DANH - SẮC
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề
"GIẢNG RỘNG VỀ THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
DANH-SẮC: P & Skt: nāma-rūpa: chỉ cho tâm và thân (name and form, mind-and-body). Danh-sắc là cơ quan có sinh khí (animated organism) được dùng để giải thích năm khối kết hợp nên con người trong dạ con (the womb). Đây là lúc bào thai dần dần lớn lên trong dạ con của người mẹ. Trong thuyết ngũ uẩn, danh là yếu tố tinh thần, thuộc tâm, gồm: thọ, tưởng, hành, thức. Phật còn cho biết thêm, xúc (contact) và tác ý (attention) cũng thuộc danh. Sắc: yếu tố vật chất: nhục thể, do bốn đại lập thành. Hai yếu tố này kết hợp lại lập thành hữu tình chúng sinh.
Con người, theo Phật, là một tổ chức tâm-vật lý được mô tả dưới tên “danh-sắc” (nāma-rūpa: name and form). Danh là phần phức tạp gồm thọ và những trạng thái tâm phức tạp được tạo ra bởi những tương tác qua lại của các tiến trình hoạt động của các nhóm tưởng, hành, thức. Sắc là những phần vật chất khác nhau của cơ thể được biểu lộ ra ngoài những phẩm chất của nó. Toàn thể cơ quan tâm-vật lý này ở trong luồng thường hằng như bánh xe quay không bao giờ ngưng. Nó cứ quay mãi, và cơ quan tâm-vật lý cứ trôi lăn mãi trong vòng luân hồi.
Toàn thể cơ chế của tiến trình tái sinh được Phật vạch ra (envisaged) có thể được hiểu bằng kinh nghiệm. Khi một người chết, cơ cấu vật lý của họ bị tan rã, nhưng luồng của dòng tâm tiếp tục lập thành một khối kết hợp (conglomeration) mới. Từ đó con người mới, hình hài mới xuất hiện. Tái sinh được đặt trên nguyên lý này. Năng lực đưa đến sự tái sinh này là vô minh và ái dục. Cả hai năng lực này nuôi dưỡng nghiệp lực (force of karma) hay chính chúng làm tăng trưởng nghiệp lực.
Bị thúc ép (impelled) bởi nghiệp lực, niệm sau cùng của cận tử nghiệp sẽ lập thành một dòng tái sinh mới. Trạng thái tái tạo mới này là kết quả của trạng thái trước, và nó vốn sở hữu đặc tính của nghiệp trước. Như vậy, không có cái gì đồng nhất hay kéo dài trong chúng sinh tái sinh, song có sự liên tục của đặc tính nghiệp thức. Toàn thể tiến trình được biết trong ánh sáng của lý thuyết Duyên Khởi (Paṭiccasamuppāda).
Khi Tỳ kheo Trà Đế nói rằng: “Theo tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác”, (tadevidaṃ viññāṇam sandhāvati saṃsarati anaññanti), đã bị Phật quở rầy (admonished).
Sau đó, Phật giảng trở lại chung cho tất cả đệ tử nghe. Phật nói:
“Ta đã dùng nhiều pháp môn nói là thức do duyên khởi, không có duyên, thức không hiện khởi”.
Phật cho biết do duyên các căn mà thức sanh, thức đó mang tên của căn đó. Phật nói:
“Này các Tỳ kheo, do duyên mà thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do Duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai,... thức sanh, thức ấy tên là nhĩ thức…” Sau cùng, “Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức”.
Trung Bộ kinh I, trang 564-566. (M. I. 256)
Đây là cách giải thích lý Duyên Sinh, cho thấy rằng tiến trình không bao giờ thay đổi vẫn tiếp tục sản sinh ra những trạng thái khác tiếp nối sau cái kia. Thức (viññāṇa) là tác nhân tạo ra danh sắc, rồi chính nó là kết quả của Hành (saṅkhāra), Hành ngược trở lại là do gốc rễ của Vô Minh. Đây là ánh sáng của tiến trình không bao giờ ngưng động của kiếp sống con người với chuỗi mắt xích nhân duyên vô tận.
Như Phật nói: “Thức thực là duyên cho sự sanh thành”. (The food of consciousness is the cause of the coming rebirth-formation) (Tương Ưng II, tr. 30-31). Như vậy, nếu thức không có “thức ăn” của nó là đối tượng thì điều kiện cho sự sinh thành (birth-formation) sẽ không bao giờ có.