TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP
Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa nhóm từ này thường xuyên được sử dụng trong giới người tu theo Phật. Chúng ta cần nắm rõ tùy duyên là thế nào? Trường hợp nào phải tùy duyên? Có khi nào không nên tùy duyên? Pháp là gì? Tại sao phải thuận pháp? Đã tùy duyên sao còn phải thuận pháp? Duyên và pháp giống hay khác?
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu chữ “tùy” và chữ “thuận”. Tùy là tùy theo, làm theo, sống theo, tùy thuộc theo. Theo cái gì? Theo duyên, vậy duyên như là chủ, mà duyên là gì? Trong nhà Phật, duyên là điều kiện (Pāli: Paccaya; Sanskrit: Pratyaya).
Thuận là gì? Là chấp thuận, chấp nhận, là hài hòa, với cái gì? Với pháp. Trong nhà Phật, pháp là Dhamma (Pāli) hay Dharma (Sanskrit).
Vậy nói tổng quát, tùy và thuận có ý nghĩa tương tự nhau.
Bây giờ chúng ta xem “duyên” và “pháp” ý nghĩa như thế nào?
Duyên, tiếng Anh là condition. Duyên thường đi chung với nhân.
Nhân: là nguyên nhân, tiếng Anh dịch là cause.
Mình cho một ví dụ cụ thể về nhân và duyên.
Một hột cam (cause) nếu đem trồng trong đất (condition) và tưới nước (condition), chăm sóc (condition) sẽ thành cây cam (effect). Đó là sự liên hệ giữa nhân, duyên và quả. Nhân dường như quan trọng. Tuy vậy, nếu thiếu duyên, có khi kết quả sẽ xấu đi. Vì thế, nhân và duyên đều quan trọng, cần thiết có khi ngang nhau. Nên thường chữ duyên có thể được dùng một mình cũng đủ ý nghĩa. Trong thực tế, duyên dùng tổng quát, là hoàn cảnh sống, là môi trường chung quanh, là một sự kiện do con người làm, hay một biến cố, hay thiên tai, hay ý nghĩ, lời nói, hành động của ta hay của người khác. Tất cả đều có liên hệ tới chúng ta, gần hay xa, trục tiếp hay gián tiếp. Tất cả đều gọi là duyên.
Ví dụ về tùy duyên. Những ngày mưa gió như thế này, mình phải ở trong nhà, dọn dẹp, nấu ăn, nghe kinh, ngồi thiền, những ngày trước trời nắng ấm, mình đã ra ngoài vườn, đi bộ, nhổ cỏ, tưới cây, quét lá, cắt rau. Thời tiết ra sao mình cũng thấy bình thường, không trở ngại cho đời sống và tu tập. Đó là tùy duyên.
Bình dân có câu: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”
“Nắng chiều nào, che chiều ấy”
Cũng là cách sống tùy duyên của người xưa.
Trong nhà Thiền thì nói: “Đói ăn, mệt ngủ”
“Đói đến thì ăn, mệt ngủ khò” (cô Linh Chiếu, con ông Bàng Long Uẩn)
“Tùy duyên tiêu cựu nghiệp,
Nhậm vận trước xiêm y”. (Tổ Lâm Tế)
Tạm dịch:
“Tùy duyên tiêu nghiệp cũ,
Hồn nhiên mặc áo xiêm.”
Bây giờ chúng ta xem tới “thuận pháp”. Chữ “pháp” có nhiều nghĩa, chúng ta tạm gom lại trong 3 ý nghĩa:
1- Tất cả những chân lý thường hằng vận hành thế gian mà Đức Phật đã nhận ra và giảng dạy chúng ta như: vô thường, khổ hay xung đột, vô ngã hay không thực chất tánh, y duyên tánh, không tánh, huyễn tánh, chân như tánh, bình đẳng tánh.
2- Tất cả những phương pháp, cách thức tu học để hiểu và áp dụng những chân lý đó trong đời sống như: tam học, tam tuệ, tứ diệu đế, tứ niệm xứ, ngũ căn ngũ lực, thất giác chi, thập độ ba la mật v.v…
3- Tất cả hiện tượng thế gian, hay chư hành, chư pháp.
Trong ý nghĩa thứ nhất, pháp là tất cả những sự thật, không bao giờ thay đổi, chi phối toàn thể vũ trụ và con người. Là những sức mạnh khách quan, thiên nhiên phải vận hành hoàn toàn theo đó. Con người cũng vậy. Nếu cưỡng lại, chỉ là thất bại, là khổ đau. Người có trí, phải hiểu và chấp nhận những sự thật đó. Là sống thuận pháp, là định luật của hạnh phúc.
Trong ý nghĩa thứ hai, pháp là những cách tu tập do đức Phật dạy, được xem như khuôn vàng thước ngọc, trãi qua hơn hai ngàn năm nay, không biết bao nhiêu thế hệ đã dấn bước theo chân bậc giác ngộ, nương theo con đường trung đạo mà đi. Chúng ta là hàng con cháu cũng cần phát tâm chánh tín, nương nhờ nơi Tam Bảo mà dấn thân. Đây là thuận pháp tu tập.
Trong ý nghĩa thứ ba, pháp là tất cả hiện tượng thế gian. Với cái nhìn thực tế, hiện tượng thế gian cũng có thể xem như là duyên. Vậy thuận pháp cũng tương tự như tùy duyên.
Trên đây chúng ta mới lướt qua ý nghĩa của hai nhóm từ “tùy duyên” và “thuận pháp”. Chúng ta cũng nhận ra điểm giống nhau mà cũng có điểm không giống nhau. Bây giờ chúng ta suy gẫm thêm có khi nào mình không nên tùy duyên, hay mình lại còn phải tạo duyên, tạo nhân?
Ví dụ, mùa hè, một nhóm bạn cũ từ xa, bay tới thăm mình. Người lớn, trẻ con họp mặt ăn uống vui chơi. Khách hỏi rượu, hỏi bia, chủ nhà chỉ tươi cười làm nước trái cây đặc biệt ngon mang ra mời: “Chúng mình phải làm gương tốt cho đám trẻ chứ!” Khách lại rủ nhau: “Sáng mai, chúng ta kéo nhau đi Las Vegas chơi nhá!” Chủ nhà lại cười: “ Cali có nhiều cái thú vị lắm, bảo đãm các bạn sẽ thích mà đám trẻ cũng thích nữa. Sáng mai, chúng ta sẽ đi “Sea world” xem thế giới dưới nước. Sáng mốt chúng ta sẽ picnic ở các bãi biển Nam Cali, rồi về thưởng thức các món ăn đặc biệt Việt nam.”
Như vậy, chúng ta đã không thuận theo duyên không tốt, mà mình chủ ý tạo ra một nếp sống tốt cho mình, bạn mình và cả thế hệ sau nữa. Đó là mình không tùy duyên khi duyên không thiện lành. Mà thuận pháp, là sống đúng theo giới đức: không tham (tiền bạc, ăn uống…)
Người đời có khi không hiểu rõ, nên có khi buông trôi cuộc đời, cứ nói: “Thôi thì tùy duyên!” Không có ý chí phấn đấu, vượt qua nghịch cảnh, thì làm sao tiến tới?
Kết lại, chúng ta phải sáng suốt biết lúc nào nên tùy duyên, lúc nào phải tạo duyên tốt, phải biết mình sống có thuận pháp không, vì chính mình là chủ tạo ra cuộc đời của mình, trong bây giờ và mai sau nữa.
Thiền viện, 25- 2- 2023
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 31
TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP