THỨC
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề
"GIẢNG RỘNG VỀ THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
THỨC: P: Viññāna, Skt: Vijñāna: Consciousness. Tùy thuộc nơi Hành, Thức khởi lên. Thuật ngữ gọi là Hành duyên Thức. Trong mười hai nhân duyên, nó đóng vai trò tái sinh. Do đó, mắt xích Thức ở đây được xem là “Thức tái sinh” (paṭisandhi-viññāṇa: rebirth-consciousness) hay “Thức luân hồi” (saṃvattanika- viññāṇa: transmigrating consciousness). “Nó đi vào bào thai”. Thuật ngữ gọi là “thức liên tục" (viññāṇa santāna: continuum consciousness). Nó không là một thực thể thường hằng, không thay đổi mà là một chuỗi ý thức riêng biệt và thay đổi từng chập.
Mỗi trạng thái ý thức có ba chập (phases):
Cả ba trạng thái này đánh dấu sự liên tục tiếp nối của ý thức. (Dụng ngữ cũ gọi ba chập này của ý thức là sanh, trụ, diệt).
Trong mỗi chập đều biến dịch theo từng sát na (kṣaṇa: instant, momentary). Khoảng không gian của ba sát na trong đó trạng thái ý thức trở thành, hiện hữu và biến dạng được gọi là sát na tư tưởng hay sát na tâm (cittakṣaṇna: a momentary of thought, a momentary of mind). Mỗi trạng thái ý thức đều là một dòng náo động (a disturbance) của tâm. Nó luôn luôn biến đổi trong từng sát na thời gian. Vì thế, trong Phật giáo, ý thức không bao giờ ở trong trạng thái vững chắc. Nó sinh (grows) và diệt (decays) liên tục. Nó được so sánh như một dòng nước chảy liên tục và không bao giờ giữ nguyên thể tánh. Lý do là những yếu tố bên ngoài luôn luôn tác động vào nó, làm cho nó phải luôn luôn thay đổi. Do đó, sự liên tục này của ý thức được dùng như là “dòng ý thức” (viññāṇasota), nó không bị đứt quãng trong khi con người còn sống và sau khi chết. Sau khi chết, có sự kết nối tái sinh nữa. Khi sự kết nối tái sinh được thành lập, sự sống tiếp tục. Ý thức lại bắt đầu tiếp tục hiện hữu nữa trong cảnh giới phù hợp với nghiệp thức của nó. Theo Phật giáo, sự Sống hay sự Sinh Tồn là một tiến trình trở thành không đứt quãng, cho dù thân này không còn nữa. Bởi vì cái gọi là nhân hay con người (pudgala) chỉ là một khối kết tụ gọi là uẩn (khandha: a group of aggregates), nó lệ thuộc vào sự thay đổi (vikāra: change), sự hoại diệt (jāra: decay) và sự tan rã (bhaṇga, bheda: dissolution).
Trong trường hợp này, các luận sư A Tì Đạt Ma (Ābhidhammamikas) dùng thuật ngữ “bhavāṅga-citta” để chỉ cho ý thức ở trạng thái thay đổi thường trực như một dòng nước chảy dài bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác. Họ xem “bhavāṅga-citta” là nhân tố của sự sinh tồn, nó cũng là đầu mối của luân hồi sanh tử. Do đó, trong trường hợp này, “bhavāṅga” được các luận sư giải thích như là niệm cuối cùng vào lúc con người chết. Nó không phải là linh hồn mà là ý thức còn dính mắc vào đối tượng của người trước khi lâm chung. Luồng “bhavāṅga” cuối cùng này được gọi là “tử-thức” (cuti-viññāṇa: death consciousness) hay “tử-tâm” (cuti-citta). Sau khi chết, kiếp sống mới bắt đầu trở lại bằng thức tái sinh. Thể tánh (the nature) kinh nghiệm con người được xác định trong thức tái sanh. Những kinh nghiệm quan trọng nhất của thức tái sinh là Tưởng. Do đó, thức đóng vai trò quan trọng giữa hai kiếp sống.
Trong Thanh Tịnh Đạo, Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) gọi “bhavāṅga” là luồng ý thức liên tục sinh tồn (bhavāṅga viññāṇa), và xem nó ngang bằng với thức tái sinh (paṭisandhiviññāṇa: the rebirth consciousness), hay sự “kết nối tâm” (paṭisandhi-citta: re-linking mind). “Bhavāṅga” không bao giờ chấm dứt, nó luân hồi trong lục đạo, cho đến khi nào tiến trình ý thức đến giai đoạn của A La Hán quả, lúc bấy giờ nó mới chấm dứt.
Cái gì liên hệ đến kết quả của thức tái sinh (the rebirth-consciousness) là tử thức (the death-consciousness). Nó liên hệ đến đối tượng của tâm (ārammaṇa-citta: mental object) ngay lúc chết. Thân tuy được từ bỏ ngay lúc chết, nhưng vô minh và ái dục vẫn chưa dứt sạch nên ý thức của người chết bị hai lực này đẩy để đi tái sinh. Lực này được gọi là “nghiệp lực”.
Trong Thượng Tọa Bộ không chấp nhận có sự trung gian (anantara: interval) giữa hai loại “bhavāṅga”.
Thuật ngữ bhavāṅga gồm hai từ:
Bhavānga có nghĩa là “phần sinh tồn hay điều kiện sinh tồn” hoặc là “nhân tố của sự sống”. Nó là thuật ngữ được dùng để ám chỉ sự hiện hữu của đời sống như một triều lưu hay một dòng nước chảy. Trong tiếng Anh thường được dịch là: life-continuum, tức “kiếp sống liên tục”.
Trong kinh Đoạn Tận Ái, thuộc Trung Bộ kinh I, Phật giảng rõ điều này.
Phật nói: “Này các Tỳ kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và gandhabba (hương ấm) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình... Khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền. Có ba sự hòa hợp như vậy thì bào thai mới thành hình”. (Trung Bộ kinh I, tr. 582)
Như vậy, về sự kiện tái sinh, niệm sau cùng của người chết lập thành “hương ấm”. (Pāli: gandhabba; Skt: gandharva: the being to be reborn). Hương ấm này kết hợp với tinh khí (the sperm) và trứng (ovum) của cha mẹ sau cùng của người chết để kết thành bào thai, làm thành một chúng sanh mới. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, hương ấm được giải thích như: dòng ý thức: viññānasota: the stream of consciousness; hay dòng trở thành: bhava-sota: stream of becoming.
Nó đồng nghĩa với “thức luân hồi”, cũng gọi là “dòng trở thành” (bhava-sota). Thuật ngữ này dùng để chỉ sự luân hồi của thức.
Theo tâm lý học Phật giáo, đi vào dạ con (gabbassa avakkanti: descent into the womb) trong nghĩa sinh học được định nghĩa là tinh trùng của người đàn ông và trứng của người đàn bà kết hợp lại để tạo thành bào thai với sự nhập vào của thức tái sinh (paṭisandhi-viññāṇā: rebirth-linking-consciousness) — kết quả từ tử thức của kiếp vừa qua. Sự lập thành đời sống mới này trong hình thái bào thai (embryo) xảy ra trong bụng mẹ (dạ con: the womb). Đây là bắt đầu của giai đoạn tiến trình làm tái sinh (uppatti-bhava: the regenerative process).
Tử thức của người chết là kết quả rất quan trọng trong nghĩa tâm lý, là thức liên kết tái sinh, nó trở thành bào thai (embryo) của tiến trình kiếp sống mới trong sự kết hợp với tinh cha và trứng mẹ. Theo Phật giáo, hương ấm có mặt khi nào hội đủ ba yếu tố: thức, cha mẹ giao hợp và thời kỳ mẹ có khả năng thụ thai.
Sau đó, nó từ lần phát triển, chỉ có thân căn (kāyāyatana: physical base) và tâm căn (manāyatana: mind base) xuất hiện trong sự thụ thai (conception) còn bốn căn khác như mắt, tai, mũi, lưỡi xuất hiện sau đó.
Đức Phật nói rằng sự thụ thai xảy ra như là kết quả của sự điều hợp của sáu yếu tố (dhātuyo). Năm yếu tố đầu là đất, nước, hơi nóng (lửa), gió, không gian, và yếu tố sau cùng là thức. (Tăng Chi I, 176)
Từ trong Thiền Định hay Thiền Huệ, ta có khả năng chấm dứt thức. Khi thức chưa chấm dứt, nó lại tiếp tục đi vào lục đạo. Đó là “thức duyên danh sắc" (viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ), có nghĩa tùy thuộc vào thức, phần tâm-vật lý cá nhân là danh sắc (nāma-rūpa) khởi lên. Sự khởi lên này đúng lúc thức nhập vào (enter) thai mẹ — một chúng sanh mới bắt đầu được tượng hình thành một bào thai.
Trong nghĩa thường, thức là kinh nghiệm của năm giác quan và kinh nghiệm của ý căn. Chức năng của nó là nhận thức và tâm là chủ thể của nhận thức.
Trong 12 mắt xích, thức (viññāṇa) và danh sắc (nāma-rūpa) được xem là mắt xích cơ bản. Từ hai mắt xích này, tất cả những liên quan chủ thể-khách thể trong kinh nghiệm bình thường được phát xuất, và cấu trúc năng động cũng bộc lộ sự vận hành bên trong tâm. Thông qua chúng, sự chuyển biến của chúng ta từ vô minh đến giác ngộ có khả năng thực hiện được.