TÁNH GIÁC TỪ ĐÂU ĐẾN?
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "BA SẮC THÁI BIẾT"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
TÁNH GIÁC TỪ ĐÂU ĐẾN?
Tánh giác không từ đâu đến. Nó không nằm trong quy luật duyên sinh của hiện tượng. Ta không thể khám phá nó khởi ra từ đâu khi có sự xuất hiện của con người trên quả đất. Nhưng khi vừa chào đời, nó đã xuất hiện qua cái nhìn ngơ ngác của đứa hài nhi, qua sự chú ý lắng nghe âm thanh của người mẹ và qua sự cảm giác đau của người đỡ đẻ đánh mạnh vào mông nó. Tánh giác đã bắt đầu hiện hữu, nhưng hiện hữu mà chưa trở thành một năng lực vì hài nhi chưa biết giá trị và chức năng của nó để luyện tập.
Ngày nay, bằng phương thức Thiền, thực hành theo sự chỉ dạy của Phật Thích Ca, tuy ta không có khả năng tạo ra nó, trái lại ta có khả năng làm cho nó trở thành một năng lực cụ thể trong con người của ta, như nhà thôi miên dùng sức tập trung tư tưởng tạo ra được năng lực điện trường, nếu ta biết xem nó là một năng lực tâm linh thiết thực – ngoài cơ chế não bộ, thân và tâm.
Với tánh thấy, nó là sự bất chợt thoáng hiện, một ánh sáng bất chợt của cái nhìn rộng và tức thời, như ta vừa mở mắt ra là trông thấy toàn diện khung cảnh trước mặt. Từ sự lướt nhìn (glimpse), tánh giác bành trướng theo khung trời bao la rộng lớn của không gian trước mặt để nhìn thấy đối tượng và những sự phối trí, những nguyên nhân liên kết của cảnh vật hay đối tượng, kể cả ý nghĩ hay tri giác nhỏ nhặt mà nó nhận biết được. Bầu trời bao la sẽ ở trong tầm nhìn của tánh thấy, nếu ta là phi hành gia đi trong không gian.
Với tánh nghe, nó cũng là sự bất chợt nhận ra âm thanh từ xa hay từ gần nhất bên trong thân ta. Với tánh xúc chạm, nó cũng là sự bất chợt nhận ra các cảm giác của da hay cơ bắp nếu có đối tượng chạm vào.
TÓM KẾT
– Tánh giác là bản giác của tự thân ta, được gọi là thủy giác (primordial awareness). Nó là cái biết không lời, đối nghịch với cái biết của trí năng và ý thức. Khi nó có mặt, tự ngã phải vắng mặt. Vì thế, không cần dụng công để triệt tiêu bệnh chấp ngã, bệnh chấp ngã cũng tự mất.
– Trong Phật giáo Nguyên Thủy, Phật đã dạy các hàng đệ tử tập luyện cách chánh niệm và tỉnh giác giúp ta ngộ (realize) thẳng tánh giác. Trong Phật giáo Phát Triển, chư Tổ đề cao đến pháp vô sanh và khích lệ môn đồ an trụ trong cái vô sanh đó. Chư Tổ cũng xem nó là hòn ngọc như ý.
– Trong Thiền Tông, Tổ Đạt Ma dạy môn đồ tiến thẳng vào tánh giác bằng phương thức dẹp bỏ suy nghĩ, hay không lời để “kiến tánh”. Chư Tổ Thiền tông xem nó như hạt minh châu, ví nó như bầu trời xanh không áng mây, hay mặt trời trí huệ. Mặt trời trí huệ chỉ hiển lộ, khi mây vô minh vọng tưởng bị xua tan bởi sự dừng lại của quán tính suy luận trí năng hay tư duy biện luận.
– Trong kinh Pháp Hoa, nó được xem là Tri Kiến Phật. Trong Lăng Nghiêm, nó được xem là chân tâm. Và trong hệ thống sau cùng của Duy Thức tông – Nhiếp Luận Tông – nó được xem là thức thứ chín, ngoài thức thứ tám. Thức thứ chín đó được gọi là amala-vijnāna hay Bạch Tịnh thức/Vô Cấu thức (pure consciousness) hoặc “cấu trúc cơ bản trong sạch của tâm”. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng (Kim Cang Thừa), gọi là “kunshi-nyangluk-kyi-gewa”, có nghĩa là “cái cơ bản của tánh thiện” (the “basis of all in the natural state of goodness”), hay “cơ bản thiện” (basic goodness), vì nó là cái biết không hai (nondual awareness), không khái niệm tư duy (nonconceptual thinking).
– Trong nó không có sự xét đoán, sự phân biệt, sự suy nghĩ cũng không có khổ hay lạc; trái lại hoàn toàn trực tiếp biết tất cả môi trường chung quanh, kể cả những cảm thọ từ ngũ quan, nhưng không dính mắc với cảm thọ. Tiềm năng giác ngộ vốn tiềm tàng bên trong nó. Một khi nó được thường xuyên đánh thức bằng phương thức KHÔNG TRỤ hay TỈNH THỨC BIẾT, trí huệ con người sẽ được phát huy, tâm tánh con người sẽ được chuyển hóa. Bệnh tâm thể sẽ được điều chỉnh.
Tánh giác luôn có mặt.
Khi nhận diện ra được nó rồi, nhờ nó mà không bị cuốn theo dòng sanh tử.
Con
Như quỳnh