ĐỊNH LÝ DUYÊN KHỞI
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "LÝ DUYÊN KHỞI"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Định lý Duyên Khởi
Trên phạm vi thông thường, lý Duyên Khởi là thuật ngữ bao gồm nguyên lý nói về quy luật phổ biến (a universal law) mà tất cả hiện tượng (dhammā: phenomena) tâm-vật lý đều tùy thuộc vào những điều kiện với nhau mà hình thành hay tồn tại. Không có điều gì, sự kiện gì, kết quả gì xảy ra mà độc lập (independently), ngẫu nhiên (fortuitously) hay cô lập (isolately). Tất cả hiện tượng trong vũ trụ được khởi lên đều có một nguyên nhân hay nhiều nguyên nhân kết hợp lại, và chúng đều tùy thuộc lẫn nhau, nương tựa vào nhau để tồn tại. Khi chúng tan rã, đấy là lúc chúng chấm dứt các duyên làm cho chúng hội tụ lại. Thể tánh của chúng luôn luôn là như thế (tathatā). Chúng không hư dối, không khác như thật, và luôn luôn mang sắc thái riêng biệt khi hình thành hiện tượng.
Chúng khởi lên như kết quả của một hợp dòng (confluence) cùng hội tụ lại (converge) và cùng đi đôi với những điều kiện tính (conditionality) phù hợp riêng biệt với nhau của chúng. Sự tiếp nối liên tục những sự kiện này được điều hòa bởi những điều kiện tương ứng với sự khởi lên của nó, hay đặt nó vào điểm hội tụ xảy ra khác nhau. Nếu những điều kiện tính tương ứng không còn phù hợp với nhau thì sự tiếp nối tan rã. Giống như những dòng xe đang chạy dài trên xa lộ, chúng hợp dòng và liên tục di chuyển. Trên mặt hiện tượng, ta thấy các dòng xe đó đã và đang hội tụ lại và di chuyển cùng hướng nhất định như nhau trên xa lộ. Các dòng xe này đã được sanh khởi (arisen) từ các ngõ vào xa lộ khác nhau và cùng hợp dòng với nhau để di chuyển theo hướng nhất định như nhau. Nhưng dòng xe không thể hội tụ nhau mãi, nếu tuyến đường bị cản trở vì chướng ngại nào đó, hoặc người lái không còn có mục tiêu nhắm đến như nhau hay họ đã đạt được mục tiêu nhắm đến rồi. Bây giờ đến lúc họ phải tách đi ngã khác. Cũng như cây mọc lên từ hạt, và cây phải nhờ vào những điều kiện tính của đất và nước cùng hội tụ lại, cây mới được tăng trưởng và lớn mạnh. Thiếu đất hay nước, dù hạt giống tốt, cây cũng không thể lớn mạnh được. Nhưng cây không thể sống mãi, nếu điều kiện tính bên ngoài nó không còn thích ứng với nó nữa. Thí dụ, sự không hài hòa của thời tiết, bão tố, nước lụt, hỏa hoạn hay động đất.
Cũng vậy, giáo lý của đức Phật dù có cao siêu, giúp ta phát huy trí huệ, giác ngộ và giải thoát mà rơi vào những người mê tín, nặng óc thành kiến chủ quan, trí tuệ cũng không làm sao phát sinh được. “Duy tuệ thị nghiệp” (Chỉ có trí tuệ là sự nghiệp) mãi mãi sẽ là sáo ngữ của người tu mà nặng óc mê tín và thành kiến chủ quan. Bởi vì với điều kiện mê tín, thực hành mê tín, quả mê tín sẽ được trổ ra. Cũng như với điều kiện thành kiến chủ quan, trí năng méo mó sẽ có mặt. Và kết quả sẽ tạo ra một chuỗi đánh giá sai lầm vào sự kiện, sự việc hay đánh giá sai lầm về người khác. “Duy tuệ thị nghiệp” sẽ không làm sao trở thành hiện thực được từ trong ta.
Do đó, định lý Duyên Khởi cho thấy rằng tất cả hiện tượng, sự kiện, sự việc đều tùy thuộc lẫn nhau mà tạo thành một nhân tố khác theo chính những năng lực của chúng tự tác động lẫn nhau. Không có một hiện tượng nào được hình thành và phát triển mà ở trong trạng thái độc lập hay cô lập hoặc ngẫu nhiên.
Phật giải thích định lý Duyên Khởi như sau:
“Do cái này có mặt, cái kia có mặt.
Do cái này sanh, cái kia sanh,
Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt.
Do cái này diệt, cái kia diệt.
Ví dụ như do duyên vô minh, các hành sanh khởi. Do duyên hành, thức sanh khởi... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Do ly tham đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt...”
(Tương Ưng II. 94. Đại Phẩm thứ bảy, tr. 171)
Trong kinh Chủng Tử (Tương Ưng III, tr. 102-111), đức Phật nói:
– Này các Tỳ kheo, có năm loại chủng tử... Chủng tử từ rễ, chủng tử từ thân, chủng tử từ đọt, chủng tử từ quả, và chủng tử từ chủng tử... Nếu năm loại chủng tử này không bị hư hoại, không bị hư thối, không bị gió và nhiệt phá hoại, có lõi cứng, khéo gieo, nhưng không có đất, và không có nước, thời này các Tỳ kheo, năm loại chủng tử này có thể tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỳ kheo, nếu năm loại chủng tử này không bị hư hoại, không bị hư thối, không bị gió và nhiệt phá hoại, có lõi cứng, khéo gieo, có đất và có nước, thời này các Tỳ kheo, năm loại chủng từ này có thể tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh được không?
- Thưa được, bạch Thế Tôn.
Sau đó đức Phật dẫn chứng do tham luyến sắc, thọ, tưởng, hành, thì thức có chân đứng, thức được tồn tại và thức hướng đến tìm sự vui thích. Từ đó làm tăng trưởng, tăng thịnh và lớn mạnh sự vui thích của thức.
Đức Phật so sánh: “Này các Tỳ kheo, ai nói như sau: 'Ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức,' sự việc như vậy không thể xảy ra”.
Đức Phật kết luận:
“Nếu vị Tỳ kheo nào đoạn tận tham đối với sắc giới, thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới; do tham được đoạn tận, sở duyên[1] được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu... không tăng thịnh, không có hành động, được giải thoát... không có ưu não... cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
(Tương Ưng III, tr. 102-105)
Trong một đoạn kinh khác, Phật nói:
“Nếu trước ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có
Tương lai sẽ không ta.
Tỳ kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn”.