Não Bộ và Thiền
Bài viết này là một tóm lược giáo trình của Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt, dựa trên các bài đọc thêm của Thầy và các lời giảng của Ni Sư Thích Nữ Triệt Như tại Khóa Bát Nhã Trung Cấp 1.
Trạm tiếp vận thứ nhất: Cơ Cấu Mạng Lưới
Cơ Cấu Mạng Lưới bao gồm một nhóm tế bào não nằm trong hành tủy (medulla). Chúng phóng trục của chúng (project their axons) tới nhiều nơi trên não bộ. Chúng tiết ra những chất hóa học có chức năng điều biến (neuromodulator). Như vậy, cơ cấu mạng lưới có thể tác động trên toàn khắp não bộ.
Chức năng:
Cơ Cấu Mạng Lưới có 4 chức năng. Nó là một trạm tiếp vận đưa thông tin từ nội tạng, và các thông tin từ thế giới bên ngoài đến Đồi Thị. Thông tin từ thế giới bên ngoài được tiếp nhận bởi thụ thể của mắt, tai, thân và lưỡi. Từ Đồi Thị thông tin sẽ đi đến vỏ não. Đó là con đường hướng tâm, hướng về não bộ trung ương. Trên con đường ly tâm, Cơ Cấu Mạng Lưới truyền thông tin từ vỏ não, hay Đồi Thị, hay Dưới Đồi đi xuống nội tạng, và ảnh hưởng đến nội tạng. Nó cũng liên quan đển việc cân bằng thân thể (equilibrium, balance), điều chỉnh thế đi đứng nằm ngồi của xác thân (posture). Nó cũng liên hệ tới việc điều khiển cử động giản dị và cử động bản năng. Một số tế bào não của nó nhận thông tin từ vỏ não và điều khiển sự cử động của mắt. Một số hạt nhân của nó tham gia vào những hành vi bản năng như ho, nhai, nuốt và nôn mửa.
Nó là một cơ chế báo động. Khi ta ngủ say mà có tiếng động lớn, nó sẽ bị tác động mạnh, đánh thức ta dậy để ta đáp ứng thích hợp với tiếng động này. Sự báo động của nó chưa hẳn là chính xác, nhưng ít ra nó tác động vỏ não, giúp cho vỏ não cảnh giác, kiến giải chuyện gì xảy ra và đáp ứng chính xác hơn.
Nó duy trì sự tỉnh thức (arousal) và cảnh giác (alertness). Đặc biệt nó cảnh giác điều gì sắp xảy ra có tính cách bất lợi cho tự ngã. Nó giúp ta có sự ý thức tỉnh táo (conscious arousal) để ta đáp ứng thích hợp với môi trường chung quanh khi ta đối duyên xúc cảnh mà không thông qua các vùng vỏ não tiền trán (prefrontal cortex areas). Nếu nó bị thương, ta có thể rơi vào trạng thái hôn trầm và không bao giờ tỉnh thức lại được.
Nó quản trị toàn bộ sự tỉnh thức của vỏ não.
Nó tập trung sự chú ý. Cơ Cấu Mạng Lưới giúp ta đạt được hiệu quả cao của năng lực chú ý, thông qua 4 căn là tai, mắt, lưỡi và thân. Khi ta tập điều hòa hơi thở theo Thiền Phật Giáo, ta đang sử dụng năng lực chú ý của Cơ Cấu Mạng Lưới.
Trạm tiếp vận thứ nhì: Đồi Thị
Vị trí
Đồi Thị và Dưới Đồi lập thành não trung gian (diencephalon). Cả hai nằm ở dưới 2 bán cầu não và ở trên não giữa (midbrain).
Thông tin giác quan lấy được từ thế giới bên ngoài đi qua Cơ Cấu Mạng Lưới, tới Đồi thị rồi mới tới các thùy của vỏ não. Các thông tin đó từ mắt thấy, tai nghe, lưỡi nếm, da xúc chạm. Riêng mũi ngửi thì tới Dưới Đồi trước, sau đó mới tới Đồi Thị.
Dưới Đồi chứa nhiều nhóm hạt nhân với những tên khác nhau. Chúng có vai trò kiến giải thô sơ hay nhận biết thô sơ các tín hiệu thông tin giác quan mà chúng nhận được. Từ Đồi Thị các tín hiệu này được khuếch tán đến những nơi liên hệ.
Những nơi sau đây truyền tín hiệu thông tin đến Đồi Thị:
· Cơ cấu mạng lưới truyền: sắc, thanh, vị, và xúc
· Dưới đồi truyền: mùi hương, xúc cảm tâm lý và cảm giác từ nội tạng
· Tiểu não truyền sự cân bằng cơ thể
· Ý chí vận động truyền các hoạt động đến nội tạng và tay, chân, thân mình
Chức năng
Chức năng cơ bản của Đồi Thị là:
- Nhận và truyền các tín hiệu thông tin giác quan đến các thùy của vỏ não (thùy trán, đỉnh, thái dương, chẩm)
Làm trung gian và truyền các tín hiệu sau đây tới những vùng liên hệ khác: cảm giác, vận động cơ thể, tỉnh thức vỏ não và ký ức
Nó là cửa ngõ vào vỏ não. “Bóng dáng 6 trần” đều vào nó. Thân nghiệp và khẩu nghiệp cũng được truyền qua cửa của nó. Nó được xem là trạm tiếp vận thứ 2. Nó đóng vai trò quan trọng về thông tin cảm giác (sensory information) truyền khắp não, điều hòa mức độ nhận biết (awareness), cảnh giác (alertness), chú ý (attention), các lãnh vực xúc cảm của kinh nghiệm giác quan.
Trạm tiếp vận thứ ba: Dưới Đồi
Dưới Đồi nằm ở dưới Đồi Thị. Nó thuộc hệ thống Viền Não. Tuy nhỏ và chỉ cân nặng 4g, nó biểu lộ 3 sắc thái Tâm: tâm Phàm Phu, tâm Bậc Thánh, tâm Phật. Nó can thiệp hầu hết vào mọi lãnh vực thái độ, kể cả ăn uống, tình dục, ngủ, điều hòa nhiệt độ, thái độ xúc cảm, chức năng nội tiết, và vận động.
Chức năng
Nó điều hòa tất cả những hoạt động thân và tâm của con người. Nó có khả năng điều chỉnh những chức năng ý thức, thái độ, và nội tạng. Nó giúp thân khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, mà cũng tạo ra bệnh tâm thể, hay sự bệ rạc, tiều tụy của thân. Nó được xem là trung tâm tự quản cấp cao vì nó là Tuyến Chủ của Tuyến Nội Tiết. Qua sự tác động của nó trên Tuyến Yên (nằm ngay dưới nó), nó có thể kích thích hay ngăn chận sự bài tiết của các tuyến nội tiết khác. Do trục thần kinh của những nhóm hạt nhân trong Dưới Đồi kéo dài đến trung tâm Giao Cảm và Đối Giao Cảm ở cuống não, nên xung lực từ Dưới Đồi có thể kích thích liên tục hay ức chế những trung tâm tự quản thấp.
Nói cách khác, Dưới Đồi đóng vai điều hợp, điều hòa, và kiểm soát những hoạt động tự quản bên trong cơ thể. Nó liên kết giữa tâm, não, và thân. Nó liên kết thần kinh với hệ thống tuyến nội tiết.
Nó là trạm tiếp vận chính giữa vỏ não và các trung tâm tự quản thấp, có nghĩa là giữa tâm và thân. Nó tiếp vận những xung lực từ vỏ não xuống các trung tâm tự quản thấp ở cuống não và ở cột sống. Nhờ sự tiếp vận của nó, tâm có thể ảnh hưởng tới thân, giúp cho thân khỏe mạnh, hay tạo bệnh thân lẫn bệnh tâm thể.
Vai trò các trung tâm của Dưới đồi
Đại cương Dưới Đồi có 9 trung tâm quan trọng. Mỗi trung tâm là một nhóm hạt nhân nhỏ.
1. Trung tâm đáp ứng xúc cảm và biểu lộ thái độ của thân, lời và ý.
Tất cả những mối xúc cảm như buồn, vui, giận hờn, la hét, nguyện cầu, chửi mắng, run rảy, ớn da gà, tức giận đỏ mặt, sợ xanh như tàu lá, đứng tim, thô bạo, hành hung, dâm đãng, háo ăn, chiến đấu hay bỏ chạy, trộm cắp, gây hấn hay tấn công, sám hối, dịu hiền, trầm lặng, tháo vát hay chậm chạp v.v.. đều do nó đóng vai trò hoạt náo viên. Ngược lại, nếu ta đạt được Định, chân tâm hiển lộ, yên lặng, thanh tịnh, nó cũng biểu lộ những sắc thái đó qua thân và lời.
2. Trung tâm giám sát và trạm kiểm soát toàn bộ những hoạt động của thân - tâm
qua sự kiểm soát hệ thần kinh tự quản để ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, sự vận động của đường tiêu hóa và nội tạng. Nếu ta nổi sân, xung lực sân sẽ truyền vào nó, tức thì nó sẽ biểu lộ các sắc thái liên hệ đến sự nổi sân qua nội tạng và toàn bộ cử chỉ tay chân, đầu, mặt, ánh mắt, môi miệng, âm thanh.
Dưới Đồi cũng chịu sự kiểm soát tác động của Ý Căn (tiền trán vỏ não trái) và Ý Thức (tiền trán vỏ não phải). Nếu 2 vùng này không gửi xung lực thần kinh mang nội dung thiện – ác, phải – trái đến nó, nó sẽ yên lặng. Nó cũng nhận được thông tin từ những nơi khác như: mùi hương từ mũi, ký ức xúc cảm của hạnh nhân, ký ức dài hạn của hải mã. Khi tiếp nhận những xung lực này, nó tạo ra những trạng thái sinh lý cơ thể biệu lộ đặc tính những xung lực này.
Nó liên hệ với phần trước Tuyến Yên bằng hệ của tĩnh mạch (portal venous system) để kích thích Tuyến Yên tiết ra 6 loại nội tiết tố. Nó kiểm soát phần sau Tuyến Yên bằng dây thần kinh.
Nó giám sát và điều hòa hệ thần kinh tự quản. Khi có chuyện nguy hiểm, nó nhận được tín hiệu, liền tác động đến hệ Giao Cảm thần kinh, làm cho tim đập nhanh lên, nhịp thở tăng lên, con ngươi mở rộng ra, lưu lượng máu tăng lên ở cơ bắp. Nó khởi động trạng thái đáp ứng chiến đấu hay tháo chạy.
3. Nó kiểm soát và điều hòa thân nhiệt
4. Nó quân bình nước trong cơ thể
5. Nó điều hòa thái độ ăn uống
6. Nó điều hòa chu kỳ ngủ thức
7. Nó điều hợp chức năng tuyến nội tiết thông qua tuyến Yên, giúp cơ thể khỏe mạnh. Đây là vai trò quan trọng nhất của nó. Thiền Phật Giáo qua các phương pháp Quán, Chỉ, Định, Huệ tác động vào Dưới đồi, đem lại sức khỏe thân thể và có khả năng chữa bệnh tâm thể.
Dưới Đồi và tu tập
Không những Dưới Đồi chịu sự tác động của tâm Phàm Phu ở vùng tiền trán 2 bán cầu não trái và phải, nó cũng chịu sự tác động của các Tánh trong cơ chế Tánh Giác, và Tánh Nhận Thức Biết ở thùy Đỉnh và vùng Trước Nêm (Precuneus). Khi các tiến trình vọng tưởng không khởi ra, nó tạo ra trạng thái hoạt hoá máu và tác động vào tuyến nội tiết, giúp ta tự mình điều chỉnh được bệnh tâm lý, hoặc bệnh tâm thể: tiểu đường, huyết áp, suy nhược thần kinh, loét bao tử, v.v.. Kết quả là sức khỏe dồi dào và tâm an lạc. Sự chuyển hóa nội tâm theo quan điểm Thiền bắt nguồn từ nó, với điều kiện Tánh Giác có mặt. Vì nó tạo ra những trạng thái tác động sinh học, giúp ta đào thải được tập khí, lậu hoặc và điều chỉnh bệnh tâm thể. Trong trường hợp này, nó là con trâu trắng trong biểu tượng hóa chân tâm trong Thiền sử Trung Hoa.
Trong phạm vi Nghiệp, nó là một thành phần liên hệ đến khối Hành Uẩn. Vì nó biểu lộ tất cả sắc thái vọng tâm ra thân (bao gồm tay, chân, thân mình, đầu, mặt, mắt, da và nội tạng) và lời (bao gồm cường độ âm thanh của những sự khóc, la, dịu dàng, đay nghiến, bực dọc, v.v…). Trong trường hợp này, nó là hình ảnh con trâu đen trong Thập Mục Ngưu Đồ.
Toàn bộ chức năng của nó đều trực thuộc vào mức tỉnh ngộ hay ngu si của ta. Nếu ta si mê, thường xuyên theo vọng, ta sẽ rước lấy những hệ quả đớn đau của thân xác và phiền não nội tâm. Nếu ta tỉnh ngộ, dụng công để chủ động niệm khởi bằng cách bặt nghĩ tưởng, không lời từ trong não, chân tâm sẽ hiển lộ, trí huệ sẽ thăng tiến. Lúc bấy giờ nó đóng vai trò điều chỉnh bệnh tâm thể làm cho thân khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, tươi tốt, tâm an lạc.
Về phương diện tâm linh, Dưới Đồi chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng Precuneus. Khi vùng Precuneus có mặt, lập tức Dưới Đồi biểu lộ sắc thái Tâm hoàn toàn tĩnh lặng khách quan. Phật gọi là Tâm Thuần Nhất, nhu nhuyến, thuần tịnh, không cấu nhiễm, trong sáng.
Tóm lại Dưới Đồi biểu lộ 3 sắc thái Tâm: tâm Phàm Phu, tâm bậc Thánh, và tâm Phật.
Trạm tiếp vận thứ tư: vùng Precuneus
Vị trí:
Precuneus (Trước Nêm) thuộc vỏ não. Nó nằm tại Thùy Đỉnh của 2 bên vỏ não trái và phải. Vùng Precuneus liên hệ đến Tánh Xúc chạm, Tánh Nghe và Tánh Nhận Thức. Ba tánh này ở mặt ngoài của vỏ não. Vùng Cuneus, nằm sau vùng Precuneus liên hệ đến Tánh Thấy.
Đặc tính:
Nó tương xứng với Tâm Như (tâm Tathā) hay Phật tánh (Buddhatā). Nó là sự Tự Nhận Thức Biết Không Lời.
Chức năng:
Nó liên kết 3 trạm tiếp vận (Cơ Cấu Mạng Lưới, Đồi Thị, và Dưới Đồi) để tạo mạng lưới yên lặng toàn bộ (Default mode network) các định khu Giữa Não và Vỏ Não.
Nó chỉ nhận và truyền đi những tín hiệu được chọn lọc, tức là trạng thái tâm hoàn toàn tĩnh lặng. Khi chúng ta thực hành Thiền đều đặn mỗi ngày, tất cả những kinh nghiệm về Định hay Huệ đều được tự động lưu giữ trong vùng Precuneus để lập thành bản đồ nhận thức: ngữ nghĩa, thủ tục, tình tiết, gợi lên.
Nó là lõi của não bộ, do vai trò quan trọng của nó đối với toàn bộ não bộ con người.
Vai trò:
Nó đóng vai trò chủ động mọi hoạt động của con người, thiên về trí tuệ tâm linh. Nó giúp hài hòa thân tâm. Nó phát huy năng lực sáng tạo tự trong chính con người. Nó giúp con người kinh nghiệm Thoát khổ, Giác ngộ và Giải thoát. Chính từ nơi này tiềm năng giác ngộ của chúng ta phát huy. Từ lần, chúng ta sẽ kinh nghiệm trực giác, tánh sáng tạo, sáng kiến mới, năng lượng từ bi hỷ xả, và năng lực biện tài vô ngại.
Kết Luận:
Vai trò của khoa học não bộ rất quan trọng. Đây là kiến thức thời đại. Chúng ta mượn khoa học não bộ để đối chiếu cách thực hành của chúng ta qua Pháp của Phật. Có như thế chúng ta mới chứng minh được giá trị Pháp của Phật đối với mọi trình độ căn cơ. Chúng ta biết vì sao chúng ta thực hành sai, vì sao chúng ta thực hành đúng.
Chính vì điểm quan trọng này, nên chúng tôi đã giải thích đại cương về khoa học não bộ và các trạm tiếp vận. Khi thông qua phần căn bản này chúng ta sẽ dễ dàng hiểu về Hồi Đáp Sinh Học trong Thiền. Giá trị của Thiền nằm ở điểm này. Không nắm vững nguyên lý tác động - tác dụng giữa Tâm – Pháp – Não bộ - Kỹ Thuật thực hành, ta sẽ dễ dàng thực hành sai lạc, hoặc thực hành bằng tự kỹ ám thị.
HẾT
Ban Tu Học Tánh Không Trung Ương