KHÍ CÔNG - FASCIA -THIỀN
(1)
Khí công-Fascia (Mô liên kết)-Thiền
Năm 2019 do bản thân bị một tai nạn, sau đó bị đau vùng xương sống và bên bả vai phải, không giơ tay lên được, bên tay phải không mặc áo được, đau dai dẳng cả hai năm không dứt... Khi hỏi một người bạn làm vật lý trị liệu: “khi chữa bịnh nhân bị đau xương sống, anh sẽ tìm cách tác động đến phần nào trong cơ thể; xương, bắp cơ, hay các khớp?“. Câu trả lời của anh rất ngắn gọn: „Fascia“ (mô liên kết hay mô mạc). Về sau này, mới biết anh ta chuyên về Osteopathy, đúng hơn là Osteopathic fascia treatment.
Trở về nhà, bắt đầu từ lúc đó các tài liệu về Fascia được tôi lôi ra để nghiền ngẫm, những bài tập Fascia liên hệ đến đau bả vai được áp dụng. Sau một thời gian, nhận thấy cái đau tuy giảm trong khi tập, nhưng sau đó, đau vẫn hoàn đau. Mãi về sau này tôi mới vỡ lẽ ra, nếu chúng ta không để ý đến sự thư giãn thì tác dụng của những bài tập Fascia này sẽ không được hoàn toàn.
Cuối năm 2021 tôi quyết định trở lại với các bài tập khí công. Nói là trở lại, vì trước đó thật tình tuy có tập khí công trong các khóa học, nhưng nhiều khi lúc đó tôi chỉ tập qua loa cho có lệ.
Bắt đầu từ lúc đó, với sự hiểu biết về vai trò của Fascia, cộng thêm với cái đau là một chủ đề, những bài tập khí công đã được tập chu đáo hơn. Từ đó một cánh cửa dẫn đến sự hiểu biết lý thú về „sự liên hệ giữa Fascia-Khí Công-Thiền“ bắt đầu được mở ra.
Có thể nói, khi tập khí công, người tập có thể chú trọng tập cho các bắp cơ ở ngoài (qua sự gồng cứng các cơ ngoài và tác ý) hay muốn tập cho hệ thống Fascia và các bắp cơ nằm sâu phía trong nhiều hơn (myofascial system). Dĩ nhiên ở đây không thể nào chia ra thành hai hệ thống rõ ràng được, vì cơ thể là một khối, nhưng khi tập, ta có thể hướng sự tác ý về nơi nào nhiều hơn, và nhờ đó sẽ có tác dụng tương ứng lên cơ thể.
Nếu tập khí công hướng về hệ thống mô liên kết và các bắp cơ nằm sâu phía trong, chúng ta phải để ý đến điều quan trọng sau đây: khác với các bắp cơ ở ngoài, chúng ta không thể tác động trực tiếp đến hệ thống mô liên kết và các bắp cơ nằm sâu bằng cách dùng ý thức để làm căng chúng, chúng ta chỉ có thể tác động lên chúng một cách gián tiếp qua sự kéo dài chúng trong sự thư giãn. Ngoài ra, vì mô liên kết là một mạng lưới chằng chịt khắp cơ thể nên người tập có thể nhận ra những điều sau: thí dụ trong thế tập cho thần kinh tọa, dĩ nhiên chúng ta nhận ra tác dụng ngay chỗ thần kinh tọa, nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy tác dụng lan tỏa từ nơi thần kinh tọa đến chân, đầu, và cũng có thể thấy tác dụng lan tỏa đến nguyên toàn thân. Chúng ta cũng có thể nhận ra: khi bị đau ở đây thì nguyên nhân của đau có thể không nằm ở đó mà có thể ở đâu đó, cũng có thể ở toàn thân (do tư thế sai) mà cũng có thể ở tâm? Và bài tập nào của Khí Công hay bất kỳ bài tập nào (thí dụ của Yoga, Tai Chi...), hay cử động nào cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến toàn thân. Ở đây chúng ta mới hiểu tại sao Đức Phật nói đến „Cảm giác toàn thân“ hay „An tịnh toàn thân" trong kinh Tứ niệm Xứ.
Vậy Fascia là gì? Bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, Fascia trong cơ thể mới được các nhà khoa học để ý đến, vị trí, vai trò quan trọng của nó mới được nghiên cứu và được làm sáng tỏ. Trước đó Fascia chỉ được coi là một thành phần dư thừa nằm bên cạnh xương và các bắp cơ, thường bị bỏ đi và không đáng để được nghiên cứu.
Fascia là một cấu trúc mô liên kết, như một mạng lưới, không một kẽ hở, chạy khắp cơ thể để liên kết, bao bọc, nâng đỡ, nuôi dưỡng và bảo vệ... các cơ, xương, các sợi thần kinh, các mạch máu và các cơ quan tim, phổi, não... Fascia cũng là nơi lưu trữ nước, cung cấp cấu trúc, vận chuyển, tạo ra sức mạnh, và rất quan trọng cho hệ thống miễn nhiễm. Trong đó có chứa các tế bào, các mạch máu (mao mạch), dây thần kinh... Các đầu dây thần kinh này có liên hệ mật thiết với hệ thần kinh tự quản (thần kinh giao cảm/phó giao cảm). Nhờ đó một hệ thống liên lạc giữa các cơ, các cơ quan, hệ thần kinh tự quản và não... được xảy ra liên tục. Vì có sự liên hệ đến hệ thống thần kinh tự quản và não nên trạng thái Tâm (an ổn) rất quan trọng để giảm đau.
Với khoảng 250 triệu dây thần kinh cảm giác, nó đại diện cho một cơ quan giác quan phong phú nhất (2). Không lạ gì khi Đức Phật nói đến Sáu căn (Salayatana: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), trong đó thân (Kaya) cũng là một cửa ngõ giác quan. Và tại sao Ngài cũng nói đến „Thân Hành Niệm“ (niệm biết về thân, kāyagatāsati), còn Thầy thì nhấn mạnh đến Thiền Khí Công. Chính niệm biết về thân này sẽ là một ông thầy giúp chúng ta trong khi tập khí công được nhiều kinh nghiệm để làm sao tập cho có hiệu quả.
So với các bắp cơ và các khớp, Fascia chứa các cơ quan thụ cảm đau (pain receptors) và các cảm biến chuyển động (motion sensors) nhiều hơn đáng kể. Bởi vậy, khi đau xương sống, nguyên nhân thường không nằm ở xương sống hay ở các bắp cơ, mà 80 đến 85 phần trăm các cơn đau thường có lý do không đặc hiệu, nghĩa là không thấy được bất kỳ một thay đổi bệnh lý nào trên cơ thể. Người ta nghĩ rằng, lý do có thể nằm tại mô liên kết. Vì là mạng lưới liên kết nhiều nơi, nên khi bị đau đầu gối thì nguyên nhân của đau đầu gối có thể không chỉ nằm ở đầu gối mà có thể ở đâu đó chỗ khác, hay ở toàn thân? Hay cả ở Tâm? Nên nhiều khi chỉ chữa đầu gối không dẫn đến kết quả hết đau.
Để hiểu hơn về cấu trúc, chức năng, vai trò quan trọng của Fascia, chúng ta có thể coi một tài liệu rất lý thú sau đây:
https://fasciaguide.com/fascia-guide/the-mysterious-world-under-the-skin/ :tiếng Anh.
https://www.youtube.com/watch?v=2lKDcNvQ9FQ
Les alliés cachés de notre organisme Les fascias ARTE: tiếng Pháp.
https://www.arte.tv/de/videos/070788-000-A/faszien-geheimnisvolle-welt-unter-der-haut/ oder https://www.youtube.com/watch?v=b9pPjyCUUmk&t=46s: tiếng Đức.
Minh Tuyền
20.12.2024
(1) https://www.firstlineeducation.com/blog/five-things-about-fascia
(2) https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1615907123000096
chụp CT scan, MRI, bs Ortho. cho hẹn, giải phẩu. Từ chối, về nhà tâp, 3 tháng sau bs kêu lên lại và kiểm tra ,lành hơn 95%.
Bây giờ lành rồi. Có gởi email trong comment này. Hy vọng không bị xóa