Tường Trình về Các Khóa Học và
Ngày Lễ Khánh Thọ
tổ chức tại Thiền Viện Tánh Không tháng 2, 2013
Đầu Xuân Quý Tỵ 2013, Thầy Thiền Chủ mở 3 lớp học bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết, nhằm ngày 13 tháng 2 năm 2013 cho đến hết ngày 27 tháng 2, năm 2013. Các lớp này đặc biệt dành cho các Giáo Thọ và Huấn Luyện Viên Khí Công. Ngày khai giảng là một ngày nắng đẹp có bầu trời xanh biếc, rất ít mây, thời tiết vẫn còn y nguyên cái rét buốt của mùa Đông. Các thiền sinh từ Pháp, Đức, Canada, Thụy Sĩ và khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ tề tựu về Tổ Đình để tham dự các khóa học. Số thiền sinh chính thức tham dự các lớp là 55 vị. Số Tăng Ni chính thức tham dự gồm 3 Tăng và 10 Ni. Vào cuối tuần số thiền sinh dự thính tham dự cũng rất đông có lúc tổng số tham dự lên đến 80 vị.
Lớp Kinh Nguyên Thủy bắt đầu từ ngày 13 cho đến ngày 19 tháng 2, năm 2013. Do thời gian giới hạn cho nên Thầy Thiền Chủ chỉ giới thiệu một số Kinh mà thôi.
Trước tiên, Thầy giới thiệu về lịch sử và nguồn gốc của các Kinh Nguyên Thủy.
Kế đến, Thầy nói rõ mục đích học Kinh Nguyên Thủy là để nắm vững tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật; từ đó gạn lọc, rút ra kỹ thuật thực hành, và cần mượn khoa học để đối chiếu.
Bài Kinh được giảng dạy, trước tiên là bài Kinh Thánh Cầu, Kinh Trung Bộ Tập I phần 26. Bài Kinh này Đức Phật giảng cho tất cả chúng tỷ-kheo ở Savathi. Bài Kinh này nhắc nhở người tu chỉ có 2 việc cần làm: hoặc là luận bàn đạo pháp hay là giữ sự yên lặng. Có 2 loại tầm cầu: Thánh Cầu và Phi Thánh Cầu. Đức Phật đã kể lại tiến trình tu chứng và thành đạo của Ngài. Sau khi thành đạo Ngài đã chuyển pháp luân qua việc giảng pháp về Tứ Đế và Vô Ngã Tướng cho 5 anh em Kiều Trần Như.
Tiểu Kinh Saccaka, Kinh Trung Bộ Tập I Phần 35, nhằm giúp chuyển hóa cái TA. Kinh này nói lên sự kiêu mạn của Saccaka đã đem tà kiến về 5 uẩn và cho 5 uẩn là tự ngã và thường hằng để chất vấn Đức Phật và cuối cùng phải bàng hoàng, hổ thẹn, chịu tự nhận là đã quá lỗ mãng và khinh suất khi dám luận chiến cùng Đức Phật.
Trong Đại Kinh Saccaka, Kinh Trung Bộ Tập I phần 36, Đức Phật chỉ dạy cho pháp tu Thân và tu Tâm nhằm vạch rõ sự khác biệt với các cách tu của ngoại đạo nhân việc Saccaka chỉ trích việc tu tập của các Thanh Văn đệ tử chỉ sống chuyên lo tu tập về Tâm, không tu tập về Thân. Đức Phật đã hướng dẫn sự tu tập như sau: với Thân thì không lợi dưỡng mà cũng không khổ hạnh hay ép xác; với Tâm thì dùng pháp Thở và qua 4 tầng Thiền Định để kinh nghiệm được tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sai khiến tức là Tâm Tathà. Với trạng thái Tâm Tathà, Ngài hướng Tâm về các đời quá khứ và chứng được Túc Mạng Minh ở canh đầu. Khi Ngài dẫn tâm và hướng tâm về sự sanh tử của chúng sanh thì đạt được Thiên Nhãn Minh vào canh giữa. Trong canh cuối, Ngài hướng tâm về các nguyên nhân của lậu hoặc và cách đoạn trừ lậu hoặc thì Ngài đạt được Lậu Tận Minh. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ngài đã thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Sau này khi Đức Phật đi ra giảng dạy Ngài nói rõ là những ai đã đoạn trừ được lậu hoặc như là cây ta-la bị chặt đầu, khiến cho không thể tái sanh, không thể sanh lại trong tương lai.
Đại Kinh Sư Tử Hống, Kinh Trung Bộ Tập I Phần 12, thì lại đề cập đến sự siêu vượt của Đức Phật. Bài Kinh này xuất khởi từ việc Sunakkhatta là người đã xuất gia và hoàn tục do thất vọng vì không hề thấy Đức Phật thi thố thần thông, tha tâm thông hay thiên nhĩ thông mặc dù vẫn tin là pháp của Đức Phật có khả năng hướng dẫn người thực hành diệt tận khổ đau. Do nhân duyên này mà Đức Phật nói đến mười năng lực của Như Lai: gồm Như Thật Tuệ Tri về khả năng, về nhân quả, sự tái sanh, sự đa dạng của các cảnh giới, các chí hướng sai biệt của loài hữu tình, căn tánh, khả năng hành trì và ba minh. Do có thực chứng nên giáo pháp của Ngài không thay đổi theo thời gian, do đã dứt trừ tất cả lậu hoặc và tu thẳng vào cơ chế của Tánh Giác và hướng đến Tâm Tathà nên hoàn toàn không bị chướng ngại mà lại có khả năng diệt tận khổ đau. Do tự chứng ngộ, Đức Phật cũng thành tựu bốn pháp Vô Sở Úy dù tiếp xúc với 8 hội chúng, 4 loại sanh, 5 sanh thú và niết bàn. Đức Phật cũng khẳng định là tu khổ hạnh, hay các tà kiến của ngoại đạo không thể chứng được pháp thượng nhân với Thánh Trí Tuệ.
Kinh Bàhiya - Phẩm Bồ Đề thuộc Tiểu Bộ Kinh nói đến sự triệt ngộ hay đốn ngộ (khippapanna) qua 4 tánh của Ông Bàhiya. Qua ba lần thỉnh cầu, Ông Bàhiya đã ở trong trạng thái hoàn toàn yên lặng và khi nghe lời giảng của Đức Phật thì liền nhận ra không có cái TA ở nơi Thấy, Nghe, Thọ Tưởng hay Thức Tri… Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Sau cùng là hai bài Kinh Đại Không, Kinh Trung Bộ Tập III Phần 122, và Kinh Bất Động Lợi Ích, Kinh Trung Bộ Tập III Phần 106, mà Đức Phật giảng dạy cho Tôn Giả Anan phương pháp tu tập để đi đến rốt ráo. Đó là Đạo Lộ Bất Động và kỹ thuật Không Tác Ý Tất Cả Tướng. Đây là kỹ thuật từ chỗ có lời đi đến chỗ không lời. Từ Tâm Phàm Phu đến Tâm Bậc Thánh (Chân Tâm) rồi đến Tâm Như (Tâm Phật). Trong khi đó hành trì “Không Tác Ý Tất Cả Tướng” thuộc phản xạ thụ động tác động vùng Precuneus khiến cho Tâm hoàn toàn yên lặng chính là vào trạng thái default mode network. Với Tâm an tịnh này sẽ thành tựu lợi ích bất động.
Lớp học được kết thúc bằng bài thi viết và thực hành đứng lớp. Hầu hết các thiền sinh đều thành tựu khóa học và được cấp chứng chỉ tốt nghiệp.
Thứ Bảy ngày 16 tháng 2 là ngày Lễ Mừng Khánh Thọ của Thầy Thiền Chủ,
quan khách và thiền sinh đến đông đủ hơn 100 vị để chúc mừng Thầy. Ni Sư Triệt Như đại diện
cho Hội Thiền Tánh Không Trung Ương tổng kết các hoạt động của năm 2012 và công bố các hoạt
động của năm 2013. Đại diện các đạo tràng đến báo cáo và chúc thọ Thầy. Thầy
cũng chia xẻ kinh nghiệm sau một năm nhập thất và đề ra những hoạt động sắp tới.
Sau khi thọ trai, buổi lễ được kết thúc bằng các tiết mục văn nghệ mừng Xuân. ( xin Click vào hình để xem hình lớn hơn)
Thầy Thiền Chủ và Tăng Đoàn Thiền Viện Tánh Không
Thầy Thiền Chủ và Thiền Sinh HTTK Ontorio Canada
Thầy Thiền Chủ và Thiền Sinh Pháp và Thụy Sĩ
Thầy Thiền Chủ và Thiền Sinh ĐT Sacramento
Thầy Thiền Chủ và Thiền Sinh HTTK Houston TX
Thầy Thiền Chủ và Thiền Sinh ĐT SanJose
Thầy Thiền Chủ và Thiền Sinh ĐT Nam California
Tiếp theo là lớp Khoa Học Về Nhận Thức bắt đầu
từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 2 năm 2013.
Khóa học dành cho: Ban Giáo Thọ, thiền sinh đã học xong Tâm Lý Học Phật Giáo 4 & 5 và thiền sinh từ các đạo tràng đã học xong các khóa Bát Nhã đều được khuyến khích tham gia.
Nội dung Tu Học: Khoa Học về Nhận Thức:
- Các loại Nhận Thức trong Đạo Phật
- Vai trò Nhận Thức trong Thiền Phật Giáo
- Tâm trong Đạo Phật
- Thuật ngữ Niệm trong Đạo Phật
- Cách thực tập để an trú trong Tâm Tathà
- Vai trò 4 trạm tiếp vận, cấu trúc và chức năng của vùng Precuneus (Tánh Giác và Phật Tánh) và 3 vùng Hồi Đai
Các chủ đề này tuy đã được giảng dạy trong các lớp Trung Cấp Bát Nhã nhưng đặc biệt kỳ này các chủ đề được dạy lại qua sự tổng hợp từ ba nguồn khác nhau gồm Kinh Nguyên Thủy, Kinh Bát Nhã và Kiến Thức Khoa Học về Não Bộ. Do đó các chủ đề được đào sâu hơn và nhất là khai triển vùng Precuneus hay Phật Tánh.
Riêng phần thực hành Thầy Thiền Chủ cũng dạy cho kỹ thuật Không Tác Ý Tất Cả Tướng. Trong khi kỹ thuật Chú Ý Trống Rỗng sử dụng phản xạ giác quan đi từ ngoài vào trong nên có được quả vị và lợi ích lớn; còn kỹ thuật Không Tác Ý Tất Cả Tướng sử dụng phản xạ thụ động đi từ vùng Precuneus ra ngoài để nhận ra Pháp Tánh và Pháp Giới Tánh của Hiện Tượng Thế Gian khế hợp với giai đoạn Tâm cùng tu với Tuệ đưa đến giải thoát hoàn toàn như được mô tả trong Kinh Đại Bát Niết Bàn.
Lớp được bế mạc vào ngày 23 tháng 2. Có tất cả 47 thiền sinh và 12 Tăng Ni được phát bằng chứng nhận khi đã đậu kỳ thi viết và thực hành đứng lớp.
Cuối cùng là lớp đào tạo Huấn Luận Viên Khí Công Cấp 1 và 2 khai mạc từ ngày 24 đến 27 tháng 2, năm 2013.
Khóa này mục đích thứ nhất là đào tạo các Huấn Luận Viên Khí Công Cấp 1 và Cấp 2. Thứ nhì là trắc nghiệm xem các HLV có lĩnh hội lý thuyết và thực hành không? Sau cùng là ôn lại các tư thế đã được dạy trước để thống nhất cách hướng dẫn Khí Công tại các đạo tràng.
Thầy ôn lại về nghi thức trước khi tập, thời gian và chu kỳ tập, các tư thế, nguyên tắc thở Khí Công (1-4-2): Hít vô, Nén và Thở ra. Xả hay cách thư giãn rất là cần thiết sau mỗi buổi tập.
Thầy nhấn mạnh các tác dụng của Thở Nội Lực đến sự tuần hoàn máu, tăng cường hệ thống miễn nhiễm, tăng cường nội lực, tăng dung tích phổi, gia tăng mao mạch và điều chỉnh được các bệnh thông thường trong thời gian ngắn.
Các thế tập cũ được phân tích kỹ lưỡng qua các giai đoạn Hít vào bằng mũi, Nén, Gá ý và Thở ra bằng miệng nhằm đi đến sự thống nhất khi ra giảng dạy tại các đạo tràng.
Lớp được bế mạc vào ngày 27 tháng 2, năm 2013. Có tất cả 35 thiền
sinh và 11 Tăng Ni được phát bằng chứng nhận đã đậu kỳ thi viết và thực hành đứng
lớp.
Tất cả thiền sinh thành thật tri ơn Thầy Thiền Chủ đã tạo
thuận duyên và nơi chốn thuận tiện cho chúng con về nội trú tại Tổ Đình để tu tập.
Thầy cũng từ bi hết lòng chỉ dạy cho chúng con trong suốt 2 tuần lễ gồm tất cả
3 lớp với các chủ đề khác nhau.
Xin hết lòng tán thán các Thầy Cô Giáo Thọ đã yểm trợ việc học tập của các thiền sinh. Kế đến, xin tán thán công đức của Anh Không Giới, Chị Huệ Giác, Chị Huệ Hạnh, Chị Như Thật và các thiền sinh lo việc hộ thất cho tất cả các thiền sinh thật chu đáo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu tập.
Thiền sinh từ các nơi trên thế giới quy tụ về đây trên tinh thần ngũ hòa, tương trợ và giúp đỡ nhau trong việc học tập. Các thiền sinh luôn theo đúng lịch sinh hoạt và có nhiều năng lực tu tập do đó đạt kết quả học tập rất tốt. Các nhóm đều có tinh thần đoàn kết và hài hòa; luôn lắng nghe Thầy giảng và ghi chép cẩn thận để sau này sử dụng làm giáo án trong việc giảng dạy khi trở về nơi trú xứ của mình.
Xin chân thành cảm tạ công đức của
Anh Tâm Hiền và Chị Tâm Hoa đã cung cấp tất cả kinh sách cho mọi thiền sinh
trong suốt khóa học, cáng đáng luôn việc chụp hình cho thiền sinh và ảnh lưu niệm
cho mỗi lớp học. Hơn thế nữa, anh chị đảm nhận luôn cả việc in ấn chứng chỉ tốt
nghiệp cho tất cả thiền sinh.
Khóa học hoàn mãn, Thầy Thiền Chủ và Tăng Đoàn cùng toàn thể thiền sinh chắp tay hồi hướng đến tất cả chúng sanh, nguyện cùng trọn thành Phật Đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni PhậtĐạo tràng Nam Cali, ngày 5 tháng 3 năm 2013,
Tuệ Chiếu