Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời BÀI 26
Đây là hai pháp tu quan trọng trong Thiền Phật giáo. Nói như vậy chỉ là tạm nói mà thôi, vì đây là sự thật muôn đời của thế gian chứ không phải chỉ có trong Phật giáo.
Như Thực, tiếng Pāli và Sanskrit là Yathābhūta.
Yathā: là như, giống như (as, like).
Bhūta: là thật (real, true).
Chúng ta tiếp xúc với thế gian qua 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Qua 6 cửa ngõ này, tâm nhận biết cảnh bên ngoài là có thật. Sự nhận biết tức khắc này tạm xem là khách quan, tương đối thôi, vì chưa suy nghĩ, chưa suy luận, chưa so sánh phân biệt, chưa khởi ra cảm thọ. Nhưng nếu kết luận đó là sự thật thì chưa chính xác, trong cái thấy của bậc giác ngộ. Thông qua giác quan, có nghĩa là đã thông qua cái lăng kính rồi, cho nên Đức Phật nói sự thật đó chỉ là “giống như thật” thôi.
Tuy vậy, trong bước đầu tu tập của chúng ta, thấy-nghe-xúc chạm, Biết như thực vẫn là một phương thức quan trọng, sử dụng thích hợp trong đời sống của mỗi người. Thích hợp vì những đặc điểm sau đây:
- Dù là cư sĩ hay tu sĩ, luôn vẫn phải tiếp xúc với thế gian bên ngoài.
- Luôn luôn phải sử dụng các giác quan.
- Chưa có thể dừng được tâm vững chắc, nên vẫn còn lời nói thầm.
- Trong mọi sinh hoạt của đời thường vẫn thực hành được.
- Tâm dần dần yên lặng, khi chỉ giữ cái Biết thôi, rồi dừng.
- Tâm dần dần khách quan, không xét đoán, dán nhãn vào cảnh.
- Tâm dần dần trong sạch, hài hòa, không còn tham, sân và si.
Tâm yên lặng dẫn tới Samatha và Samādhi.
Tâm khách quan dẫn tới thấy biết Như Vậy, tức Tâm Như (Citta- tathā)
Tâm trong sạch tức là chân tâm, cũng là Tâm Như hay Tâm Không.
Nói gút lại, pháp Như Thực hướng dẫn mình thực tập bước đầu đi tới bước cuối, nhận ra và sống được với bản tâm tĩnh lặng, trong sáng, khách quan của chính mình.
Bây giờ chúng ta xem tới Huyễn.
Huyễn: tiếng Pāli và Sanskrit là Māyā.
Huyễn có nghĩa là giả dối, tạm bợ, thay đổi luôn, không vững chắc, không phải thật.. Cũng là vô thường, nhưng ý nghĩa của Huyễn sâu sắc và mạnh mẽ hơn.
Huyễn tướng có thể nhận ra qua giác quan rằng cảnh thay đổi, biến chuyển, cảnh thành- trụ- hoại- diệt, sinh- già- bệnh- chết hiển hiện trước mắt mỗi ngày.
Huyễn tánh thường phải nhận ra bằng trí tuệ. Là phương thức của Quán chiếu, là Quán Nhân Duyên. Do nhiều nhân và nhiều duyên, cảnh mới có mặt. Cảnh ở đây muốn nói là vạn pháp trên thế gian. Vậy cảnh nào cũng không có bản ngã, không có thực chất, không có tự tánh cố định, đức Phật nói cảnh bản thể là trống không, bản chất là trống không, không có gì trong nó, không có gì là chính nó. Đức Phật gọi thế gian là Huyễn, tướng là Huyễn, tánh cũng là Huyễn.
Trong thời kỳ lịch sử Phân liệt Bộ phái Phật giáo, có một bộ phái cho rằng: “Thế gian này chỉ là đống tro tàn”. Quan điểm này dường như nghiêng về mặt bản thể mà nhìn, nên quên mặt thực tế của hiện tượng. Trong thực tế, cảnh có hiện hữu dù chỉ trong một sát na thời gian.
Bốn câu kệ cuối cùng của kinh Kim Cang:
“Nhất thiết pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điển,
Ưng tác như thị quán,”
Mấy câu kệ nổi tiếng này cũng xác định thế gian là hoàn toàn trống không, không có vật gì vững chắc, thế gian chỉ hiện hữu như huyễn mộng mà thôi.
Khi mình thông suốt ý nghĩa của Huyễn tướng và Huyễn tánh, áp dụng được trong đời sống của mình, gọi là mình có Như Huyễn trí, khi tâm vững chắc không lay động, không dính mắc với thế gian thì tạm gọi là Như Huyễn định. Còn khi mình thấy Như Thực, biết Như Thực hiện tượng thế gian, kinh gọi là Như Thực kiến, Như Thực tri, Như Thực tri kiến hay Như Thực trí.
Tại sao có chữ “Như” (giống như) trong mấy cụm từ này?
“Thực” và “Huyễn” là 2 cái thấy dường như mâu thuẫn nhau, đối lập nhau. Nếu chỉ có 2 từ này thì có thể rơi vào 2 cực đoan của luận lý. Vì thế kinh điển đã trình bày chính xác: giống như Huyễn, giống như Thực mà thôi. Giống như Huyễn có nghĩa là không phải tuyệt đối không có, giống như Thực có nghĩa là không phải tuyệt đối thực vững bền.
Vậy dường như Thực là cái thấy thuộc tục đế, bước đầu dùng giác quan, Còn Huyễn dường như cái thấy của chân đế, bằng trí tuệ không dùng giác quan.
Tuy nhiên khi nói “Như Thực” là đã có trí tuệ, và khi nói “Như Huyễn” là cũng đã có nói tới cái thấy qua giác quan rồi.
Vậy “Như Thực và “Như Huyễn” đang ở Trung Đạo. Không rơi vào 2 cực đoan của Có và Không của luận lý nhị nguyên.
Có là cái thấy khẳng định, có sự hiện hữu vững bền của vạn pháp (eternity).
Không là cái thấy phủ định, hoàn toàn không có sự hiện hữu của vạn pháp (nihilism).
Trung Đạo: thấy có sự hiện hữu của vạn pháp, dù chỉ trong 1 sát na thời gian rồi thay đổi thành cái khác. Cho nên Đức Phật nói: sự hiện hữu giống như có thực, mà nó chỉ là như huyễn thôi. Nói cách khác:
Thực tại là “giống như Thực” , đồng thời là “giống như Huyễn”. Đó là Trung Đạo.
Nói cách khác nữa:
Thực tại là không phải hoàn toàn Thực, cũng không phải hoàn toàn Huyễn.
Cũng có thể nói:
“Cái Đang là” vừa là “Thực” vừa là “Huyễn”.
Hay nói:
Trong cái “Thực” đã có cái “Huyễn” và trong cái “Huyễn” đã có cái “Thực”.
Hay chúng ta cũng có thể nói:
Trong mùa đông đã có mùa xuân, hay trong mùa đông đã có mùa xuân, hạ, thu, đông v.v...
Hay là:
Trong cái sinh đã có cái diệt, trong cái diệt đã có cái sinh; hay:
Cái sinh chỉ là cái Như Sinh, cái Diệt chỉ là cái Như Diệt.
Các bạn ơi, cuộc đời chỉ là như vậy.
Tổ Đình, 10- 1- 2023
TN
Như Huyễn định là cái định bên ngoài hay bên trong ? Và cái định này trong bao lâu thì mới gọi là định theo nghĩa samadi ?
..khi tâm vững chắc không lay động, không dính mắc với thế gian thì tạm gọi là Như Huyễn định
Đảnh Lễ Ni Sư!🥳🧘♀️💗🧘♀️🥳 Nhật An, Úc Cháu☘️🍀☘️