Không phải chỉ lúc đi sinh hoạt nhóm mà cả khi đi chơi, theo tôi là một dịp để mình ngẫm nghĩ lại mình, xem mình xuống núi thoát khỏi cái vỏ ốc đảo phẳng lặng được chở che, ít phiền muộn, rơi tuột một mạch xuống chợ đời… sẽ ra sao… để biết được mình … tu …có tiến bộ chút nào hay vẫn chậm chân tại chỗ?.
Thấy liền. Từ lúc khởi hành đã cười “quạu” với ông tài taxi dù đặt trước rồi mà vẫn đến trễ còn tìm nhà không ra. Rồi cái đuôi dài lênh thênh cả cây số giao hành lý, tránh sao cho khỏi có người len lỏi chen! Còn đợi xét giấy tờ chụp ảnh, phát thẻ…Mấy ngàn người cùng một thời điểm có gì lạ! Nhưng bực vẫn bực, thầm trách sự tổ chức thế này thế nọ.
Cuối cùng thì phòng ốc chưa xong, vali lọt đâu không biết, tối mịt tự đi tìm mới thấy moi ra. Tránh làm sao được những cái cau mày đôi lần cũng nuốt ừng ực để khỏi phát ra tiếng ít thơm.
Chưa kể những ngày đầu, mỗi lần thấy ai như muốn bưng nguyên dĩa xoài đu đủ cho riêng cá nhân là cái “sân” xuất hiện, nhăn mặt khi Theatre mấy chỗ “ngon” bị chiếm hết ( một phần tại mình vào trễ!)… dù bên ngoài cố gắng cool không thốt lời nào.
May quá chỉ vài ngày chộn rộn, rồi đâu vào đó, người ta ăn uống chậm rãi hơn, nhường bàn ghế cho nhau và không chen dành nữa vì ai cũng rộng rãi thì giờ.
Thế đấy! Mới ồn ào rồi ngụi mất, mới chen lấn giờ nhượng nhau. Có gì là bền cửu đâu!
Hay cái tâm của ai đó thay đổi, khi trưa nắng ngồi ban công nghe tiếng ầm ầm sóng vỗ giật mình sực nhớ tới 12 lời nguyện của Ngài Quán Thế Âm?
Hay lúc nhìn bóng hoàng hôn còn rơi rớt trên biển mênh mông quán thấy cuộc đời mình đang tàn dần tựa ánh nắng chiều, mà giựt mình tự nhủ rằng, mỗi ngày còn thở phải sống sao để nếu mình ra đi ít ra cũng thành đồ cổ (vì mình đã đóng góp chút gì cho đời) chứ không là thứ đồ cũ chuẩn bị cho người đời quẳng vào sọt rác.
Về nhà, nghiệm lại thấy sáu trần, trần nào mình cũng vướng, không nhiều cũng chút chút… Vậy thì phải hành trì tu tập tiếp, mà tốt nhất là ở luôn trên núi đừng xuống đời nữa 😣…
Rồi nhớ lời Ni Sư dạy khi cái Ngã bị va chạm mới biết mình tiến hay chưa, chứ ở nhà có ai thèm chọc mình đâu!
Lời dạy của một vị thầy như tiếng trống gióng vào tâm người đệ tử khi muốn thối lui dao động.