Bình thường, ở một người còn sống, cảm giác đau đớn sở dĩ có được là nhờ có não bộ và thần kinh xúc giác, chứ khi một cái thân đã trở thành 1 tử thi, nghĩa là não bộ đã chết, hệ thống giây thần kinh đã không còn làm việc nữa, thì làm sao có cảm giác đau đớn?
Bởi vậy, nếu mình cảm thấy còn dính mắc quá với thân thể của mình thì, theo tôi, mình không nên ký giấy hiến tặng nội tạng. Bởi vì hiến tặng là một hành động cho đi, là bố thí, nếu nó được làm với cái tâm hoan hỉ, hài lòng, thì hành động đó mới đem lại phước báu cho người hiến tặng (donor). Nếu cho đi mà tiếc nuối vật cho, hoặc tệ hơn nữa là cảm thấy giận dữ thì hậu quả của nó là không những không được công đức gì mà còn có thể tái sanh vào khổ cảnh vì cái tâm tử bị nhiễm sự sân hận.
Mình nghĩ là vị này sẽ không thấy đau đớn về thể xác khi bị mổ xẻ lúc đã chết. Vì cũng giống như mình bị đánh thuốc mê trên bàn mổ, minh sẽ không thấy đau đớn. Lúc còn sống mà bị gây mê đã như thế, thì lúc đã chết là mình đi thêm một bước nữa để qua thế giới bên kia thì chắc những cảm giác về thân xác mình sẽ càng không có (nóng, lạnh, đau, ngứa, êm ái , buồn nôn, vv)
Mặt khác, nếu mình chấp nhận chết là chưa hết, còn đời sau, có cận tử nghiệp thì mình nghĩ là thần thức của người này vẫn còn những cảm xúc (émotions).Lúc này mình sẽ không có đau đớn thể xác nhưng mình có thể giận, tức, hay vui vẻ, tức là hỷ nộ ái ố chắc mình còn đầy đủ. Và lẽ dĩ nhiên nếu mình tu chưa nhiều thì tham sân si vẫn còn.
Vậy thì tốt nhất là mình phải sửa soạn tinh thần (bên Công giáo họ nói là ‘’dọn mình’’) trước khi ra đi. Và việc này mình phải làm ngay từ bây giờ, lúc còn sống.
Hiến tặng nội tạng là một trong nhứng việc thiện nhất chúng ta có thể làm được trong một đời người. Vậy mình nên làm sao để không tức giận hay nuối tiếc khi thấy bác sỹ đang mổ người mình để lấy nội tạng, mà ngược lại mình mở lòng từ thì mình sẽ thành công.
Nói tóm lại là phải tu ngay từ bây giờ để tinh thần minh được bình tĩnh lúc lâm chung là tốt nhất.
Cảm ơn bạn thiền sinh đã thắc mắc. Đây là câu hỏi cần suy ngẫm, vì đó là băn khoăn ở hầu hết những người bắt đầu có quan tâm về hiến tạng và đang cân nhắc xem mình có nên thực hiện điều này không. Tuy nhiên, tôi nghĩ, thật khó có thể tìm ra câu trả lời thật sự thuyết phục cho bạn, vì tất cả các thông tin chỉ là suy luận cá nhân, dựa theo những sách vở ghi lại và niềm tin của mỗi người. Do vậy, đối với vấn đề này, các câu trả lời đều mang tính tham khảo và mỗi người tự tìm ra đáp án cho riêng mình.
Ghép tạng hay hiến tặng nội tạng:
Ghép tạng là một tiến bộ mang tính đột phá của khoa học và y học, cho phép sử dụng nội tạng của người vừa chết vào cơ thể khác của bệnh nhân mà không bị phản ứng thải ghép. Nhờ vào ghép tạng, những bệnh nhân đã bị mất khả năng (nghe, nhìn,..) hoặc thậm chí có thể mất đi mạng sống chỉ vì bị hư họai một bộ phận của cơ thể (tim, gan, thận,…) có cơ hội duy trì được cuộc sống và chất lượng cuộc sống. Hiện nay, do số người hiến tạng còn rất ít, mỗi ngày còn rất nhiều người phải chết vì không có tạng phù hợp để ghép. Do lợi ích mà bệnh nhân nhận được nhờ được ghép mô tạng là vô cùng lớn, phước báu của người bố thí (hiến) tạng cũng vô cùng lớn.
Theo lập luận của y học (và đạo đức trong y học), khi một người đã chết, não bộ đã không còn thực hiện chức năng của nó (chết lâm sàng), một số bộ phận cơ thể của họ còn chưa ngừng hoạt động. Tuy nhiên, dù thần kinh cảm giác và vận động tại chỗ (tim gan, thận,…) vẫn còn hoạt động thì những thông tin này vẫn không được não bộ ghi nhận và xử lý, nên người chết không còn cảm nhận được cảm giác từ các cơ quan đó nữa. Cũng giống như tay bạn bị tách rời khỏi cơ thể, thì bạn không còn cảm nhận được phần tách rời đó nữa, cảm giác đau chỉ xuất hiện ở phần cơ thể còn liên hệ với não bộ.
Cận tử nghiệp :
- Thấy lại các nghiệp ác của mình đã làm khi còn sống và sanh tâm tái sinh vào các cõi khổ ở đời sau.
- Thấy lại các nghiệp thiện của mình đã làm khi còn sống và sanh tâm tái sinh vào các cõi thiện lành ở đời sau.
- Tạo nghiệp ác ngay khi lâm chung và sanh tâm “ưu tiên” tái sinh vào các cõi khổ ở đời kế tiếp.
- Tạo nghiệp thiện ngay khi lâm chung và sanh tâm “ưu tiên” tái sinh vào các cõi thiện lành ở đời kế tiếp.
Theo vậy, việc khởi tâm thiện bố thí một phần cơ thể trong khi mình đang còn sống và nhắc lại tâm thiện lành này trong lúc lâm chung là cận tử nghiệp thiện, thúc đẩy việc tái sinh vào các cỏi phước báu ở đời sau.
“Bố thí nội tạng là việc thực hành nghiêm chỉnh giáo pháp. Có thể là bố thí một phần của gan hoặc thận của bạn vì với sự chuyên môn hiện đại, bố thí không có nghĩa là bạn phải hy sinh đời sống của mình,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trong buổi diễn văn tại một cuộc hội thảo kỷ niệm lần thứ 16 “Ngày Viêm gan.”