Bài 1
KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA TOULOUSE
Tháng 5- 2024
Năm nay bắt đầu các chuyến du hóa là đến đạo tràng Toulouse trước nhất. Khóa tu sẽ bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 5 tháng 5, xem như 5 ngày. Mình đã rời thiền viện Tánh Không ở Nam Cali trong ngày 28 tháng 4 để bay tới Toulouse vào ngày 29. Vì Toulouse (Pháp) không có các chuyến bay xa nên mình phải ghé trạm Frankfurt (Đức) đổi máy bay nhỏ tới Toulouse. Về nhà cô Minh Anh, trưởng đạo tràng, nghỉ một ngày, chiều ngày 30 mới đến thành phố Moissac, nơi tổ chức khóa tu hằng năm. Nơi đây ngày xưa là một tu viện của một dòng nữ tu kín, nằm lẻ loi trên một ngọn đồi cao, đường dốc đá, bây giờ đã là nơi nghĩ dưỡng của du khách. Khi mình đến trung tâm ở Moissac thì cũng đã có một số thiền sinh tới rồi, mọi người vui vẻ chào mừng nhau, một số thiền sinh sáng ngày mai mới tới. Sau bữa ăn chiều, cô trưởng đạo tràng sinh hoạt với thiền sinh về nội qui và thời khóa trong 5 ngày tu học sắp tới.
Năm nay có một số thiền sinh từ đạo tràng Paris qua tham gia, ông Tâm Hỷ chuyên chụp ảnh, cô Diệu Trí, cô Hà, tuy lớn tuổi vẫn hăng hái qua tu học, ông Nhất Hòa qua tăng cường thông dịch Việt- Pháp. Thông dịch là một việc quan trọng vì mỗi năm, số người Pháp bản xứ vẫn đông hơn người Việt. Những thiền sinh trẻ người Việt lại giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Việt, nên cũng cần nghe thêm tiếng Pháp. Đạo tràng Toulouse đã có ông Tâm Minh đảm trách thông dịch rồi, tuy nhiên vừa dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp, cũng có khi dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt nữa, nên hai vị phải thay phiên nhau, sau một bài giảng là thay đổi.
Năm nay mình làm powerpoint trước, nên các bài giảng được phóng chiếu ra các slideshows, thiền sinh nhìn thấy rõ các dàn bài. Tuy nhiên vì mình làm tiếng Việt, đôi khi chú thích vài thuật ngữ tiếng Anh, không chú thích tiếng Pháp, nên chưa được hoàn hảo. Mình đã gởi ra tất cả các chủ đề bằng powerpoint cho ông Tâm Minh để chú thích lại bằng tiếng Pháp cho thiền sinh Toulouse ôn lại bài giảng. Năm nay mình cũng cố gắng nghe lại các bài giảng thu âm song ngữ để phổ biến cho thiền sinh Toulouse nghe lại.
Nội dung khóa tu năm nay phần chính là tổng kết các chủ đề nồng cốt của Thiền Phật giáo, từ bước đầu tới bước cuối. Khóa tu nào cũng có thiền sinh mới và đa số lại là thiền sinh kỳ cựu, có khi đã theo tu học 10 hay 15 năm hay hơn nữa. Thành ra phương hướng giảng giải phải đáp ứng với yêu cầu của mỗi mức độ tiếp thu khác nhau. Vì đạo tràng Toulouse từ xưa giờ, người Pháp nhiều nhất, là đa số, so với các đạo tràng Thụy Sỹ, hay đạo tràng Paris, hay đạo tràng Stuttgart thì người Thụy Sỹ, người Pháp và người Đức chỉ là số ít, thiền sinh nói tiếng Việt luôn đông hơn. Mình cũng có nhận định chủ quan thôi, là những thiền sinh nầy có nhu cầu được giải thích rõ ràng, cụ thể và khoa học về Pháp và cách thực tập.
Thông thường trong các khóa tu, mình không tìm hiểu về học thức, nghề nghiệp hay chức vụ của thiền sinh. Tuy nhiên khi có thiền sinh mới, ban điều hành có khi cho biết một chút đặc biệt nào đó về người ấy, như trong khóa tu năm nay, ngoài cô Diệu Trí là một bác sĩ bên Paris đã về hưu, thiền sinh kỳ cựu từ hơn chục năm rồi, kỳ này theo các bạn qua đây tham gia, khóa tu năm nay vẫn có cô bác sĩ thú y người Pháp, từ mấy năm nay vẫn đều đều tham dự, cô đặc biệt dáng người thanh nhã, mảnh mai, ánh mắt nụ cười trong sáng, đặc biệt có mái tóc ngắn màu bạch kim, nổi bật, chăm chỉ lắng nghe, thực hành nghiêm chỉnh. Ngoài ra còn có một ông bác sĩ người Pháp, trẻ, đi cùng bà mẹ, cả hai hiền lành ít nói. Nghe nói năm rồi ông cũng đã có mặt mà mình không để ý, năm nay lại đưa bà mẹ cùng theo. Khi giải thích về vài kiến thức khoa học não bộ liên hệ tới Thiền và việc thực hành Thiền ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào, mình thoáng thấy ông bác sĩ gật đầu nhẹ. Cảm thấy có một niềm vui nho nhỏ và lòng tri ân Thầy biết bao, Thầy đã mang ánh sáng của khoa học não bộ soi chiếu vào con đường Thiền tông, con đường xưa nay còn mờ mờ ảo ảo đối với mình.
Về nội dung tu học thì cũng vẫn có bấy nhiêu thôi, làm sao có chủ đề nào mới lạ hơn nữa. Về thực tập thì cũng vẫn là dùng tất cả giác quan tiếp xúc đối tượng, chỉ Biết thôi, có nói ra lời diễn đạt thì cũng phải trung thực, khách quan. Điều quan trọng là phải nhận ra tâm mình đang trong sáng, tĩnh lặng, khách quan. Trong khi thực tập Thiền hay cả trong đời sống bình thường cũng vậy.
Tâm đang trong sáng là không có lậu hoặc, không tham, sân hay si, là Giới.
Tâm tĩnh lặng, không lăng xăng dính mắc, là Định.
Tâm khách quan, không thiên vị, không lạc không khổ, là Tuệ.
Thiệt ra, cả 3 cũng chỉ là một thôi. Là chân tâm, cả 3 phẩm chất đồng thời hiện hữu.
Trong khóa tu này, mình không đào sâu vào các chủ đề thuộc chân đế Bát nhã, mà mình cho thực tập ôn lại nhiều hơn. Mình dành 1 chủ đề tổng hợp bao quát cả Phật pháp để trình bày vào ngày cuối khóa. Xem như giới thiệu thêm một phương thức thực hành đơn giản mà thâm sâu, thực hành suốt đời, thâm sâu bao nhiêu là tùy nơi căn cơ mỗi người, trí tuệ tới đâu, miên mật thế nào. Đó là chủ đề về Pháp/ Dhamma. Mình sẽ ghi lại ngắn gọn thôi về những ý chính trong chủ đề này.
Pháp/ Dhamma (Pāli)/ Dharma (Sanskrit)/ Dhammā, dharmā (số nhiều).
Mình tạm xếp ra 3 loại ý nghĩa của từ Pháp.
1) Những chân lý thường hằng bất biến chi phối vũ trụ và con người từ xưa tới nay và mãi mãi về sau này. Đây là những qui luật tự nhiên, những định luật vật lý tự có. Đức Phật đã thấy biết rõ ràng và giảng giải lại cho chúng ta.
2) Những phương pháp, những cách thức tu học do Đức Phật kinh nghiệm và bày ra để dẩn dắt chúng ta thực hành theo.
3) Tất cả những hiện tượng thế gian, gọi chung là vạn pháp, chư pháp (từ Dhammā số nhiều).
Sau đây, mình phân tích rõ hơn về 3 nội dung này.
1- Pháp là những sự thật trên thế gian. Khi có thế gian là có những sự thật này. Vì thế gian được hình thành do nhân và duyên nên thế gian luôn thay đổi, biến hoại và chấm dứt, để rồi họp với những nhân và duyên khác lại thành lập nên hiện tượng khác, mang tên gọi khác. Cho nên tất cả những hiện tượng thế gian đều mang một hay nhiều tên khác nhau, mà thực chất trong mỗi hiện tượng hay dưới mỗi tên gọi đều không bền chắc, mà luôn chuyển động, thay đổi, trở thành cái khác. Bằng giác quan con người, chúng ta biết có hiện tượng, và nó thay đổi vô thường, biến dịch luôn. Cho nên nói sâu hơn, bản thể hiện tượng là trống không, trống rỗng, là huyễn ảo, không bền chắc một chút nào. Người có trí tuệ sẽ nhận biết rõ điều ấy, tâm không dính mắc bất cứ cái gì trong đời, tâm trở thành như như bất động, biết tâm như vậy, cảnh cũng như vậy. Chư Tổ tạm phân ra 2 mức độ của chân lý : tục đế bát nhã khi nhìn về mặt hiện tượng và chân đế bát nhã khi nhìn ở mặt bản thể.
- Tục đế bát nhã gồm những chân lý : vô thường, biến dịch, khổ, vô ngã, duyên khởi duyên sinh, luân hồi, nghiệp báo.
- Chân đế bát nhã gồm những chân lý rốt ráo: tánh không, tánh huyễn, tánh chân như, tánh bình đẳng, niết bàn.
Tất cả những chân lý này là khách quan, tự có, không do con người đặt ra, không do đức Phật đặt ra, có từ vô thủy tới vô chung, khống chế tất cả vũ trụ và con người, là chủ thể thành lập, vận hành, cuối cùng hoại diệt, và trở thành cái khác của tất cả hiện tượng thế gian.
2- Pháp có ý nghĩa thứ 2 là những phương pháp tu tập, thực hành để nhận hiểu và áp dụng sống theo các chân lý khách quan ấy. Mục tiêu là để có sự hiểu biết đúng, tâm an vui hài hòa, sức khỏe tốt, đời sống trong gia đình, trong xã hội an toàn tốt đẹp hơn. Trong ý nghĩa này, Pháp do đức Phật kinh nghiệm và sáng tạo ra để giảng giải thích hợp vô số căn cơ khác nhau của chúng sanh. Do vậy, trong kinh điển có rất nhiều cách tu tập, có thể nói là vô số, cũng vì vậy mà về sau các tổ Phát triển nói là có 84 ngàn pháp môn để tu.
Mình thử kể ra những cách thức tu tập phổ thông sau đây:
- Tam học: Giới, Định, Tuệ
- Tam tuệ: Văn, Tư, Tu
- Quán, Chỉ, Định, Tuệ
- Tứ niệm xứ : thân, thọ, tâm, pháp
- Tứ diệu đế : khổ, tập, diệt, đạo
- Tứ như ý túc: Dục, Quán, Định, Tuệ
- Thất giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, định, xả
- Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định
- Bài kinh Đoạn tận ái: thấy vô thường trong các cảm thọ
- Bài Đại kinh Xóm Ngựa.
- Kinh Đại Bát niết bàn : phẩm Bảy pháp bất thối.
- Và hầu như trong tất cả các bài kinh, mỗi bài đều có một pháp nào đó cho chúng ta tu học theo.
Nhìn tổng quát, những phương thức tu tập là những sự thật do đức Phật bày ra tùy theo căn tánh mỗi người mà giảng dạy, vì thế những pháp thưc hành là những sự thật qui ước, có tính cách tương đối, giới hạn, không phải như những sự thật khách quan, phổ quát và thường hằng trong ý nghĩa thứ 1 của Pháp.
3- Pháp trong ý nghĩa thứ 3, viết số nhiều, dhammā/ dharmā, hiện nay tiếng Anh người ta viết thêm chữ “s” (dhammas/ dharmas). Vạn pháp hay chư pháp là những hiện tượng thế gian, nói bình dân, pháp là tất cả những gì đang có ở chung quanh chúng ta. Nói theo kinh điển, Pháp gồm có 18 yếu tố hay thập bát giới. Đó là :
- 6 nội xứ : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý
- 6 ngoại xứ : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp
- 6 thức : nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức
Nói ngắn gọn hơn, pháp gồm có 2 lảnh vực, là danh và sắc. Danh là những gì thuộc tâm, hay tinh thần, hay phi vật chất. Sắc là những gì thuộc vật chất, có hình dáng, có màu sắc do 5 giác quan nhận biết được (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Danh và sắc là pháp hữu vi, tức do nhiều điều kiện làm ra, gọi là pháp duyên sinh, nên chư pháp còn được gọi là “chư hành”.
Sau khi trình bày 3 ý nghĩa khác nhau của thuật ngữ Pháp trong đạo Phật, mình đặt câu hỏi và đây là phần quan trọng của bài tổng kết cuối khóa này. Câu hỏi là :
“Tại sao 3 nội dung khác nhau như vậy lại được trình bày chỉ trong 1 từ duy nhất là Pháp/ dhamma?”
Thiền sinh trong khóa có nhiều câu trả lời, câu nào cũng có phần đúng. Qua những câu trả lời, mình có thể biết mức suy nghĩ, nhận hiểu của thiền sinh ra sao. Mình cũng nhân đây tập cho thiền sinh suy gẫm thêm về bài giảng, đó là áp dụng tiến trình “Văn- Tư- Tu”, cũng là bước đầu tập đào xới kho tàng trí tuệ của mình, dù chỉ là tuệ trí thôi qua quán chiếu, quan sát và suy gẫm. Đồng thời cũng là tập cho thiền sinh có khả năng diễn nói tự tin trước đám đông, đây là bước đầu của nghệ thuật nói pháp.
Bây giờ mình tóm gọn lại câu trả lời chung cho câu hỏi ở trên.
Đứng ở mặt bản thể (ý nghĩa 1) những chân lý khách quan thì không hình sắc, là vô hình đối với giác quan con người. Nhưng chúng đều có chức năng, có công dụng. Nên chúng đã tự biểu hiện ra thành hình sắc, âm thanh, mùi vị, tư tưởng, cảm xúc tạm gọi là những hiện tượng thế gian (ý nghĩa 3). Cũng tạm nói là tiến trình của “Thể- Tướng- Dụng”. Như vậy, ý nghĩa thứ 1 của Pháp là nói về mặt bản thể, ý nghĩa thứ 3 là nói về mặt hiện tượng. Tánh và Tướng là hai mà cũng là một, không rời nhau, không giống nhau cũng không khác nhau. Tánh là mặt ẩn tàng thâm sâu, Tướng là mặt phơi bày ra cụ thể rõ ràng. Tánh nhận ra qua trí tuệ, Tướng nhận ra qua giác quan.
Nhưng làm sao nhận ra ?
Đây là vai trò của Pháp (ý nghĩa thứ 2). Chúng ta đang sống giữa thế gian, hằng ngày tiếp xúc với muôn ngàn sự vật qua 6 căn. Nếu không có phương cách làm chủ tâm thì tâm sẽ rối ren, dao động, dính mắc quá nhiều, khi vui khi buồn lăng xăng. Vậy hiện tượng thế gian (ý nghĩa thứ 3) là những đối tượng cụ thể cho ta tu tập, quan sát, tìm hiểu, suy gẫm (ý nghĩa thứ 2), từ từ ta mới nhận ra đặc tánh dễ thấy nhất là qui luật vô thường, duyên khởi duyên sinh, từ đó mới nhận ra được bản thể trống không, như huyễn của thế gian, cuối cùng tâm như như bất động, bình đẳng (ý nghĩa thứ 1).
Mình chỉ giảng gợi ý bấy nhiêu thôi, ai thấy sâu sắc hơn nữa là kho báu trí tuệ của riêng mỗi người.
Bế giảng khóa tu 5 ngày bằng món quà tặng vô giá của Pháp, mình bay qua Paris.
Thiền viện, 7-6- 2024
TN