XUÂN BIẾT
Uyển Như Nguyễn Thị Yến
Theo lịch của thiên văn thì trời vẫn chưa sang đông. Mới cuối mùa thu mà cả tuần qua, trời đã rất lạnh, gió và thỉnh thoảng trời mưa. Có ngày mưa lạnh như mùa đông. Albert Calmus đã có lần viết, “Autumn is a second spring when every leaf is a flower.” Ông cho rằng, "Mùa thu là một mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đoá hoa.” Vạn vật vô thường. Thực tế hằng năm, cứ mỗi mùa thu đến, nơi thành phố tôi đang ở, thiên nhiên dâng tặng cho con người không biết bao nhiêu là vẻ đẹp. Vẻ đẹp kỳ diệu của sắc màu. Vâng, trời đang thu và trên con đường tôi đi sáng nay, mỗi chiếc lá đang đổi màu từ xanh cây trở thành vàng, nâu hay đỏ, rất đẹp. Tôi biết trời đang mùa thay lá, mùa đông chưa về và mùa xuân chưa đến. Tôi không so sánh mùa thu với một mùa nào khác. Tôi chỉ biết nó như vậy.
Rồi thu đi, đông đang đến và xuân đang trên đường trở lại. Mọi người đang chuẩn bị đón mùa xuân năm mới. Và không phải ngẫu nhiên mà cái Biết được gắn với mùa Xuân năm nay trong dòng chảy của tâm thức tôi. Một cái hẹn với thời gian … đang đến với tôi. Sau đúng mười sáu năm đi vào con đường thiền Tánh Không, tôi sẽ bắt đầu lại những bước chân tâm linh của mình thật kỹ vào mùa xuân năm nay. Xuân Biết. Một mùa Xuân vẫn tự nhiên của đất trời nhưng con đường thiền tôi đi hôm nay không còn hoang sơ bởi tôi đã hiểu cái Biết là gì. Cái Biết này là nấc thang đầu tiên có thể đưa và dẫn hành giả chạm đến nấc thang cuối cùng của con đường giác ngộ và thoát ly sinh tử.
Tháng giêng năm 2008, lần đầu được tham dự khoá tu học với Thầy Thiền chủ tại Sacramento, tôi chăm học và thường ghi nhớ những lời dạy của Thầy, nhất là về cái Biết. Thầy nói, “cái Biết” là yếu tố cốt lõi của thực hành Thiền. Thực hành thiền là thực tập để quen sống với cái Biết. Tôi đã hiểu và đã nhận ra khi cái Biết có mặt trong tôi. Đó chính là lúc tâm tôi đang trở về với thân. Tôi có thể nhìn vào tâm mình và nhận ra thân và tâm tôi đang cùng có mặt trong giây phút hiện tại. Có lần Thầy nói, “Nét quyến rũ nhất của Thiền là phát huy trí tuệ tâm linh.” Câu nói như một lời thơ, tự nhiên gieo vào tôi và ở mãi cùng tôi cho đến nay. Thế nào là “phát huy trí tuệ tâm linh”, nó có liên quan gì với cái Biết và liên quan như thế nào?
Nếu bạn thực hành đúng Pháp, đúng kỹ thuật, có nghĩa là bạn biết cách thực hành để tạo ra tín hiệu từ thân tác động vào vùng Tánh giác ở vỏ não - nằm ở phía sau bán cầu não trái, bạn sẽ nhận ra cái Biết và nếu thực hành đều đặn, bạn sẽ có kinh nghiệm Thiền có những khả năng kỳ diệu như thế nào. Nói chung, Thiền có thể giúp cho thân và tâm hài hoà, nhờ đó, bạn có thể dễ dàng hài hoà với con người và môi trường chung quanh. Về thân, qua thực hành thiền, bạn có thể tự điều chỉnh hay chữa dứt lành một số bệnh tâm thể (tức là bệnh uất cảm - psychosomatic illnesses), là những thứ bệnh do tâm rối loạn dài lâu gây ra cho thân, mà không phải do thân rối loạn. Đó là các bệnh như cao máu, tim mạch, lo âu, sân hận, chán nãn, loét bao tử, hen suyễn, dị ứng v..v.. Về tâm, Thiền giúp bạn tự làm giảm bớt những chứng căng thẳng thần kinh - như stress, trầm cảm, dính mắc, tự cao, ngã mạn v..v.. Tiếp theo và cao hơn, Thiền có khả năng giúp bạn phát huy trí tuệ tâm linh. Đó là khả năng sáng tạo, có thêm sáng kiến mới thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, có năng lực biện tài và sự hiển lộ của tâm từ, bi, hỷ và xả v.. v.. Tất cả những tác động - tác dụng này đều dựa vào nguyên tắc kỹ thuật thực hành để cái Biết có mặt với người thực hành thiền.
“Nét quyến rũ nhất của Thiền là phát huy trí tuệ tâm linh” là một lời dạy sâu sắc dành cho những người thực hành thiền nhiều năm, không nên dừng chân lâu ở kết quả ban đầu mà hãy tiếp tục thực hành miên mật để tiến xa hơn, sâu hơn trên con đường tâm linh đã chọn. Thiền không có gì là huyền bí. “Phép lạ” của Thiền chỉ thể hiện nơi kết quả của sự thực hành đúng, đều đặn theo phương pháp được chỉ dạy qua tiến trình “biết” (knowing) hay “nhận biết” (awareness) … và đi đến “nhận thức biết” (cognitive awareness). Do vậy, mọi người, ai cũng có thể thực hành thiền để hưởng được giá trị thực tiễn quý báu của Thiền đối với đời sống qua thân, tâm và trí tuệ tâm linh của chính mình.
Thực hành thiền là một cuộc hành trình tâm linh trên cùng một dòng biết trong suốt và liên tục của người thực hành. Để phát huy trí tuệ tâm linh, người thực hành không những chỉ thực hiện những buổi toạ thiền mà phải thực hành liên tục để nuôi dưỡng cái Biết trong đời sống hằng ngày. Cuộc hành trình này ngắn hay dài và dài bao nhiêu là do người thực hành quyết định.
Người thực hành thiền là một lữ hành cô độc! Thầy vừa nói, vừa cười chúm chím nhìn xuống lớp học. Chúng tôi gặp nhau trong cùng một khoá học có đến ba mươi, bốn mươi, đôi khi gần cả trăm thiền sinh, nhưng mỗi chúng tôi chỉ là một lữ hành cô độc trên con đường thiền. Lời dạy thật gợi cảm và chẳng thể nào quên đối với hành giả. Học chung mà hành riêng. Hãy nhớ thuộc lòng: thư giãn, biết liên tục và thực hành lập đi lập lại là ba nguyên tắc cốt lõi của Thiền. Hãy nhớ lời chỉ dạy, nắm vững kỹ thuật thực hành và thực tập từng bước theo thứ tự. Thư giãn thân và tâm trước cho đến khi chính bạn nhận ra là thân và tâm mình đang hoàn toàn thư giãn, đó cũng là lúc cái Biết đang có mặt với bạn trong giây phút hiện tại. Hãy giữ cái Biết liên tục, nếu cái biết bị gián đoạn, dùng kỹ thuật thực hành để cho phép cái Biết có mặt trở lại với bạn. Thực hành Thiền Quán, tức là nhìn sâu vào đối tượng với cái Biết an nhiên, khách quan, không có ý thức phân biệt. Thực hành Thiền Chỉ trong đi Thiền hành hay Thiền Định với pháp Thở hay pháp Không-Nói, hãy thực tập đúng theo từng bước, lập đi lập lại, cho đến khi thuộc lòng phương pháp thực hành và cái Biết nội tại trong ký ức của bạn. Đây là cái Biết chánh niệm hay cái Biết không lời, nghĩa là chỉ có cái Biết trong sáng, khách quan, không phán đoán, không khen chê, ngoài ra không có gì thêm nữa … Đến một lúc nào đó, sau một thời gian thực tập liên tục và tinh tấn, bạn có thể làm chủ tâm mình, làm chủ cái Biết của mình và có thể ra lệnh cho cái Biết có mặt với bạn bất cứ lúc nào bạn muốn. Để đạt được như vậy, bạn hãy thực hành theo một thời khoá nhất định, đều đặn sáng hay tối, hay sáng và tối, tinh tấn, miên mật mỗi ngày. Hãy nuôi dưỡng hạt giống lành này - cái Biết không lời rõ ràng, tĩnh lặng và khách quan. Hãy thực hành độc lập, giữ vững niềm tin và tự tin vào chính mình, không mong cầu. Với sự có mặt của cái Biết, tâm từ bi của bạn sẽ tự nhiên phát khởi. Đừng quên, “Bồ đề một niệm nhớ, vô ưu vạn kiếp lành”!
Còn có một lời dạy đã được Thầy trích dẫn từ Kinh, thật đáng khắc dạ ghi tâm: “Thức thực là duyên cho sự sanh thành”. Nếu thức không có “thực” tức là không được nuôi dưỡng thì điều kiện cho sự sinh thành sẽ không bao giờ có - sẽ không có sự tái sinh! Con người là một cấu tạo phức tạp của Thân và Tâm. Thân gồm những phần vật chất thuộc trong và ngoài cơ thể. Tâm bao gồm các yếu tố tinh thần như thọ, tưởng, hành và thức. Đó là các thứ thuộc về cảm thọ, tri giác, sự vận hành các trạng thái của tâm thức. Ngoài ra, xúc và tác ý cũng thuộc về Tâm.
Người thực hành Thiền khi đã biết cách nuôi dưỡng hạt giống “Biết” có thể đem thiền vào đời sống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Biết “Đối cảnh vô tâm”. Biết “Thu thúc lục căn”. Biết “Thọ mà không dính” - nghĩa là không dính mắc vào trần cảnh. Biết không yêu thích, không đam mê một thói quen ghiền nghiện nào để bị huân tập thành lậu hoặc, thì đời sống sẽ an nhiên, nghiệp lực không kết tập, nghiệp thức nhẹ nhàng, sẽ có thể làm chủ được chính mình trong cận tử nghiệp. Giác ngộ và giải thoát đặt căn bản trên nguyên tắc này.
Mười sáu năm trọn vẹn theo Thầy, theo Ni sư, tôi bắt đầu vào giai đoạn mới thực tập phần tiếp theo trên con đường tâm linh và cũng sẽ bắt đầu bằng cái Biết vào đầu xuân năm nay - Năm 2023, năm Con Mèo Quý.
Thầy ơi! Xuân Biết!
Tưởng niệm Thầy Thiền chủ
Ngày Giỗ Thầy lần thứ ba - 17.12.2022
NTY Sacramento, Cuối năm 2022.
Ghi chú:
* Ảnh: Nhiếp ảnh gia Ngô Lễ
* Tranh: Hoạ sĩ Hiếu Hồ
Cám ơn Yến đã đọc "Xuân Biết". Mến chúc Yến và xin chúc quý anh chị em thiền sinh ĐT Việt Nam Năm Mới sức khoẻ dồi dào, thân tâm an lạc, tu tập tinh tấn.
Uyển Như Nguyễn thị Yến
(Hội Thiền TK Sacramento)
"...Thực hành theo thời khóa ,.. miên mật ..."
Mười sáu năm thật dài ...với lớp thiền sinh đi sau
Và Em vững tin tiến bước . Em cảm ơn Chị
Happy Tết !
SG ngày 1 Tết Qúy Mão.
NT Yen