BÀI 3
KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA BERLIN
5- 2024
Từ giả Rome, đoàn mình bay trở lại Paris. Sáng hôm sau mình bay qua Berlin. Đoạn đường bay tuy ngắn, nhưng cũng có một chút trục trặc vào giờ cuối. Vì không có chuyến bay trực tiếp từ Paris tới Berlin nên mình phải lấy vé có 1 chuyển tiếp ở Munich khoảng 1 tiếng thôi. Vì vậy nên khi lấy boarding pass ở phi trường, mình đã bằng lòng gởi cái hành lý nhỏ carry-on cho gọn nhẹ khi chuyển máy bay.
Sau khi xong tất cả thủ tục, vào ngồi chờ ở gate đi Munich, mình nhớ tới năm rồi, cũng tại phi trường Munich, trạm chuyển tiếp này, carry-on của mình đi lạc, mãi 1 tháng sau nó mới trở về Cali, sau khi mình có một khóa tu ở Schenkenzell mà không có hành lý (!). Năm nay hi vọng “lịch sử không viết lại lần thứ 2”. Thì, bổng nhiên, gần tới giờ vào máy bay thì hảng máy bay báo tin cancel chuyến bay đi Munich. Họ phát hành ngay vé LAX- Zurich và vé Zurich- Berlin. Tuy có khởi hành trễ hơn và giờ tới nơi cũng trễ hơn, nhưng cũng ổn định, khi hành lý của mình cuối cùng mình cũng nhận được đúng lúc.
Đạo tràng Berlin mới thành lâp nên số thiền sinh không đông, chỉ có 20 người, tuy nhiên lớp học cũng vui vẻ, ấm áp, hài hòa. Mình chọn vài chủ đề đơn giản để trình bày, nghiêng về thực hành. Vì khóa tu tổ chức tại một ngôi chùa ở ngoại ô Berlin, nên thiền sinh hầu hết đều nội trú trong chùa. Điều này có tốt hơn các khóa tu khác, sáng tới lớp, chiều về nhà, thiền sinh không sinh hoạt khí công và ngồi thiền buổi sáng sớm và buổi tối chung nhau. Buổi chiều tối, ở đây, thầy trò gặp nhau, nhiều thời gian để giải đáp thắc mắc hay tâm tình nên thân thiện với nhau hơn.
Năm nay thiền sinh Huệ Định đã phát tâm xin được xuất gia, nhưng tính cẩn thận, cô xin xuất gia gieo duyên trước, và xin được thọ trì y áo và thọ trì 10 giới sa di ni sau khóa tu luôn trong 1 năm. Cô Huệ Định là thiền sinh kỳ cựu của đạo tràng Đức từ rất nhiều năm rồi, có thể đã 15 năm, Huệ Định là pháp danh Thầy Thiền chủ ban cho khi cô quy y với Thầy. Khi làm lễ xuất gia gieo duyên cho cô Huệ Định, mình có gợi ý cô vẫn giữ pháp danh Huệ Định là kỷ niệm từ Thầy, cô Huệ Định cũng rất hợp ý vì cô cũng mong muốn giữ pháp danh của Thầy đã ban cho khi xưa. Mình có chụp hình cô khi còn tóc và sau khi phủi tóc, ai cũng thẩy thần sắc cô Huệ Định khác xa. Hi vọng cô Huệ Định được vững quyết tâm và thuận duyên để buớc vào tăng đoàn một ngày không xa.
Về nội dung tu học, mình cũng giới thiệu các chủ đề tổng hợp, nhưng không đào sâu. Mình chỉ nhấn mạnh về các cách thực hành Thiền căn bản, căn bản nghĩa là nòng cốt, không có không được, nếu không vững chắc sẽ không thể tiến lên. Nếu ai sắc bén thì từ nền tảng kiên cố này, sẽ có thể tự mình tiến lên được.
Sau đây mình trình bày lại chủ đề ”Những phương thức thực hành Thiền” đã hướng dẫn trong các đạo tràng.
Chúng ta dùng giác quan để tu tập, nên sẽ nhận ra 3 tánh : nghe, thấy và xúc chạm. Gọi là “tánh” khi nhận thấy cái Biết lúc đó trong sáng, tĩnh lặng, khách quan.
1- Trước nhất là tánh nghe :
. nghe tiếng chuông
. hay tiến lên, nghe tất cả âm thanh
Tiến trình tập có thể chia ra 3 bước :
- Nghe với sự chú ý, chú tâm (mindfulness), tập trung vào âm thanh, như cố gắng gom tâm vào 1 đối tượng để tâm không dính mắc vào nhiều tạp niệm. Tâm từ từ yên lặng.
- Nghe thư giãn (awareness), cũng còn đối tượng, nhưng bây giờ chỉ là nghe ”cái đang là” (Yathābhūta). Tâm khách quan, tĩnh lặng hơn.
- Nghe chỉ biết đang nghe, buông đối tượng/ không để ý tới âm thanh nữa. Khế hợp với ”Trong cái nghe chỉ là cái nghe” (bài kinh Bāhiya). Bây giờ là tánh nghe thuần nhất, tức là chân tâm hiển lộ. Tâm trở về bản thể trong sạch, tĩnh lặng, khách quan, chiếu sáng.
2- Thực tập tánh thấy, có nhiều cách :
. nhìn lướt
. nhìn xa, tổng quát
. nhìn lưng chừng
. nhìn một đối tượng mà không gọi tên.
. không dán nhãn đối tượng
. nhìn thẳng.
Thực tập cũng qua 3 bước :
- Đầu tiên tâm còn lăng xăng tạp niệm, phải gom tâm vào 1 đối tượng, có chú ý, tập trung để tâm không tán loạn (mindfulness).
- Tâm hơi thuần rồi, từ từ thư giãn, không cố gắng nữa, thấy biết như thực (Yathābhūta) “cái đang là” trước mắt. Chỉ thầm nhận biết một cách khách quan ”cái bây giờ và ở đây” (Vipassanā và Samādhi).
- Buông đối tượng, thấy chỉ biết thấy hay thấy trống rỗng (bare awareness), khế hợp kinh Bāhiya ”Trong cái thấy chỉ là cái thấy”. Bây giờ không đối tượng, không chủ thể, chỉ là chân tâm hiển lộ.
3- Thực tập tánh xúc chạm, có 3 giác quan : thân, lưỡi, mũi.
. Thân : thiền hành : biết rõ đang bước đi. Kế tiếp quay lại quan sát tâm đang tĩnh lặng, trong sạch, khách quan
. Lưỡi : thư giãn, biết rõ đang thư giãn lưỡi. Kế tiếp quay lại quan sát tâm đang tĩnh lặng, trong sạch, khách quan.
. Mũi : thở. Có nhiều bước thực hành :
- Tập trung biết hơi thở vào, hơi thở ra, không có tạp niệm (mindfulness)
- Thư giãn, biết hơi thở vào ra tự nhiên (awareness), khách quan (Vipassanā), tĩnh lặng (Samatha)
- Quán chiếu thấy hơi thở có sanh có diệt, vô thường (Anupassanā), bản thể trống không, như huyễn (Paññā).
- Tâm an trú trong chính nó, an trú như vậy (Samādhi).
Trên đây chỉ là tóm lược các phương thức tập đơn giản mà tất cả thiền sinh xưa nay đã từng thực hành, cũng không có gì mới lạ. Tuy mới nhìn tưởng là nhiều, là khác nhau, nhưng nhìn chung cũng chỉ là phương tiện để đem tâm về lại thuở ban sơ trong sáng của chính nó. Tới đây vẫn chưa phải là xong việc. Còn một chặng đường nữa để phát huy từ từ trí tuệ của riêng mình.
Khóa tu Berlin được 5 ngày, từ chiều ngày 19 tới trưa ngày 24 tháng 5. Bế giảng khóa tu xong, ngày 25 mình bay về lại Tổ Đình, mái ấm tâm linh từ hơn 20 năm đã bảo bọc mình qua những sóng gió trong đời.
Tổ Đình, 9- 6- 2024
TN