KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA VIỆT NAM
Tháng 11- 2022
Năm nay, đoàn về hỗ trợ các khóa tu ở Việt Nam tất cả có 23 người, 7 vị tăng ni và còn lại là thiền sinh của những đạo tràng San Jose, Sacramento, Houston, Toronto, Thụy Sỹ, Sydney, Adelaide, Melbourne, Đức v.v...
Chương trình hướng dẫn 3 khóa cuối tuần, thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật tại Sài Gòn, Củ Chi và Tuy Hòa. Tất cả tới Sài Gòn trong ngày 2 & 3 tháng 11. Ngày thứ sáu 4 tây khai giảng khóa tu học tại Viện Đào tạo Bách khoa. Khóa tu khoảng 70- 80 người tham gia, một số đã học năm 2019, một số mới. Nội dung tu tập nghiêng về thực hành để kinh nghiệm cái Biết qua thấy, nghe và xúc chạm.
Viện Đào tạo Bách khoa nằm giữa trung tâm phố phường Sài gòn nên không có sân vườn cây cảnh, thành ra tất cả hoạt động đều thu hẹp trong phạm vi giảng đường. Giảng đường thì rộng rãi khang trang, có đầy đủ tiện nghi cho lớp học hơn ở chùa. Ở đây có máy phóng chiếu, có tivi màn ảnh lớn, có máy lạnh điều hòa không khí vì bên ngoài trời quá nóng bức. Mặc dù mình chọn tổ chức khóa tu vào tháng 11 là mùa thu ở Việt nam, nhưng hễ bước ra đường là nóng, vào nhà, vào phòng là phải có quạt máy hay máy lạnh. Có thể vì vậy mà hầu hết thiền sinh trong đoàn lần lượt ho cảm, chưa thích ứng được với thời tiết nhiệt đới ở đây.
Về phần giáo lý, qua chiếu slideshow, mình giới thiệu các sắc thái tâm, các sắc thái biết của con người, giải thích rõ về tác động của hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm đối với sức khỏe. Các nhà khoa học đặt tên cho hệ giao cảm là “fight or flight”, và hệ đối giao cảm là “ rest and digest”. Hệ giao cảm hoạt động khi có tín hiệu tâm xúc cảm: bực tức khó chịu, nổi giận, buồn rầu phiền não, hay vận dụng cơ bắp quá nhiều, cố gắng v.v...liên tục nhiều ngày sẽ có thể làm rối loạn sự vận hành của nội tạng. Trong khi ngược lại, tâm bình tĩnh an vui, nghỉ ngơi thư thái, hệ đối giao cảm sẽ điều hòa lại nội tạng.
Từ đó ta biết tâm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của thân. Đây cũng là một khía cạnh nhỏ trong quan điểm “vạn pháp duy tâm tạo” của Phật pháp. Khi mình suy gẫm sâu sắc hơn nữa, mình sẽ nhận ra tất cả những bệnh tâm lý (mental illness) và tâm thể (psychosomatic diseases) đều do tâm gây ra. Ngay cả bệnh do lây nhiễm: do đâu hệ thống miễn nhiễm của mình yếu kém, thì cũng do tâm. Ngay cả bệnh di truyền: do đâu mình sinh trong một gia đình có chủng tử bệnh đó, thì là nghiệp, nghiệp cũng do tâm. Từ những suy tư này, mình mới nhận ra tu chỉ là quan sát tâm mình, chuyển hóa tâm mình, để cho tâm thường trong sạch, khách quan, hiền thiện, trầm lặng, thanh thản. Nếu chúng ta dính mắc nhiều với những thay đổi của cuộc đời, khi vui khi buồn, khi giận hờn, khi lo sợ...thì chính mình làm hại mình trước nhất. Như vậy, phải có trí tuệ nhận ra cuộc đời thay đổ luôn luôn, tình cảm của người ta càng thay đổi như khi nắng khi mưa, chúng ta phải chấp nhận qui luật đó, là qui luật vô thường.
Cái slideshow về hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm muốn nói lên rất nhiều bài pháp như thế, các bạn ơi.
Tuy giảng đường của viện Đào tạo Bách khoa rộng rãi, nhưng cũng không đủ chỗ thiền hành. Lớp tạm chia ra làm hai nhóm. Một nhóm thiền hành theo vòng tròn chiều kim đồng hồ, trong thiền đường, giữ cái Biết sự xúc chạm của bàn chân với sàn nhà, trong khi nhóm kia ngồi thiền tại chỗ, biết đang hít vào, đang thở ra tự nhiên. Cả hai nhóm đều thầm lặng từ đầu tới cuối nên không có ai gây chướng ngại cho ai. Khi nhóm thiền hành đủ 3 vòng, thì sư chú Quang Dũng hướng dẫn nhóm thầm lặng trở về chỗ ngồi, tiếp tục tập Biết đang hít vào, đang thở ra. Rồi sư chú tiếp tục hướng dẫn nhóm thứ hai đứng lên bắt đầu thiền hành. Giống như nhóm trước.
Về phần tập khí công, sau mỗi ngày học đều có khoảng 45 phút dành cho khí công. Tất cả thiền sinh đều tham gia, nhiệt tâm. Cũng là một điều vui.
Cuối khóa, buổi chiều chủ nhật là lễ quy y cho 14 thiền sinh, cuối cùng là phần phát biểu của cô Như Nguyện, truởng đạo tràng Saigon, Việt Nam, bày tỏ lòng tri ân đối với tất cả những vị góp công sức, góp tịnh tài hỗ trợ khóa tu được hoàn mãn. Mình cũng nói vài lời tổng kết và bế giảng khóa tu. Tất cả chụp hình lưu niệm và chia tay.
Ngày thứ hai, đoàn bắt đầu đi về miền Tây. Trạm dừng chân thứ nhất là Mỹ Tho. Quê hương cô ni Như Minh. Cô Như Minh đã từ Adelaide bay về nhà trước một tuần để chuẩn bị đón đoàn. Nhà vườn cô nhiều cây trái sum suê, nào là nhãn, nào là dừa, đặc biệt nhất có lẽ là cây cacao. Nhưng mùa này không phải là mùa nhãn, hay cacao, nên đoàn được thưởng thức mỗi người một trái dừa ngọt mát rượi. Sau khi thọ trai tại nhà cha mẹ anh chị cô Như Minh, đoàn tiếp tục lên đường trực chỉ Bến Tre, cô Như Minh bây giờ theo đoàn cho tới cuối. Buổi chiều đoàn tới Bến Tre, tạm trú tại Forever Green resort. Không ngờ giữa khung cảnh thôn quê lại có một nơi đẹp và tiện nghi như nơi này. Các bạn vui vẻ nghỉ ngơi sau những ngày nóng bức tại thành phố đông người. Buổi sáng hôm sau, đoàn đi Trà Vinh, tham quan một ngôi chùa Khmer và Ao Bà Om. Chiều xe đưa đoàn về lại Resort nghỉ ngơi. Ngày thứ tư đoàn trở về thành phố Củ Chi. Trở về với phố xá đông người, nóng bức và bụi bặm. Ngày hôm sau, mình bệnh, sổ mũi, và ho. Vì thế, khóa tu tại Củ Chi giao cho sư chú Quang Dũng phụ trách giùm.
Sư chú cũng hướng dẫn thiền hành ngoài trời, thực tập mắt thấy, tai nghe, thân xúc chạm, chỉ giữ cái Biết thôi. Cũng có giờ tập khí công. Ngoài ra cô Diệu Như có tập vài bài hát cho cả lớp: Ngồi thiền, Xin mời, Tạ ơn Thầy, Vượt thoát v.v... Sau 3 ngày học tại Củ Chi, mình theo đoàn ra miền Trung bằng xe bus lớn.
Xe bus chạy chầm chậm qua nhiều làng quê, đến phố chợ thì cũng đông người, nhà và tiệm san sát nhau. Buổi chiều tới Mũi Né, Phan Thiết, đoàn nghỉ ngơi tại một resort môt đêm, sát bờ biển, nhưng không phải là bãi tắm, nên các em chỉ đi bộ dọc dài theo bãi cát trắng, nhúng chân ướt trong nước Thái Bình Dương, tập khí công buổi sáng sớm trên bãi cát trắng và hít thở không khí trong mát của biển quê hương. Hôm sau tiếp tục ra Nha Trang. Ở đây, đoàn nghỉ ngơi 2 đêm tại khách sạn ngay trên đại lộ chính, chạy dài dọc bờ biển. Đứng trong phòng nhìn qua khung cửa sổ lầu, trông thấy rõ sinh hoạt của một góc thành phố Nha Trang. Từ sáng sớm tinh mơ khi mặt trời chưa thức dậy, mặt biển còn yên ngủ, mà con người đã thức dậy rồi. Tiếng hô đếm tập thể thao aerobic đã vang lên sắc bén, mạnh mẽ, trên công viên sát bờ biển, măc cho ai ngủ ai thức. Rồi từ từ Nha Trang thức dậy, tia sáng mặt trời soi chiếu xuống nước, biển thay áo mới, trong xanh dát vàng lung linh. Trên đại lộ, những dòng xe gắn máy nối nhau tuôn tràn, như dòng nước chảy, mềm mại, uốn éo, không va chạm nhau, giống như dòng kiến nối nhau di chuyển, cùng chiều ngay cả đi ngược chiều, cũng không có con kiến nào va chạm vào con kiến nào.
Đoàn được tham quan vài thắng cảnh ở đây: tháp Nghinh Phong, Hòn Chồng, tháp Bà. Tháp Bà là một di sản văn hóa Chiêm Thành xưa. Ngậm ngùi. Nhớ lại mấy vần thơ của cổ nhân:
“ Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm bia cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường.”
Rời Nha Trang, đoàn ra Tuy Hòa. Tuy Hòa cũng là một thành phố dọc bờ biển, nhưng chưa là một trung tâm du lịch nổi tiếng như Nha Trang. Thành phố Tuy Hòa có vài con đường chính tráng nhựa, chạy dài thẳng tắp, hai bên cũng sừng sững những tòa nhà cao, cơ quan công quyền, khách sạn, resorts, nhưng các dòng xe chưa lấp đầy mặt đường như trong những thành phố lớn. Đời sống ở đây còn giữ nét yên bình trầm lặng của thôn quê. Người dân không vội vã tất bật. Có thể đây là một lý do mà khóa tu Tuy Hòa đông người?
Sáng thứ sáu, đoàn chia ra 2 nhóm đi 2 xe, vì xe bus lớn không chạy vào được tận chùa. Chùa tọa lạc hẳn ở vùng quê, hai bên là ruộng lúa. Mùa này lúa chín đã gặt xong, ruộng chỉ còn lại gốc cây lúa xanh chưa ngả qua khô vàng. Năm nay đã đi nhiều nơi, thôn quê miền Tây, Mỹ Tho. Bến Tre, Trà Vinh, gần như không thấy ruộng lúa nữa. Chỉ thấy nhà cửa, quán hàng, vườn cây ăn trái, vườn chuối, và hàng hàng lớp lớp dừa là dừa. Miền Tây là quê hương sông nước nên cây cảnh xanh tươi bốn mùa.
Sáng nay, xe chạy chầm chậm trên con đường đất hẹp, hai bên là ruộng lúa, nhà cửa thưa thớt, mình nghĩ thầm: “Chắc khóa tu này ế!”. Nhưng rồi lần lượt người này tới, người nọ tới, dường như đa số quí vị lớn tuổi thì con cháu đưa tới bằng xe gắn máy. Chánh điện của chùa không rộng lắm, chỉ chứa đuợc khoảng dưới 100 người ngồi sát nhau, không có lối đi, mà cũng không ai mang khẩu trang. Đoàn mình ngồi ngoài hành lang dọc theo chánh điện, nhường chỗ cho thiền sinh. Bên trong chánh điện, mấy cái quạt máy chạy vù vù suốt buổi. Mấy ngày trước mình nhuốm bịnh, tới Tuy Hòa vẫn chưa khỏe hẳn, nhưng mình vẫn có thể đứng lớp được, tuy vậy phải tắt bớt cái quạt máy sau lưng, một là sợ bịnh lại, hai là lo cái máy thu âm không rõ tiếng.
Trong ba ngày học, có khi trời tốt, có chút nắng, có khi trời mưa. Hễ trời tốt thì mình ra ngoài trời tập nhìn ngắm cây cảnh hoa lá, khi thì sư chú Quang Dũng dẫn thiền hành đi ra tới tận cổng tam quan. Trời mưa thì vào lớp nghe tiếng chuông. Môt bữa kia, mưa lộp độp trên mái ngói, mình cho lớp Biết rõ ràng đang nghe tiếng mưa. Sau mỗi lần tập, mình có yêu cầu trình bày lại cách thực tập, nhận thấy tâm mình ra sao, có yên lặng không, khởi suy nghĩ gì v.v...Tuy vậy chỉ ít người trình bày, dường như các vị chưa quen. Mình cũng giải thích rõ những lúc thưc tập như vậy có ích lợi gì? Chúng ta tu là chuyển hóa tâm của mình, sao cho trong sạch, không có nhũng ý nghĩ sai lầm, tham lam, xấu ác. Thì trong khi nghe tiếng chuông hay nghe tiếng mưa, trong khi thiền hành ngoài vườn, tâm an vui, thoải mái, không có ý nghĩ giận hờn ai, hay tham lam cái gì, thì cũng là tâm mình đang trong sạch, yên lặng, thanh thản, tương đối rồi. Ngay cả khi chúng ta đang chú ý lắng nghe pháp, tâm ta cũng không có suy nghĩ điều xấu ác, thì tâm ta cũng đang trong sạch tương đối vậy. Thiền chỉ là Biết rõ tâm mình đang trong sạch, yên lặng, thanh thản. Lúc nào cũng nhận biết như vậy, có nghĩa là mình đang sống trong tâm trong sạch của chính mình.
Một điều vui là mặc dù gần như ngày nào cũng mưa, mà số người tới lớp không giảm. Khi nghe thông báo sẽ có lễ quy y chiều chủ nhật, con số ghi tên xin quy y Tam Bảo tới 33 người.
Chiều chủ nhật là buổi học chót. Sau lễ quy y, sư chú Quang Dũng ngõ lời tri ân tất cả quí ni đoàn chùa An Ninh Tự đã mở rộng vòng tay bảo bọc khóa tu được hoàn mãn, tri ân tất cả công sức và tịnh tài đóng góp vào khóa tu này.
Trong lời sau cùng, mình hỏi lớp có muốn tiếp tục tập Thiền hay không, lớp trả lời có. Giữa bầu không khí phấn khởi chung, nhận thấy đủ duyên, mình thông báo: hôm nay, chủ nhật 20- 11- 2022, thành lập Đạo tràng Tuy Hòa là đạo tràng thứ 20, giao cho sư chú Quang Dũng phụ trách. Sư chú vui vẻ nhận lảnh trách nhiệm.
Ngày 21, đoàn ra phi trường Tuy Hòa bay về lại Tân sơn nhất. Tới đây là chia tay, có người còn đi thăm gia đình, bạn bè, riêng mình và 6 vị nữa là về Bình Dương nghỉ ngơi chờ ngày 25 từ giả Sài Gòn.
Tạm biệt, quê hương yêu dấu.
Thiền viện, 5- 12- 2022
TN
Con kính chào Ni Trưởng!
Con là Lê Phương Thoa pd Ngọc Quyền ĐT chùa An Ninh- Tuy Hoà Tỉnh Phú Yên!
Bài viết của Ni Trưởng thật là hay và xúc động. Con rất có duyên được Ni Trưởng giảng dạy trong những ngày thật ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa và tình thương bao la., nhờ vậy mà con có chút hiểu biết thêm, con cám ơn Ni Trưởng đã gieo duyên cắt tóc xuất gia cho con!
Không biết nói gì hơn, chỉ biết luôn trí ân Ni Trưởng cùng Quý Ni Cô và tất cả Tăng Đoàn . Con kính chúc Ni Trưởng sức khỏe kinh an , Tuệ Đăng Thường Chiếu và con mong một ngày nào đó con gặp lại Ni Trưởng cũng nhu con cầu mong con có duyên Xuất gia chính Ni Trưởng là Người xuống tóc cho con!
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát 🙏🙏🙏