KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA TORONTO 6- 2024
Từ giã Montreal, sáng ngày 17-6-2024, mình bay đi Toronto. Chuyến bay chỉ hơn 1 tiếng, mình đã chọn phi trường nhỏ của Toronto là phi trường Toronto Island Airport-YTZ. Tại sao mình lại chọn phi trường này? Là vì năm trước, tình cờ mình bay từ Cali qua Toronto tới phi trường này và mình đã có một trãi nghiệm rất ấn tượng trong tâm. Lần đó, máy bay đáp xuống sân thì trời đã về chiều. Trong phi trường đèn sáng trưng, mình không để ý tới màn đêm đang xuống. Tới khi bước lên sàn của cái phà sang qua biển để vào thành phố Toronto, đứng trên phà, nhìn qua khung cửa kính, mới thấy đêm đang bao trùm mặt biển mênh mông. Nhìn xa thành phố Toronto sáng rực ánh đèn. Các tòa nhà chọc trời, mỗi khung kính vuông là một ngọn đèn lấp lánh, xa trông như thành phố giát kim cương. Nhìn lên cao hơn nữa, trên bầu trời đen thẫm, ánh trăng tròn sáng đang tỏa ánh sáng dịu dàng xuống làn nước lăn tăn. Nước cũng long lanh chập chờn bao nhiêu là dãy kim cương xanh xanh đỏ đỏ trắng trắng vàng vàng. Và kìa, cả thành phố Toronto sáng rực đó đang chuyển mình, nhè nhẹ, chầm chậm di chuyển tới gần, gần hơn rồi cuối cùng dừng lại. Phà đã cập bến. Chỉ có vài phút thôi, con phà chỉ đi có vài phút thôi, các bạn ơi. Mình nhận ra “cái đang là”, cũng ngay lúc đó, chính là “cái như huyễn”.
Qua giác quan, thấy “cái đang là”.
Qua trí tuệ, biết đó là “cái như huyễn”.
Thì tương ưng với câu nói của các nhà Phát triển “đương thể tức không” có nghĩa sự vật đang có mặt mà bản thể là trống không. Cho nên thấy “cái đang là” thuộc hiên tượng học (phenomenology), thấy “cái như huyễn” hay “cái trống không” thuộc bản thể học (ontology).
Từ cái trải nghiệm đó, mình thấy hai nhóm từ trong kinh điển Phật học vô cùng chính xác : “như thực” và “như huyễn”, giống như thật và giống như huyễn, ngay đó là trung đạo, không khẳng định cái gì. Hễ khẳng định một cái là rơi vào tranh cãi của nhị nguyên, thí dụ khi mình nói : đó là thực là đã dính mắc vào thế giới hiện tượng, hoặc nếu nói đó là giả dối, trống rỗng, trống không, tức là mình đã quên đi thực tế của hiện tượng và đã phủ nhận hiện tượng.
Trở lại chuyện hôm nay, mình chọn phi trường YTZ này là vì nhớ lại kỷ niệm cũ đó, muốn thưởng ngoạn lại cảnh tượng đêm ấy thêm một lần. Nhưng thiệt là hoài công vô ích. Lần này mình đáp máy bay tới phi trường YTZ nhằm buổi xế trưa, trời nắng gắt. Đứng trên phà nhìn ra biển, nước cũng lăn tăn, gió mát, nhìn xa xa thấy thành phố Toronto, những tòa nhà cao chọc trời, xi măng và cửa kính, màu trắng, màu xám, cũng có màu xanh xanh của cây cảnh bên đường phố, các đoàn xe di chuyển trong đường… rồi phà cập bến, mình kéo hành lý bước ra khỏi phà. Đứng trong bóng mát, nhìn quanh tìm người tới đón mình. Ủa sao hôm nay tâm mình thờ ơ như vây ? Cũng đứng trên chiếc phà đó, cũng nhìn ngắm thành phố Toronto mà sao chỉ thấy xi măng và các khung cửa kính khô khan, không có cảm giác Toronto đang tiến tới gần, dang hai tay chào mừng mình trong cái đêm sáng trăng hôm đó ? Chỉ có mấy phút thôi, cái đêm đó, trăng nước mênh mông, lấp lánh màu xanh màu đỏ, nền trời cao đen thẫm lại giát kim cương cứ từ từ tiến tới gần mình. Cảnh tượng đẹp tuyệt vời chỉ có một lần trong đời, cái đang là và cái như huyễn đồng thời xuất hiện trong tâm.
Nhớ lại kinh nghiệm đó, mình liên tưởng tới bốn câu thơ cổ Trung Hoa của chàng thư sinh Thôi Hộ đề tặng trên gốc cây hoa đào, khi chàng trở lại chốn cũ mà không thấy người xưa bên song cửa cạnh gốc hoa đào :
“Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng,
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”.
Ý nghĩa tạm giải như sau :
Bây giờ xin kể tiếp về khóa tu ở Toronto. Năm nay có nhiều thiền sinh kỳ cựu về tham gia, mình biết là các em muốn về gặp thăm mình thôi. Con đường tu các em đã thông hết rồi, đã học trực tiếp với Thầy Thiền chủ từ nhiều năm truớc. Thành ra năm nay các chủ đề trình bày cũng là tổng kết lại về giáo lý và thực hành, cốt cho tất cả nắm vững những bước đi mà không sợ sai lạc.
Sau đây, xin ghi lại những tiến trình thực tập phổ thông:
1- NGHE : - nghe tiếng chuông
- nghe tất cả âm thanh
+ Bước 1: Nghe có chú tâm vào đối tượng (tạm nói là Mindfulness): khi mới bắt đầu tập hay khi tâm tán loạn, ưu phiền thì ta cần chú tâm nhiều hơn vào đối tượng. Đó là bước đầu.
+ Bước 2: Nghe Như Thực (yathābhūta), nghe cái đang là. Khi tâm tạm yên, thư giãn, không còn cố gắng tập trung vào đối tượng nữa. Chỉ biết âm thanh đang nghe thôi (awareness).
+ Bước 3: Buông đối tượng, chỉ biết đang nghe, quan sát tâm đang trống rỗng, yên lặng (bare awareness), an trú trong chân tâm.
2- THẤY: nhiều cách mà Thầy ngày xưa đã dạy:
- Nhìn lướt
- Nhìn xa
- Nhìn lưng chừng
- Nhìn thẳng
- Nhìn mà không gọi tên đối tượng
- Nhìn như thực
Tiến trình Thấy cũng tạm theo 3 bước:
Bước 1: Thấy chú tâm vào đối tượng/ mindfulness
Bước 2: Thấy như thực, thấy cái đang là/ Yathābhūta
Bước 3: Thấy trống rỗng, thấy như vậy.
3- XÚC CHẠM:
A- Thư giãn lưỡi cũng qua 3 bước.
Bước 1: có chú tâm vào đối tượng
Bước 2: thư giãn, chỉ biết đang thư giãn lưỡi
Bước 3: quan sát tâm đang yên lặng, trống rỗng.
B- Thiền hành: chân đi, biết như thực sự xúc chạm:
-trên sõi
-trên cỏ
-trên đất
C- Thở: tạm ghép với kinh Niệm xứ, có 5 bước tập sau:
1) Biết như thực hơi thở vô - ra.
2) Quan sát tác động sinh học trong thân
3) Quan sát tâm đang trong sạch, tĩnh lặng
4) Quán tánh sanh diệt trên thân
5) An trú chánh niệm như vậy.
4- NHẬN THỨC: Không Nói, cách này tạm chia ra 4 bước thực tập.
1- Nói thầm “không nói…o..không nói ……..”
Vòng tròn đỏ biểu hiện cho lúc đó là cái biết trong sạch, tĩnh lặng, khách quan có mặt khi không nói thầm. Chỗ đó, ngài Mã Minh nói là “niệm chân như”, là cái biết của chân tâm.
2- Kéo dài khoảng trống khi không nói thầm. Nói thầm nhỏ hơn. Cái biết của chân tâm kéo dài hơn, vững chắc hơn.
3- Quan sát tâm trong sạch, tĩnh lặng khi không nói thầm.
4-Buông chủ đề. An trú vững chắc trong chân tâm.
Trên đây là tổng kết lại những phương cách thực tập dùng giác quan và có đối tượng trong bước đầu dẫn tới bước cao hơn, liên kết cả Quán, Chỉ, Định và Tuệ trên tiến trình tu tập của mỗi người. Khi tâm mình tạm dừng, yên lặng, tạm xem là Samatha, nhưng nếu còn khởi niệm dính mắc chuyện đời, thì cần Quán chiếu thêm về Vô thường. Bấy giờ có thể quan sát thế gian, thấy biết Cái đang là, tâm khách quan, yên lặng. Tuy nhiên nếu vẫn còn đôi khi ưu tư, dính mắc việc đời, thì phải Quán chiếu thêm về lý Duyên sinh, nghiệp báo, nhân quả, bấy giờ tâm sẽ bình an, không dính mắc nữa. Khi tọa thiền sẽ dễ tĩnh lặng sâu hơn, an trú vững hơn trong chân tâm. Như thế tâm vừa có Định vừa có Tuệ đồng thời, trong đời sống hàng ngày.
Đạo tràng Toronto cũng vừa có trưởng đạo tràng mới. Năm trước cô trưởng đạo tràng vì sức khỏe xin bàn giao lại cho cô phó đảm nhiệm tiếp. Nay đúng lúc bầu cử lại, các em chờ cô qua mới xin bầu lại trưởng đạo tràng, kết quả là anh Tâm Hòa, và phó đạo tràng là anh Thắng. Hai anh đều vui vẻ nhận trách nhiệm, cùng nắm tay nhau với tất cả thiền sinh trong đạo tràng, cùng nhau tu tập hài hòa như đã hài hòa từ hơn 15 năm nay.
Ngày cuối ở Toronto, cô Như Anh đưa cô và Như Vân ra bờ hồ ngắm cảnh. Toronto có nhiều hồ. Hồ này nằm ngay giữa thành phố, xe cộ nhộn nhịp, trên đường là những tòa nhà chọc trời, ít cây xanh. Vậy mà tới bên bờ hồ, khuất sau những hàng cây xanh lá, ngồi trên băng gỗ, nghe gió mát, công viên lại vắng người. Thấy thảnh thơi, hít thở gió mát, thấy cuộc đời nhẹ nhàng. Hay là tại mình mới xong khóa tu, trách nhiệm với Thầy xong được một chút, bay về Tổ đình trình Thầy, thế nào Thầy cũng vui, thì nhìn lên không phải Thầy đang cười đó sao. Chợt trông ra mặt hồ mênh mông, môt chú thiên nga lông trắng như tuyết, bềnh bồng thảnh thơi, một mình, giữa trời và nước bao la. Bên một phiến đá bờ hồ, một cành hoa dại, nho nhỏ tím tím hồng hồng cũng thảnh thơi đón gió. Nhỏ nhoi, đơn độc, thản nhiên giữa đất và trời.
Sáng hôm sau, từ giã Toronto, mình bay về Tổ Đình.
Thiền viện, 4- 7- 2024
TN