KÝ SỰ CHUYẾN ĐI CÀ MAU
11- 2024
Đây chỉ là hai ngày du ngoạn Bạc Liêu và Cà Mau ngoài chương trình. Tuần lễ cuối còn ở Bình Dương nghỉ ngơi chờ ngày trở lại Cali, sau khi hoàn tất 4 khóa tu ở Sàigòn, Tuy Hòa, Quy Nhơn và Củ Chi.
Cuối tháng 11 rồi mà ở Bình Dương vẫn còn nắng nóng, trong nhà không nắng mà vẫn hừng hực. Sư cô Như Minh đã về Mỹ Tho thăm cha mẹ trước khi trở lại Úc châu. Ni đoàn bây giờ chỉ còn cô Như Ngọc, cô Như Châu, cô Như Vân và mình. Suốt ngày mình chỉ ở trong phòng, làm việc, và máy lạnh.
Bác sĩ Sơn đã phát tâm mời ni đoàn du ngoạn miền tây một chuyến tới tận cùng đất nước ở phía nam, tức mũi Cà Mau. Khởi hành ngày thứ sáu 22, về ngày thứ bảy 23. Ngoài 4 vị trong ni đoàn, có gia đình bác sĩ Sơn gồm 3 thế hệ : bác Nguyên Giác là mẹ, bác sĩ Sơn, cô Như Hằng, cô Như Thường, cô Như Nguyện là 3 chị em, cô Thủy cũng là em và thế hệ thứ 3 là Như Phúc, con gái. Ngoài ra có 1 thiền sinh trẻ là Long.
Sáng sớm, 5 giờ trời mờ sáng, chiếc xe 15 chỗ ngồi đã tới Bình Dương đón ni đoàn 4 người, chỉ mang theo mấy cái túi xách nhỏ. Xe trở ra Tân Bình đón thêm gia đình bác sĩ Sơn, lúc 6g30, rồi thẳng đường ra khỏi thành phố.
Khoảng 12 giờ trưa tới thành phố Bạc Liêu, dùng cơm trưa tại 1 tiệm chay, rồi tham quan thành phố Bạc Liêu. Nói tới Bạc Liêu, nổi tiếng từ xưa là gì ? Những ai của thế kỷ XX chắc sẽ trả lời ngay, « công tử Bạc Liêu ». Phải, nên điểm tới thăm trước nhất là di tích của công tử Bạc Liêu. Công tử Bạc Liêu, tên thật là Trần Trinh Huy, thường gọi là Ba Huy vì ông là con trai thứ ba trong một gia đình giàu sang phú quí. Ông là một trong những công tử ăn chơi khét tiếng ở miền nam Việt nam trong những thập niên 30- 40. Ngôi nhà thật rộng, có 2 tầng lầu. Phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ trang hoàng đẹp. Giường, bàn, ghế đều bằng gỗ cẩn ốc xa cừ. Có treo tranh là hình chụp tất cả gia quyến ông. Bên ngoài là sân vườn cây cảnh, được chăm sóc, vì bây giờ là điểm tham quan cho khách du lịch. Ra về, cảm thấy một chút ngậm ngùi. Giàu sang, danh vọng, xa hoa đến mấy, cuối đời tất cả cũng tan biến như mây bay theo gió. Có khác gì giấc mộng như trong câu truyện Hồng Lâu Mộng ngày xưa.
Điểm tham quan thứ hai là khu Tưởng niệm ông Cao văn Lầu, một nhạc sĩ cổ nhạc nổi tiếng ở miền nam ngày trước, dường như là người đã sáng tác khúc hát "Dạ cổ hoài lang" nổi tiếng trong cổ nhạc miền nam. Khu kỷ niệm có 1 tượng đài khổng lồ hình tượng 2 cái nón lá, nét diễm kiều của Việt nam.
Điểm tham quan thứ 3 cũng đặc sắc. Đó là thăm những cây trụ quạt gió khổng lồ. Thiệt ra ở Cali cũng có thỉnh thoảng những cột trụ quạt gió trên đồi núi, mình đi xe chạy vút qua, không có gì đặc biệt. Nhưng ở Bạc Liêu có cho mình những ấn tượng mạnh hơn. Những cây cột trụ quạt gió này đứng sừng sững giữa biển. Từ bờ biển ra tới cây trụ đầu tiên là 7 km.
Đoàn chia ra đi 2 xe. Loại xe chở khách du lịch, có mui mà không có vách. Con đường chỉ vừa đủ 1 xe chạy, nếu gặp 1 xe ngược chiều, thì 1 xe phải lách vào khoảng đường rộng hơn và ngừng lại cho xe kia đi. Ngồi trên xe, gió biển lồng lộng, nắng nóng mà gió vẫn mát lạnh. Một mình, vùn vụt lướt tới, trên biển mênh mông. Xe vẫn lướt tới, gập ghềnh, giữa trời bao la, trên nước bao la, chỉ có gió và nước. Con đường nhỏ hẹp, thẳng tắp, 7 km mà như kéo dài vô tận. Tới chân cây cột đầu tiên thôi, ngước nhìn lên mới thấy cây cột khổng lồ, chắc chắn, cao vút lên trời.
Buổi chiều, mới lên xe đi Cà Mau và nghỉ đêm tại đây. Sáng hôm sau, 7 giờ đã lên xe đi thị trấn Năm Căn, rồi cả đoàn đi ca nô vòng quanh rừng Cà Mau. Sau đó lên xe đi đến vùng Đất Mũi, là miền đất cuối cùng của lảnh thổ Việt nam. Ở đây có cột mốc tọa độ Đất Mũi, có biểu tượng Cà Mau là Mũi Tàu. Đây là miền đất cuối cùng giáp ranh với biển, Thái Bình Dương.
Ăn trưa ở 1 tiệm ăn lớn giữa rừng nước ngập mặn, dĩ nhiên là nhà sàn. Quanh là nước và rừng, rừng đước. Nhà nhà đều là nhà sàn. Bận đi từ Bạc Liêu xuống Cà Mau vào ban đêm, qua một ngày mệt mỏi rồi, nên mình đã chợp mắt ngủ, ban đêm ở nhà quê, đường làng không có đèn, nhà nhà cũng ngủ, đêm thật tối, không nhìn thấy gì hai bên đường. Hôm nay bận trở về, buổi trưa, sáng trưng, tha hồn ngắm nhìn phong cảnh Cà Mau về tới Bạc Liêu cho tới về lại gần Sài gòn, trời mới tối. Tới Sàigòn xe nườm nượp, lại bị kẹt xe, nên về tới nhà Bình Dương thì đã 12 giờ khuya rồi. Trên đường về, mình nhìn thấy gì? Hai bên đường từ Cà Mau, tới Bạc Liêu, toàn là nhà sàn, nước sâm sấp mặt đường, quanh nhà thường là các mảng nước ngập. Cây cảnh không nhiều, dường như chỉ có chuối và dừa chen lẫn với cây dại.
Chiều nay ở Tổ Đình, ghi lại hai ngày du ngoạn này, thấy vui vui. Năm 2024 này thiệt là đặc biệt. Hồi đầu năm, tháng 1, mình đã đủ duyên về Sàigòn, sau đó bay ra Hải Phòng, qua cầu sông Bạch Đằng, rồi đi thăm vịnh Hạ Long, đi thuyền trên biển thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà thanh thoát, tĩnh lặng của những hòn đảo nhỏ lững lờ giữa nước và mây, rồi đi xe ra Hà Nội, xem dân mình sắm sửa ăn Tết thế nào, thấy đường phố bày bán hoa đào, 36 phố phường nhộn nhịp, và đã tận mắt thấy thành cổ Thăng Long. Tháng 11 lại trở về Việt nam, như các năm trước đều dành tháng 11 cho các khóa tu tại Việt Nam. Năm nay mình đã đến Sàigòn, rồi ra Tuy Hòa, rồi ra Quy Nhơn, xong trở về Củ Chi, trạm nghỉ ngơi là Bình Dương, cuối cùng lại đủ duyên đi tới tận Bạc Liêu và mũi Cà Mau.
Như vậy, chỉ gói gọn trong năm 2024, mình đi đủ 3 miền : Bắc- Trung- Nam của quê hương. Đó là quên kể ra, năm nay mình cũng đã hoàn tất các khóa tu ở khắp nơi : Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Thụy Sỹ, và Úc Châu nữa. Bây giờ, tháng 12, mình sẽ bay về Chân Như (ai muốn hiểu là bay về thiền viện Chân Như cũng được !), cuối năm có lễ tưởng niệm Thầy, mình sẽ hỏi Thầy: Con có thể nghỉ ngơi được chưa Thầy ơi !
Tổ Đình, 1- 12- 2024
TN