Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahā-Parinibbāna-sutta) là bài kinh nói về giai đoạn cuối đời của Đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Niết Bàn.
Kinh Đại Bát Niết Bàn chứa đựng một cách vắn tắt và đầy đủ giáo lý căn bản của đạo Phật, qua những bài thuyết giảng của Đức Phật cho các chúng Tỷ-kheo.
Điều được Đức Phật nhiều lần nhắc tới là từ Niệm, Chánh Niệm và Chánh Niệm Tỉnh Giác.
Đối với phương thức tu tập Ngài dạy về Giới (sila), Định (samadhi), Huệ (pañña), ba phương thức tu đưa tới vô lậu: "Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu."
Ngài cũng nhắc lại lý do vì sao con người mãi bị trói buộc trong vòng luân hồi (sansara). Đó là vì không hiểu rõ về Tứ Đế tức là bốn sự thật về: khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ.
Ngài đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của 4 niệm xứ, khi nói với Ngài Anan: “Này Ananda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác."
Trong một đoạn nữa, chúng ta được nghe lại lời khuyên của Đức Phật cho dân làng Kalama về bốn điều tham chiếu lớn: "Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: 'Tôi tự thân nghe từ chính miệng Thế Tôn, hay từ miệng Tăng chúng, hay từ một hay nhiều Thượng tọa, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư', thì các người không nên chấp nhận, cũng không nên bác bỏ ngay những lời đó, mà phải học hỏi kỹ lưỡng, so sánh, đối chiếu với Kinh, Luật. Nếu thấy phù hợp với Kinh, Luật thì hãy thọ trì, nếu không thì hãy từ bỏ lời của vị Tỷ-kheo đó."
Nhưng đặc điểm, thông điệp quan trọng nhất về giáo lý trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, có lẽ là tính chất vô thường (aniccata) của mọi pháp hữu vi.
Chúng ta luôn nhớ đến lời dạy cuối cùng của Đức Phật: Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật."
Kinh Đại Bát Niết Bàn là một bài kinh rất phong phú và đa dạng, bao gồm cả hai khía cạnh: phương thức tu tập và hạnh sống chân thật và hài hòa.
Kinh giúp chúng ta học hỏi rất nhiều về những sự kiện lịch sử - xã hội chung quanh sự diệt độ của Đức Phật Thích Ca và những lời dạy cuối cùng của Ngài. Điều đáng ghi nhớ là những điểm căn bản, thực tiễn, có mặt trong suốt bài kinh là: tính chất vô thường của mọi hiện tượng, và sự cần thiết chuyên cần tu tập theo Giới, Định, Huệ là phương thức giải thoát vạch ra bởi Đức Phật.
Ni Sư Triệt Như đã khai triển và giảng giải những điểm chính yếu qua các đề mục gồm:
- Niệm, chánh niệm và chánh niệm tỉnh giác.
- Giới, Định và Huệ.
- Tứ Niệm Xứ.
- Tứ Diệu Đế.
- Vô thường.
Song song với phần Giáo lý, Ni Sư Triệt Như cũng hướng dẫn cho Thiền sinh cách ứng dụng bài kinh này trong việc tu tập cho có kết quả tốt đồng thời tập sống hài hòa theo hạnh sống mà Đức Phật dạy cho chúng Tỷ-kheo và cư sĩ.
Xin tri ân Ban Tổ Chức Khóa Tu Học tại Đạo tràng Hoa Thịnh Đốn và Chị Như Anh đã ghi âm lại các bài giảng này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tuệ Chiếu
Links tới các bài giảng:
Ứng Dụng Kinh Đại Bát Niết Bàn Phần 1
Ứng Dụng Kinh Đại Bát Niết Bàn Phần 2
Tổng Kết Khóa Trung Cấp 4 Bát Nhã