MÙA XUÂN
Bây giờ theo qui ước vẫn còn là mùa đông. Cuối đông rồi. Mưa dầm và gió lạnh. Nhưng hoa lá đã bắt đầu trổ nụ, chào mừng xuân. Qua những ngày mưa, những đêm mưa, gió lốc, cành khô gảy, lá khô rụng, trái thông khô rơi, sáng nay còn lại trên cành chỉ là lá xanh sạch mướt, nước mưa hay sương đêm còn đọng lại, đong đưa, lấp lánh theo tia nắng mặt trời sáng sớm hiếm hoi.
Có phải là kim cương không, xanh xanh đỏ đỏ, tỏa chiếu long lanh, trên hoa, trên lá, nơi nào có nắng cũng thấy lấp lánh giát kim cương. Rồi một thoáng sau, mây che khuất mặt trời, kim cương biến mất hết, nhìn kỹ lại thì chỉ là mấy giọt nước mưa, trong veo.
A, nắng mới lên rồi, nắng sáng hơn trước, cả khu vườn lại giát kim cương, những cành lá tiêu xa xa, những cây thông xa xa cũng lấp lánh rạng ngời. Trời xanh ngắt, mấy cụm mây trắng tinh. Mới hồi sớm này, thấy bầu trời toàn một màu trắng đục, như mấy ngày trước. Trời đất biến hóa, thay đổi trong khoảnh khắc. Trời đất đâu có vô tình! Cả đất trời vẫn đang chuyển động, vẫn đang rào rào sức sống, vẫn đang biến hóa, cái bánh xe đời vẫn đang tiến tới mãi. Cái chiếc xe vô thường có bao giờ dừng lại đâu, phải không các bạn ơi! Cái chiếc xe vô thường chở tất cả chúng ta, chở cả vạn pháp, cứ tiến tới mãi, tiến tới mãi…tới cái hầm hố suy bại, diệt vong, đau khổ. Mới thấy vạn vật đang vươn lên sau những ngày mưa gió, sao giờ lại thấy cái vòng tròn tử sinh, sinh tử?
Thoắt nhìn thấy đức Phật đang giảng pháp: “Bồ tát khi tu tập mà tâm thanh tịnh, thì khi thành Phật, cõi nước của bồ tát sẽ thanh tịnh”.
Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất chợt khởi suy nghĩ: “Không lẽ, bậc đạo sư của ta khi tu tập tâm không thanh tịnh, nên bây giờ cõi này không thanh tịnh, mà toàn là gai góc, hầm hố, cọp beo…?”
Đức Phật biết ý nghĩ của ngài Xá Lợi Phất, ngài liền nhấn ngón chân cái xuống đất, lập tức cõi nước chung quanh biến thành cõi thanh tịnh. Toàn hội chúng đều trông thấy rõ ràng cây lá đều là giát vàng bạc, ngọc ngà châu báu sáng ngời. Sau khi ngài Xá Lợi Phất và hội chúng trông thấy rồi, đức Phật thu thần thông lại. Cõi nước bình thường như trước.
Tuy đây chỉ là một ẩn dụ, do chư Tổ đại thừa sáng tác trong phẩm Phật quốc của kinh Duy Ma Cật, nhưng cũng diễn bày được sự thật là:
Tâm tịnh thì cõi sống tịnh hay mỗi người đang sống trong cảnh giới của tâm mình. Chư Tổ đại thừa cũng muốn nói rằng: cõi này là cõi của đức Phật Thích ca. Nếu ai thấy như thế, thì đúng là như thế.
Cõi Phật mà sao chúng ta lại thấy là biển khổ? Đức Phật đã từng dạy rằng vì mình quá ham sống mà sợ chết đó thôi, là lòng tham ái, dính mắc vào những cạm bẩy của thế gian, không ngoài tài, sắc, danh, thực, thùy. Nếu tâm mình trong sạch, tẩy rửa hết những thứ đó, thì cõi tâm là cõi thế gian trong sạch vậy.
Tâm trong sạch tạm gọi là chân tâm.
Làm sao an trụ chân tâm? Phải hàng phục vọng tâm sau mới an trụ chân tâm. Đây là chủ đề của kinh Kim Cang.
Lại nhớ lời dạy của Thầy: mình an trụ chân tâm thì là đã hàng phục vọng tâm rồi. Vì chủ trương như thế, nên ngay trong khóa căn bản, Thầy đã chỉ cho thiền sinh nhận ra cái Biết của tánh giác. Là cái Biết không lời, trong sạch, tĩnh lặng, khách quan.
Cái Biết này là mỗi người tự sẵn có, nghĩa là không phải tìm kiếm bên ngoài, không có nơi ai khác cho mình, mà quay lại quan sát nơi chính tâm mình để nhận ra nó.
Cái Biết này trong sạch, không có tham, sân, si.
Cái Biết này tĩnh lặng, không có dao động, lăng xăng, phóng túng, dính mắc cái gì.
Cái Biết này khách quan, không vẽ vời bóp méo, không phân biệt tính toán, không tưởng tượng, cảnh thế nào, Biết y thế đó.
Ngày xưa, Thầy đã giải mã cái ẩn số cho các điều kiện đó là: Biết không lời thì là trong sạch, tĩnh lặng, khách quan. Và khi cái Biết không lời có mặt thì vọng tâm làm sao khởi lên. Cho nên, chủ trương của Thầy là: An trụ chân tâm, thì là đang hàng phục vọng tâm.
Do đó, Thầy không theo cách “mèo rình chuột”, ngồi quan sát tâm, nhận ra khi nào có vọng tưởng, rồi vọng tưởng sẽ từ từ biến mất. Cách này Thầy đã kinh nghiệm trong 7 năm gian khổ, hễ có một vọng tưởng khởi lên, xé một chút giấy bỏ xuống, kết quả khi hết giờ ngồi thiền là một đống giấy vụn thôi! Rồi trong cơn bế tắc, Thầy nhận ra: “Vọng tưởng chỉ là lời nói thầm”, ta Biết không lời, không nói thầm, làm sao có vọng tưởng?
Từ đó, phương thức Biết không lời được trao truyền cho những ai thích hợp. Người khả năng bén nhạy, tâm đơn giản, trải nghiệm được cái Biết không lời. Nhưng làm sao cho nó vững chắc, kéo dài? Đây là vấn đề khe khắt nhất của chúng ta, nhất là người còn sống trong gia đình, nhiều bận rộn, thì vẫn còn nhiều lo nghĩ.
Hôm nay, suy gẫm lại con đường tu của Thầy đã vạch ra cho chúng ta, nó thẳng tắp thênh thang đối với Thầy, mà sao nó gian nan quá đối với đa số chúng ta. Có phải vì Thầy đi tay không, tâm không, còn mình thì dắt theo gia đình, bà con, nhà cửa…?
Vậy nếu chúng ta còn tay xách vai mang nhiều thứ quá, hãy ráng mang theo vài túi xách nữa nha: đây là túi Giới đức, đây là túi Tuệ Như thực, đây là túi Nhẫn nhục, đây là túi Tinh tấn, đây là túi Bố thí, rất cần trên con đường dài thăm thẳm mịt mù kia.
Còn nếu như chúng ta thảnh thơi, tay đã buông xuống hết rồi, tâm trống không, thì cứ thảnh thơi mà rong chơi, còn đi đâu nữa. Lại nhớ câu hát, thiền sinh Không Giác nhớ Thầy, và cô Tâm Như đã hát:
“ Dù có đi đâu, Thầy vẫn bên con,
Những khi không lời, con ở bên Thầy”…
Hôm nay, thấy hoa thủy tiên nở rộ, hoa mai cũng e ấp đón gió mát, con biết mùa xuân sang. Đã tới mùa mừng sinh nhật Thầy. Thầy đã xuất hiện nơi cõi đời nhằm mùa xuân, Thầy đã thấy con đường, cũng một mùa xuân năm đó, rồi Thầy ra đi, một đêm cuối mùa đông. Thầy đến, âm thầm, cô độc, Thầy thấy con đường, lặng lẽ, “độc hành độc bộ”, rồi Thầy biến mất cũng cô độc âm thầm. Nhưng sao pháp âm của Thầy vẫn còn đọng lại trong cỏ cây hoa lá này.
Tổ Đình, 28- 2- 2023
TN

Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 33
MÙA XUÂN