Ngày xưa, Thầy thường nói Thầy đi hát, là Thầy đi giảng Pháp. Hôm nay gần cuối năm 2024, đạo tràng Houston cũng là đạo tràng cuối của năm 2024 này, sau những đạo tràng khắp nam bắc đông tây kia. Mình sẽ hát bài tổng kết cuối năm này tại thiền viện Chân như, trong mùa đông năm nay, mùa tưởng niệm Thầy, như là tường trình lên Thầy một cái thấy tổng quát về con đường tu của mình.
Nói “của mình” tức là nó tương đối, nó là chủ quan.
Từ xưa tới nay, ba lãnh vực quan trọng nhất trong việc tu Phật vẫn là Giới- Định- Tuệ, được xem là Tam học, ba lãnh vực người con Phật cần phải học, gọi là dành cho bậc hữu học. Còn bậc Arahant/ Arahat/ Arhat, được xem là bậc vô học, đã đạt được Giới- Định- Tuệ tròn đầy rồi.
Tại sao lại không kể tới Chỉ và Quán?
Chỉ, là dịch nghĩa của Samatha. Từ Samatha (Pāli &Sanskrit) có nghĩa là sự yên lặng, tĩnh lặng (tranquility, calmness). Tạm xem như trạng thái tâm bắt đầu tĩnh lặng, không phóng ra dính mắc nhiều với cảnh bên ngoài nữa, tâm không lăng xăng, không rối ren, không dao động nữa. Trạng thái tâm tĩnh lặng là một tiến trình, vô số mức độ của tĩnh lặng, không thể xác minh chắc chắn nó như thế nào.
Cho nên ta có thể nói Samatha là trạng thái tâm tĩnh lặng, tổng quát, để giúp cho ba lãnh vực Giới- Định- Tuệ thăng tiến lên. Có nghĩa là Samatha vừa là nhân, hay là duyên tốt cho Giới- Định- Tuệ mà cũng là quả.
Nói rõ hơn, mỗi lãnh vực đều liên hệ mật thiết với Samatha. Samatha là nền tảng để thực hành Giới hay Định hay Tuệ, mà cũng là kết quả của việc áp dụng thực tế Giới, Định, Tuệ trong đời sống mỗi người.
Trong khi tu tập, có thể có những phương pháp cụ thể để thực hành cho tâm tạm dừng, bớt dính mắc với cảnh bên ngoài, tạm xếp là Chỉ / Samatha, thí dụ :
Ngoài những cách thực hành đơn giản phổ thông vừa kể trên, mình nhận ra còn có một điều kiện quan trọng không thể thiếu, lại có thể nói là chủ yếu nhất, nó là gốc nguồn của mọi việc tốt đẹp trên đời, đó là trí tuệ. Trí tuệ của mỗi người. Trí tuệ của riêng mình.
Chúng ta đều đã biết: «Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh», hay «Tâm tánh bản tịnh, khách trần nhiễm ô».
Cội rễ của tâm là hoàn toàn trong sạch. Chư Tổ xem nó như viên ngọc. Nhưng vì mình không biết nó, nhiều đời đi rong chơi, tham đắm thế gian, rồi khi già, bệnh, chết thì đau khổ, không muốn già bệnh chết, lại mau mau đi tái sanh.
Phật dạy ngay chỗ này:
«Các pháp hữu vi là vô thường. Các ông phải tinh tấn, chớ có phóng dật».
Lời nói cuối cùng của đức Phật, trước khi nhập diệt. Sau một thời gian dài dãi nắng dầm mưa, lang thang đi khắp nơi giáo hóa, 45 năm dài bôn ba cùng với đệ tử, đầu đội trời, chân đạp đất. Lời chí thiết cuối cùng, như những viên ngọc rơi ra, chỉ là hai chữ «vô thường».
Vô thường là thực tại của cuộc đời, mà có khi nào chúng ta không nhìn thấy?
Khi nào chúng ta còn rơi nước mắt, bất cứ vì đâu, hay vì ai, là chúng ta quên cái thực tại này đó, các bạn hiền ơi!
Thấy ý nghĩa quan trọng bậc nhất của chân lý «vô thường», chư Tổ mới xếp vô thường là đặc điểm hàng đầu của cuộc đời, trong 3 đặc điểm, tạm đặt tên là Tam Pháp Ấn: vô thường, khổ, vô ngã, hay Tứ Pháp Ấn: vô thường, khổ, không, vô ngã mà «không» ở đây có nghĩa không có Ta và không có cái của Ta.
Khi chư Tổ nói tới Nhất Pháp Ấn hay Nhất Tướng Pháp Ấn: Không, thì đây mới nói tới bản thể cuối cùng là sự Trống Không, trống rỗng của hiện tượng thế gian.
Vì đâu mà nói thế gian trống rỗng, trống không? Vì hiện tượng thế gian có là do Duyên Sinh, duyên hợp mà thành. Nên gọi là pháp hữu vi (compound things/ conditioned things).
Khi chúng ta thấy rõ tất cả pháp hữu vi đều vô thường, thì tự nhiên, mình không còn mê say nắm giữ nữa, mình buông bỏ, tâm được nhẹ nhàng, thanh thản nhìn mọi việc đến và đi theo nhân theo duyên của nó.
Kinh nói tiến trình đó là : yểm ly (chán ghét), ly tham, đoạn diệt, thượng trí, giải thoát, niết bàn.
Phương thức quan sát cuộc đời để nhận ra đặc điểm phổ quát tam pháp ấn, tạm đặt tên là Quán (Pāli: Anupassanā, Sanskrit: Anupasyanā).
Kết quả là lần lần ta sẽ thấy rõ những qui luật tự nhiên điều hành thế gian:
Tất cả câu trả lời là: do nhân duyên, hay là Y Duyên Tánh (Idapaccayatā).
Tới đây, tạm cho là ta có Pháp Trí, nhận ra được Pháp Tánh (Dhammatā/ Dharmatā).
Như vậy, rõ ràng trí tuệ phát sinh từ sự quan sát, suy gẫm, khảo sát tường tận hiện tượng thế gian, thông qua những khả năng của não bộ con người mà có. Có thể nói chúng ta phải vận dụng tất cả những cấu trúc khách quan của não bộ mình: hệ thống vỏ não, hệ thống viền não. Mà muốn cho hai hệ thống này hoạt động thì tất cả cơ thể chúng ta cũng phải hoạt động điều hòa, như: hệ thống tuần hoàn, hệ thống hô hấp, hệ thống tiêu hóa, hệ thống bài tiết v.v…
Vậy mình muốn nói điều gì đây?
Thân, tâm và trí tuệ của chúng ta cũng chỉ là một, nhưng thực sự trí tuệ là pháp nổi bật nhất, chính trí tuệ là chủ thể tất cả thân và tâm, và cũng chính trí tuệ là nguồn cội phát triển Giới- Định- Tuệ của mình.
Trí tuệ ở đây, mình muốn nói trí tuệ siêu vượt, hay Bát nhã (Paññā/ Prajñā) (Insight wisdom, transcendental wisdom).
Có thể tạm nói là phương thức Quán, trong bước đầu tu học, quan sát, khảo sát, suy gẫm, nhìn ngắm, cũng là bước thứ hai trong Tam Tuệ: văn, tư, tu.
Chính từ trí tuệ phổ thông (Insight) qua Quán chiếu, chúng ta có thể phát huy những lãnh vực khác nhau của trí tuệ, chư Tổ tạm đặt tên là:
Do vậy, chúng ta có thể nói, tuệ trí (insight) là nền tảng của tiến trình tu tập của mình từ bước đầu, nó sẽ phát huy năng lực sâu sắc hoàn chỉnh lần tới Tuệ bát nhã (wisdom) và Tuệ bát nhã siêu vượt hơn cho tới vô biên.
Nói tới đây, mình hình dung Quán, hay trí tuệ cũng là một, là gốc rễ của cây bồ đề, nó nuôi dưỡng, cung cấp năng lượng cho thân cây phát triển, chia ra 3 nhánh, tạm gọi là Giới, Định, Tuệ. Ba phương thức này cũng có một mục tiêu tương tự nhau, như là “đối cảnh vô tâm” vậy.
Như vậy, ba lãnh vực Giới, Định, Tuệ đều do trí tuệ làm cội rễ, nâng đỡ, nuôi dưỡng, phát huy. Ba nhánh này sẽ tươi đẹp sum suê, ra hoa, ra trái. Hoa thơm, trái ngọt là Tuệ Bát Nhã, sẽ phát huy hoài tới vô cùng, nào là:
Như vậy, từ đầu nguồn cho tới cuối là con đường của trí tuệ, nên chư Tổ đã nói: “Duy Tuệ thị nghiệp”, sự nghiệp của người tu là Tuệ mà thôi.
Hôm nay, bắt đầu vào đông, những ngày cuối tháng 12, một năm nữa sắp qua đi. Thiền sinh mình lại nhớ tới Thầy dù Thầy đã rũ áo ra đi 5 năm trước. Năm năm tròn đã qua đi, thiệt là mau, như 30 năm mình đã theo học với Thầy. Tuần sau, chúng ta sẽ tụ hội lại cùng cất tiếng hát trong ngày Tưởng niệm Thầy:
Bài hát cuối năm này cũng chỉ muốn nói một câu: công ơn của Thầy đối với tất cả chúng con thiệt như trời như biển.
Thiền viện Chân như, ngày 20-12-2024
TN
BÀI HÁT CUỐI NĂM
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download
Cầu xin Tam Bảo gia hộ Ni Sư được dồi dào sức khỏe