QUY LUẬT TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
QUY LUẬT TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ
Thuyết Duyên Khởi (Paṭiccasamuppāda) bao gồm hai loại tương quan nhân quả (the relation of cause and effect):
Loại tương quan thứ nhất là tương quan giữa hai mắt xích với nhau:
Sự khởi lên của cái sau tùy thuộc vào sự có mặt của cái trước.
Thí dụ, Vô minh và Hành cả hai tuy là cơ cấu nghiệp quá khứ, nhưng cả hai đều tương quan nhân quả với nhau; sự khởi lên của cái sau là Hành tùy thuộc vào sự có mặt của cái trước là Vô Minh.
Nếu cái trước không có mặt, cái sau không thể khởi lên được. Như vậy, sự khởi lên của cái sau là do sự có mặt của cái trước.
Thí dụ, không có Vô minh, Hành không khởi lên được. Hành khởi lên được là do nhân Vô Minh. Rồi đến lượt Hành lại tương quan nhân quả với Thức. Nếu Hành không được thành lập, Thức không thể khởi lên. Vì có Hành khởi lên nên mới có Thức. Tiếp theo, Thức tương quan với Danh-Sắc, v. v...
Cuối cùng mắt xích của vòng sinh tử luân hồi là Sinh (jāti); lại tương quan nhân quả với Lão-Tử. Nếu chấm dứt Sinh thì không có Lão-Tử. Không có Lão-Tử thì không có Khổ. Do đó, Sinh được xem là mầm mống của Khổ hay bằng với Khổ.
Như vậy, trong loại tương quan nhân quả này mỗi nhân tố là điều kiện (duyên) làm cho nhân tố kế tiếp có mặt. Nếu vắng mặt một nhân tố, sự tương quan nhân quả không được thành lập. Đây là đầu mối nền tảng của lý luận tương quan nhân quả trong lý Duyên Khởi và cũng là đầu mối giúp người chưa giác ngộ, nhận ra sự phá vỡ một mắt xích, đưa đến phá vỡ toàn bộ khối Khổ.
Tóm lại, qua lý luận tương quan nhân quả, Phật cho ta thấy:
Cái này có, cái kia có.
Cái này sinh, cái kia sinh.
Cái này không, cái kia không.
Cái này diệt, cái kia diệt.
Trong đó không có bàn tay của đấng Tạo hóa. Tất cả đều nằm trong quy luật duyên sinh hay duyên khởi. Vật này dựa vào vật khác mà tồn tại.
Tuy nhiên, trong tiến trình duyên khởi, nhân tố tác động những mắt xích tương tác qua lại là nghiệp lực
mà nhân tố then chốt tạo ra năng lực chuyển động nghiệp lực là lậu hoặc.
Sinh (uppāda: coming into existence) và diệt (nāsa: destruction) là đặc tính không thể tránh khỏi của tất cả hiện tượng thế gian. Mọi vật đều được làm ra theo điều kiện và sự diệt của mọi vật đều không thể tránh. Trong sinh đã có mầm diệt. Mầm diệt này tiến hành trong từng sát na, gọi là sát na diệt (khaṇa-nāsa: the momentary destruction). Không có cái nào độc lập và tồn tại vững chắc. Chỉ vì tất cả hiện tượng đều vô ngã, tức không thực chất tính, chúng nương tựa vào nhau mà trở thành.
Theo sự phân tích của các luận sư (abhidhammikas) trong Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda), tánh hiện tượng gồm tâm và vật chất luôn luôn ở trong trạng thái chảy như một dòng nước mà trong đó gồm ba giai đoạn:
Những giai đoạn này khi được áp dụng cho con người, cho biết rằng con ngưòi có sinh, có già và có chết. Ba giai đoạn này là tiến trình biến dịch (vipariṇāma: change) của hiện tượng thế gian, trong đó có con người. Bằng trí tuệ, con người kinh nghiệm được sự vật kéo dài trong thời gian và bành trướng trong không gian.
Phật đã hoàn toàn chứng ngộ (abhisambujjhati: perfectly realized) điều này nên lập thành công thức Tam Pháp Ấn: vô thường, khổ (xung đột), vô ngã (không thực tính) về hiện tượng.
Tất cả vật có điều kiện tức tất cả pháp hữu vi (P: sankhata dhamma; Skt: samskṛta dharma: conditioned things) đều vô thường. Sinh và diệt chính là tánh (the nature) hay bản thể của chúng. Và Ngài thiết lập định lý Duyên Khởi để nói lên nguyên tắc tùy thuộc lẫn nhau của hiện tượng. Không có vật nào duy trì cùng một lúc hai sát na như nhau. Sinh và diệt là hai thuật ngữ dùng để diễn tả ý niệm xảy ra liên tục của mọi hiện tượng trên thế gian. Trong đó thời gian (kāla: time) là thành phần trung gian giữa sinh và diệt.
Mười hai mắt xích hay nhân duyên là điểm tiêu chuẩn áp dụng cho quy luật Duyên Khởi đối với tiến trình sinh tử của con người.
Quan sát vấn đề lão-tử để nói rõ điều kiện thành lập của nó trong từng sát na thời gian, ta phải dựa vào mười hai nhân duyên.
Già và bệnh là sự kiện hiển nhiên trong cuộc sống của con người.
Phật giáo không chấp nhận hiện tượng sinh như sự bắt đầu hiện hữu của con người. Phật giáo cho biết rằng sinh được dẫn đầu bằng tử, rồi trở lại được tiếp theo là sinh nữa. Trong cái vòng lặp đi lặp lại tử sinh, sinh tử đó, Phật giáo gọi là luân hồi. Đặc tính già là một phần trong cuộc sống.