Nắng đã tràn ngập sân Thiền viện. Lá của những cây tiêu no nê trong nắng sớm cũng bắt đầu đong đưa nhè nhẹ như để cám ơn bình minh. Sự dịu dàng của những chùm tiêu màu hồng tươi tắn làm rung động những chòm lá xanh mơn mởn còn say ngủ, đâu đây trên những cánh lá vẫn thoảng mùi sương đêm lành lạnh. Gió phe phất làm mấy cành lá kêu xào xạc, thanh âm của một ngày mới. Hôm nay là ngày bế giảng lớp Trung Cấp 4 Bát Nhã.
Khóa tu kỳ này được tổ chức 7 ngày, từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 10 năm 2015, tổng cộng có 30 thiền sinh nội trú tu học hằng ngày; đến từ Australia, France, Canada, Việt nam, Washington DC, Houston, Sacramento, San Jose và Nam Cali.
Ngày đầu tiên, Ni Sư Triệt Như đã ôn lại những đề tài chính của các Khóa Bát Nhã Trung Cấp 1, 2 và 3 như là chủ đề Nhận thức bắt đầu bằng bài Ba sắc thái biết từ cái biết có lời của Ý căn, Ý thức đến cái biết không lời của Tánh giác: Biết không nội dung, biết như thật, biết rõ ràng và đồng bộ.
Ni Sư cũng ôn lại những chiêu thức như: thư giãn lưỡi, thư giãn mặt, nghe âm thanh, nhìn ánh sáng nắng, nhìn bóng tối và kỹ thuật thực hành: không định danh, không dán nhãn đối tượng, không nói thầm trong não bằng kỹ thuật “Không Nói”, chú ý trống rỗng, Thở, Định niệm hít vào thở ra hầu tạo sự hài hòa thân tâm và hiểu sâu hơn các chức năng của não bộ. Đây là những tác dụng sinh học trong cơ thể được gọi là Hồi đáp sinh học trong Thiền mà Hòa Thượng Thích Thông Triệt đã khám phá, nghiên cứu, kết nối giữa khoa học hiện đại với Thiền của Đức Phật.
Ni Sư cũng ôn lại “Tiến trình thành đạo của Đức Phật” bằng cách nhắc lại các tầng Định, như Định Bất Động lý giải bằng Khoa học não bộ để chúng con có thể hiểu và nhận ra sự liên hệ một cách rõ ràng.
Ni Sư cũng nhắc lại 12 nhân duyên và quy luật biến dịch để nhận ra bản thể của con người và hiện tượng thế gian là trống không, tụ hội là do nhân duyên.
Trước khi giảng dạy đề tài chính của khóa tu là Bát Nhã Tâm Kinh được cô đọng bởi hai chủ đề lớn là Không và Chân Như. Bài học Chân Như ở lớp Trung Cấp 3 Bát Nhã cũng được Ni Sư ôn lại hầu tạo dễ dàng và thấu hiểu tường tận nghĩa lý thâm sâu của bài Bát Nhã Tâm Kinh.
Thầy Thiền chủ đã cho hai Giáo Thọ Sư là Thầy Không Chiếu và Ni Sư Triệt Như tận tình giảng giải từng câu, từng chữ của bài Bát Nhã Tâm Kinh. Đây là một ân sủng mà Thầy ban cho chúng con.
Một bài kinh đòi hỏi căn cơ cao đối với Thiền sinh từng tu tập qua thời gian dài miên mật và có kinh nghiệm về cái biết không lời và nhận thức biết không lời.
Ngoài ra, không quản ngại sức khỏe tuổi già, Thầy Thiền chủ đã trực tiếp soạn thảo và đặt câu hỏi trắc nghiệm để đo lường và bổ túc sở học của chúng con đơn cử là câu hỏi về Bát Nhã Tâm Kinh. “Làm sao vô nhận thức không lời tức khắc, thầm nhận ra ngũ uẩn là Không?”
Lời giải đáp thật là đơn giản, ngắn gọn nhưng đòi hỏi sự tu học lâu năm, đó là “Gợi lên nhận thức cô đọng”.
Trong những ngày kế tiếp, Ni Sư giảng bài “Kinh Tứ Niệm Xứ” (Satipaṭṭhāna Sutta)
Kinh dạy: “Này các tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn”.
Cốt lõi của Kinh là “Quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp”. Quán đây là dùng trí tuệ để nhận biết, không phải để suy tư, tuệ tri như thật, chánh niệm như vầy không dùng giác quan, cuối cùng an trú trong Định bất động, Chân Như.
Kinh Tứ Niệm Xứ cũng đề cập đến Thất giác chi để đưa đến giác ngộ đó là: Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi và Xả giác chi. Năm điều che lấp còn gọi là Ngũ cái gồm: Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Thụy miên, Trạo hối và Nghi.
Ni Sư còn giảng bài Kinh Đại Bát Niết Bàn. Đây là bộ Kinh mà phần đầu Phật dạy cho các tỳ kheo “Bảy pháp bất thối”, nói về giai đoạn cuối đời của Đức Phật Thích ca.
Ni Sư đã dùng phương thức Đọc, Giảng bằng cách chia đều từng đoạn kinh cho mỗi thiền sinh liên tục đọc và Ni Sư giảng sau mỗi đoạn kinh, hay trả lời thắc mắc, nghi vấn nếu có.
Ni Sư luôn nhắc nhở và giảng giải những điều chính yếu trong Kinh Đại Bát Niết Bàn.
Ni Sư cũng trình bày “Ứng dụng Kinh vào trong đời sống hằng ngày của Thiền sinh”
Ni Sư còn từ bi nhắc nhở mọi Thiền sinh, sau khóa tu nên đọc lại nhiều lần những bài kinh đã học để có thêm nhiều lợi lạc hơn vì khóa tu chỉ giới hạn trong thời gian ngắn ngủi có 7 ngày, hầu tạo nguyên tắc sống đó là “Tánh nguyên tắc” cho mình nhằm hổ trợ cho việc tu học.
Ban Khí công cũng luôn hiện diện từ 6:15AM đến 7:00AM mỗi ngày để luyện tập cho Thiền sinh. Các huấn luyện viên luôn nhắc nhở các Thiền sinh: “Thở đúng, tư thế đúng, gá ý đúng, thư giãn đúng và thực hành đều đặn” thì sẽ có kết quả tốt.
Ngoài ra, Thiền Sinh được thưởng thức đêm “văn nghệ tự biên, tự diễn” cuối khóa trong ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa với những lời ca, ngâm đạo vị, nhiều câu chuyện vui sinh hoạt đầy kỷ niệm với tiệc bánh trà, cuối cùng chấm dứt trong sự vui buồn lưu luyến giữa các Thiền Sinh từ khắp nơi Úc, Pháp, Gia Nả Đại, Việt Nam và Mỹ Quốc – chia tay với lời khuyến tu tinh tấn và hẹn gặp lại trong khóa tu tới.
Viết lại từ bài tổng kết cuối khóa của Trưởng lớp Tuệ Vinh trong ngày 18 tháng 10 năm 2015 tại Tổ Đình Tánh Không, thành phố Perris, California.
Ngày 3 tháng 11 năm 2015,
Tuệ Chiếu
1. Khai Triển Về Nhận Thức
2. Khai Triển Về Nhận Thức (tiếp theo)
3. Khai Triển Về Chân Như
4. Bài giảng Bát Nhã Tâm Kinh
6. Bài giảng Ứng Dụng Kinh Đại Bát Niết Bàn Phần 1
7. Bài giảng Ứng Dụng Kinh Đại Bát Niết Bàn Phần 2
8. Bài giảng Ứng Dụng Kinh Đại Bát Niết Bàn Phần 3
9. Tổng Kết Lớp Trung Cấp 4 Bát Nhã
Xin click vào PLAY để nghe
hay Right Click và Save (audio) as để tải xuống máy
Xin click vào hình để xem rõ hơn.
Hình ảnh: Tuệ Vinh & Tuệ Chiếu