Sáu Ba-la-mật[1] và Kỹ Thuật Không Nói
MỞ ĐẦU
Ngày mùng 4 tết năm 1982[2], Thầy Thiền Chủ hoàn toàn chứng ngộ và nhận ra vọng tưởng chính là lời nói thầm trong não. Kỹ thuật Không Nói từ đó đã được đem ra giảng dạy và thực hành trong suốt quá trình hoằng pháp của Thầy Thiền Chủ bắt đầu từ năm 1995. Từ năm 2007, Thầy đã nhờ khoa học chụp hình não bộ bằng máy fMRI để đối chiếu với sự thực hành Thiền qua chương trình thử nghiệm tại trường Đại Học Y Khoa Tübingen. Đến năm 2010, qua kết quả chụp hình não bộ, Thầy đã chứng minh được vị trí 4 Tánh trong não bộ mà nổi bật nhất là vùng Phật Tánh (Precuneus[3]). Từ đó kỹ thuật Không Nói được công thức hóa qua chủ đề “7 Bước An Trú Trong Tâm Tathā[4]”. Kỹ thuật này cũng là một Ba-la-mật vì nó có khả năng đưa người hành giả từ bờ mê qua bờ giác, từ tâm phàm phu đến tâm Tathā, từ có lời đến chỗ hoàn toàn không lời, từ chân lý qui ước đến chân lý tối hậu. Kỹ thuật Không Nói nói riêng (Thiền Phật Giáo nói chung) là một Khoa Học Tâm Linh[5] vì kỹ thuật này được đối chiếu với Khoa học, không dựa vào đức tin hay mê tín mà hoàn toàn tự lực. Dùng “Hồi đáp sinh học[6]” để xác minh rằng khi thực hành kỹ thuật Không Nói sẽ tác động đến các vùng nào trên não bộ mà không sợ bị sai lệch và đem lại kết quả tức thời. Kỹ thuật Không Nói cũng tác động đến vùng Precuneus tức là vùng trí tuệ Tâm linh nên trực tiếp tác động đến vùng tiềm năng giác ngộ. Do đó, người thực hành sẽ có sáng kiến mới, từ trường tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả sẽ có mặt và biện tài được phát huy. Kỹ thuật Không Nói trở thành một công thức thực nghiệm vì dựa vào kết quả tự chứng của Thầy Thiền chủ, của các Tăng Ni và các Thiền sinh.
Trên phạm vi Thiền Phật giáo, Ba-la-mật là đức hạnh kiện toàn hay siêu vượt nhằm phát triển tâm linh qua các giai đoạn tu tập theo từng Ba-la-mật. Tác dụng tối hậu của Ba-la-mật là “phương tiện chuyên chở người qua biển sinh tử đến Niết bàn, đạt được giải thoát tối hậu”.
Như vậy, nếu khéo léo thực hành các Ba-la-mật qua Kỹ thuật Không Nói, người tu có khả năng đến bờ bên kia ngay trong một kiếp hay nhiều kiếp.
BA-LA-MẬT LÀ GÌ?
Ba-la-mật hay Ba-la-mật-đa được dịch âm từ chữ Pāramī hay Pāramitā và dịch nghĩa là “đáo bỉ ngạn” tức là “đến bờ bên kia”. Đến bờ bên kia được hiểu là “Niết Bàn” hay đạt được sự giải thoát tối hậu. Ba-la-mật cũng là đức hạnh, đại hạnh của Bồ tát. Ba-la-mật còn có nghĩa là cứu cánh rốt ráo. Mục đích của đời tu, cũng như bản hoài của chư Phật đối với tất cả chúng sanh, là nhận ra và hằng sống với bản tâm vốn tự thanh tịnh của chính mình. Đó là Phật tánh, Chân tâm, Bản lai diện mục... Nhận ra tiềm năng giác ngộ là chánh nhân thành Phật, hằng sống trọn vẹn với Tâm Như là viên mãn Phật quả.
Theo hệ Phát Triển thì Sáu Ba-la-mật hay Lục độ Ba-la-mật là pháp tu của những Bồ Tát gồm tu sĩ và cư sĩ hướng đến giác ngộ và giải thoát, được hiểu một cách khái quát là sáu phương tiện đưa người từ bờ mê qua bờ giác gồm:
- Bố thí Ba-la-mật: (Dāna Pāramitā Perfection of giving/generosity/charity).
- Trì giới Ba-la-mật: (Śīla Pāramitā Perfection of morality/moral conduct/virtue).
- Nhẫn nhục Ba-la-mật: (Kśānti Pāramitā Perfection of patience/patient endurance).
- Tinh tấn Ba-la-mật: (Vīrya Pāramitā Perfection of vigour/energy/devotion).
- Thiền Định Ba-la-mật: (Dhyāna/Samādhi Pāramitā Perfection of Zen meditation).
- Trí tuệ Ba-la-mật: (Prajñā Pāramitā Perfection of wisdom).
Trong phạm vi Thiền Phật giáo gồm chung 3 hệ: Nguyên Thủy, Phát Triển và Thiền Tông, Ba-la-mật là đức hạnh kiện toàn hay siêu vượt (transcendental) của người áp dụng nó để nhằm phát triển tâm linh qua các giai đoạn tu tập theo từng Ba-la-mật. Tuy nhiên, tác dụng tối hậu của Ba-la-mật mang 2 ý nghĩa cơ bản. Với hệ Nguyên Thủy, các Ba-la-mật là phương tiện chở người qua biển sanh tử đến Niết bàn, đạt được giải thoát tối hậu; không còn trở lại 3 cõi, sáu đường. Với hệ Phát Triển và Thiền Tông, các Ba-la-mật là phương tiện chở người qua biển sinh tử, đạt được giải thoát và thành Phật (Buddhahood), có đầy đủ phương tiện thiện xảo để đời đời độ lại chúng sinh cùng thoát ra khỏi biển sinh tử và phiền não, khổ đau.
KỸ THUẬT LÀ GÌ?
Kỹ thuật là một phương tiện thiện xảo (phương tiện khéo léo, phương tiện thành công: P: upāya: skillful means, means of success). Nội dung chủ yếu của nó là dạy ta cách thực hành đặc biệt để đạt được mục tiêu của pháp học trong từng giai đoạn. Nó là phần đặc biệt nằm trong pháp hành mà trong giáo lý không có đề cập đến nó. Giáo lý như chiếc bè, kỹ thuật như mái chèo hay cây sào, chiêu thức như cách chèo, cách chống. Người giỏi Giáo lý như là người có chiếc bè, nhưng không có cây sào hay dầm bơi, và cũng không biết cách chèo, chống như thế nào để qua sông. Bờ bên kia tuy nhìn thấy, nhưng vị ấy đành ngồi trên chiếc bè, thả trôi theo dòng nước; không biết cách làm sao để đến được bờ bên kia.
TẠI SAO KHÔNG NÓI?
Do nói thầm mà Tâm không bao giờ yên nghỉ ngay cả khi đang ngủ, nói thầm chính là nhiên liệu của sự yêu thích (Tham), ghét bỏ (Sân) và của những đam mê ghiền nghiện, những truyền thống, những ràng buộc của gia đình, xã hội v...v… Nó chính là nguồn gốc của Khổ (Si) vì chính nó là đầu mối tạo ra các bệnh tâm thể, gây ra tranh chấp với mọi người và tạo ra sự mất cân bằng với môi trường sống. Do nhận thức được sự tai hại của lời nói thầm, ta mới biết được những kỹ thuật nào khiến cho vùng nói thầm yên lặng (hàng phục vọng tâm) để cho dòng biết không lời được vững chắc (an trụ chân tâm) thì kỹ thuật này mới có khả năng giúp ta thoát khỏi biển sinh tử. Ta có thể sử dụng kỹ thuật “Không Nói” của dòng Thiền Tánh Không để thực hành. Kỹ thuật này sử dụng “đơn niệm biết” của Trí năng tỉnh ngộ để thành lập ký ức mã số “Không Nói” cất giữ vào các vùng của các Tánh Thấy, Nghe, Xúc Chạm và Tánh Nhận Thức. Hành giả nếu thực hành đều đặn sẽ tự nhận biết trong não có lúc hoàn toàn không có lời nói thầm và không có sự đối thoại qua lại nào trong đầu. Thuật ngữ Thiền gọi là Không Tầm Không Tứ Định hay “Thầm Nhận Biết Không Lời” hay Ngôn hành không động. Nếu tiếp tục thực hành thì sẽ tự nhận ra Tâm càng lúc càng không dính mắc với các đối tượng nữa. Tâm trở nên khách quan và có khả năng thấy vật như đang là. Giai đoạn này được gọi là “Chánh Niệm Tỉnh Giác” hay Thọ Tưởng Biết mà không dính hay Ý hành không động. Nếu tinh tấn thực hành cho đến lúc tâm thường trực yên lặng, rỗng rang và sáng suốt thì được xem là thành tựu bất động (ba hành không động[7]); trí tuệ sẽ khởi sanh. Ngay lúc này xem như Trạng thái Không Nói đã nội tại trong vùng Nhận Thức. Giai đoạn này được xem là đã thành tựu Niết bàn.
KỸ THUẬT KHÔNG NÓI VÀ SÁU BA-LA-MẬT
Bố thí không chỉ có nghĩa là chia xẻ, ban cho hay cung cấp mà còn có nghĩa là không nắm giữ hay buông xả. Người thực hành Không Nói có trí năng tỉnh ngộ sắc bén nên không còn chấp trước, không có sở đắc, hạn chế nhân duyên và tri kiến thế gian. Tất cả mọi ham muốn, mong cầu, mọi tạo tác hay tham vọng đều hoàn toàn buông xả hay cất vào hộc tủ. Khi tiếp xúc với mọi cảnh duyên mà tâm không dính mắc, không khởi niệm chính là hành động buông xả phù hợp với ý nghĩa sâu xa của Bố thí ba-la-mật. Kỹ thuật Không Nói giúp người thực hành có kinh nghiệm “Không Lời”, “Biết Không Khái Niệm” hay đạt được “vô ngã”. Trong tiến trình này, vị ấy kinh nghiệm được “Không Tôi = Không Người Cho”, “Không Cái Của Tôi = Không Vật Cho”, va` “Không Người Được Cho”. Đây chính là tam luân không tịch và cũng là Bố thí Ba-la-mật.
Người thực hành Không Nói có Chánh kiến là hiểu biết đúng đắn theo lời Phật dạy, có Chánh trí là biết rõ ràng đối tượng mà không suy luận hay suy đoán. Người thực hành Không Nói không vọng ngữ, luôn duy trì giới thể “Không Nói” nên thân, khẩu, ý luôn thanh tịnh nhờ đó ý thức tự chuyển hóa, đạo đức trở nên trong sạch. Do thực hành Không Nói mà lậu hoặc bị cô lập và ngã chấp bị cắt đứt. Vì có “không ngã” ta mới lìa xa được các nhơ bợn và ô nhiễm trong tâm. Khi không ngã, Tâm Như sẽ hiện tiền. Tâm Bồ tát thường trực an trú trong Tâm Như đó chính là Trì giới Ba-la-mật.
Người thực hành Không Nói có tinh thần vô chấp, hiểu rõ chân tánh vạn pháp nên không đầu hàng nghịch cảnh hay chướng duyên hay những hoàn cảnh đói khổ, khát, lạnh, nóng và thời tiết gió mùa hay bệnh tật… người thực hành Không Nói vẫn kiên nhẫn vuợt qua. Khi thực hành Không Nói sẽ có cái Biết không lời nên Biết tất cả mà không phản ứng dù thuận hay nghịch duyên và sẵn sàng xả bỏ tất cả. Đây chính là hạnh Nhẫn nhục Ba-la-mật.
Việc hành đạo của Bồ tát là không buông lung, phóng dật, đó là tinh tấn. Tinh tấn không nhất thiết là cố gắng hay ráng sức mà chỉ cần thường xuyên trở lại với chủ đề liên hệ nhằm đem tâm về với thực tại đang là. Thiếu tinh tấn thì bệnh đổ thừa dễ dàng xuất hiện đưa đến giải đãi, lười biếng. Người thực hành Không Nói hoàn toàn buông lỏng và thư giãn, chỉ thường xuyên khởi ý Không Nói trong 4 oai nghi. Lúc mới bắt đầu có thể nói ra lời hay nói thầm cho đến lúc chỉ cần thỉnh thoảng gợi lên trạng thái Không Nói và cuối cùng là thường xuyên ở trong trạng thái Không Nói hay gọi là an trú trong Không Nói. Người tinh tấn không trụ vào các thành quả đạt được. Đây chính là Tinh tấn Ba-la-mật.
Kỹ thuật Không Nói là kỹ thuật Thiền Định. Đối nghịch với Thiền là sự dao động tâm. Kỹ thuật Không Nói là phương tiện chủ yếu của kinh nghiệm và thành tựu được trạng thái tâm yên lặng. Kỹ thuật Không Nói có 4 mức độ: Có Tầm Không Tứ Định, Không Tầm Không Tứ Định hay Thầm Nhận Biết, Chánh Niệm Tỉnh Giác hay Tỉnh Thức Biết và Chánh Định hay Nhận Thức Biết. Kỹ thuật Không Nói chuyển hóa trí thế gian trở thành “tự tánh chân như” trong đó tất cả nhận thức đều rõ ràng mà không bị dao động về tự và tha, năng và sở, trong và ngoài. Trong thực chất đây chính là nhận thức biết không lời như đã nói ở trên. Chính nhận thức biết này tự nhận ra trạng thái Tâm Như của Tâm và thực tại tối hậu chính là Chân Như của hiện tượng thế gian. Đây chính là Thiền Định Ba-la-mật.
Kỹ thuật Không nói làm dịu tất cả tư duy biện luận mà cơ bản là dừng được tiến trình hoạt động của trí năng (citta) để đạt được hiểu biết không khái niệm, cái biết không nhị nguyên tức cái biết của tánh giác. Khi tánh giác trở thành năng lực vững chắc, tuệ giác liền có mặt do thấy, nghe, xúc chạm như thật, tiềm năng giác ngộ trở thành một năng lực hiện thực. Trí tuệ này không phải loại nhận thức suy luận theo luận lý triết học mà trong nhận thức bằng giác quan (phản xạ giác quan) và ngoài giác quan (phản xạ thụ động) hay siêu lý luận. Trí tuệ này cũng vắng bóng vấn đề siêu hình của duy tâm thần bí như tôn sùng Thượng đế, tôn sùng các vị Thần linh hay các vị Bồ tát trong tín ngưỡng hay tôn giáo. Để đạt cứu cánh trí tuệ Bát nhã, Phật thiết lập nhiều pháp nồng cốt mà theo hệ Phát triển gồm có: Chân Như, Không và Huyễn. Thành tựu kỹ thuật Không Nói chính là thể nhập Chân Như hay là thành tựu Trí tuệ Ba-la-mật.
Đặc biệt, muốn đạt được Kỹ thuật Không Nói Ba-la-mật, ta phải áp dụng nguyên lý tâm linh bằng cách thiết lập Bản Đồ Nhận Thức, dựa trên qui luật “Tác động-Tác dụng”.
KẾT LUẬN
Thực hành kỹ thuật Không Nói không bị lệ thuộc vào hình thức, không có triết lý, không có siêu hình. Nếu thực hành Sáu Ba-la-mật qua kỹ thuật Không Nói một cách thiện xảo thì người thực hành sẽ có khả năng đến bờ bên kia trong đời này. Khi thành tựu được kỹ thuật Không Nói Ba-la-mật, hành giả sẽ kinh nghiệm được những kết quả như sau:
- Chuyển hóa tâm phàm phu thành tâm giác ngộ.
- Hài hòa thân, tâm và môi trường xung quanh.
- Phát triển trí tuệ trực giác.
- Thoát ly sinh tử. Kinh nghiệm Niết bàn hiện đời.
- Vô trụ Niết bàn.
- Tứ vô lượng tâm.
- Biện tài vô ngại.
[1] Bài Đọc Thêm Lớp Trung Cấp 3 Bát Nhã: “BA LA MẬT”, năm 2001.
[3] Vùng Precuneus được Thầy Thiền Chủ đem vào giáo trình giảng dạy ở Lớp Trung Cấp 4 Bát Nhã năm 2011.
[4] Slides “7 Bước An Trú Trong Tâm Tathā”, năm 2013.
[5] Sách “Thiền và Kiến Thức Thời Đại”, tr. 62, xuất bản năm 2014.
[6] Sách “Tìm Hiểu và Ứng Dung Thiền Phật Giáo”, Tập 2, Cuốn 2, tr. 321, xuất bản năm 2005.
[7] Sách “Tiến Trình Tu Chứng Của Đức Phật”, tr. 139, tái xuất bản năm 2007.
Các bài đọc thêm, bài thơ, slides và sách đều do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn.
Tuệ Chiếu
Trích Đặc San Tánh Không 2015