GIÁO TRÌNH TU HỌC CỦA THIỀN TÁNH KHÔNG:
từ Kinh Bāhiya tới Bát Nhã Tâm Kinh.
Trong giáo trình giảng dạy thiền Tánh Không của hòa thượng Thích Thông Triệt , gồm lớp Căn Bản và 4 lớp Bát Nhã . Thiền sinh trong lớp Căn Bản được hướng dẫn rất nhiều chiêu thức để giúp tâm yên lặng ( Chỉ ) , được gọi vui là “mì ăn liền “ , như thư giãn lưỡi, để đầu lưỡi chạm chân răng cửa dưới, nhìn chằm chằm, nhìn xa…và nhiều bài kinh căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy , Phật Giáo Phát Triển và Thiền Tông Đông Độ…. đặc biệt là trong những năm đầu tiên , bài kinh Bãhiya được giảng ở lớp Căn Bản, qua các lớp Bát Nhã được học về Như Thật, Chân Như…đồng thời cũng được giảng dạy về Khoa Học Não Bộ, cuối cùng trong lớp Bát Nhã 4 được giảng Bát Nhã Tâm Kinh .
Qua Khoa Học Não Bộ, thiền sinh biết được những tiến trình điện học và hóa học tác động vào những vùng đặc biệt trong não bộ và những hệ thống chuyển vận tín hiệu điều hành sinh hoạt của thân tâm , như hệ thống giao cảm thần kinh hay đối giao cảm thần kinh ; việc dùng các chiêu thức hay phương pháp như Không Nói, hoặc dựa vào hơi thở ( được gọi là pháp thở ) là tập trung vào một đối tượng (Chỉ) , để can thiệp vào những tiến trình này ; hầu đóng cửa trung tâm hoạt động của trí năng ở tiền trán thuộc bán cầu não trái, hoặc cơ cấu mạng lưới thông tin lên não bộ từ tiểu não , để Tâm được yên lặng ; sự yên lặng của tâm thức qua những cách này , tạo ra những hiện tượng gọi là hoạt hóa trên thân hay sảng khoái trong tâm …
Bài kinh Bāhiya nói về ông Bāhiya một lái buôn bị đắm tàu, trôi vào một nơi hoang dã, đồ đạc, quần áo mất hết, phải lấy vỏ cây che thân, được dân địa phương kính trọng như một vị A La Hán ; sau khi biết mình chưa phải là A La Hán, ông đã tìm gặp đức Phật, xin Ngài cho biết thế nào là A La Hán.
Đức Phật dạy Bāniya rằng:
Trong cái Thấy chỉ là Cái Thấy
Trong cái Nghe chỉ là Cái Nghe
Trong cái Xúc Chạm chỉ là Cái Xúc Chạm
Trong Cái Thức Tri chỉ là Cái Thức Tri
ông không là chỗ ấy , ông không là đời này, ông không là đời sau, ông không là đời chặng giữa , thế là đoạn tận khổ đau .
Đức Phật không dạy ông Bāhiya tìm nơi vắng vẻ, kéo chân lên, đặt chánh niệm trước mặt để nhập Định ; mà Phật chỉ bảo Bāhiya
mắt nhìn Như Thật,
tai nghe Như Thật,
xúc chạm Như Thật,
biết Như Thật ,
luôn luôn tỉnh thức ( awareness ) để lúc nào cũng thấy biết Như Thật một cách miên mật , không có kẽ hở giữa hiện tại và tương lai ( chặng giữa ) để cho cái ngã xen vào ; như vậy khi sáu căn( nhãn, nhĩ , tỉ thiệt thân ý ) tiếp xúc với sáu trần( sắc thanh hương vị xúc pháp) chúng sẽ không dính mắc với nhau, nên :
không có Sắc ,
không có Thọ ,
không có Tưởng,
không có Hành ,
không có Thức
nghĩa là Ngũ Uẩn không sanh khởi , sẽ đoạn tận khổ đau.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh , ngay câu đầu , kinh đã khẳng định :
Quán tự tại bồ tát “Hành Thâm “ bát nhã ba la mật đa thời , chiếu kiến ngũ uẩn giai không,độ nhất thiết khổ ách .
- Người tỉnh thức lúc nào cũng rõ Biết mình , thể nhập Chân Như ( Chân Như là cái không tên và ở khắp mọi nơi) , nên Ngũ Uẩn là không , mọi khổ ách biến mất.
Rồi kinh giải thích , khi Ngũ Uẩn không sanh khởi thì :
Xá Lợi Tử sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc ; thọ tưởng hành thức diệc phục như thị .
- Ngũ uẩn không sanh khởi vì căn trần không dính mắc, thoát khỏi Nhị Nguyên , thấy biết Như Thật nên sắc không khác không, không không khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc , và thọ , tưởng , hành , thức cũng không phân biệt.
Xá Lợi Tử thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
- Khi ngũ uẩn không sanh khởi , ta sẽ nhận ra được Chân Như của Thế Giới hiện tượng bên ngoài (vạn pháp ), nên mọi vật không hình thể, không sanh không diệt, không sạch không dơ , không nhiều hơn không ít đi .
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp. Vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận. Vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc.
- Ngũ uẩn không sanh khởi vì nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý không dính mắc với sắc thanh hương vị xúc pháp (12 xứ độc lập với nhau ), có mà như không, thế nên 18 giới không có. Không có vô minh, không hết vô minh, kể cả không có già chết , không hết già chết ( không có 12 nhân duyên) , không có khổ tập diệt đạo ( không có tứ đế ), trí tuệ và sự chứng đắc cũng đều không ( kinh tứ thập nhị chương cũng có ý tương tự, Tu vô Tu tu, Chứng vô Chứng Chứng ) . Tất cả là không.
Bồ Đề Tát Đoả y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố , vô hữu khủng bố viễn ly điên đảo mộng tưởng , cứu cánh niết bàn. Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố, đắc a nậu đa la tam niệu tam bồ đề.
- Người tỉnh thức , biết rõ mình là Chân Như, tâm không còn ngăn ngại, lo sợ ; xa rời Thế Gian điên đảo của tưởng tri , tự nhận ra niết bàn ; Ba đời chư Phật cũng từ sự tỉnh thức nhận biết về Chân Như mà nhận ra quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác.
Cố tri bát nhã ba la mật đa cố , thị đại thần chú , thị đại minh chú , thị vô thượng chú , thị vô đẳng đẳng chú , ngăn trừ nhất thiết khổ , chân thật bất hư . Cố thuyết ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết :
YẾT ĐẾ YẾT ĐẾ , BA LA YẾT ĐẾ, BA LA TĂNG YẾT ĐẾ , BỒ ĐỀ TÁT BÀ HA.
- Sự tỉnh thức ( awareness ) nhận biết Chân Như là đại thần chú, là đại minh chú, là bài thần chú vô song , là bài thần chú không có đẳng cấp nào sánh bằng, giúp loại trừ mọi khổ ách là chân thật không sai. Sự tỉnh thức nhận biết Chân Như được tuyên bố rằng:
YẾT ĐẾ YẾT ĐẾ BA LA YẾT ĐẾ BA LA TĂNG YẾT ĐẾ BỒ ĐỀ TÁT BÀ HA .
(Đi qua, đi qua , đi qua tới bờ bên kia…reo vui. -Thích Tâm Thiện dịch-)
Tóm lại Bát Nhã Tâm Kinh chỉ có một thông điệp duy nhất là nếu ngũ uẩn không sanh khởi, hành giả sẽ thể nhập Chân Như, mọi khái niệm đều biến mất, tất cả là không, đó là điều tối thắng trong việc chấm dứt khổ đau.
Như vậy hòa thượng Thích Thông Triệt trong giáo trình giảng dạy 5 lớp, đã gạn lọc những kinh điển và đã chỉ ra những điều cần thiết nhất , làm hành trang cho các hành giả trên đường tiến tu.
Khoa Học Não Bộ, chứng minh rõ ràng là khi thực hành từ CHỈ ( concentrated ) để có ĐỊNH , ta sẽ đạt được nhất Tâm ( mindfulness )( theo định nghĩa của ngài Mục Kiền Liên Tu Đế ) ; sự chú tâm vào một đề mục để cho tâm yên lặng sẽ tạo ra những phản ứng trên thân , những điều này có thể kiểm chứng bằng khoa học ( hiện tại đã chế tạo được những máy móc giúp bộ não thư giãn sâu ) ; nhưng những gì đạt được chỉ ảnh hưởng đến cái thân tâm vật lý này, vẫn trong tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) , vẫn luân hồi sanh tử, nghĩa là còn trong Tục Đế .
Hai bài kinh Bāniya và Bát Nhã Tâm Kinh đã bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo ; kinh Bāhiya hướng dẫn hành giả thực hành Vô Ngã qua tỉnh thức thấy biết Như Thật , để Ngũ Uẩn không sanh khởi ; Bát Nhã Tâm Kinh đưa ra những bằng chứng về kết quả của việc tu tập này, giúp hành giả có thể yên tâm thực hành , hầu có được Tâm Thuần Nhất mà Đức Phật xiển dương , là đại định bất xuất bất nhập của Lục Tổ Huệ Năng , là Chánh Định trong Bát Chánh Đạo.
Hành trang Thầy đã cung cấp cho chúng ta thật đầy đủ. Giờ ta tự do chọn lựa , tu theo Hiện Tại Lạc Trú của tục đế hay Thể Nhập Chân Như của chân đế , tùy mỗi hành giả .🙏🏽🙏🏽🙏🏽
Tuệ Tâm
Sacramento , tháng 9 năm 2024.
Send comment