AI LÀ NGƯỜI NIỆM PHẬT?
Tôi đến với “thiền” lâu lắm rồi hồi còn học …Yoga. Trước khi bắt đầu hoặc trước khi chấm dứt, huấn luyện viên người Đức thường cho ngồi “meditation” khoảng… 5 phút, bằng những câu ngắn gọn nhỏ nhẹ như làn khói: mắt nhấm, buông thả hết, tập trung vào hơi thở và mở con mắt … thứ ba. Ai cũng tuân theo, không gian yên tĩnh trừ tiếng xe cộ dưới đường. Tôi không biết mọi người thế nào nhưng tôi nhiều năm trời cứ thắc mắc hoài về con mắt thứ ba mà theo tôi chỉ là của trí tưởng tượng, muốn nâng cao vấn đề.
20 năm học Yoga tôi chỉ “thành công” ở điểm thư giãn, khi “thiền nằm” vào giờ cuối, là ngủ một giấc ngon lành đến khi nghe tiếng chuông đánh thức 😀… hết giờ.
Một lúc nào đó tôi muốn học thiền mà duyên không có nên tựu trung vào đọc sách. Tôi đến với đạo Phật từ những bài kinh kệ thấm nhuần từ thuở bé, sau này tôi tìm hiểu thêm Phật pháp qua sách vở từ Mật Tông, Tịnh độ Tông, Thiền Tông, cố nuốt vài quyển sách về thiền, Đức Việt đủ cả, nhưng gần như không hiểu gì hết, nghe vài Thầy giảng về thiền cũng chỉ mơ màng rằng… khó ơi là khó, cứ nhìn mãi về một điểm, ma đến thì đuổi ma, Phật đến cũng đuổi cả Phật. Chịu!
Bên Công giáo có rất nhiều Thánh Nữ được Đức giáo Hoàng phong thánh sau khi họ mất, thường do tử vì đạo hoặc một pháp mầu nào đó lúc sinh thời, gần đây nhất là Mẹ Teresa Calcutta người trọn đời một lòng giúp đỡ người cùng cực.
Nhưng Phật giáo ít Nữ tu quá. Tôi tìm tòi và khám phá ra có quyển Michi tác giả Satomi Myodo (1896-1978) xuất bản bên Nhật từ 1956, kể về cuộc đời 40 năm của tác giả trên con đường tìm đạo, nhưng chỉ dịch ra tiếng Anh, Journey in search of the way. Đọc sách Thiền tiếng Việt đã mệt, còn tiếng Anh nghĩ chắc không kham tôi đành chờ đến 2019 mới đọc được quyển Hoa trôi trên sóng nước do ông Nguyên Phong dịch. Quyển sách đầy thú vị kể lắm gian truân của người đàn bà đã 40 giữa thời buổi nhiễu nhương vì chiến tranh thế giới hết thứ nhất đến thứ hai, mò mẫm khó khăn trên con đường đầy thử thách để đến được một mục đích mà bà hằng mong cầu, mơ ước. Để rồi trong giây phút tuyệt vọng, không còn mong ước, bỏ cái Ngã xuống, bà gặp Thiền Sư Yasutani và được Ngài thâu nhận làm đệ tử, theo Ngài đến phút cuối đời.
Có một đoạn văn ấn tượng mãi vào tôi là bà kể thiền sư cho bà một công án “Ai là người niệm Phật?”. Bà về suy nghĩ mãi Ai niệm Phật? Mình chứ ai! Nếu không phải mình thì Ai? Nhưng sau mấy hôm bà thức giấc bừng ngộ cười rồi viết (đại khái) “ôi cái lão Thầy làm khổ ta mấy ngày đêm nay…”. Rồi bà vào bẩm Thiền Sư. Hết.
Bà không viết thêm là bà ngộ ra cái gì mà bà cười! Còn tôi một người chưa biết thiền, lại ít căn cơ càng đâm ra thắc mắc:
Ai bây giờ ngoài cái người đang niệm Phật?
Cái thắc mắc ấy theo tôi mãi. Mà chưa tìm ra được người Thầy cho mình một lời giải thích.
Tôi hay nghe kinh khi lên giường. Có bài nghe mấy đêm luôn mới hết! Có bài nghe đến hết, dù 2,3 giờ sáng.
Cách nay vài tháng rất tình cờ tôi nghe được một Thầy Nam Tông trả lời câu hỏi một cư sĩ có cùng một thắc mắc Ai là người niệm Phật? Thầy cắt nghĩa theo quan niệm Thầy rất rõ ràng mà tôi cũng hiểu và chấp nhận.
Thầy nói: Ai bây giờ? Không có ai cả, vì nói ta (mình) niệm Phật là tự xưng ta, tự nói đến cái Ta, cái Ngã, mà tu là phải diệt Ngã. Vậy thì phải hiểu là Không Ai cả.
Tôi tin là mình đã hiểu và rất bằng lòng với câu trả lời ấy.
Hôm Ni Sư gửi bài 282 chủ trương Thiền Tánh Không giảng tại Thiền viện Như Huyễn ngày 2 tháng 10; buổi tối tôi mở bài, và giật mình khi nghe Ni Sư giảng vào đoạn cuối của buổi về Thiền Công Án, Thiền Thoại Đầu và cắt nghĩa cái công án Ai là người niệm Phật? Ni Sư đã cắt nghĩa chữ Thoại đầu là lời nói đầu câu, nghĩa là TRƯỚC khi nói cái câu đó là cái gì? Trước khi Ai là người niệm Phật là cái gì? Cho nên nếu ta trả lời Ai là sai vì đó không phải đầu mà là trả lời đoạn Cuối câu.
Vậy là nếu ta …Ai là người niệm Phật … Ai là người niệm Phật… Ai là người niệm Phật… thì cái khoảng cách khi mình không nói gì hết, mình như thế nào? Mình có nhận ra tâm mình lúc đó hoàn toàn yên lặng trống rỗng? Cái khoảng cách ấy là cái gap (Lücke) là cái Niệm Chân Như là cái Niệm Biết rõ ràng của Chân Tâm.
Mô Phật con thành tâm đảnh lễ cám ơn Ni Sư.
Và con xin sám hối nếu con viết lại không đúng hết ý của Ni Sư.
Như Bảo/ Tố Nga