TỤC ĐẾ VÀ CHÂN ĐẾ
Buổi học thêm với đạo tràng Paris.
Mỗi tuần sáng thứ bảy gặp nhau, sau khi thăm hỏi vài câu thân tình, các thiền sinh bắt đầu yên lặng tĩnh tâm đi thiền hành khoảng 10 phút trước khi thiền tọa khoảng 20 phút. Nữa tiếng cuối là giờ trao đổi về Phật pháp.
Dù mới gia nhập nhưng tôi tự xem như người trong gia đình vì mình biết mặt mũi nhiều anh chị qua các khóa tu. Nghe các anh chị cao thủ trình bày phân tích vài từ Phật pháp sao rõ ràng, chứ không lơ tơ mơ, lờ tờ mờ như mình, điểm này thích lắm.
Mà đây cũng là nơi “tâm sự” những điều các bạn thiền sinh thắc mắc học, đọc, nghe kinh mà vẫn chưa rõ, ngại ngùng không dám hỏi thêm Ni Sư trong các khóa tu.
Như tuần rồi có người hỏi về sự phân biệt rõ ràng giữa Tục đế và Chân đế? Và làm sao sống trong cuộc đời mà mình theo Chân đế được?
Một chị cao thủ giải thích đầu tiên rằng: "Tùy ánh nhìn của từng người, trong ánh nhìn Tục đế là thấy có Vô thường, Khổ và Vô ngã. Trái lại, trong Chân đế là nói về cái cao siêu hơn của Tánh Không, Tánh Huyễn và Chân Như."
Một anh phát biểu rộng ra như khi đứng nhìn cầu vồng hiện lên trên mặt hồ thật đẹp, ta thấy nó có thật, nó đang hiện hữu, nó lấp lánh trước mắt mình, v.v., bao nhiêu cặp mắt đổ vào, nhưng ta biết nó do nhiều điều kiện thời tiết được tạo ra. Hết các điều kiện đó thì cầu vồng sẽ biến mất. Hồi nãy nó có, dưới cái nhìn tục đế; khi nó biến mất ta biết nó là huyễn, là chỉ được chấp nối trong một khoảng thời gian nào rồi sẽ tan như sương mù, sẽ đi vào mây khói.
Một tiền bối khác nhắc lời Ni Sư dạy: "Thật ra tên gọi là giả lập, tên là do con người đặt ra là Tục đế. Vì khi bỏ cái tên ra thì Nó là Nó, Nó vẫn hiện diện dù không có Tên. Cái Không Tên là cái Chân Như trong Chân đế."
Người khác nhắc thêm: "Cũng như Niết bàn hay Địa ngục chỉ là tên đặt, chứ nó đâu ở xa xôi chi, nó nằm ngay trong tâm mình. Mình vui an nhiên, tự tại là đang sống trên Niết bàn; trái lại, mình buồn, khóc, tuyệt vọng, đau đớn là đang ngồi đáy vực của Địa ngục."
Một thiền sinh khác nhắc tới kinh Duy Ma Cật, có một đoạn Ngài Quang Nguyên đồng tử gặp Ngài Duy Ma Cật và hỏi:
- Thưa cư sĩ, Ngài từ đâu đến đây?
- "Tôi từ Đạo tràng đến", Ngài Duy Ma Cật đáp.
- Ngài nói đạo tràng, vậy đạo tràng nào? Và ở đâu? (Ngài Đồng Tử đứng nơi Tướng mà hỏi.)
- Đạo tràng của tôi là Trực tâm, Thâm tâm, Bồ đề tâm. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, từ đó nảy sinh ra từ, bi, hỷ, xả. (Đứng nơi Tánh mà trả lời.)
Một thiền sinh khác nhắc lại lời Ni sư hay nhắc nhở: "Sống ở đời mình phải theo con đường trung đạo. mình thấy mọi vật hiện hữu như mọi người chung quanh thấy; mình nghe mọi tiếng thị phi, khen chê đủ cả; mình nếm đủ mùi vị ngọt, bùi, chua, cay, v.v., nhưng mình không phủ nhận thế gian, mà chỉ biết dùng trí tuệ để biết cảnh là cảnh, cảnh không dính mắc tới mình. Mình ráng tập giữ tâm yên lặng, tâm không Lời, không từ ngữ để đạt được một cái Tâm Niết bàn."
"Vì Lời là của thế giới ảo, của thế giới người đời, là tục đế.
Niết bàn cũng là tên chứ nó chính ra Không có Tên .
Mà Chân như cũng là tên chứ nó cũng Không có Tên."
Berlin,
Như Bảo / Tố Nga