VƯỢT KHỎI BỘC LƯU
“Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
(Vị Thiên):
Từ lâu, tôi mới thấy.
Bà-la-môn tịch tịnh.
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.
Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Đạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.” (Kinh Tương Ưng)
Hôm nay chúng ta thử suy gẫm về vấn đề này. Đây có thể xem như là một chủ đề quan trọng, đã có nhiều vị tôn đức giải thích, bàn luận rồi. Quan trọng có thể là vì “vượt khỏi bộc lưu” là nơi đến của chính Đức Phật, nên cũng là lý tưởng của người con Phật. Bài kinh này thu hút sự chú ý của nhiều người, có thể cũng là vì bài kinh ngắn, rất ngắn, câu hỏi đơn giản, rõ ràng, câu trả lời cũng đơn giản rõ ràng mà ý nghĩa thâm sâu vô cùng tận.
Trước nhất, chúng ta lướt qua ý nghĩa các từ ngữ chính.
Bộc lưu là dòng nước mạnh, dòng nước xoáy, hay dòng thác lũ ào ào v.v…
Vượt khỏi là vượt qua, thoát ra khỏi sự cuốn hút.
Ý nghĩa chung của nhóm từ “vượt khỏi bộc lưu” tương tự như từ: “ba la mật” (pāramī / pāramitā) qua tới bờ bên kia, qua tới bến bờ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Tại sao là bộc lưu?
Đức Phật đã nhìn cuộc đời tuôn chảy không ngừng như dòng thác từ trên núi cao đổ xuống. Nhìn thác Niagara đi, mình sẽ thấy sức mạnh của nước, nước thiệt trong, thiệt tinh khiết, ẻo lã, mềm mại, vậy mà không ai, không chiếc du thuyền nào dám tới ngay dưới ngọn sóng trắng xóa kia. Dòng nước cứ tuôn chảy thành suối, thành sông, rồi ra biển. Biển rồi lại thành mưa, thành thác lại đổ xuống ào ào. Tất cả vạn pháp đều trôi chảy không ngừng như vậy từ muôn đời. Ta có thể nói cách khác, đó là dòng tuôn chảy của sanh- già- bệnh- chết- tái sanh hay thành- trụ- hoại- diệt- tái sanh, hay nói gọn hơn là sanh rồi diệt rồi sanh tiếp diễn mãi.
Tại sao dòng sanh- diệt tiếp diễn mãi?
Vì trong suốt quá trình trôi chảy đó, mình cứ nắm bắt thêm, nào là tài, sắc, danh, thực, thùy, nào là tham, sân, si, nào là mạn, nghi, tà kiến v.v…Cho nên dòng nước nguyên thủy là trắng trong, tinh khiết, lần hồi thành ra nhiều màu sắc, đục ngầu lúc nào không hay biết.
Không phải “bộc lưu” chỉ nói tới dòng luân hồi của con người. Tất cả thế gian, loài sinh vật có tri giác, loài cây cỏ, sông núi, các biến cố, các dân tộc v.v…cũng đều thay đổi, biến hóa, xuất hiện rồi biến mất, thăng rồi trầm, thịnh vượng rồi suy vong. Cho nên Đức Phật nói thế gian là biển khổ, đất đai núi đồi là xương trắng, còn biển cả là nước mắt con người. Vì thế “bộc lưu” như là “thiên la địa võng” bao trùm tất cả ba ngàn đại thế giới. Có ai ra khỏi cái lưới vĩ đại kia?
Có, những bậc giác ngộ.
Mối quan tâm của chúng ta là : Làm sao vượt ra khỏi bộc lưu?
Bậc giác ngộ dạy: “Không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.
Rồi ngài giải thích:
“- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.”
Chúng ta suy tư ra sao về câu trả lời ngắn gọn của Đức Phật?
Chúng ta đang ở giữa biển nước xoáy, nếu chúng ta đứng lại nơi đó thì ta sẽ bị đắm chìm cuốn hút và chết đuối. Nếu chúng ta bước tới, cũng chỉ là loanh quanh trong biển nước xoáy thôi, bước tới hay bước lùi, có khác gì đâu, rồi cũng trôi giạt bồng bềnh trong biển đời, không ra khỏi.
Đứng lại là tĩnh, bước tới là động, bước tới hay bước lui, bước phải, bước trái cũng như nhau, tất cả dù là đứng lại hay bước tới, đều là có tác ý, có hành động, có dính mắc, có nương tựa. Tất cả là pháp hữu vi, hình thành thế giới nhị nguyên. Thế giới nhị nguyên muôn màu muôn sắc, xuất hiện, biến hóa, mỗi người, mỗi cảnh đều bỗng nhiên có tên gọi, lập ra đối đải, dẫn tới xung đột, rồi thấy có bộc lưu phải vượt qua, có niết bàn để an trụ.
Vậy thì làm sao đây? Tôn Ngộ Không ngày xưa, a mà Tôn Ngộ Không là ai? Thì là người nhận ra bản thể thế gian là trống không đó. Tôn Ngộ Không chỉ: “Hô biến!” là tất cả biến mất hết. Cái dòng bộc lưu khủng khiếp cỡ nào cũng biến mất, vì nó cũng chỉ là pháp hữu vi, vô thường tánh, biến dịch tánh, đoạn diệt tánh, không tánh, huyễn tánh, và chân như tánh.
Bộc lưu không còn, thì niết bàn cũng không có. Nếu ai hỏi: “Thế thì có cái gì?” Coi chừng, ngài Hoàng Bá sẽ cho mình ba gậy ngay, các bạn ơi!
Thiền viện, 26- 2- 2023
TN

Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 32
VƯỢT KHỎI BỘC LƯU