Triệt Như - Dấu Chân Trên Cát - BÀI 4: CHUYỆN XÓC DẦM
Triệt Như - Dấu Chân Trên Cát - BÀI 4:
Năm nay Thiền viện tổ chức kỷ niệm 30 năm hoằng hóa. Thiệt ra mỗi 5 năm làm lễ kỷ niệm 1 lần, ngày xưa Thầy chúng ta qui định từng kế hoạch ngũ niên. Năm năm trước, Thầy viên tịch nhằm ngay cuối tháng 12 năm 2019. Lúc đó Thầy đã phân phối công việc cho tăng đoàn rồi, chuẩn bị lễ kỷ niệm 25 năm hoằng hóa, và dự định làm tại thiền viện Chân Như Texas và khánh thành thiền viện Chân Như luôn. Nhưng rồi mọi dự tính xoay chiều.
Năm nay, tính ra đã vắng bóng Thầy 5 năm, thời gian đi qua thiệt mau. Người xưa có nói: “Tre tàn thì măng mọc”, mình thì suy nghĩ khi măng bắt đầu mọc thì tre còn tốt, khi tre tàn thì măng đã trưởng thành rồi. Mình nay gánh cái trách nhiệm của Thầy giao đã tròn 10 năm, nghĩ cũng đã đủ cho cái tuổi, không phải “thất thập cổ lai hy” đâu, mà là “bát thập ngũ niên, cổ lai hy” ! Nay đã đến thời trao cái gánh trách nhiệm lại cho thế hệ trẻ gánh vác, thích hợp với thế kỷ 21, thế kỷ của những người trẻ, của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Trở lại nhan đề của bài là “chuyện xóc dầm”.
Vì thế năm nay thiền viện quyết định tổ chức ngày: “Lễ kỷ niệm 30 năm hằng hóa Thiền Tánh Không” tiếp theo là “Lễ Truyền y kế thừa” tông môn. Ngày lễ Truyền Thống hằng năm được Thầy khi xưa qui định là ngày chủ nhật đầu tháng 4, năm nay rơi vào ngày chủ nhật 6 tây, và tổ chức tại tổ đình, là thiền viện Tánh Không tại miền nam Cali.
Năm năm qua, tổ đình vẫn sinh hoạt lặng lẽ. Mình đã đi khắp 18 đạo tràng, gặp gỡ trực tiếp các thiền sinh, thăm viếng, nhắc nhở, ôn tập lại giáo pháp và lý thuyết Thiền, và quan trọng là việc tu tập của mỗi thiền sinh có điều gì còn thắc mắc, có kinh nghiệm như thế nào vv…Mình thường xuyên vắng mặt ở tổ đình, cho nên cây cảnh bông hoa có nở có tàn, là tùy nơi nhiều điều kiện. Cũng như lá khô rụng khắp đường đi, không ai thu dọn, chỉ có cô Diệu Nhân, tác giả bài thơ “Quét lá” lúc trước, nhờ quét lá thiền viện mà cảm hoài tới thân phận làm người, cuối đời rồi cũng sẽ rơi rụng về đất như mấy chiếc lá vàng khô.
Hổm rày, tổ đình bắt đầu chuẩn bị ngày Lễ. Công tác đầu tiên là nhóm của cô Như Thảo Như Quỳnh phát tâm sơn lại những cái cốc nhỏ của tổ đình. Công việc này kéo dài cũng 1 tuần lễ, đòi hỏi nhiều công sức, và khéo tay, phải là chuyên nghiệp mới sơn đẹp. Như Quỳnh là chuyên nghiệp, điều khiển cả nhóm “thợ tài tử” trẻ răm rắp làm theo. Tới trưa, tạm nghỉ vào nhà ăn, Như Quỳnh, lốm đốm nước sơn, trên tóc, trên mặt, trên áo, nhất là hai bàn tay lem luốc. Sao con không mang bao tay? Con phải làm những chỗ cần khéo tay, nếu có bao tay, khó hơn.
Rồi, có một buổi chiều, tối mịt, hết thấy đường, mới chịu nghỉ, vào nhà. Nói nhỏ nhỏ với Như Vân, Như Vân chạy đi. Thì ra bị xóc dầm. Như Vân kiếm cây kim, Như Quỳnh chìa bàn tay ra, lem luốc. Mình lấy cái đèn pin nhỏ của cell phone ra soi vào ngay chỗ xóc dầm cho Như Vân dễ thấy. Như Quỳnh lúc đó vẫn cười nói tỉnh bơ, mình không nhìn vào bàn tay Như Quỳnh, mà nghe nhói một cái trong ngực, hay trong tâm? Ủa, mình đâu có bị xóc dầm, mà sao tâm mình nghe đau nhói? Còn Như Quỳnh bị xóc dầm, mà sao cười cười nói nói tỉnh bơ? Cái thân đâu có tri giác, vậy là cái tâm mới biết đau. Cái tâm Như Quỳnh không có đau, mà sao cái tâm của mình lại đau? Cái tâm nó đau nó mới khiến ngực mình nhói 1 cái.
Rồi tới ngày phải bay về N. Carolina, nhóm Như Quỳnh rời tổ đình trước 1 ngày.
Tiếp theo là cô Minh Tịnh ở Florida bay qua chuẩn bị xuất gia. Cùng ngày 4 tháng 3, chú Quang Tiến ở Đức cũng bay qua giúp tổ đình trong tháng 3 và tháng 4, xong hết các khóa tu, mới về Đức. Chú Quang Tiến là thiền sinh kỳ cựu của Thầy, từng có một nhà hàng ăn Việt Nam tại Đức. Mỗi năm có khóa tu tại thiền viện Tánh Không ở Schenkenzell, Quang Tiến đều tham gia và phát tâm lo bữa ăn cho thiền sinh gồm người Việt và người Đức. Bây giờ qua tổ đình, gặp lúc ban tổ chức đang bối rối vì chưa có thiền sinh nào phát tâm lo việc ăn uống, không những trong 2 ngày lễ, mà trong suốt những ngày trước và sau đó, vì thiền sinh từ các đạo tràng xa như: Paris, Đức, Úc, Việt Nam… cứ lần lượt bay tới trước ngày Lễ, rồi sau đó có những nhóm ở lại thêm để tham quan Cali. Mình cũng ưu tư, hay là hai ngày lễ cứ cho ăn pizza, hay bánh mì sandwich hay đặt thức ăn “food- to- go”? Quang Tiến phát tâm chịu trách nhiệm việc ăn uống trong suốt tháng 3 và tháng 4 tại thiền viện. Như gỡ ra cái gánh nặng, mình thiệt biết ơn chú Quang Tiến. Những giờ rảnh, Quang Tiến tìm công việc khác ngoài sân vườn. Mình dặn: cứ thấy cái gì chướng mắt thì làm, xem như thiền viện là nhà mình vậy.
Rồi một buổi trưa vào nhà, hỏi Như Vân có cây kim không? Thì ra bị xóc dầm nữa. Có mang bao tay không? Dạ có. Sao bị xóc dầm? Con quét lá, rồi hốt rác bỏ vào thùng, bị xóc. Mình nghĩ: vườn mình nhiều cây thông, lá nhọn như kim. Lấy dầm ra xong, Quang Tiến mới nói nhỏ nhỏ:
- Cái chuyện xóc dầm giống y chuyện tu tập của mình. Cái dầm là cái từ bên ngoài, nó xâm hại mình, nó làm cho mình đau, là mình khổ. Việc của mình là mau mau lấy cái dầm ra, phải lấy tất cả gốc rễ cái dầm, thì mới hết đau nhức. Rồi sau đó rửa sạch vết thương, băng bó lại thì mới xong. Nếu mình sống bình thường, thì an lạc, đâu có đau hay khổ. Tại mình không có chánh niệm tỉnh giác, mới bị cái dầm, bên ngoài, là thứ dơ bẩn, nguy hiểm, dù cho nhỏ bé, cũng làm cho mình đau, mình khổ.” Rồi Quang Tiến cười. Phải, một kinh nghiệm, cái tâm của mình tự nó là an vui, bình thường, trong sạch, nhớ đừng có mang vào một cái gì bên ngoài, làm cho tâm hết trong sạch an vui.
Đó chuyện xóc dầm chỉ có vậy thôi.
Phật pháp không có xa rời đời sống bình thường. Việc tu tập cũng không phải là cái gì xa xôi bí hiểm, chúng ta vẫn thường xuyên thực hành môt cách tự nhiên, mà mình không biết rõ chính mình. Có khi mình sống tốt, thiện, lành mà mình không biết. Có khi mình làm sai, mình cũng không biết. Mình không biết rõ chính mình, thì làm sao có thể biết rõ người khác. Mình chỉ tưởng tượng, suy đoán về người khác thôi, nên nhiều khi hiểu lầm, rồi buồn khổ một mình, rồi tranh cãi, rồi xung đột. Đó là nguồn gốc của khổ đau.
Chuyện xóc dầm đâu có khác câu kinh này:
“Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn". (bài Đại kinh Xóm Ngựa” kinh Nikāya.
Thân không cẩn thận, nên tay bị xóc dầm, khiến tay đau. Ta phải cẩn thận lấy hết dầm ra, từ đây làm việc phải chú tâm cảnh giác hơn nữa.
Không biết có phải vì chuyện xóc dầm không, mà khi chú Quang Minh cùng với thầy Quang Dũng bay qua tổ đình mấy ngày sau đó, chú Quang Minh xin được xuất gia gieo duyên trong thời gian ở tổ đình, thì chú Quang Tiến cũng xin được xuất gia gieo duyên trong 2 tháng ở tổ đình. Ai có mặt cũng tràn đầy hỷ lạc, cùng chúc mừng 2 vị phát tâm xuất gia gieo duyên. Buổi sáng ngày hôm sau, ngày 10 tháng 3, tổ đình làm lễ xuất gia gieo duyên, gieo trồng hạt Bồ đề vào đất tâm của 2 vị. Hi vọng đầy đủ duyên lành, hạt giống sẽ nảy mầm ra hoa, ra quả giải thoát.
Tổ đình, ngày 11- 3- 2025