Thử Tìm hiểu Thiền Tông Việt Nam:
Bài 1/4: PHẬT GIÁO VÀ THIỀN THỜI CỔ ĐẠI Ở VIỆT NAM
https://www.tanhkhong.org/a3437/phat-giao-va-thien-thoi-co-dai-o-viet-nam
Bài 2/4: HAI THIỀN PHÁI XUẤT HIỆN THỜI BẮC THUỘC
https://www.tanhkhong.org/a3440/dd0448-hl-tran-van-dat-bien-khao-bai-2-4-hai-thien-phai-xuat-hien-thoi-bac-thuoc
Bài 3/4: Các THIỀN PHÁI CHÍNH Ở VIỆT NAM TRONG THỜI ĐỘC LẬP PHONG KIẾN
https://www.tanhkhong.org/a3457/bai-3-4-cac-thien-phai-chinh-o-viet-nam-trong-thoi-doc-lap-phong-kien
Bài 4/4: CÁC THIỀN SƯ LÃO THÀNH NỔI BẬT HIỆN NAY
https://www.tanhkhong.org/a3468/dd0457-hl-tran-van-dat-bien-khao-bai-4-4-cac-thien-su-lao-thanh-noi-bat-hien-nay
Bài 3/4:
Các THIỀN PHÁI CHÍNH Ở VIỆT NAM
TRONG THỜI ĐỘC LẬP PHONG KIẾN
(939-1.884)
H.L. Trần Văn Đạt
Thiền tông Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt thời kỳ độc lập quân chủ phong kiến, bắt đầu từ Ngô Quyền đánh đuổi giặc Bắc phương và giành độc lập xứ sở cho đến triều đại Nhà Nguyễn và thực dân Pháp chiếm đóng. Thời cực thịnh của Phật giáo và Thiền tông kéo dài khoảng 400 năm, từ nhà Đinh-Lê đến Lý-Trần, cùng với sự xuất hiện của hai thiền phái nổi tiếng là Thảo Đường được truyền từ Trung Quốc vào Đại Việt trong thế kỷ thứ 11 dưới thời nhà Lý và đặc biệt thiền phái Trúc Lâm khởi xướng trong nước bởi Đầu Đà Trần Nhân Tông vào thế kỷ thứ 13. Đến khi nhà Trần chấm dứt, Thiền tông cũng như Phật giáo bước vào thời kỳ suy thoái khoảng 200 năm từ khi nhà Hồ tiếm ngôi đến Hậu Lê. Sau đó, tôn giáo này được phục hưng, nhứt là trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, với sự ra đời của thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài, phái Lâm Tế (cả 2 phái từ Trung Quốc) và dòng Liễu Quán ở Đàng Trong. Vào thời Nhà Nguyễn và buổi đầu Pháp thuộc, các hoạt động thiền giáo im lặng hơn do các chính sách nhà nước bất lợi. Với trào lưu tiến bộ đang xảy ra trên thế giới, các nhánh Thiền tông Việt Nam mới có cơ hội tiếp tục con đường phục hưng và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ hậu bán thế kỷ thứ 20 đến nay.
1. Thời nhà Lý (1.054-1.275)
- Thế kỷ thứ 11 - Thiền phái Thảo Đường [1,2,3] (Biểu đồ VII. 4)
Thiền phái Thảo Đường của Việt Nam được thành lập vào năm 1.069, gồm có 6 thế hệ, trong đó các Đại sư Bát Nhã (thế hệ 2), Không Lộ, Định Giác (thế hệ 3) là những Đại sư nổi tiếng. Thiền phái Thảo Đường chủ trương Phật giáo đồng hành với Nho Giáo và có khuynh hướng về thiền học trí thức và thi ca nên rất gần gũi với các tầng lớp trí thức và quý tộc, gồm vua quan và một số cư sĩ học rộng; nhưng không đi sâu hòa nhập vào quần chúng. Điều này đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến Phật giáo thời Trần sau này.
Quyển sách cổ Thiền Uyển Tập Anh[1] có ghi lại tên họ 19 vị thiền sư thuộc thiền phái Thảo Đường, nhưng thiếu thông tin về tiểu sử, niên đại, các bài truyền thừa của mỗi vị. Trong số 19 người này chỉ có 10 vị xuất gia: Thảo Đường, Thiệu Minh, Phạm Âm, Đỗ Đô, Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Hải Tịnh, Bát Nhã, Không Lộ và Định Giác (Ba vị sau cuối có khuynh hướng Mật giáo; Không Lộ và Định Giác (tức Giác Hải) đồng thời cũng thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông) và có 9 vị là cư sĩ, mà đa số là vua quan: Thánh Tông, Anh Tông và Cao Tông là vua, Ngô Ích, Đỗ Vũ, Đỗ Thường, Nguyễn Thức là quan tham chính. Do đó, Thiền phái Thảo Đường đã không thể tạo nên một truyền thống sinh hoạt tăng viện độc lập có thể lưu truyền về sau, trở nên mai một cùng với sự mất quyền bính nhà Lý về tay nhà Trần [3].
2. Thời nhà Trần (1.225-1.400)
- Thế kỷ thứ 13 - Thiền phái Trúc Lâm [2,3,4] (Biểu đồ VII. 3)
Nhà Trần thay nhà Lý nắm quyền kế thừa và phát triển thêm nền tảng văn hóa xã hội đã có trước đó, bao gồm đạo Phật. Dưới thời nhà Trần, do ảnh hưởng lớn lao của vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, ba thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần dần sát nhập vào nhau để hình thành lớn mạnh của thiền phái Yên Tử thành thiền phái Trúc Lâm, tức là thiền phái duy nhất dưới nhà Trần. Thời đại này có thể gọi là thời Phật giáo Nhất Tông. Tông phái này phát xuất từ núi Yên Tử mà vị tổ khai sơn là thiền sư Hiện Quang (~1.220) ở chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử, đệ tử của thiền sư Thường Chiếu chùa Lục Tổ[2] [3].
Năm 1.299, vua Trần Nhân Tông (1.258-1.308) xuất gia tại chùa Hoa Yên, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau này vua đổi hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà (cần biết vị tổ thứ hai của thiền phái Yên Tử là thiền sư Đạo Viên (hay Viên Chứng) trước kia đã được ban hiệu là Trúc Lâm Quốc Sư). Vua Nhân Tôn được nhận là người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu, tiếp nối vị tổ sư thứ năm là thiền sư Huệ Tuệ và Ngài là tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm [3]. Từ đó trở đi, thiền phái Yên Tử trở nên nổi tiếng, thế lực lan rộng trong triều đình và ngoài quần chúng.
Lúc đương thời, Vua Trần Nhân Tông học Thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ (đệ tử của Thiền sư Tiêu Dao), người được xem là đã kiến tánh giác ngộ, sau đó vua nhường ngôi cho con và xuất gia tu hành theo đạo Phật. Trong hai cuộc chống Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ hai và thứ ba, Nhân Tông cùng cha là Thái Thượng Hoàng Thánh Tông là những vị chỉ huy tối cao đã dành những thắng lợi cuối cùng cho đất nước và mang đến một thời kỳ thái bình thịnh trị lâu dài cho dân tộc.

Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam với tinh thần nhập thế. Thiền phái này là sự kết hợp và kế thừa Tư tưởng của ba phái chủ yếu bấy giờ: Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Do đó, tư tưởng chính của Trúc Lâm Yên Tử là dung hợp đạo với đời, tinh thần “hòa quang đồng trần” (hòa đồng từ vua tới dân) và dung hợp Phật giáo với Nho giáo, Lão giáo và các tư tưởng khác [5,6].
Ba vị tổ quan trọng nhất của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Hệ thống truyền thừa của thiền phái Trúc Lâm gồm có 18 vị thiền sư: 1. Tổ sư Trần Nhân Tông, 2. Pháp Loa, 3. Huyền Quang, 4. An Tâm, 5. Phù Vân Tĩnh Lự, 6. Vô Trước, 7. Quốc Nhất, 8. Viên Minh, 9. Đạo Huệ, 10. Viên Ngộ, 11. Tổng Trì, 12. Khuê Sâm, 13. Sơn Đăng, 14. Hương Sơn, 15. Trí Dung, 16. Huệ Quang, 17. Chân Trụ, 18. Vô Phiền (xem Biểu đồ bên dưới).
Thời đại Phật giáo nhập thế ở Việt Nam gọi là Trúc Lâm Yên Tử chỉ hưng thịnh cho đến giữa thế kỷ thứ 14. Sau đó, phong trào yếu dần do thiếu sự nâng đỡ của những vì vua có đạo Phật, từ từ xuống dốc, các chùa ở kinh đô Thăng Long không còn giữ vai trò quan trọng về chính trị và đa số thiền sư lỗi lạc rút lui về ẩn mình ở các miền sơn lâm thôn dã.
3. Thời Hậu Lê
- Từ đầu thế kỷ thứ 15 đến đầu thế kỷ thứ 17, Thiền giáo bắt đầu suy yếu.
Có thể nói trong hai thời đại Lý - Trần qua gần 400 năm, Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh, xây dựng nhiều công trình văn hóa độc đáo và kiến trúc vĩ đại,với sự tham gia tích cực của các vị Thiền sư dưới danh nghĩa Quốc sư hay Cố vấn cấp cao của các nhà lãnh đạo quốc gia. Khi nhà Trần sụp đổ Thiền giáo suy yếu dần. Phật giáo không còn tham gia trực tiếp vào việc triều chính; nguyên do chính là sau khi tiếm quyền, Hồ Quý Ly thực hiện một số biện pháp nhằm làm giảm ảnh hưởng chính trị của nhà Trần và đạo Phật trong khoảng thời gian 1.400-1.407. Hơn nữa, nhiều Nho sĩ trọng từ chương, tôn vinh trí thức nên không ưa đạo Phật vốn trọng tinh thần bao dung và bình đẳng, bên cạnh các tệ nạn của hiện tượng Phật giáo xuống dốc. Chẳng hạn, các đại thần Lê Quát, Trương Hán Siêu đã công khai chỉ trích đạo Phật [1]. Ngoài ra, việc nhà Minh xâm lược Đại Việt đầu thế kỷ thứ 15 cùng chính sách tận diệt nền văn hóa độc lập của đất nước, đã hủy diệt không những truyền thống của đạo Phật tại Việt Nam mà cả truyền thống dân tộc bản xứ. Sau đó, khi nhà Hậu Lê thành lập, nhất là từ lúc vua Lê Thánh Tông (1.442-1.497) lấy Nho giáo làm quốc học đạo Phật chính thức suy thoái trong thời gian dài 200 năm.
- Từ giữa thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 18: Giai đoạn Thiền giáo phục hưng.
Sau giai đoạn suy yếu nêu trên, cũng có một số hoạt động đáng kể đóng góp vào phục hưng nền Phật giáo và Thiền tông ở Việt Nam, với xuất hiện hai dòng thiền Tào Động và Lâm Tế từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam trong thời chuyển tiếp từ nhà Minh qua nhà Thanh ở Trung Quốc. Khi đất nước Đại Việt chia ra Đàng Ngoài và Đàng Trong thì Phật sự ở Đàng Ngoài ít tích cực hơn Đàng Trong [3], vì các chúa Nguyễn Đàng Trong muốn lấy tinh thần đạo Phật làm cơ sở cho phát triển dân tộc trong quá trình lập quốc ở phương Nam; trong lúc Đàng Ngoài lâm vào cảnh tranh quyền đoạt lợi. Dấu ấn nổi bật ở Đàng Ngoài là hoạt động phục hưng thiền giáo nổi tiếng của Thiền sư Chân Nguyên (1.646 – 1.726) và Thiền sư Hương Hải (1.627 – 1.715) và ở Đàng Trong có Thiền sư Nguyên Thiều (? – 1.695) và Thiền sư Liểu Quán (1.666 – 1.742) [4].
- Giữa thế kỷ thứ 17: Thiền phái Lâm Tế [5,9,10]
Là một nhánh Thiền Nam tông quan trọng của tổ sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-866) từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam trong thế kỷ thứ 17 rồi phát triển mạnh tại Đàng Trong. Thiền phái Lâm Tế cũng được truyền vào miền Bắc Việt Nam bởi thiền sư Chuyết Chuyết, người Trung Quốc và trong phái này có Thiền sư Chân Nguyên là người có công khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm.
Thiền Lâm Tế chủ trương thực hành thiền qua công án do các Đại sư sưu tập. Dòng Thiền này đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của Đốn ngộ nên thuở xưa dùng những hình thức không bình thường như một tiếng hét, một cái tát, cái đập gậy hay những công án khác. Phái Lâm Tế cũng không quan tâm nhiều việc tụng kinh điển và thờ tượng Phật, nhưng hướng về Phật tánh trực tiếp bằng những công án và tu tập sống thực.
Tuy nhiên, nhiều Phật tử hiện nay của dòng Lâm Tế áp dụng Thiền, Tịnh, Mật cùng tu. Phật tử vừa thực hành thiền định vừa tụng kinh theo thời khóa của Tịnh độ. Các Thiền sư dòng Lâm Tế vừa là Thiền sư, vừa là dịch giả, vừa là người trì kinh, niệm Phật, trì chú [5].
- Cũng giữa thế kỷ thứ 17: Thiền phái Tào Động [1,2,3]
Được truyền vào Đàng Ngoài bởi Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1.636-1.704), quê quán Thái Bình, sau sáu năm tu học ở Trung Quốc với Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo. Thiền sư Thủy Nguyệt về nước, trú tại chùa Vọng Lão, Hải Dương, thành lập Thiền phái Tào Động tại Đàng Ngoài, phát triển mạnh mẽ hơn 100 năm. Pháp tu chính yếu của dòng Thiền này là Thiền Mặc chiếu[3] với chủ trương tọa thiền yên lặng để khai ngộ. Về sau, tuy Thiền phái này có dấu hiệu suy thoái nhưng không bị mai một. Đến nay khá nhiều chùa và chư tăng ni thuộc Thiền phái Tào Động có mặt ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, như chùa Trấn Quốc, Hàm Long, Hòe Nhai... ngày nay vẫn được xem là truyền thừa của dòng thiền này [5,7,8].
Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Trăn mời Thiền sư Thạch Liêm đời thứ 29 từ Quảng Đông sang chùa Thiền Lâm ở Miền Trung (Huế), truyền Thiền phái Tào Động. Tư tưởng Thiền của Thạch Liêm là hành đạo Thiền - Tịnh song tu, phối hợp Thiền định và Tịnh độ, đưa giáo pháp đến đại chúng. Càng về sau, Tào Động có ảnh hưởng và mang đậm tư tưởng Thiền khán thoại đầu của tông Lâm Tế và thuyết Tam giáo đồng nguyên (Phật, Nho và Lão), cho nên hai dòng thiền này có xu hướng hình thành Lâm - Tào song hợp ở các đạo tràng [4] (Biểu đồ VII. 5).
- Thế kỷ thứ 18 - Dòng thiền Liễu Quán[5,9,11]: Ngoài các dòng trên, tại Đàng Trong có một hệ truyền thừa ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến nay, đó là dòng Liễu Quán do thiền sư Liễu Quán (1.666 - 1.742) [11] thuộc thế hệ thứ 35 dòng Lâm Tế thành lập trong nước. Sư tên Lê Thiệt Diệu, làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (Sông Cầu bây giờ). Lúc sáu tuổi, Sư mồ côi mẹ, cha đem đến chùa Hội Tôn thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên (người Trung Quốc). Được bảy năm thì Hòa thượng tịch, Sư ra Thuận Hóa xin học với Giác Phong Lão Tổ (người Trung Quốc) ở chùa Báo Quốc. Năm 1695, Sư lại trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm. Năm 1.697, Sư thọ giới cụ túc với Lão Hòa thượng Từ Lâm (người Trung Quốc) ở chùa Từ Lâm. Năm 1.699, Sư đi tham lễ khắp Thiền lâm trải qua biết bao sự khó khăn khổ nhọc. Ngài được Đại sư Minh Hoằng Tử Dung (nguyên quán Quảng Đông, đời thứ 34 dòng Lâm Tế) khai sơn chùa Ấn Tôn, truyền tâm ấn Lâm Tế cho Đại sư Liễu Quán vào 1.708.
Hòa thượng Liễu Quán có hàng ngàn đệ tử xuất gia và cư sĩ, trong đó có 49 đệ tử nối truyền Tông pháp. Sư là Tổ khai sơn chùa Thiên thai Thiền tông ở Huế. Tăng đồ và tín đồ miền Trung và miền Nam hiện nay hầu hết là thuộc dòng Lâm Tế, mà người có công khai hóa hơn hết chính là Sư Liễu Quán. Vì thế dòng thiền này trở thành một nhánh lớn gọi là Liễu Quán và Sư là Sư-tổ của dòng phái này.

Quả vậy, thiền sư Liễu Quán đã mang một luồn gió mới vào phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có màu sắc dân tộc Việt Nam, nhứt là ở Đàng Trong, không còn bóng dáng Quảng Đông ngày trước. Bốn vị đệ tử lớn của dòng Liễu Quán là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu đã thành lập bốn trung tâm hoằng đạo lớn, và hàng chục tổ đình được xây dựng khắp Đàng Trong trong thế kỷ thứ 18. Phong trào Phật giáo phục hưng ở thế kỷ thứ 20 đã dựa trên cơ sở của môn phái này[12].
Vốn xuất thân từ thiền phái Lâm Tế, dòng Liễu Quán vẫn theo truyền thống tâm truyền tâm, truyền công án, thoại đầu. Đây là lần thứ hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có được một dòng Thiền mang đậm phong cách văn hóa Phật giáo Việt với vị Tổ sư người Việt sau thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Hiện nay, thiền phái này còn tồn tại nhiều nơi ở Thừa Thiên, Huế. Thiền sư Nhất Hạnh (1.926-2.022), xuất thân từ chùa Từ Hiếu, thuộc thế hệ thứ 8 dòng Liễu Quán và thứ 42 dòng Lâm Tế [5].
4. Thời nhà Nguyễn - Pháp thuộc: Thế kỷ thứ 19 đến 1.954
Sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, vua Gia Long tìm mọi cách hủy bỏ hoặc làm giảm bớt giá trị các thành quả của triều đại trước, đặc biệt trong lãnh vực văn hóa xã hội như dùng chữ Hán thay thế chữ Nôm, nâng cao sùng bái Nho học; do đó Phật giáo và Thiền tông thiếu sự hỗ trợ, dẫn dắt dù các chùa trong nước rất nhiều, nhưng hoạt động riêng rẽ, thiếu tổ chức gây ra tình trạng suy đồi xuống dốc.
Ngoài ra, chính sách bài ngoại và kỳ thị tôn giáo của triều đình Nguyễn trở thành lý do để Pháp thôn tính Việt Nam rồi sau đó thực dân cũng bắt đầu chèn ép Phật giáo bản xứ hiện hành qua chủ trương thiên vị ủng hộ Kitô giáo. Trước tình hình đó trong thế kỷ thứ 20, một phong trào chấn hưng và cải tổ được khởi xướng từ Thiền sư Khánh Hòa tại miền Nam, thiền sư Phước Huệ tại miền Trung và thiền sư Thanh Hanh ở miền Bắc. Nhiều hội nghiên cứu Phật học, hội Phật giáo, nhiều đạo tràng, trường Phật học được thành lập. Nhiều nhà xuất bản, ấn phẩm như sách, báo, tạp chí, nghiên cứu về đạo Phật ra đời. Một số nhà Nho học như Trần Trọng Kim, Thiều Chửu, Bùi Kỷ cũng góp sức vào cuộc phục hưng này[13].
Trong những năm 1.920, ở Việt Nam có nhiều đạo tràng thiền tại các chùa lớn do các hòa thượng hướng dẫn như [13]:
- Tại miền Nam: Thiền sư Thích Từ Phong giảng dạy tại chùa Giác Hải; Thiền sư Khánh Hòa tại chùa Tiên Linh; Thiền sư Chí Thành tại chùa Phi Lai, chùa Giác Hoa; Thiền sư Huệ Quang tại chùa Long Hòa; Thiền sư Khánh Anh tại chùa Long An.
- Tại miền Trung: Thiền sư Tuệ Pháp giảng dạy tại chùa Thiên Hưng; Thiền sư Thanh Thái chùa Từ Hiếu; Thiền sư Đắc Ân chùa Quốc Ân; Thiền sư Tâm Tịnh chùa Tây Thiên; Thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp; Thiền sư Phổ Tuệ chùa Tĩnh Lâm.
- Tại miền Bắc: Thiền sư Thanh Hanh giảng dạy tại chùa Vĩnh Nghiêm; chùa Bà Đá cũng là một đạo tràng lớn; Thiền sư Đỗ Văn Hỷ in ấn kinh sách rất nhiều.
Tóm lại, trong suốt thời kỳ Độc lập quân chủ phong kiến gần 1.000 năm, các thiền phái lần lượt xuất hiện đình đám và lớn mạnh bước đầu trong khoảng 400 năm, rồi sau đó suy thoái âm thầm kéo dài đến hai thế kỷ. Đến thế kỷ thứ 17, thiền phái Việt Nam mới bắt đầu hồi phục và trở nên lớn mạnh theo trào lưu tiến bộ của thế giới hiện đại. Trong giai đoạn này, một hiện tượng nổi bật đáng chú ý với hai thiền phái lớn được thành lập bởi các Sơ tổ Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là thiền phái Trúc Lâm và Liễu Quán được đại chúng ngưỡng mộ và theo tu học đông đảo. Các dòng thiền khác như Tỳ-ni-đa-lưu-chi (574), Vô Ngôn Thông (820), Thảo Đường (1.069), Tào Động và Lâm Tế (thế kỷ thứ 17) chỉ xuất hiện trên đất nước này do các Sơ tổ đến từ Trung Quốc. Trong giai đoạn này, hoạt động thiền giáo trong nước vẫn còn mang tinh túy thiền nước ngoài, chủ yếu với các lối truyền đạo cứng nhắc qua công án, thoại đầu, đốn ngộ, tâm ấn…, dù đã được bản địa hóa theo truyền thống Việt nhiều năm.
_____________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Phật Giáo Việt Nam:
(https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam).
- Nguyên Giác. 2020. The Way of Zen in Vietnam - Thiền Tông Việt Nam (sách song ngữ) - Thiền - Thư viện Hoa Sen (thuvienhoasen.org).
- Nguyễn Lang. 2014. Việt Nam Phật giáo Sử luận. Nxb Văn Học (langmai.org)).
- Sơ lược các dòng thiền Việt Nam: https://www.phattuvietnam.net/so-luoc-cac-dong-thien-viet-nam/
- Trần Tuấn Mẫn. 2017. Thiền Tông Việt Nam: https://thuvienhoasen.org/a28060/thien-tong-viet-nam
- Nguyễn Vĩnh Thượng. 2021. Tư tưởng thiền học của phái Trúc Lâm Yên Tử. Đạo Phật ngày nay (Chương 8): http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/thien-dinh/to-su/30707-chuong-8-tu-tuong-thien-hoc-cua-phai-truc-lam-yen-tu.html.
- Tuệ Thiện Hồ Hồng Phước. Niên biểu lịch sử Phật giáo Việt Nam: https://thuvienhoasen.org/images/file/3luRj7ut1QgQAPtr/nienbieulichsu-pgvn-2-.pdf.
- Thích Thanh Từ. 1991. Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20. Asian printing, Westminster, Nam Cali, 354 trang.
- Thiền tông tại Việt Nam: Thiền tông – Wikipedia tiếng Việt
- Thích Trung Định. 2021. Đặc tính tư tưởng của thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam (https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8985).
- Tiểu sử thiền sư Liễu Quán (http://www.tosuthien.com/gioi-thieu/tieu-su-thien-su-lieu-quan).
- Thư viện Hoa sen: Thiền tông:
(https://thuvienhoasen.org/tudien?k=Thi%E1%BB%81n%20t%C3%B4ng)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BA%A5n_h%C6%B0ng_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o
Phụ đề: Biểu Đồ Các Tông Phái Phật Giáo Từ Ấn Độ Đến Việt Nam (thuvienhoasen.org)[24]
[1] Thiền Uyển Tập Anh (hay Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục): một cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam được biên tập vào khoảng trước năm 1134 cho đến đầu thế kỷ thứ mười ba thì hoàn tất, ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý, một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần. Đây là tác phẩm không những có giá trị về lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyện ký có giá trị về mặt văn học, triết học và văn hóa dân gian. Cho đến nay chúng ta chỉ có bản trùng san in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) thời Hậu Lê là bản in cổ nhất được hòa thượng Thích Như Tri và các môn đồ của Ngài khắc in ở chùa Tiên Sơn (Từ Sơn, Hà Bắc (Wiki)).
Tuy cuốn Thiền Uyển Tập Anh không ghi rõ tên soạn giả nhưng qua các tài liệu tham khảo chúng ta có thể xác định tác phẩm này đã được Ngài Thông Biên Thiền sư khởi thảo từ thời Lý đến Ngài Biên Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi (Wiki).
[2] “Tổ khai sơn của Thiền phái Yên Tử là Đại sư Hiện Quang (mất năm 1220), tu ở Chùa Lục Tổ do Đại sư Thiền Chiếu (Thiền phái Vô Ngôn Thông) trụ trì, về sau tham học với các ngài Trí Không, Pháp Giới rồi khai sơn núi Yên Tử, thường được gọi là Trúc Lâm Đại Sa-môn được phong làm Quốc sư. Từ đó, truyền thống Trúc Lâm Yên Tử được hình thành.
Sau khi Đại sư Hiện Quang viên tịch, ngài Đạo Viên (thầy của vua Trần Thái Tông) nối tiếp truyền thống Trúc Lâm. Từ ngài Đại Đăng (thầy của vua Trần Thánh Tông), Tiêu Diêu (thầy của Tuệ Trung), Huệ Tuệ, Trúc Lâm (tức Trần Nhân Tông), Huyền Quang, Pháp Loa... cho đến Vô Phiền, tổng cộng là 23 vị, 5 thế hệ đầu của truyền thống Trúc Lâm Yên Tử , nổi bật về cung cách tu tập Thiền tông chỉ gồm vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng hai vị này là cư sĩ và không cụ thể truyền pháp cho ai. Sự truyền thừa chỉ gần như là nối nghiệp trụ trì. Đến Trúc Lâm Đầu-đà Điều Ngự Trần Nhân Tông, vị vua anh minh, anh hùng, vị Thái thượng hoàng cao quý, bỏ ngai vàng để thành Sa-môn, Đại Thiền sư, lập Thiền am trên núi Yên Tử, trở thành vị Tổ của 17 Đại sư thuộc 17 thế hệ sau của truyền thống Trúc Lâm.”[16]
[3] Thiền Mặc chiếu do thiền sư Chính Giác ( tông Tào Động ) khởi sáng. Mặc là lặng lẽ chuyên tâm tọa thiền, chiếu là dùng huệ soi tâm tính linh bản lai thanh tịnh. Thiền Mặc chiếu là một phương pháp đơn giản, quá đơn giản, thực vậy, rằng sự đơn giản này trở thành sự khó khăn của nó. Trong cùng tận, nó là phương pháp của không-phương-pháp, trong đó thiền sinh buông bỏ hết mọi tìm kiếm, mọi ràng buộc gắn bó, mọi mong đợi, và chỉ việc sống Thiền một cách trực tiếp (Wiki).