Ý NGHĨA KHÁC NHAU CỦA TỪ PHÁP
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Sáng hôm nay, thứ bảy 8 tây tháng 6 năm 2024, sinh hoạt tại đạo tràng Nam Cali.
Bữa hôm nay quý vị có yêu cầu cô cái gì đặc biệt không? Vậy thì hôm nay cô trình bày lại chủ đề Pháp.
Đây là một chủ đề cô rất tâm đắc và mỗi lần cô giảng thì có thể sâu sắc hơn một chút.
Hôm nay cô trình bày một từ ngữ thôi, đó là từ Pháp, tức là Dhamma vì mình có hai tạng Kinh, một bằng tiếng Pāli và một bằng tiếng Sanskrit cho nên cô chú thích hai từ Dhamma tiếng Pāli với Dharma tiếng Sanskrit. Ngoài ra có số nhiều của từ này là chữ "a" có thêm dấu huyền "ā" là Dhammā và Dharmā.
Phần trình bày hôm nay, cô tạm xếp loại cho gọn những ý nghĩa khác nhau của từ Dhamma. Phần này là cô xếp loại chứ không có trong kinh sách nào hết, thành ra quý vị cứ nghe rồi suy gẫm lại. Nếu thấy hợp lý thì chấp nhận còn có ý kiến gì khác thì tùy ý. Từ ngữ Pháp, từ xưa tới giờ có rất nhiều ý nghĩa và ý nghĩa của nó rất rộng cho nên cô tạm gom lại để phân ra ba nội dung khác nhau tức là có thể xếp vào ba ý nghĩa khác nhau của từ Dhamma.
Ý nghĩa thứ nhất của Pháp có nghĩa là những chân lý thường hằng, nghĩa là nó có một cách tự nhiên và không bao giờ thay đổi; nghĩa là từ khi có thế gian thì nó đã có những chân lý này và áp dụng tất cả mọi thời đại, mọi không gian. Đó là những định luật, tức là những luật cố định, không bao giờ thay đổi. Những lời dạy của Đức Phật trình bày về những chân lý này có giá trị ở chỗ Đức Phật nhận ra những qui luật phổ quát chi phối cả vũ trụ chứ không phải chỉ chi phối hành tinh của mình thôi. Những chân lý vận hành vũ trụ có nhiều lắm. Các tạng kinh điển cũng chỉ là để trình bày, giải thích về những sự thật này mà thôi. Các nhà Phật học Phát triển tạm phân ra hai loại chân lý theo mức độ sâu sắc hay là không sâu sắc. Hai loại chân lý này tạm đặt tên là Tục đế bát nhã và Chân đế bát nhã.
Tuy nhiên chúng ta xem như mình là những người bình thường, từ xưa tới giờ mình sống trong tập thể gia đình hay xã hội hay quốc gia của mình; mình cũng sống theo một loại chân lý của đời và chân lý của cuộc đời được tạm gọi là Tục đế. Đế là chân lý, tục là của thế gian. Mặc dù mình chưa được Đức Phật dạy tới những chân lý thường hằng, nhưng trong đời sống bình thường mình cũng phải tuân theo những sự thật do con người đặt ra.
Tại sao gọi là sự thật có nghĩa là nó cụ thể, nó chi phối đời sống bình thường của mình và mọi người phải tuân theo, cho nên cũng được gọi tên là chân lý hay là sự thật. Cô cho ví dụ những sự thật của con người đặt ra. Ví dụ như mình lái xe đèn đỏ thì ngừng, đèn xanh thì chạy hoặc là mình qui định ở Mỹ thì lái xe bên tay mặt trong khi những xứ khác, ví dụ như bên Úc, bên Anh, bên Ấn Độ thì lái xe bên tay trái; đó là những sự thật, mỗi tập thể phải tuân theo những qui định của tập thể đó. Như vậy, những sự thật của cuộc đời nó có một giá trị tương đối tức là ai thuộc về một tập thể nào, một tôn giáo nào hay một quốc gia nào, một địa phương nào phải tuân theo những luật lệ của địa phương, của tôn giáo, của quốc gia của mình. Như vậy những sự thật này được gọi là qui ước, tức là do chính con người đặt ra và con người phải tuân theo. Nếu không tuân theo thì sự sống chung sẽ không có được an toàn, không có được trật tự.
Như vậy, Tục đế còn có cái tên là chân lý qui ước, nó có giá trị tương đối, chủ quan có nghĩa là nó thay đổi tùy theo thời đại, thay đổi tùy theo tôn giáo, tùy theo tập thể. Những qui ước của thế gian này biểu lộ ra bằng nhiều hình thức lắm. Thí dụ như lời nói, như là chữ viết, như là đặt ra tên gọi .v.v. Những thứ đó là hình tướng của chân lý qui ước. Ví dụ như cái giỏ hoa này, mình thấy cái bông cúc này. Khi mình gọi nó là cái bông cúc đó là qui ước do mình đặt tên; giờ mình nói nó màu trắng thì màu trắng đó cũng là qui ước do mình đặt ra. Thí dụ như cái bông này thì mình đặt tên là bông khác rồi. Nó màu hồng thì màu hồng cũng là qui ước. Cái lá này mình đặt tên đó là cái lá, cũng là qui ước và mình nói nó màu xanh cũng là qui ước. Như vậy, tất cả những tên gọi đều là sự thật qui ước của con người đặt ra. Người Việt thì nói khác, người Pháp nói khác và người Mỹ nói khác cho nên đó là sự thật của cuộc đời là chân lý qui ước hay là tục đế của cuộc đời.
Cô tiến thêm một bước nữa về kết quả của chân lý qui ước. Khi mắt mình nhìn thấy có cái giỏ hoa này thì mình nói nó có thật, đó là cái thấy qui ước của cuộc đời, mình thấy nó có thật rồi mình tiếp tục mình nói nó đẹp, mình nói mình thích. Đó là những kết quả của chân lý qui ước, mình dính mắc vào đây để có những cảm thọ, những cảm xúc dính mắc với cuộc đời. Tuy nhiên chân lý qui ước cũng có ích lợi, nhờ lời nói, nhờ ngôn ngữ, nhờ chữ viết mà chúng ta có thể truyền thông với nhau. Một người phát minh ra được một cái gì hay có thể dùng những phương tiện lời nói, chữ viết hay là những phương tiện truyền thông khác để truyền bá ra những khám phá mới của mình; cho nên nó là nền tảng của sự tiến bộ văn minh, văn hóa, văn chương, khoa học kỹ thuật .v.v. Cho nên chân lý qui ước là trí tuệ của con người. Nó giúp cho đời sống chung được hài hòa, thông cảm và truyền bá ra những phát minh mới lạ, một người tìm ra được một cái gì hay cả nhân loại đều được hưởng. Đó là cái ích lợi của chân lý qui ước. Tuy nhiên, nếu mình dính mắc vào lời nói, ngôn ngữ thì có khi mình sẽ có những kết quả không tốt. Ví dụ như mình lợi dụng lời nói ngôn ngữ, chữ viết để mình rêu rao, mình phỉ báng người, mình kết tội người thì đó là mình đã sử dụng sai lầm phương tiện khách quan của ngôn ngữ, của chữ viết. Hoặc là những phát minh mới thuộc về khoa học kỹ thuật để giúp ích cho đời sống vật chất và tinh thần của con người, nếu như ai đó lạm dụng để chuyển ra thành những vũ khí giết người thì đó là đã lạm dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cô cũng chỉ gợi ý khái quát như vậy để quý vị suy gẫm thêm về chân lý qui ước hay là tục đế. Tóm lại, tục đế có rất nhiều hữu ích cho đời sống của con người nhưng nếu con người lạm dụng, ứng dụng sai lầm thì nó cũng đưa tới những hậu quả không tốt đó là chân lý của cuộc đời.
Cao hơn chân lý của cuộc đời là những chân lý mà Đức Phật dạy.
Bây giờ, cô bước qua lãnh vực khác, tức là cô bước qua giảng Tục đế bát nhã và Chân đế bát nhã. Sở dĩ có từ bát nhã là để phân biệt với những chân lý của thế gian. Hồi nãy, cô giảng chân lý của thế gian là tục đế bây giờ trong Phật pháp cũng có tục đế nhưng nó cao hơn, nó tốt hơn là tục đế của cuộc đời cho nên các nhà Phật học Phát triển tạm thêm vô hai từ bát nhã. Bát nhã tức là phiên âm của từ Paññā là trí tuệ siêu vượt, tức là trí tuệ hiểu biết cao hơn, sâu sắc hơn, chính xác hơn cái trí tuệ của người thế gian thì gọi là Bát Nhã. Trong Phật giáo, Đức Phật đã sáng đạo khi Ngài nhận ra những chân lý chi phối con người, chi phối thế gian, chi phối cả vũ trụ. Tất cả những chân lý này đều có đặc tính chung là phổ quát cho tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi thời đại cho nên giá trị của nó là thường hằng, không bao giờ thay đổi và có tính cách chính xác một cách tuyệt đối.
Đức Phật giảng dạy rất nhiều sự thật, những sự thật này có nhiều mức độ khác nhau cho nên tạm phân ra hai mức độ: một bên là Tục đế bát nhã, một bên là Chân đế bát nhã.
Tại sao lại có từ tục đế ở đây? Vì cũng dùng giác quan để tiếp xúc với hiện tượng thế gian và có thể nhận ra một cách dễ dàng, cũng giống như bên sự thật của cuộc đời, mình ở trong đời cũng dùng giác quan tiếp xúc với cuộc đời và thấy rằng hiện tượng hay đối tượng là có thật cho nên trong cái thấy của tục đế bát nhã cũng tương tự với cái thấy của người đời là dùng giác quan để tiếp xúc với thế gian bên ngoài và nhận biết những đối tượng của giác quan đều là có thật trước giác quan của mình. Thí dụ như mình mở mắt ra, mình nhìn thấy cái giỏ hoa này thì ở trong cái nhìn của tục đế bát nhã cũng dùng giác quan để nhìn và thấy có giỏ hoa này trước mắt của mình; trong cái giây phút này hai cái nhìn đó giống nhau cho nên tạm dùng từ là tục đế. Nhưng khác nhau ở chỗ là người đời nhìn cái giỏ hoa sẽ phân biệt cái bông này màu trắng, nhụy vàng; cái bông kia màu hồng hay là màu tím rồi sinh ra cái tâm là khen, là thích; trong khi cái nhìn của tục đế bát nhã thì cũng thấy giỏ hoa này có thật trước mắt của mình, trong giây phút này chỉ thấy và biết đúng y như sự thật nó đang hiện hữu trước mắt của mình.
Cái tâm thanh thản, khách quan; có giỏ hoa, biết có giỏ hoa từ đó không có sinh cái tâm dính mắc, không có khen, không có chê, không có thích hay là không thích; đó là cái khác nhau của hai cách nhìn. Tục đế thì nhìn thấy có giỏ hoa này có thật và sinh cái tâm dính mắc, để thích hay không thích như vậy là bị lôi cuốn theo cảnh ở bên ngoài, còn cái thấy của trí tuệ gọi là cái thấy tục đế bát nhã cũng dùng mắt nhìn giỏ hoa, thấy có giỏ hoa thật trước mắt của mình nhưng cái Tâm dừng lại; không thích, không khen, không chê mà đồng thời Đức Phật còn giảng dạy thêm là trong cái thấy này, nếu nhìn cái giỏ hoa nhiều lần, hôm nay nhìn, chiều nay nhìn, ngày mai nhìn, ngày mốt nhìn thì sẽ nhận ra nó thay đổi và đó là qui luật vô thường. Thành thử cái nhìn của tục đế bát nhã nó sâu sắc hơn, cao hơn, khách quan hơn, đúng sự thật hơn cái nhìn của người đời đó là điểm khác biệt. Cho nên những chân lý này được đặt tên là tục đế mà có trí tuệ cho nên gọi là Tục đế Bát Nhã.
Cô trình bày như vậy quý vị có nhận ra sự khác biệt không? Tại sao gọi là tục đế và tại sao gọi là tục đế bát nhã? Nó khác nhau phải không? Hai đặc điểm khác thuộc về Tam pháp ấn là khổ và vô ngã ngoài ra có y duyên tánh.
Tất cả những quan điểm này cũng được xếp là Tục đế bát nhã. Cô giảng thêm một chút. Thí dụ như khổ là trong Tứ Diệu Đế, tại sao Tứ Diệu Đế được các nhà Phát triển xếp là tục đế bát nhã? Tại vì chân lý thứ nhất của cuộc đời là biển khổ, người đời như chúng ta sống đều thấy trong cuộc đời của mình có nhiều cảnh khổ xảy tới cho mình hay xảy ra cho những người chung quanh. Từ khổ này rất là rộng, ý nghĩa rộng lắm. Thí dụ như mình đau ốm cũng gọi là khổ, mình đi ra đường mình vấp té thì cũng nói là khổ, mình muốn cái gì đó mà không được thì cũng nói đó là khổ cho nên tất cả những gì không được vừa ý thì gọi chung một từ là khổ. Người đời bình thường cũng nói cuộc đời này khổ. Trong cái thấy của Đức Phật, Ngài cũng bước xuống chỗ đứng của người đời để cũng nói rằng đúng cuộc đời là khổ, cho nên trong Tứ Diệu Đế cái chân lý thứ nhất Đức Phật lại còn phân chia ra 13 thứ khổ nữa. Đó là cái nhìn của tục đế. Tuy nhiên qua tới chân lý thứ nhì thì Đức Phật đã nhận ra được nguyên nhân tại sao khổ mà người đời thì không có nhận ra nguyên nhân mà đổ thừa tại hoàn cảnh, tại người khác chứ không có nhận ra cái nguồn gốc của khổ đau là do nơi mình.
Trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật nói rằng nguồn gốc của mọi nỗi khổ trong đời là do ta mà ta như thế nào thì khổ? Ta khát ái, tham lam, ái dục, đó là cái ta, cái ta- ý thức, cái ngã, cho nên nguồn gốc của khổ đau là tự nơi mình; mình thích, mình dính mắc, mình ham muốn cái gì đó mà không được do đó là nguồn gốc của khổ đau. Qua tới chân lý thứ nhì này thì hiểu được nguyên nhân của khổ đau; đó là trí tuệ phi thường mà người đời không có nhận ra đâu! Cho nên Tứ Diệu Đế cũng được xếp là Tục đế bát nhã.
Tại sao vô ngã cũng được xếp là Tục đế bát nhã? Trong bài Kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật nói rằng con người thật ra là do năm khối kết hợp. Năm khối gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức; khi phân chia con người gồm năm khối có nghĩa là Đức Phật cũng công nhận con người có thật, nghĩa là ta có thật và có thể phân chia làm năm khối hay là năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chính cái nhìn ta có thật và phân chia ra được năm nhóm trong ta. Cái nhìn đó thuộc về cái nhìn của giác quan thuộc về cái nhìn của tục đế nhưng rồi Đức Phật giảng giải ra từng nhóm và chứng minh mỗi nhóm do nhiều nhân, nhiều duyên kết hợp lại mà thành, thực chất là không có cái gì bền vững trong mỗi nhóm cho nên kết luận vô ngã; thành thử khi lý luận về vô ngã bắt đầu là tục đế nhưng có trí tuệ cho nên gọi là Tục đế bát nhã và khi chứng minh được vô ngã thì cái trạng thái vô ngã đã tiến qua Chân đế bát nhã rồi.
Cô phân tích tới lãnh vực cuối cùng là y duyên tánh. Y là nương tựa, duyên là điều kiện. Tất cả thế gian này có là do rất nhiều điều kiện thành lập nên đó là cái thấy bằng giác quan có thể nhìn thấy rõ ràng y duyên tánh. Ví dụ như cũng là cái giỏ hoa này; tại sao cái giỏ hoa có bông màu trắng, có bông màu hồng, có lá kết hợp lại, rồi có cái bình, cái giỏ, rồi có nước v.v., rồi có người làm. Đó là mới kể sơ sơ những cái mình thấy rõ ràng trước mắt. Nếu mình truy ra nữa, mình sẽ nói làm sao có cái bông? Phải có người trồng mà người trồng như thế nào? Có đất, có nước, có gió v.v. Mình suy ra cái giỏ bông này có mặt hôm nay là do vô số điều kiện hội tụ lại, tạm đặt tên là cái giỏ hoa, cho nên cái giỏ hoa là một hiện tượng thế gian được kết hợp do vô số điều kiện. Đó là mình có thể nhìn bằng con mắt để nhìn thấy có cái giỏ hoa có thật, nhưng khi mình hiểu nó được kết hợp gồm nhiều điều kiện thì cái đó là bằng trí tuệ. Do đó y duyên tánh được xếp là Tục đế bát nhã.
Có một chân lý thứ nhì tên là Chân đế bát nhã gồm những bản thể. Bản thể tức là những đặc điểm sâu sắc, ẩn tàng bên trong hiện tượng, phải bằng trí tuệ mới nhận ra được tới cái bản thể và đây là những cái bản thể cuối cùng, nó cũng chi phối tất cả hiện tượng thế gian gồm có tánh Không, tánh Huyển, tánh Chân như, tánh Bình đẳng.
Cô đúc kết lại. Tục đế bát nhã là cái nhìn về mặt hiện tượng, còn chân đế bát nhã là cái nhìn trên mặt bản thể. Hiện tượng thì có thể nhận biết qua giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, còn bản thể phải nhận biết bằng trí tuệ bát nhã tức là trí tuệ siêu vượt. Có khi người ta xếp Tục đế bát nhã là thuộc về hiện tượng học là từ “phenomenology”, còn chân đế bát nhã người ta xếp là bản thể học “ontology” đó là sự xếp loại của Đại thừa.
Đây là cô mới trình bày khái quát về ý nghĩa thứ nhất của từ dhamma là bao gồm tất cả những chân lý thường hằng bất biến mà Đức Phật đã trình bày ở trong kinh điển. Chúng ta phải nắm cho thiệt vững chỉ có những chân lý này mà thôi. Nhưng có hằng hà kinh điển sách vở giải thích, bàn luận về những chân lý này; nếu chúng ta không nắm vững chúng ta sẽ bị rối ren, mơ hồ; còn mình nắm tất cả lại chỉ có bấy nhiêu chân lý này mà thôi. Tuy nhiên mỗi sự thật được bàn luận, được giải thích trong rất nhiều khía cạnh khác nhau; mỗi vị giải thích trong cái nhìn chủ quan của họ. Thành thử nếu mình không nắm vững có khi mình lại không nhận ra rõ ràng. Cô mong rằng quý vị nắm thật vững những lĩnh vực này; đó là những chân lý không bao giờ thay đổi.
Bây giờ cô trình bày tiếp tới ý nghĩa thứ nhì của từ Pháp. Ý nghĩa thứ nhì, đó là những phương pháp, những cách thức thực hành hay là tu tập mà Đức Phật dạy ở trong kinh điển. Có rất nhiều cách tu tập, cô không kể ra hết được vì nhiều vô số. Ở đây, cô chỉ ghi ra những phương thức phổ thông mà trong nhiều năm qua, mình đã có biết như chánh niệm, chánh niệm và tỉnh giác, chánh niệm đặt trước mặt, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, đó là những cách phổ thông chúng ta cũng đều biết hết rồi. Như lý tư duy hay là quán, chỉ, định, huệ, tam tuệ tức là văn, tư, tu hay là Tứ Diệu Đế: khổ, tập, diệt, đạo; nhất là cái chỗ đạo đế đó là Bát Chánh Đạo. Đây là cô liệt kê những phương pháp phổ thông mình đã biết và có thể mình cũng đã thực hành rồi.
Ngoài ra trong kinh cũng còn có rất nhiều cách thức. Ví dụ như chúng ta đã học rồi bài kinh Đại Bát Niết Bàn. Kinh Đại Bát Niết Bàn trong phẩm Pháp Bất Thối, Đức Phật kể ra Bảy Pháp Bất Thối thứ nhất rồi Đức Phật kể ra nhóm Bảy Pháp bất thối thứ nhì, rồi nhóm Bảy Pháp bất thối thứ ba .v.v. Rồi có nhóm Sáu Pháp bất thối nữa, nói chung là mấy mươi pháp thực hành cho tỳ kheo trong thời Đức Phật. Thành thử liệt kê ra rất là nhiều cách để tu tập. Ngoài ra trong mỗi bài kinh ngắn có khi mình cũng nhận biết một phương cách tu nữa. Thành thử ra xem như vô số phương pháp để tu tập.
Đố quý vị tại sao Đức Phật chỉ bày ra quá nhiều cách tu tập như vậy? Tại sao? Tại vì chúng sinh khả năng căn cơ khác nhau, ai thích pháp nào thì tu tập theo pháp đó.
Như vậy, những phương thức thực hành này có tính cách là phổ quát khắp mọi người hay không? Không, nó chỉ có tính cách tương đối, có giới hạn ai thích cái nào thì làm cái đó chứ không phải là làm tất cả. Thí dụ như trong bài kinh Tứ niệm xứ, có rất nhiều cách để thực hành; đâu phải là bắt buộc phải làm hết tất cả những cách ở trong bài Kinh Tứ niệm xứ đâu. Thành ra quý vị nhận biết trong cái ý nghĩa thứ nhì này về cách thực hành, nó không có tính cách phổ quát như ý nghĩa thứ nhất của từ Pháp. Tại vì những phương thức thực hành này Đức Phật lập ra, bày ra để giảng giải tùy theo căn cơ hoàn cảnh của mỗi người.
Bây giờ cô trình bày tới cái ý nghĩa thứ ba của từ Pháp, tức là hiện tượng thế gian.
Trong kinh Đức Phật trình bày rất là gọn tất cả những hiện tượng thế gian không ngoài 18 giới tức là 18 yếu tố này:
- thứ nhất đó là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý
- và thứ nhì là sáu đối tượng của sáu căn: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
- Khi giác quan tiếp xúc với đối tượng thì có cái biết rõ ràng gọi là thức, phát sinh ra sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Ở trong kinh gọi sáu giác quan này là nội xứ tức là bên trong mỗi người; còn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trong kinh gọi là ngoại xứ, nghĩa là bên ngoài thế gian và sáu thức đây là nói về phần tâm cũng như ý là cũng thuộc về tâm.
Như vậy, cô có thể nói tóm gọn lại là thế gian gồm có hai phần, hai phần thôi! Đố quý vị hai phần nào? Một phần là vật chất, một phần là phi vật chất.
Vật chất có tên gọi là gì? Là sắc; còn phần phi vật chất là gì? Là danh, danh và sắc đó là hai; chỉ có hai loại, hai lãnh vực mà thôi: danh và sắc. Danh là từ nāma, sắc là từ rūpa; sắc là vật chất danh là phần về tâm hay là tinh thần. Đó là cô tóm gọn lại ý nghĩa thứ ba của từ Pháp và đây là Pháp số nhiều (Dhammā) là ý muốn nói tất cả hiện tượng thế gian mà bây giờ mình nói theo kiểu bình dân thì hiện tượng thế gian là gì quý vị?
Hiện tượng thế gian là tất cả những gì mà sáu căn của mình nhận biết được; sáu căn chứ không phải năm căn, năm căn là phần vật chất thôi: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là đối tượng của nó là vật chất trong khi đó đối tượng của Ý là phần tâm. Thành ra, mình có thể nói một cách bình dân hiện tượng thế gian bao gồm tất cả mọi đối tượng của sáu giác quan của con người.
Như vậy, có cái gì ở bên ngoài 18 giới này hay không? Có không? Không. Vậy tu là chỉ như vậy. 18 yếu tố này nó còn có tên gọi là Pháp Hữu Vi. Pháp Hữu Vi là pháp do điều kiện. Quý vị nhìn lên bảng, quý vị thấy liền nó do điều kiện mới có. Thí dụ: Tại sao có nhãn thức là vì có sắc và có giác quan là con mắt. Pháp do điều kiện, tất cả 18 yếu tố là do điều kiện hết. Tại sao có con mắt cũng là do điều kiện, nhiều cái hợp lại phải không? Đây là pháp hữu vi mà đặc tính của pháp hữu vi là sao? Là y duyên tánh phải không? Là do điều kiện mà làm ra thì kết quả là như thế nào? Có thường hằng bất biến hay không? Nó thay đổi luôn, là vô thường, có biến đổi, có chấm dứt. Nó có chấm dứt không? Vô thường, biến đổi thì có đi đến chấm dứt hoại diệt nhưng mà có hoại diệt hoàn toàn không? Không. Nó sẽ biến đổi thành cái khác đó là sự tuần hoàn ở trong vũ trụ. Nó thành, trụ, hoại, diệt rồi trở thành cái khác, rồi trụ, rồi hoại, rồi diệt, rồi trở thành cái khác nữa. Đó là sự luân hồi của vũ trụ. Do đó khi mình nhận ra pháp hữu vi thì kết quả là phải như vậy, phải vô thường, phải biến đổi, phải hoại diệt, phải tái sinh.
Đó là cô trình bày ba nội dung của từ Pháp.
Bây giờ tới phần quan trọng nhất. Tại sao ba nội dung đó lại được trình bày trong một chữ Dhamma là vì nó có liên hệ với nhau phải không? Nó có liên hệ với nhau. Quý vị nhìn cái sơ đồ này chắc cũng nhận ra sự liên hệ rồi. Ý nghĩa thứ nhất là những chân lý thường hằng. Ví dụ như tánh Không, có nhìn thấy bằng mắt không? Không. Nó vô hình, tiềm ẩn bên sâu dưới hiện tượng, không thể nhìn thấy, nhận ra bằng giác quan nhưng mà nó có mặt và nó vận chuyển thế gian, cho nên nó hiển lộ ra thành tướng. Nó là tánh mà tánh thì vô hình sâu sắc; nó đã hiển lộ ra thành tướng, tướng của nó là cái gì? Là hiện tượng thế gian mà bây giờ chúng ta sống ở trong đời, chúng ta có giác quan cho nên mình sử dụng giác quan. Bây giờ mình bắt đầu tu tập, sử dụng giác quan mà giác quan thì thấy cái gì? Thấy hiện tượng thôi. Con mắt nhìn thì thấy vật đó là mình phải đi vào bằng cửa thấy cái tướng của hiện tượng thế gian, rồi quan sát suy gẫm sâu sắc hơn, học hỏi để nhận ra cái tánh ẩn tàng bên trong hiện tượng thế gian.
Quý vị nhìn vào đây, quý vị sẽ thấy cái đường đi mà cô ghi mực đỏ, đó là đường tu của mình đó. Mình có trí tuệ sẵn tức là có cái tâm, cái chân tâm mình có. Đây là bản tâm trong sạch của mình, rồi mình mới dùng trí tuệ để quan sát, suy gẫm, học hỏi. Khi mình quan sát tu tập tức là ý nghĩa thứ nhì. Đem những phương pháp mà Đức Phật dạy để mình tu tập thì tu bằng cách gì? Dùng giác quan để nhận ra về hiện tượng thế gian mà nhận ra trước nhất là cái gì? Nhận ra tục đế bát nhã tức là những chân lý đầu tiên của hiện tượng thế gian. Bằng trí tuệ, suy gẫm, quan sát sâu sắc hơn mới nhận ra được thêm tới bản tánh là những chân lý cuối cùng sâu sắc nhất của hiện tượng thế gian; qua tới đây là chân đế bát nhã đó là con đường tu của mình.
Như vậy, trí tuệ của mình càng ngày càng chiếu sáng hơn. Đó là con đường tu. Như vậy, quý vị thấy cái ý nghĩa thứ nhất là chân lý thường hằng. Nó tiềm ẩn, nó sâu sắc và nó thể hiện ra là ý nghĩa thứ ba của cái từ Dhammā là hiện tượng thế gian. Tánh và tướng không khác với nhau; tướng biểu lộ của tánh. Trong mỗi hiện tượng thế gian đều biểu lộ tất cả những bản thể của những chân lý thường hằng. Hiện tượng thế gian biểu lộ những chân lý thường hằng bất biến thì mình phải đi vào bằng các phương pháp tu tập; đây là ý nghĩa thứ nhì. Phương pháp tu tập dùng giác quan để quan sát hiện tượng thế gian. Hiện tượng thế gian đây là ý nghĩa thứ ba để nhận ra bản thể sâu sắc nhất là cái ý nghĩa thứ nhất. Đây là sự liên hệ chặt chẽ giữa ba ý nghĩa của cái từ Dhamma. Không thể thiếu một trong ba cái lãnh vực này. Nếu không có phương pháp tu tập thì chúng ta không thể nào mà trực nhận ra được cái bản thể cuối cùng; cho nên thông qua cái ý nghĩa thứ ba là hiện tượng thế gian để nhận ra bản thể sâu sắc nhất.
Cô cố gắng trình bày tại sao từ Dhamma có nhiều ý nghĩa. Thật ra nó thu gọn lại tất cả vũ trụ ở trong từ Dhamma; không phải là nói thế giới của mình thôi đâu! Cô muốn nói tất cả là tam thiên, đại thiên thế giới gọi chung là hiện tượng thế gian. Tam thiên đại thiên thế giới và đây là những bản thể chi phối tất cả hiện tượng thế gian và đây là những cái phương thức tu tập Đức Phật bày ra để cho mình nhận ra được những đặc điểm của hiện tượng thế gian nó tìm ẩn sâu sắc, đó là những chân lý thường hằng bất biến. Qua chủ đề này cô muốn muốn nhắn nhủ điều gì? Cô muốn để các em phát biểu. Khi nghe cô trình bày chủ đề này, chúng ta có khởi lên nhận thức gì hay không? Cô cũng muốn hỏi các em ở trên zoom nữa. Có ai nhận ra một điều gì hay hay qua chủ đề này hay không? Khi cô giảng bài này ở bên đạo tràng Toulouse, có một em chỉ nói có hai chữ thôi. Em đó nói tuyệt vời! Cô chưa có thì giờ để hỏi em đó tại sao chỉ nói hai tiếng đó.
Bây giờ không ai trả lời thì cô đặt câu hỏi. Những chân lý thường hằng bất biến có phải chỉ nằm trong bộ kinh Pāli và Sanskrit mà thôi. Có phải không? Không phải. Vậy thì ở đâu? Nó ở đâu? Nó ở tất cả mọi nơi phải không? Tất cả mọi hiện tượng thế gian phải không? Mà hiện tượng thế gian có lời nói hay không? Có tên gọi hay không? Có chữ viết hay không? Như vậy, Kinh là gì? Như vậy vô tự chân kinh ở đâu? Ở khắp hiện tượng thế gian, mỗi hiện tượng thế gian là một trang Kinh Vô Tự. Thí dụ như đây, nhìn cái giỏ hoa quý vị có thấy vô thường không? Có thấy y duyên tánh không? Có thấy bản thể trống không không? Tất cả cái gì ở trong đời cũng đều hiển hiện tất cả những chân lý mà Đức Phật dạy. Có đúng không? Mỗi người có hiển lộ tất cả những chân lý đó không? Khi quý vị nhận ra như vậy rồi, quý vị có cần mở kinh ra đọc không? Đó là hiểu liền phải không?
Vô Tự Chân Kinh hiển hiện khắp mọi nơi. Bây giờ, quý vị có hiểu cái câu của bà Bàng Long Uẩn nói: "Dễ dễ dễ, trên đầu ngọn cỏ, ý Tổ sư". Có hiểu không? Ngọn cỏ có vô thường không? Có y duyên tánh không? Có bản thể trống không không? Đó! Ở trên đầu ngọn cỏ cũng là vô tự chân kinh. Phải không? Như vậy mỗi khi mình quan sát một vật gì, một hiện tượng gì; quan sát bằng trí tuệ mình có nghe Đức Phật giảng pháp hay không? Mỗi khi quan sát một hiện tượng bằng trí tuệ mình sẽ nghe Đức Phật giảng pháp. Phải không? Mình hiểu liền tại sao trong thiền, chư Tổ nói rằng Vô Tình thuyết pháp. Vô tình nghe. Mình không có cái tâm lăng xăng thì mình mới nghe được lời thuyết pháp của loài vô tình. Cái này là loài hữu tình hay vô tình? Loài vô tình. Mình nhìn nó, nếu cái tâm mình lăng xăng thì mình sẽ không có nhận ra; cái tâm mình phải yên lặng, trong sạch, dừng lại quan sát nó thì mình mới nghe nó nhắc nhở mình. Bây giờ ta đẹp nhưng mà ta sẽ thay đổi, sẽ héo tàn. Phải không? Đó là nó nhắc nhở mình đó, đó là mình phải không có cái tình cảm của đời, tâm thanh thản trong sạch mới nghe được những lời thuyết pháp của loài vô tình. Đó là câu "vô tình thuyết pháp, vô tình nghe". Hiểu chưa? Nếu như quý vị đọc bài kinh A di đà, thì ở trên đó, chim chóc cũng thuyết pháp. Vậy hiểu không? Vàng bạc, châu báu gì, trái cây gì cũng thuyết pháp hết. Hiểu chưa? Như vậy, chữ Pháp có phải là tuyệt vời không?
Bài giảng hôm nay, cô nghĩ là bốn vị mới này chắc cũng nắm được tại vì cô giảng từ bước đầu. Như vậy mình nắm ra phương thức thực hành chung là vậy, mình không phải bắt buộc phải ngồi thiền đâu! Mình có thể ở trong đời sống bình thường của mình, mình nhìn ngắm cái gì thì chú tâm vào quan sát và suy gẫm thêm thì sẽ nhận ra rất nhiều điều hay ở trong hiện tượng chung quanh mình thôi. Thí dụ như mình nhìn cái này, mình quan sát và đồng thời mình cũng nhận ra cái tâm mình lúc đó nó đang an lạc, mình đâu có khởi ý tham lam, giận ghét gì đâu? Cái tâm bình thường, bình an; chỉ mở mắt nhìn thấy, biết đây là cái bình hoa như vậy thôi, đồng thời mình nhận ra cái tâm mình lúc đó không có dính mắc vô cái bình hoa. Dù cho mình biết nó đẹp nhưng mà rồi thôi. Dừng. Không có khởi thêm cái ý gì khác nữa. Khởi thêm nữa thì nó dẫn tới cái sự dính mắc nhiều vào trong cái bình hoa. Mình thấy nó đẹp, mình biết nó đẹp tới đó dừng được rồi. Dù mình có nói ra cũng được nhưng mà tới đó mình dừng thôi thì cái tâm của mình là cái tâm khách quan, nhìn thấy biết nó đẹp, biết nó đẹp, chấm dứt, không khởi ý gì thêm, tìm hiểu cái bình này của ai? Mua ở đâu? Mua bao nhiêu tiền? Thí dụ mình khởi thêm cái ý đó là mình dính mắc vô đây rồi. Nhưng mình nhìn, mình biết đây là bình hoa và nó đang đẹp, đang tươi rồi chấm dứt. Đó là phương thức tu tập mà tạm đặt tên là thiền hoặc là có khi tạm đặt tên là biết như thật, biết một cách khách quan, biết mà không có cái ngã, không có cái thích hay là ghét gì trong đó, không có cái tâm sân hận, không có phê bình, không có chỉ trích thì cái biết đó vẫn là cái biết của chân tâm.
Đó là phương thức tu tập tạm đặt tên là Thiền, chứ Thiền không có gì bí hiểm hết đó quý vị. Thiền là cái đời sống rất là bình thường, đơn giản. Càng đơn giản thì càng đúng, còn nếu mình rắc rối, mình khởi thêm nhiều ý, suy nghĩ lung tung thì cái đó làm cho tâm của mình rối ren, mà nếu lúc nào cũng rối ren thì mình gặp cái bình hoa này mình đã rối rồi, mình gặp cái áo đẹp mình rối hơn nữa, mình gặp cái chuyện gì khác ở trong đời thì mình càng dính mắc nhiều hơn nữa. Đó là đầu mối của khổ đau. Trước nhất mình hại mình, sức khỏe của mình, nó sẽ suy yếu trước nhất. Thí dụ như, mình nghe ai nói câu gì đó không vừa ý, mình chấm dứt liền không suy nghĩ tiếp nữa. Còn nếu mình cứ nhắc đi nhắc lại hoài trong đầu thì áp suất máu cao liền, mà mỗi ngày cứ áp suất máu cao thì quý vị biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi; đó là mình sẽ bệnh, hết bệnh này tới bệnh kia thôi, đó là mình tự hại mình đó. Thành thử mình có một chút ít kiến thức về khoa học, về y học thì mình sẽ biết cách nắm giữ cái tâm của mình lại để giúp ích cho mình, trước nhất tức là sức khỏe của mình tốt thì cái tâm mình bình an, an lạc thì không khí gia đình nó cũng êm ái, hài hòa. Đó là mục đích của con đường tu của mình, nó đơn giản như vậy thôi. Bây giờ mình đi bộ ở trong sân, trong nhà, mình đi bộ mình cũng có thể ngắm cây cảnh, hoa lá mà đồng thời mình cũng nhận biết cái tâm mình đang bình an, đang an lạc, khách quan thì đó là con đường tu thiền của bước đầu. Khi nào trong tâm mình nó khởi lên một cái gì đó lo thì mình phải suy xét tại sao mình lo, mình lo như vậy nó có ích lợi gì không? Nếu mình thấy nó vô ích thì thôi mình buông bỏ liền, không có lo nữa. Những việc gì trong đời xảy tới mình, giải quyết rồi thôi mình buông; mình lo, mình buồn, mình khổ cũng không có giúp ích được cái gì thêm. Đó là phương thức gọi là thực hành thiền.
Qua bài giảng hôm nay, cô muốn giới thiệu thêm với quý vị là ở trong đời sống hàng ngày của mình, mình có thể nhận ra tất cả những sự thật trong cuộc đời bằng cách là quan sát vào mỗi hiện tượng thế gian mà mình tiếp xúc để nhận ra những lời nhắc nhở của Đức Phật. Thí dụ như, mình nhận ra quy luật vô thường mình cũng đỡ khổ nhiều lắm, đỡ dính mắc nhiều lắm mà nếu như mình nhận được bản thể của cuộc đời chỉ là huyển ảo thôi, như giấc mộng thôi thì tất cả những cái gì buồn khổ nó cũng qua đi. Hạnh phúc hay là sự giàu sang rồi nó cũng qua đi, không có cái gì trường tồn ở trên thế gian, chỉ có cái tâm chân thật, trong sáng của mình là thường hằng thôi. Cô chấm dứt bài giảng hôm nay.
Như vậy thiền không có gì khó nhưng mà do nơi mình thôi, hễ mình tỉnh thức lúc nào thì mình trở về sống trong cái chân tâm của mình, chỉ vậy thôi. Đừng có đòi hỏi gì hết, đừng có mong cầu gì hết, hễ mong cầu là đi lạc đường.
Hết
Pháp thoại: Ni Sư Triệt Như
Phiên tả: Tuệ Chiếu