ÂM THANH CỦA BÀN TAY
Dù biết rằng bài viết này sẽ chỉ là “huyễn” như bao thứ khác trên cõi đời này, nhưng tôi cũng viết ra đây, trước là để tạ ơn Ni sư Thích Nữ Triệt Như, vị Thầy đã tận tụy hướng dẫn chúng tôi từng bước rõ ràng trên con đường tu trở về căn nhà tâm linh cuả mình. Viết để tạ ơn Thầy Thiền chủ Thích Thông Triệt, vị Thầy đã trao cho các thiền sinh chiếc “Chià khoá Không Nói” nhiệm màu để mở cánh cưả tâm linh đem lại niềm tin và an lạc cho tôi và cho những ai khao khát đi tìm sự giác ngộ, muốn thoát khổ v.v... Và viết để chia sẻ với qúy đạo hữu chưa hề biết hay vừa mới tìm hiểu về Thiền Tánh Không (TTK) về những gì TTK đã đem lại cho tôi trong đời sống tâm linh cũng như điều chỉnh được một vài bệnh tâm thể cuả tôi.
Tôi thực sự biết TTK kể từ sau khi tham dự Khoá Căn Bản được tổ chức tại Adelaide, Bát Nhã 1 & Bát Nhã 2 tại Sydney vào cuối tháng 3 /2014. Thời gian 7 tháng ngắn ngủi sống và thực hành thiền theo pháp môn Thiền Tánh Không đã thay đổi khá nhiều trong tôi khiến những người bạn phải ngạc nhiên thốt ra rằng họ không còn nhận ra tôi. Một sự thay đổi sâu sắc mà chỉ có tôi mới “thầm nhận biết” được nó đến từ đâu cũng như do đâu tôi có được sự an tịnh ngày hôm nay.
Tôi may mắn có được 1 cuộc đời ổn định về vật chất, gia đạo hài hoà, không ba chìm bảy nổi so với những người bạn của mình, nhưng ngay từ lúc còn bé tôi đã có một cảm nhận rất mơ hồ về sự phù du cuả cuộc đời khi thấy những đám ma đi qua nhà mình, hay chứng kiến sự vui buồn, sướng khổ cuả những người chung quanh mình thay đổi nhanh như gió. Khi lớn hơn một chút, cảm nhận về ảo ảnh cuộc đời, có rồi mất, hợp rồi tan lại, cười rồi khóc lại càng nhiều hơn trong trí óc tôi.
Khi còn ở trung học, một câu thơ trong bài thơ viết về một cô bé tên Rose 14 tuổi cuả thi hào Pháp Ronsard làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sinh tử:
“Et Rose, elle a vecu la vie d’une rose
L’espace d’un matin”
(Và Rose đã sống cuộc đời cuả một bông hoa hồng, dài bằng không gian cuả một buổi sáng). Một bài thơ rất lãng mạn kết thúc bằng câu thơ bi ai nói lên sự vô thường cuả đời người và tình yêu với cô bé tên Rose cũng vô thường như hoa hồng kia mà thôi.
Sự thắc mắc về nguyên nhân nào đã khiến cho con người chết rồi lại đầu thai là động lực thúc đẩy tôi đi tìm đọc sách đạo và đi học thiền vào lúc khoảng 15 tuổi. Cũng nhờ qua đó mà tôi hiểu được rằng chết là một quy luật không tránh khỏi nên tôi không còn sợ thần chết. Sợ làm chi để cho khổ vào thân một cách vô ích khi biết rằng tôi rồi cũng sẽ phải chết. Tuy nhiên với lý luận ngây ngô cuả một đứa con nít 15 -16 tuổi là, keo đầu tôi chịu thua Thần Chết, nhưng sau đó nếu tôi không để cho cái chuyện tôi phải đầu thai xảy ra thì làm sao Thần Chết có cơ hội thứ hai đến bắt tôi đi. Nhưng tôi sẽ phải làm gì đây để cắt đứt được sợi dây luân hồi sau khi tôi lià đời ? Một câu hỏi hắc buá mà về sau tôi mới biết là có tu cả trăm kiếp cũng chưa chắc cắt được nó ! Mặt khác từ khi tập thiền thì tôi lại càng cảm nhận rõ hơn về chữ Huyễn ở đời. Sự nhận thức này ngày càng sâu đậm theo tuổi đời chồng chất cuả mình. Huyễn bám sát tôi như hình với bóng nên nó làm tôi khổ tâm không ít. Thật vậy, trong đời sống cuả mình, trước các sự thành công đem lại sung sướng, hài lòng cho mình hay là sự buồn rầu khi gặp chuyện không như ý thì cái Huyễn nó lại hiện ra nhắc nhở tôi - người diễn viên trên sân khấu ảo mộng cuả cuộc đời - rằng chớ nên vướng mắc, tôi phải buông bỏ vì tất cả chỉ là huyễn. Dẫu hiểu rằng càng bám víu thì càng thêm khổ vì đâu có gì tồn tại mãi trên cõi đời này. Dẫu biết rằng cái xác thân mình cũng sẽ trở về với cát bụi, thì đâu có cái gì trường cửu để gọi đó là Ta, là Tôi, là cuả Ta, thế mà sao tôi vẫn chưa loại được cái Tôi đáng ghét đó ra khỏi tâm mình để rồi mình vẫn khổ do chính ảo mộng mình tạo ra hay do mình không thoát ra được những khái niệm và những quy ước thế gian nó trói buộc mình. Biết tìm đâu ra được lưỡi gươm nào hay bí quyết nào chỉ cho tôi chặt đứt được cái Ta huyễn ảo và những huyễn mộng ở đời ? Làm sao tôi cắt đứt được sợi dây luân hồi? Âm thanh của bàn tay là âm thanh gì mà từ 40 năm nay dù có đọc kinh điển, suy nghĩ nát óc, mà sao tôi vẫn không tìm ra câu trả lời cho cái công án thiền rất phi lý này?
May mắn thay, ngày hôm nay tôi vừa mới nhìn thấy ánh sáng lóe lên ở gần cuối đường hầm sinh tử. Quả đúng thế ! Sau hơn 40 năm bế tắc, ngày hôm nay TTK đã trao cho tôi cái chià khoá nhiệm màu “Không Nói” hoá giải rất nhiều điều thắc mắc cuả tôi.
Sau sáu tháng thiền đều đặn hai giờ mỗi ngày, tập khí công và nghe audio Ni Sư giảng. Một buổi sáng nọ, trong lúc đang tập chiêu thức Thấy Như Thực, Thấy Như Vậy, khi nhìn bàn tay đọng đậy cuả mình, trong trạng thái tâm hoàn toàn bất động, bỗng nhiên tôi thấy cái vật mà tôi đang nhìn (bàn tay) nó cũng bất động, nó là như vậy, nó không có tên, và trong đầu tôi im lặng hoàn toàn, không có một tư tưởng, một khái niệm nào chụp lên nó bảo đây là bàn tay cuả tôi, tay tôi đang đụng đậy v.v…. Cũng trong trạng thái tâm bất động, đưa mắt nhìn một vật khác gần đó (cái tivi), tôi cũng thấy nó (tivi) là nó, nó không có tên, nó không có màu sắc, không ngắn dài …Nó cũng bất động giống như cái vật kia (bàn tay). Tôi cũng thấy cái trống rỗng cuả hai cái vật không khác chi với cái trống rỗng cuả khoảng cách giưã hai cái vật đó và nó cũng không khác cái trạng thái trống rỗng trong tâm mình. Cùng một sự trống rỗng, một sự im lặng đang xảy ra cùng một lúc ở trong tôi và ngoài tôi. Giây phút bất động đó chấm dứt khi bàn tay cuả tôi tự nhiên rơi cái phịch trên thành ghế. Liền sau đó tôi bỗng nhiên ngộ ra ba điều giải toả những thắc mắc cuả tôi:
- Tôi chỉ là một hiện tượng thế gian. Bản thể cuả cái hiện tượng thế gian này là trống rỗng, là Huyễn. Cái bàn tay và cái xác thân mang cái tên Hương này chỉ là Huyễn có. Vậy thì làm gì có Cái Ta hay Cái cuả Ta để mà bám. Muốn vào được căn nhà tâm linh tôi phải gỡ bỏ những qui ước thế gian, những khái niệm do con người đặt ra trong đó có cả cái Ta đáng ghét.
- Tôi chợt tìm ra câu trả lời cho công án “âm thanh cuả bàn tay”. Cái ẩn dụ mà vị thiền sư muốn người đệ tử nghe không phải là âm thanh cuả bàn tay, mà là nghe được, nhận ra được sự trống rỗng và sự tĩnh lặng hoàn toàn trong tâm người đệ tử và cái thế giới chung quanh mà người đệ tử đang sống thì người đệ tử mới ngộ ra được bản thể cuả mình là trống không. Muốn đạt được trạng thái đó thì tầm và tứ không được khởi lên trong tâm người đệ tử. Khi cái Biết Không lời và sau đó Nhận thức Không lời nội tại được trong Tánh Nhận thức Không lời cuả vùng Tánh giác thì Trí huệ Bát nhã sẽ bật lên, mở toang cánh cưả giác ngộ, giải thoát con người khỏi vòng sanh tử luân hồi.
- Tôi bỗng ngộ ra lời Tổ Huệ Năng nói “tâm các ông động” chứ không phải cái phướn động. Câu chuyện cái phướn động cũng giống như cái kinh nghiệm tôi vưà trải qua khi nhìn bàn tay mình. Trong trạng thái tâm bất động tôi thấy bàn tay mình cũng không động. Trong trạng thái “Thấy như vậy” kéo dài, tâm cuả tôi giống như 1 giòng nước chảy xuôi theo cái “Thấy như vậy” nên không bị dính mắc với ngoại cảnh hay quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó hoàn toàn trống rỗng và không có gì trong đó để mà thấy có một vật đang đụng đậy. Nay tôi hiểu rõ khi mình ở trong cái Biết Không lời, thì các cơ chế ý căn, trí năng, ý thức sẽ bị khoá, vậy thời lấy cái gì để so sánh suy luận rồi đưa ra kết luận là có cái bàn tay cuả cái Tôi đang đụng đậy.
Cái trạng thái tâm bất động tuy ngắn ngủi nhưng sao nó để lại trong tôi một sự an lạc lạ lùng kéo dài suốt 2 ngày. Một sự an lạc không dính mắc mà cuả cải tiền bạc không mua được cũng như không ai có thể đem lại cho mình sự an lạc phát xuất từ sự trống rỗng cuả tâm mình. Cũng kể từ đó tôi buông bỏ dễ hơn trước nên ngày càng bớt vướng mắc và dĩ nhiên an tịnh nhiều hơn.
Bạch Thầy Thiền chủ,
Trước khi gặp TTK con rất bi quan mỗi lần nhắc đến hai chữ giác ngộ. Con nhìn sự giải thoát cuả Đức Phật như một huyền thoại mà con không dám mơ tưởng đến vì nghĩ rằng mình có tu cả trăm hay ngàn ngàn kiếp cũng chưa chắc đạt được. Thế nhưng kể từ khi tu học theo pháp môn TTK thì ngày hôm nay con rất vững tin là với chiếc chià khóa vạn năng Không Nói và nếu kiên trì thiền định thì trong vài chục kiếp sắp tới con sẽ có cơ may được giác ngộ và giải thoát.
Những lời nói chân thành tri ân gửi đến Thầy đếm làm sao cho đủ để cân bằng với chiếc chià khoá Không Nói mà Thầy trao cho con. Để tạ ơn này con nguyện chia sẻ những gì con học được cuả TTK với những ai mà con có duyên may được gặp. Và đây cũng là một trong những lý do con viết bài này.
Bạch Ni Sư Triệt Nhu,
Kể từ sau khi con nghe đi nghe lại những bài thuyết pháp của Ni sư và đặc biệt là đề tài Huyễn, thì ngày hôm nay chữ Huyễn không còn là một vấn đề làm tâm con nhức nhối mà nó lại trở thành người bạn đạo đồng hành, là cái nam châm giúp con hút hết những vướng mắc ra khỏi tâm con. Con tâm đắc với câu nói cuả Ni sư: “ Huyễn là hành trang không thể không có trên con đường Bồ Tát Đạo”. Cái thòng lọng sanh tử luân hồi con đeo trong cổ hơn 40 năm qua, nay đã được tháo gỡ. Sự khao khát cắt đứt sợi dây luân hồi không có chỗ đứng trong tâm người có hạnh nguyện Bồ tát đạo. Con giờ đã hiểu Vô minh là Bồ đề và Huyễn cũng là Bồ đề. Điạ ngục / Niết bàn hay Hạnh phúc / Khổ đau cũng chỉ là “Huyễn có” mà thôi.
Con chân thành cảm ơn Ni Sư đã chỉ dạy rất rõ cho chúng con những kiến thức tinh túy nhất cuả Phật pháp bằng chính những kinh nghiệm sống thiền cuả Ni Sư bàng bạc trong những lời thuyết pháp. Với hành trang “Không nói” và với mái chèo Huyễn, Không, Chân Như mà Thầy Thiền Chủ và Ni Sư trao cho con, một mình cô độc trên chiếc bè Thiền Tánh Không nhỏ bé, con cố hết sức mình quyết tâm trèo ngược dòng thác lũ cuả cuộc đời để tới được Bờ Bên Kia dù phải trải qua bao nhiêu kiếp. Và dĩ nhiên, trên con đường trở về căn nhà tâm linh, con luôn ghi nhớ lời tâm huyết cuả Ni sư: “Huyễn là hành trang không thể không có trên con đường Bồ Tát Đạo”.
Kính thưa qúy đạo hữu,
Những kinh nghiệm thiền nêu trên không phải chỉ có cải tiến đời sống tâm linh cuả tôi không thôi, mà nó còn chữa được hai cái bịnh của tôi nhờ những bioactions trong lúc thiền. Lưng tôi trước đó bị còng, bác sĩ chỉnh xương (Chiropractor) cho biết là họ cần hai năm để chỉnh cho xương sống tôi thẳng lại. Vậy mà chỉ có sau năm tháng tập thiền xương sống lưng tôi giờ đã thẳng tắp. Ngoài ra bắp thịt ở vai và cổ trái của tôi bị sơ cứng, đi vật lý trị liệu cũng không khỏi, khiến tôi đau nhức không thể làm việc được trên computer quá 30 phút. Ngày hôm nay tôi đã bớt gần 90%, và có thể ngồi làm việc sáu tiếng liền mà không cảm thấy đau. Phải nói rằng tôi rất ngạc nhiên và không ngờ được rằng tôi có thể đạt được những điều kể trên trong một thời gian quá ngắn !
Mặt khác, sau gần bảy tháng tìm hiểu và áp dụng nghiêm chỉnh những kỹ thuật thiền cuả TTK thì nay tôi hiểu rõ tại sao Thầy Thiền Chủ và Ni sư nói đây là con đường tu short cut.
- Về giáo lý, giữa rừng Phật pháp với hàng chục ngàn kinh điển đọc cả đời cũng không hết, TTK đã chọn lọc ra những cái tinh túy nhất của đạo Phật và chỉ cho chúng ta nhận ra cái mấu chốt đưa đến giác ngộ giải thoát là phải vào được cái chỗ “Atakkàvacara”. Muốn vào được chỗ đó tâm con người phải nội tại trong tánh Nhận Thức Không Lời.
- Về phần thực hành: để đạt được mục tiêu trên, TTK chủ trương huấn luyện tế bào não có một quán tính mới là quán tính yên lặng, bằng những chiêu thức và những kỹ thuật “Không Nói” áp dụng được trong bốn oai nghi, cho nên có thể tập được bất cứ lúc nào mình rảnh rỗi và bất cứ ở đâu. Chià Khoá Không Nói thật nhiệm màu. Nó khoá được cái quán tính nói thầm trong óc (tầm và tứ). Khi não bộ chúng ta có được quán tính yên lặng thì tất nhiên tâm ta sẽ yên lặng, bình an, ít vướng mắc nên bớt khổ. Và khi tâm nội tại được trong Tánh Nhận Thức Không Lời thì cánh cửa giác ngộ sẽ mở ra cho những ai khao khát quyết tâm đi tìm nó.
Ngoài ra, hai câu nói dưới đây cuả Thầy Thiền chủ cũng chính là kim chỉ nam và là thước dây đo được thành quả tu học cuả thiền sinh:
“Con đường tu tập chỉ là đi từ chỗ dính mắc đến chỗ không bị dính mắc”.
“Thiền là một nghệ thuật huấn luyện tế bào não có một quán tính mới là quán tính yên lặng”.
Đối với tôi, quan niệm “Thiền là một nghệ thuật huấn luyện tế bào não có một quán tính mới là quán tính yên lặng” quả là một luồng gió mới, một cuộc cách mạng độc nhất vô nhị trong Thiền học. Cách mạng là vì pháp môn TTK này chỉ cho thiền sinh biết phải xử dụng cơ chế nào trong não bộ để không cho tầm và tứ khởi lên, đi thẳng vào được vùng tánh giác bằng những kỹ thuật như Biết Không Lời, Thầm Nhận Biết Không lời, Tỉnh thức Biết Không lời, Nhận thức Biết Không lời v.v... Điều này sẽ giúp cho thiền sinh rút ngắn được thời gian tu tập, vào định dễ dàng hơn so với phương pháp cổ điển, thiền về một đề tài tâm linh như Tam pháp ấn hay một công án như “âm thanh một bàn tay” chả hạn mà các vị thiền sư thời xưa hay dùng để dạy đệ tử, mà qua đó người đệ tử sơ cơ thường hay xử dụng những cơ chế có lời cuả não bộ nằm ở vùng tiền trán (ý căn, trí năng, ý thức) khiến tầm và tứ khởi lên, cản trở không ít cho sự vào định cuả thiền sinh. Cách mạng vì đây là con đường tu short cut trực chỉ Tâm Như. Ngày xưa thiền sư Duy Tín phải tu tới 30 năm để mới ngộ được “Thấy núi là núi sông là sông”. Ngày hôm nay, pháp môn TTK hướng dẫn thiền sinh khai mở thẳng các Tánh cuả cơ chế Tánh giác nằm ở trong vùng precuneus của não bộ và trong vòng vài tháng hay một vài năm thiền sinh có thể “Thấy như thật”, “Thấy như vậy” những hiện tượng thế gian xảy ra trước mắt mình.
Ni sư Triệt Như vẫn thường nhắc nhở chúng ta rằng, pháp môn nào dù có hay đến mấy, nếu hành giả không nghiêm chỉnh tu tập thì cũng vô ích mà thôi. Với hành trang giáo lý tinh túy cuả Đạo Phật, với “chià khoá Không Nói” và với sự quyết tâm, tôi tin chắc rằng qúy đạo hữu sẽ đạt được mục đích đem lại hài hoà an lạc cho thân tâm mình. Kính chúc qúy đạo hữu mỗi ngày một thăng tiến trên con đường trở về căn nhà tâm linh cuả mình.
Lan Hương