không muốn. Thích và muốn là bản chất của tâm tham. Không thích, không ưa là bản chất của tâm sân. Mình nói hộ trì các căn, nhưng thực ra các căn "vô tội", vì nó vô tri vô giác không biết gì, mà do cái Tâm phóng ra gọi tên, phân biệt, so sánh này nọ mới gây phiền não. Cho nên dù chúng ta nói tu tập "hộ trì các căn", nhưng thực ra là "hộ trì cái tâm", không cho Ý thức, Ý Căn nhảy ra. Làm sao để hộ trì? Áp dụng pháp thấy như thật, thấy như vậy. Biết không lời. Mở mắt nhìn thấy đối tượng không gọi tên. Thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết như vậy thôi. Không phê bình, không phân biệt, không suy nghĩ gì cả.
A. Nguyên văn kinh"
" (Tiết chế ăn uống)
" Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa?. "Chúng ta phải biết tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Nhưng này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh và các căn đã được hộ trì, ăn uống có tiết độ, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Tiết chế ăn uống: Hạn chế, kềm giữ, không cho vượt quá mức trong vấn đề ăn uống.
- Chánh tư duy: Là chi thứ nhì trong Bát Chánh đạo. Là sự suy nghĩ đúng đắn về một vấn đề gì, trước khi áp dụng hay thực hiện. Điều suy nghĩ, lý giải đó phải phù hợp với chân lý đức Phật dạy.
- Phạm hạnh: Chỉ lối sống trong sạch, thanh tịnh, còn gọi thánh hạnh hay tịnh hạnh. Người xuất gia giữ phạm hạnh là người suốt đời giữ giới, phòng hộ các căn, nuôi mạng thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác, nhằm phát huy tuệ giác phá tan chấp thủ ngũ uẩn.
- Thương hại: Ở đây không phải là thương xót tội nghiệp, mà có nghĩa là tổn thương có hại cho thân vì ăn uống quá độ.
- Thọ thực....... chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh: Ăn nhiều, ăn quá độ hay vô độ là tham ăn. Ăn không đúng sẽ tổn hại cho sức khoẻ, sinh ra khó chịu, bực bội. Mà khó chịu hay bực bội là đang ở trong trạng thái Sân. Còn ăn uống không đúng cách thì đó là Si. Tam độc tham, sân, si biểu lộ ra khi con người ta ham ăn ham uống không biết chừng mực. Trong đoạn kinh này đức Phật dạy người tu phải biết ăn uống một cách điều độ vừa đủ để thân được khoẻ mạnh sống lâu mà tu.
- Thế nào là diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới? Khi ăn, mùi vị tác động vào lưỡi, tạo cảm thọ thích thú cho vị giác. Khi chưa biết tu thì thích ăn món này ngon, món kia lạ. Sự thích thú, thèm thuồng này, là những cảm thọ cũ. Đời sống của người xuất gia hằng ngày đi khất thực, ai cho gì ăn nấy không lựa chọn. Như vậy hành giả đã diệt trừ được thú đam mê ăn uống cũ trước khi xuất gia. Bây giờ tu tập, hành giả ăn chỉ biết ăn, không khởi lên tâm trạng vui thích, không màn thức ăn ngon hay dở, nên không khởi lên cảm thọ mới. Như vậy là "hộ trì thiệt căn" tức "phòng hộ lưỡi". Căn này quan trọng nên đức Phật để riêng ra một đề mục "Tiết chế ăn uống". Đức Phật chủ trương người xuất gia đi khất thực là nhắm vào mục tiêu tiết chế ăn uống. Ngoài ra, việc khất thực cũng có những điểm khác nữa, đó là hạn chế cái Ngã, phải hạ mình xuống đi xin ăn. Và một mục tiêu khác nữa là tạo nhân duyên giúp bá tánh thực hành hạnh bố thí.
A. Nguyên văn kinh
" (Chú tâm cảnh giác)
" Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? "Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy. Ban đêm canh đầu thức dậy, đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại". Như vậy này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Nhưng này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, các căn đã được hộ trì, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Chú tâm: Là tập trung, là để ý, chú ý vào một đối tượng (để giữ tâm không bị tán loạn).
- Cảnh giác: Giữ cái biết để canh chừng không cho tâm khởi lên những pháp gây chướng ngại cho việc hành thiền.
- Chú tâm cảnh giác: Là bước tu tập đầu tiên, có sự chú tâm, có sự cảnh giác của Trí Năng tỉnh ngộ, mà bây giờ chúng ta gọi là "mindfulness", tức là có sự cố gắng trong bước đầu, tập trung vào một đối tượng nào đó để tâm không bị tán loạn. Đức Phật dạy phải tu tập cả ban ngày và ban đêm. Ban ngày tập 2 việc là Đi và Ngồi: Đi tức "thiền hành", trong kinh dùng từ "kinh hành" và ngồi là "toạ thiền". Trong khi tu tập không để cho những ý nghĩ ác xấu, tham, sân, si... khởi lên. Ban đêm canh một cũng thực hành thiền, canh giữa ngủ một chút. Canh cuối thức dậy thực hành thiền. Ở Ấn Độ xưa, ban đêm có 3 canh, mỗi canh kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Ở Trung Hoa một đêm có 5 canh nên mỗi canh khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Trong bước đầu tu tập, tâm còn thói quen "có lời", vẫn còn dính mắc với đối tượng, cho nên phải tỉnh thức, phải chú tâm thực hành ngày cũng như đêm. Xem như đây là bước chuyển tiếp để qua chỗ "không lời". Mức độ Chú tâm cảnh giác, tuy còn tầm còn tứ tức còn lời, nhưng tâm cũng tạm yên lặng, nhờ có sự chú ý tập trung gom tâm vào một chỗ. Bước này tạm xem như là Thiền Chỉ/Samatha.
A. Nguyên văn kinh
" (Chánh niệm tỉnh giác)
" Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? "Chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi đứng, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Nhưng này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, các căn đã được hộ trì, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thoả mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
B. Tìm hiểu ý nghĩa
- Chánh niệm: Từ gốc là Sammã-sati. Sammã nghĩa là chánh, còn Sati nghĩa niệm, là nhớ hay là biết, là một trong tám chi quan trọng của Bát chánh đạo. Chánh niệm là sự tỉnh giác, không quên niệm, không để mất cái biết. Biết ở đây là biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, rõ ràng phát sanh ngay trong mỗi giây phút hiện tại bây giờ và ở đây.
- Tỉnh giác: Tỉnh thức biết (Awakening Awareness)
- Chánh niệm tỉnh giác: Hành giả biết rõ ràng đầy đủ đối tượng qua giác quan, nhưng không dính mắc không phản ứng. "Chánh niệm tỉnh giác" hay "ly hỷ trú xả" là tầng định thứ Ba trong bốn tầng định của đức Phật tu tập thành đạo.
Sau khi toạ thiền đạt được Định không Tầm không Tứ, hành giả cần phải tu tập trong 4 oai nghi, luôn giữ "chánh niệm tỉnh giác" để hỗ trợ cho định lực được ngày thêm vững chắc. Tỷ-kheo, khi đi tới đi lui, khi nhìn thẳng, nhìn quanh, khi co tay khi duỗi tay, khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi tiểu tiện, đại tiện, nhất nhất mọi cử động đều thầm nhận biết. Thầm nhận biết rõ ràng, nhưng không diễn nói một lời nào trong đầu. Nhờ vậy mà trong tâm không khởi tạp niệm.
Nhờ luôn an trú trong "Chánh niệm tỉnh giác", nên khi toạ thiền, tâm hành giả biết rõ ràng đầy đủ những gì xảy ra ngoài thân hay trong thân, mà tâm không dính mắc. Thí dụ như có hoạt hoá, có hỷ lạc trong thân, hành giả biết rõ nhưng không dính mắc với nó.
A. Nguyên văn kinh:
" (Đoạn trừ các triền cái)
" Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thuỵ miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
"Này các Tỷ-kheo, như một người mắc nợ liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ con. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được những nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ". Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
" Này các Tỷ-kheo, như một người bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Nay ta khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục". Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
" Này các Tỷ-kheo, như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn". Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
" Này các Tỷ-kheo, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại. Người ấy nghĩ : "Ta trước kia bị cảnh nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Nay ta thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại". Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
"Này các Tỷ-kheo, như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc. Người ấy sau một thời gian đã đi khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia giàu có, nhiều tài sản, đi qua bãi sa mạc. Nay ta đã đi qua khỏi bãi sa mạc ấy, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm". Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
" Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc.
" Này các Tỷ-kheo, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật, được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành yên ổn. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi chúng được tiêu trừ.
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Triền cái: Là những chướng ngại, ngăn che, làm uế nhiễm tâm, làm mờ yếu trí tuệ. Nó là nguyên nhân ngăn cản sự phát triển cả hai lãnh vực "tịnh chỉ" và "tuệ giác". Có 5 loại triền cái:
1) Dục tham triền cái: Được giải thích như là sự khát khao "năm dục lạc". Ở mặt thô là tài, sắc, danh, thực, thuỳ, là năm lãnh vực mà người đời say mê mong muốn. Ở mặt vi tế là tâm hành giả bị lôi cuốn hưởng thụ dục lạc với hiện tượng thế gian qua năm giác quan đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nó là hình thức của phiền não phát xuất từ gốc Tham. Nặng nhất là tham ái (khát ái) là nguyên nhân sanh khổ.
2) Sân hận triền cái: Biểu lộ sự không ưa, không thích... tầm mức sân hận thay đổi ở mức độ từ sự bực mình nhẹ nhàng đến lòng oán hận thâm sâu. Nó là hình thức của phiền não phát xuất từ gốc Sân. Hễ tham sân thì đưa đến Si là Vô minh.
3) Hôn trầm-thuỵ miên: Được đức Phật tuyên bố là một triền cái đôi, có thể xem như hai loại. Hôn trầm là sự dã dượi, chần chừ, đình trệ, lười biếng của tâm. Thuỵ miên là bần thần, mệt mỏi, ngủ gục của thân.
4) Trạo cử-hối quá: Cũng được xem như triền cái đôi. Trạo cử đồng nghĩa với sự kích động, tán loạn, không yên. Trạo cử thân (ngồi không yên, mắt liếc qua liếc lại cũng là trạo cử của thân) và trạo cử tâm (tâm vọng động, lo ra, suy nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác). Hối quá là nhớ lại những tội lỗi đã sai phạm trong quá khứ, nó đồng nghĩa với thái độ hối hận, ăn năn của tâm.
5) Hoài nghi: Nghi ngờ, do dự hay phân vân đối với Phật, Pháp, Tăng. Không đặt hết lòng tin tưởng vào lời dạy của đức Phật, không tin vào tính chất hiệu quả của Giới Định Huệ.
Năm triền cái này là chướng ngại của việc tu thiền. Ở tầng Thiền thứ hai, nếu hành giả kinh nghiệm trạng thái "Định không Tầm không Tứ", thì hành giả đã loại trừ năm triền cái này rồi. Lên đến Chánh niệm tỉnh giác, hành giả thực hành trong 4 oai nghi, đạt được "định trong động" như vậy hành giả cũng dẹp được loạn triền cái rồi. Nhưng thỉnh thoảng một trong năm triền cái này cũng trổi lên quậy phá. Vì thế, hành giả cũng cần phải xét lại xem các triền cái này đã hoàn toàn được diệt trừ hay chưa? Nếu chưa thì hành giả chưa đạt được "Chánh niệm tỉnh giác" vững chắc. "Đoạn trừ triền cái" đức Phật nêu lên sau tiêu đề "Chánh niệm tỉnh giác" vì ở giai đoạn này khi toạ thiền có thể Tỷ-kheo chưa kinh nghiệm được tâm định vững chắc. Vì khi kinh nghiệm định vững chắc thì năm triền cái này không xuất hiện.
- An trú chánh niệm trước mặt: Nghĩa là đặt "niệm Biết không lời" trước mặt, có thể hiểu là "khởi ý Biết không lời" rồi buông, trạng thái Tâm không lời xuất hiện liền ngay sau đó. Hành giả trú trong trạng thái Biết không lời. Tập hoài từ Biết không lời sẽ vào Nhận thức Biết không lời. Bây giờ "Chánh niệm tỉnh thức" có nghĩa là "Nhận thức không lời", đã không lời thì không có dấu vết gì trong đó, trạng thái này cũng được hiểu là trạng thái "Nhận thức trống rỗng", tức không có nội dung, không có đối tượng, chỉ có dòng Nhận thức biết trống rỗng mà thôi!
Tu tập tới đây, hành giả đã vượt qua gần hết những đoạn đường khó khăn rồi, cho nên trong lúc nhập định sâu, hành giả đạt được trạng thái như trong kinh thường mô tả: "thân cảm sự lạc thọ, mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú" chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ..."
- Đoạn cuối của đề mục "Đoạn trừ năm triền cái": Đức Phật đưa ra năm ví dụ. Ví dụ thứ nhất: Như một người mắc nợ. Sau một thời gian cố gắng làm việc, trả được nợ cũ, còn dư tiền để nuôi vợ. Người này sung sướng hoan hỷ. Ví dụ thứ hai: Như một người bệnh, đau đớn trầm trọng, thể lực suy yếu. Sau thời gian người ấy khỏi bệnh, thể lực khôi phục. Nhờ vậy, người ấy được sung sướng, hoan hỷ. Ví dụ thứ ba: Như người bị nhốt trong ngục tù, sau một thời gian được ra khỏi tù, tài sản không bị giảm tổn nên người ấy cảm thấy sung sướng, hoan hỷ. Ví dụ thứ tư: Như một người nô lệ, chịu lệ thuộc người khác. Sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ nên người này cảm thấy sung sướng hoan hỷ. Ví dụ thứ năm: Một người giàu có đang đi qua bãi sa mạc. Sau một thời gian người ấy đã đi qua khỏi sa mạc đến đầu làng yên ổn không bị nguy hiểm, tài sản lại không bị tổn giảm, nên người người ấy cảm thấy sung sướng hoan hỷ.
Đưa năm ví dụ này, đức Phật khuyến tấn các Tỷ-kheo hãy nên quán năm triền cái khi chưa xả ly: như đang gánh lấy món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc... thời gian này thật là khổ.
Đức Phật cũng khuyên các Tỷ-kheo nên quán năm triền cái khi chúng bị diệt trừ để cảm nhận như trạng thái sung sướng an lạc khi là người không mắc nợ, không bệnh tật, khỏi tù tội, được tự do thoát cảnh nô lệ, đến được đất lành bình yên... Tỷ-kheo toạ thiền, diệt được năm triền cái cũng đạt được sự hỷ lạc khắp toàn thân như thế.
A. Nguyên văn kinh:
" (Bốn tầng thiền-na)
" Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
" Lại nữa, này các Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh thấm nhuần.
"Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
"Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ -kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Bốn tầng Thiền-na: Bốn tầng Thiền đức Phật đã lần lượt chứng đắc. Sau khi đoạn trừ tham, sân, hôn trầm-thuỳ miên, trạo cử-hối quá và hoài nghi, hành giả lần lượt đắc bốn Thiền.
- Tầng thiền thứ nhất: Hành giả ly dục, ly bất thiện pháp. Kinh nghiệm Định có tầm có tứ. Toàn thân hỷ lạc do ly dục sanh.
- Tầng thiền thứ hai: Tầm và Tứ yên lặng. Kinh nghiệm Định không Tầm không Tứ, nội tĩnh nhất tâm, hỷ lạc toàn thân do Định sanh.
- Tầng thiền thứ ba: "Ly hỷ trú xả" hay "Chánh niệm tỉnh giác". Toàn thân hỷ lạc, hành giả trú trong tâm xả là tâm thanh thản và không dính mắc với hỷ. Như vậy khi an trú trong Chánh niệm tỉnh giác, toàn thân hành giả vẫn còn đẳm ướt lạc thọ. Ở giai đoạn này hành giả đã an trú trong Nhận thức không lời nhưng còn thông qua các Tánh.
- Tầng thiền thứ tư: An trú trong Định, không cảm thọ lạc, khổ; diệt luôn hỷ và ưu phiền đã cảm thọ trước kia, chứng và trú tầng thiền thứ Tư mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm thanh tịnh". Bây giờ tâm thuần tịnh trong sáng thấm nhuần toàn thân. Hành giả nhập đại định, chìm sâu vào Nhận thức không lời. Bấy giờ các Tánh qua giác quan đều đóng cửa không nhận bất cứ tín hiệu gì bên ngoài, nên trong kinh còn gọi tầng Định này là Định bất động. Trạng thái tâm này gọi là Tâm Như hay Tâm Tathà.
A. Nguyên văn kinh:
" (Ba Minh)
" Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: " Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này các Tỷ-kheo, ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình, người ấy nghĩ: "Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây, ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta". Như vậy, này các Tỷ-kheo, với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ này. Tại chỗ này, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ này, Ta được sanh ra ở đây". Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
" Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng anh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn những chng sanh nài làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh ngiệp của họ. Này các Tỷ-kheo, ví như có hai nhà có cửa, và ở đây, mt người có mắt đứng ở giữa, người này có thể thấy các người (khác) đi vào nhà, đi ra, đi qua, đi lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời nói, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, dịa ngục. Còn những chúng sanh nào thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghip của họ.
"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm, đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: "Đây là Khổ", biết như thật: "Đây là nguyên nhân của Khổ", biết như thật: "Đây là sự Diệt Khổ", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến Diệt Khổ", biết như thật: "Đây là những lậu hoặc", biết như thật: "Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc", biết như thật: "Đây là sự đoạn trừ các lậu hoặc", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".
"Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa".
" Này các Tỷ-kheo, ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: "Đây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Đây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết như thật: "Đây là khổ"... biết như thật: "Đây là Con đường đưa đến sự diệt từ các lậu hoặc!". Nhờ hiểu biết như vậy, nhờ nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát, vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần phải làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa".
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh: Toàn bộ câu này tạm mô tả trạng thái tâm Định vững chắc, là tâm hoàn toàn yên lặng trong sáng, không còn lậu hoặc (những mớ ô nhiễm tham sân si), không buồn vui, không thiện ác chỉ có Nhận thức Biết mà thôi, trong kinh gọi là Tâm Tathà hay Tâm Như, hay Phật Tánh, hay tiềm năng giác ngộ v.v...
- Túc mạng minh: Tuệ tri như thật về nhiều đời sống quá khứ, cùng với nét đại cương và chi tiết của chính đức Phật.
- Thiên nhãn minh: Tuệ tri nhân quả luân hồi của chúng sanh. Tất cả những may mắn, bất hạnh, đẹp đẽ, thô xấu đều do hạnh nghiệp của họ gây ra.
- Lậu tận minh: Tuệ tri biết 4 chân lý: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Biết như thật nguyên nhân của luân hồi sinh tử là lậu hoặc. Biết cách tu tập để đoạn trừ lậu hoặc.
- Dục lậu: Tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Nặng nhất là tham ái (khao khát không bao giờ đủ) được xem là nguyên nhân gây ra Khổ.
- Hữu lậu: Mong mỏi được hiện hữu hoài trong đời sống hiện tại hoặc hướng về đời sống tương lai. Vì mong muốn được trường tồn mãi như vậy nên hữu lậu chính là nhân đưa đến quả tái sanh, nhưng tái sanh đến cõi nào thì không biết được.
- Sanh đã tận: Sanh đã chấm dứt.
- Phạm hạnh đã thành: Giới hạnh hoàn toàn viên mãn.
- Những việc cần làm đã làm xong: Tu tập, công phu, thiền định, thiền quán, nhận rõ bộ mặt của khổ đau là gì, biết cách diệt trừ khổ đau. Nhận rõ nguyên nhân luân hồi là gì, biết cách diệt trừ nguyên nhân luân hồi. Nhận ra luân hồi của vũ trụ và con người v..v... Những việc cần làm này, Tỷ-kheo đã làm xong.
- Sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa: Sau đời sống này vị Tỷ-kheo ấy được giải thoát, tức thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử.
A. Nguyên văn kinh:" (Bậc A-la-hán)
" Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được gọi là Sa-môn, là Bà-la-môn, là vị đã tắm sạch sẽ, là vị đã biết và hiểu rõ, là bậc có học, là bậc Thánh, là bậc A-la-hán.
" Này các Tỷ-kheo, như thế nào, Tỷ-kheo là Sa-môn? Vị này đã làm cho dừng lại các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là Sa-môn.
" Và này các Tỷ-kheo, thế nào Tỷ-kheo là Bà-la-môn? Vị này đã tẩn xuất ra ngoài các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là Bà-la-môn.
" Và này các Tỷ-kheo, như thế nào Tỷ-kheo đã tắm sạch sẽ? Vị này đã tắm gội sạch sẽ các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã tắm sạch sẽ.
" Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo đã biết và hiểu rõ? Vị này đã biết và hiểu rõ các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỳ-kheo đã biết rõ.
" Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo có học? Vị này đã tiêu diệt các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có học.
" Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc Thánh? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được gọi là bậc Thánh.
" Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc A-la-hán? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán.
" Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
B. Tìm hiểu ý nghĩa:
- Bậc A-La-hán: Là vị Tỷ-kheo xa lìa các ác, các pháp bất thiện, tham sân si, chứng được ba minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh, không còn tái sanh nữa.
III. KẾT LUẬN
Nội dung "Đại Kinh Xóm Ngựa" đức Thế Tôn dạy về ý nghĩa của danh xưng Sa-môn, Bà-la-môn. Đức Phật định nghĩa hai danh từ này như sau: Sa-môn là người "đã dừng lại các ác pháp, tức các pháp làm ô nhiễm tâm thật đáng sợ hãi, nó đem lại quả tái sanh, già chết trong tương lai". Còn Bà-la-môn là người "đã tắm rửa sạch sẽ tất cả các ác bất thiện pháp, sạch những ô nhiễm đưa đến tái sinh già chết trong tương lai".
Đức Phật dạy, muốn xứng đáng với danh xưng Sa-môn, các Tỷ-kheo phải tu tập giữ gìn Phạm hạnh với các thành tựu như sau:
1. Thành tựu hạnh tàm quý, nhưng không khen mình chê người.
2. Thành tựu thân hành, khẩu hành, ý hành thanh tịnh, nhưng không khen mình chê người.
3. Mạng sống thanh tịnh, nhưng không khen mình chê người.
4. Thành tựu Hộ trì các căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý nhưng không tự mãn.
5. Ăn uống tiết độ với Chánh tư duy, nhưng không tự mãn
6. Chú tâm cảnh giác cả ngày lẫn đêm, tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại, nhưng không tự mãn.
7. Chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi, nhưng không tự mãn.
8. Thiền định, diệt sạch năm triền cái: tham, sân, hôn trầm-thuỵ miên, trạo cử-hối quá và nghi ngờ. Nhờ vậy tuần tự chứng đắc bốn tầng Thiền, chứng đắc ba Minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Liễu tri bốn Chân Lý: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Thoát khỏi Dục lậu, Hữu lậu, Vô minh lậu. Vị ấy đã xa lìa các bất thiện pháp đưa đến sanh, già, chết trong tương lai và tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không còn đời nào khác"
Bài "Đại Kinh Xóm Ngựa" này, tuy Thế Tôn dạy cho hàng Tỷ-kheo, nhưng đối với chúng ta là hàng Phật tử tại gia cũng có thể thực hành tu tập được. Chúng ta không cầu mong đạt tới mục tiêu cuối cùng. Nhưng nếu kinh nghiệm được trạng thái "Không Tầm Không Tứ" hay "Chánh Niệm Tỉnh Giác", dù không toàn thời, thì kết quả cũng giúp cho chúng ta có đủ năng lượng để đối phó với đời sống nhiều nhiễu nhương phiền não. Thực hành đúng lời đức Phật dạy, chúng ta có thể tự cứu mình thoát ra khỏi bộc lưu điên đảo ở thế gian. Bao nhiêu đó cũng đủ gọi là "một lợi ích lớn" cho chính bản thân chúng ta và có thể giúp ích phần nào cho những người xung quanh chúng ta.
Bài viết trên đây chỉ nằm trong phạm vi nhỏ hẹp khiêm nhường của một góc thiền, cho nên trong phần trình bày của kẻ hậu học chắc chắn còn nhiều điều thiếu sót. Kính mong quý bậc Thầy, quý bậc tôn túc hoan hỷ thứ cho. Kẻ hậu học vẫn luôn cố gắng nghe lời chỉ dạy của chư liệt vị./.