NGỘ
Ngộ là một từ rất phổ thông phát ra từ cửa miệng người đời, nên nó có rất nhiều nghĩa trong cuộc sống đời thường. Ngộ là gặp (hội ngộ, tái ngộ, ngộ diện), lầm lẫn (ngộ nhận), hốt nhiên gặp phải (ngộ nạn, ngộ độc), đẹp (cô ấy trông ngộ), điên (chó ngộ) … Trong đạo thì ngộ là sự thức tỉnh bên trong không bằng con đường của tri thức hay siêu hình mà bằng con đường tâm linh. Theo thiền sư Suzuki, ngộ là tâm thông, tâm hoa nở, đổi cung đàn. Như vậy, bình dân nhất, ngộ là sự nhận biết một cách mới mẻ về một vấn đề gì, sau đó đời ta thay đổi.
Chúng ta thường đến với Phật Pháp qua một biến cố quan trọng trong đời như hạnh phúc đổ vỡ, bệnh hoạn và thông thường nhất là khi có người thân qua đời. Qua lễ cầu siêu, cầu an, chúng ta làm quen với kinh sách, đời ta thay đổi, ta đi chùa, tụng kinh, nghe pháp, ta được nghe rất nhiều về ngộ như giác ngộ, đại ngộ, đốn ngộ v.v.
Sau đây là một vài nhận xét của cá nhân tôi về ngộ. Nhận xét này chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót.
Trước hết, qua lịch sử Phật giáo, ta thử xem đức Phật đã ngộ như thế nào? Cuộc đời của Phật là một tiến trình của ngộ từ thấp đến cao. Sau khi dạo qua bốn cửa thành, Ngài ngộ ra “đời là sự nối tiếp của sinh, lão, bệnh, tử” nên Ngài quyết định đi tìm giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Trên đường tìm đạo, ngài ngộ nhiều lần. Khởi đầu tu học với hai vị thầy nổi tiếng thời đó là Àlàra Kàlàma – ngài đạt được trạng thái Vô sở hữu xứ và Uddaka Ràmaputta – ngài đạt được trạng thái Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngộ rằng chưa được giải thoát. Ngài quay ra tu khổ hạnh với nhóm Năm anh em Ông Kiều Trần Như; rồi tu khổ hạnh khốc liệt trong Khổ hạnh lâm, tới độ gần chết. Biết việc hành xác không đưa tới giải thoát, ngài bỏ cực đoan trở về Trung đạo, ăn uống để giữ thân thể khoẻ mạnh làm phương tiện tu học. Nhờ kinh nghiệm Thở khi còn nhỏ, Ngài thực hành ngồi dưới gốc cây, hít thở, và biết mình hít vào thở ra trong từng giây phút, thở đều đặn, Ngài nhận biết thân tâm an lạc. Ngài thực hành pháp đó trong bảy tuần lễ dưới gốc cây bồ-đề, Ngài đại ngộ đạt được Chánh đẳng chánh giác.
Trong thời Phật tại thế, qua kinh sách, ta thấy chỉ cần nghe một thời Pháp của Phật, rất nhiều người đã chứng quả. Như trường hợp ngài Đại Ca Diếp (Phật có 4 đệ tử họ Ca Diếp: Ngài Đại Ca Diếp, 3 anh em ông Ca Diếp thờ thần Lửa, Ưu lâu tần loa Ca Diếp, Na-Đề Ca Diếp, Dà Da Ca Diếp). Trong một buổi đăng tòa, Phật giơ cao cành hoa, chúng hội ngơ ngác, chỉ mình Ngày Đại Ca Diếp mĩm cười, Phật bảo, “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay trao cho Ma ha Ca Diếp. Ngài Ma ha Ca Diếp là Tổ thứ nhất của Thiền Tông.
Sau Phật nhập diệt hơn 100 năm, giáo đoàn chia thành Thượng-Toạ-Bộ và Đại Chúng Bộ và sau đó phân chia ra thêm nhiều bộ phái khác. Vẫn đối cơ thuyết pháp, kinh sách được san định, Phật Tổ từ bi dùmg nhiều phương tiện thiện xảo để tuỳ căn cơ đưa chúng sanh đến gần Phật pháp.
* Ai sợ nghèo khó, có Kinh A Di Đà, giới thiệu quốc độ có đầy vàng, bạc, san hô, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não.
* Ai muốn trường thọ, có Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lương Thọ Trang Nghiêm Bình Đẳng Giác (gọi tắt là Kinh Vô lượng Thọ.) Nói về Quốc-độ, nơi đó chúng sinh có tuổi thọ ngàn năm
* Ai muốn sám hối tội lỗi có các Sám pháp: Thủy Sám, Lương Hoàng Sám …
* Với những Bà la môn nhiều lý luận, nho sĩ, đạo sĩ nhiều kiêu hãnh và những bậc trí thức khác thì có Kim Cang, Pháp Hoa và Hoa Nghiêm … để thoả mãn những đòi hỏi về tri thức của họ.
Bây giờ ta thử xem Kinh Điển đã giúp gì cho các thiện nam tử, thiện nữ nhân “đổi cung đàn”.
Kinh A Di Đà: Kinh nói về sự an lành ở quốc độ nơi làm toàn bằng bảy báu (vàng, bạc, san hô, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não), ngoài những diễn tả đó ta còn đọc được những đoạn như sau:
- Xá lợi Phất bất khả dĩ, thiểu thiện căn, phước-đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc.
- Xá lợi Phất nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu nhược nhất nhật, nhược nhi nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược tất nhật nhất tâm bất loạn kỳ nhân lâm mạng chung thời tâm bất điên đảo tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc Quốc.
Như vậy, Kinh A Di Đà dạy chúng ta dùng lục tự Di Đà: “Nam Mô A Di Đà Phật” giữ cho đầu óc không còn tiếng thì thầm, suy nghĩ (vọng tưởng) đạt được nhất tâm bất loạn, Phật A Di Đà và thánh chúng sẽ rước về Cực Lạc Quốc Độ.
Kinh Vô Lương Thọ: Kinh nói về quốc độ an lành, không có điều ác, nói về 48 đại nguyện của bồ tát Pháp Tạng trước khi thành Phật hiệu A Di Đà. Phẩm Hai, Kinh nói về phẩm hạnh của quả vị Phật có đoạn:
- Siêu vượt Thanh-văn và Bích-Chi Phật nhập pháp môn Không, Vô tướng, Vô nguyện, khéo bày phương tiện hiểu rõ Ba Thừa. Như vậy, muốn đạt được quả Phật phải vào được Cửa Không, Vô Tướng, Vô Nguyện.
Phẩm Chín lại thêm:
- Phật bảo A-Nan, tỳ kheo Pháp-Tạng tu hạnh bồ tát, tích công dồn đức, vô lượng, vô biên đối tất cả pháp đều được tự tại ở chỗ “Hay Biết” đều không phải do ngôn ngữ phân biệt.
- Phẩm Ba mươi bảy nói:
Như các ông đặng rộng trồng gốc đức, trí tâm chuyên nhất, trai giới thanh tịnh một ngày đêm thì thù thắng hơn nước Vô Lượng Thọ làm thiện trăm năm. Tại vì sao thế? Bởi cõi Phật kia chứa đầy đức thiện chẳng tơ hào ác. Cõi này tu thiện mười ngày mười đêm thì thù thắng hơn cõi Phật phương khác làm thiện ngàn năm.
Qua hai bộ Kinh được tín đồ Phật giáo trì tụng nhiều nhất, tôi “ngộ” ra rằng:
- Kinh A Di Đà dạy chúng ta dùng lục tự Di Đà “Nam Mô A Di Đà Phật” làm Tầm tắt Tứ (những suy nghĩ xao động trong đầu), sẽ được nhất tâm. Khi đi Kinh hành, chỉ nhớ Lục tự Di Đà, lúc bàn chân nhấc lên và chạm đất, thì đó chính là “mỗi bước chân đi, mỗi bước vào Tịnh độ.”
- Thâm sâu hơn, Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta, theo chân Phật A Di Đà, khi còn là bồ tát Pháp Tạng tu theo phương pháp “đối với tất cả các pháp thường được tự tại ở chỗ ‘Hay Biết’ đều không phải do ngôn ngữ phân biệt”. Nghĩa là trong mọi sinh hoạt bồ tát Pháp Tạng “không dừng ngôn ngữ” mà “thầm nhận biết” tất cả mọi việc, sau đó, đạt được “Không, Vô tướng và Vô nguyện định” tới quả vị Phật. Theo chân Phật A Di Đà, đạt tới đây – Mở mắt ra thì Ta thấy: “Thang thanh túy trúc tận thị chân như. Uất uất huỳnh hoa vô phi bát nhã.” Đó chính là “mỗi cái nhìn, thấy rõ pháp thân.” Muốn được như vậy, Phật khuyên chúng ta nên Tu ngay bây giờ, tại cõi ta bà này! (Phẩm 37)
Với những bậc thông minh lanh lợi, Phật pháp có cả rừng Kinh, Luận để thoả mãn óc tìm tòi của họ (như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Lăng Già … Kinh Vi Diệu Pháp…) Học có thể chia chẻ vấn đề làm tư làm tám … và cùng các Tổ như Tổ Thế Thân, Tổ Vô Trước … thảo luận qua vài A-tăng-kỳ kiếp … Để rồi, một ngày nào đó như ngài Vĩnh Gia Huyền Giác chợt ngộ:
Ta sớm bao năm chuyên học vấn
Từng viết sớ sao tìm Kinh Luận
Phân biệt danh tướng mãi không thôi!
Vào biển đêm cát tự chuốc hận
Quả đáng bị Như Lai khiển trách
Châu báu của Người có ích gì!
(Chứng Đạo Ca)
Còn người chân chất thật thà như cư sĩ quê mùa ở Lĩnh Nam, Huệ Năng, nghe câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Ngộ, bỏ nghề đốn củi, lần mò đến Hoàng Mai, tìm cho ra Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn để xin được làm đệ tử mà tu học, Ngài Huệ Năng đã trở thành vị Tổ thứ sáu của Thiền Tông Đông Độ.
Bây giờ, chúng ta thử nhắc lại vài câu chuyện của các thiền giả trong quá khứ, xem thử các ngài Ngộ ra sao:
(1) Ngài Bá Trượng (Hoài Hải) cùng Thầy là Mã Tổ (Đạo Nhất) đang đi trên đường, bỗng thấy bầy vịt trời bay ngang.
Mã Tổ: Gì thế?
Bá Trượng: Thưa Thầy, bầy vịt trời!
Mã Tổ: Đâu?
Bá Trượng: Thưa Thầy, bay mất rồi!
Mã Tổ liền nắm chót mũi của Bá Trượng vặn thật mạnh …
Mã Tổ: Có bao giờ bay mất được!
Bá Trượng Ngộ!
(2) Một hôm, ngài Qui Sơn (Linh Hựu) hầu thầy là Bá Trượng.
Bá Trượng: Ai?
Qui Sơn: Dạ, Linh Hựu
Bá Trượng: Vào khươi bếp xem có lửa không?
Qui Sơn: Dạ, không có lửa!
Bá Trượng dời chỗ ngồi, đến khươi sâu vào trong đống tro, lấy một chút than đỏ đưa lên.
Bá Trượng: Cái gì đây?
Qui Sơn Ngộ!
(3) Hương Nghiêm (Trí Nhàn) là đệ tử của Bá Trượng. Bá Trượng mất, sang tiếp tục học với Qui Sơn.
Qui Sơn: Tham học với thầy, sư đệ thông minh lanh lợi, vậy khi chưa sanh, bản lại diện mục của sư đệ ra sao?
Hương Nghiêm không trả lời được, về thất đem tất cả Kinh sách ra nghiên cứu, không tìm được câu trả lời, trở ra khẩn khoản xin chỉ giáo.
Qui Sơn: Nếu tôi nói cho sư đệ biết, sau này sư đệ sẽ chửi tôi!
Nghĩ sư huynh không tốt với mình, Hương Nghiêm bỏ đi, cất cốc bên mộ quốc sư Huệ-Trung sống qua ngày. Một hôm, đang quét lá, viên sỏi văng vào gốc tre nghe tiếng “cốc”, Hương Nghiêm ngộ! Ông cúi đầu xuống quay đầu về núi Qui đảnh lễ.
(4) Lâm Tế (Nghĩa Huyền) ba lần bị Hoàng Bá đánh khi hỏi pháp, buồn lòng bỏ qua xin học với thiền sư Đại Ngu.
Đại Ngu: Ông từ đâu đến?
Lâm Tế: Thưa từ ngài Hoàng Bá đến!
Đại Ngu: Hoàng Bá có nói gì không?
Lâm Tế: Nghĩa Huyền tôi đảnh lễ hòa thượng hỏi về đại ý của Phật pháp thì bị hòa thượng đánh, ba lần hỏi, ba lần bị đánh, không biết tôi có lỗi gì?
Đại Ngu: Hoàng Bá có lng đại bi như lão bà sao không biết mà còn hỏi lỗi phải nỗi gì?
Lâm Tế chợt ngộ và lẩm bẩm “Phật pháp của Hoàng Bá không có gì nhiều!”
Vậy Ngộ cái gì? Lâm Tế nhận ra cái gì mà lẩm bẩm “Phật pháp của Hoàng Bá không có gì nhiều!”
Từ những câu chuyện trên ta thấy, các hành giả, qua giác quan, trong lúc bất ngờ nhất, chợt nhận ra “cái biết không lời” thường hằng của mình. Nó trong ta (khi trí năng chưa sẵn sàng), nó tự nhận biết và phản ứng ngay khi sự việc xảy đến.
Sau đây là một vài mẫu chuyện khác giúp ta nhận rõ về nó.
(5) Cuộc nói chuyện giữa Qui Sơn và học trò là Ngưỡng Sơn trong buổi hái trà.
Qui Sơn: Cả ngày chỉ nghe tiếng ông mà không thấy hình ông, vậy ông thử hiện hình cho ta xem?
Ngưỡng Sơn liền rung cây trà.
Qui Sơn: Ông chỉ được dụng mà không được thể
Ngưỡng Sơn: Thưa còn hòa thượng thì sao?
Qui Sơn im lặng.
Ngưỡng Sơn: Hoà thượng được thể mà không được dụng.
Qui Sơn: Ta tha cho ông hai mươi hèo.
(6) Sùng Tín thờ Đạo Ngộ đã lâu mà không được chỉ dạy, sư bèn thưa.
Sùng Tín: Con từ khi vào đến nay, chưa được Thầy chỉ dạy gì về tâm yếu cả!
Đạo Ngộ: Ta chưa từng chỉ cho ông?!
Sùng Tín: Bạch Thầy đã chỉ dạy cho con lúc nào?
Đạo Ngộ: Ông bưng cơm thì ta tiếp, ông dâng trà thì ta nhận, ông xá lui thì ta gật đầu, có lúc nào mà ta không chỉ dạy cho ông đâu?
Sùng Tín cúi đầu ngẫm nghĩ.
Đạo Ngộ: Nhận thì ngay đó liền nhận, suy nghĩ liền sai.
Ngay đó Sùng Tín ngộ.
Cuộc nói chuyện giữa thầy trò Qui Sơn – Ngưỡng Sơn chỉ rõ, bình thường “cái Biết” trong ta thầm lặng (Qui Sơn im lặng), khi cần nó sẽ hiện hình (Ngưỡng Sơn rung cây trà). Ngài Đạo Ngộ tiến xa hơn một bước chỉ cho Sùng Tìn biết rằng Tu là đi-đứng-nằm-ngồi, phải sống với “cái Biết” đó bằng cách thầm nhận biết khi ta làm mọi việc.
Bây giờ, ta thử xem bộ Kinh mà giới học Phật trí thức thường nhắc đến là Kinh Kim Cang, có chỉ dẫn đơn giản nào giúp chúng ta tu tập không?
Ngay phần đầu Kinh viết:
“Lúc ấy gần đến giờ thọ trai, Đức Thế Tôn đắp y, mang bát vào thành Xá Vệ khất thực, rửa chân, rồi Ngài trải tòa ngồi.
Bấy giờ, Ngài Tu Bồ Đề, ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi, trật vai áo bên mặt, quỳ gối mặt, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
- Hiếm có thay Đức Thế Tôn! Đức Như Lai khéo hộ niệm (bảo vệ) các vị Bồ tát, khéo phó chúc (dạy dỗ) các vị Bồ tát.”
Ngài Tu Bồ Đề muốn chỉ cho chúng ta thấy gì khi ngài tán thán Đức Thế Tôn?
Tinh ý, chúng ta sẽ thấy: Qua Thân giáo, Đức Phật dạy rằng, muốn được như Đức Thế Tôn, hãy sống như Đức Thế Tôn! Gia tài của Đức Thế Tôn muốn để lại cho chúng ta là hãy làm mọi việc trong tỉnh thức biết ở mọi nơi, mọi lúc. Đơn giản chỉ có thế!
Đức Phật qua rất nhiều tiểu ngộ, đã đạt được đại ngộ, khi Ngài khám phá ra cái ATAKKÀVACARA vĩnh hằng. Các thiền sư cũng ngộ ra cái biết thầm lặng đó, rồi sống với nó hằng ngày mà thành đạt.
Chúng ta thật may mắn được Phật cho kinh nghiệm của năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già. Các Tổ chịu dùm chúng ta những cái đánh, tiếng hét, những gian khổ khác khi tìm Thầy học đạo. Thầy chúng ta chịu gần mười năm tù ngục để bình dân hoá được ý nghĩa của ATAKKÀVACARA, của bất khả tư, của bất khả nghì, của bất khả tư nghì là biết không lời, là thầm nhận biết không lời và đơn giản nhất là “Không Nói” làm chìa khoá cho chúng ta thực tập.
Phương pháp “Không Nói” của Thiền Tánh Không khế hợp với những gì Phật và Tổ đã dạy và thực hành. Tôi ngộ ra rằng, chúng ta hãy theo đúng con đường tỉnh thức biết không lời Phật và Tổ đã đi. Bây giờ là phần của chúng ta có miệt mài thực tập hay không?!
Tuệ Tâm