HỒI KÝ
TIẾN TRÌNH TẬP TU CỦA MỘT THIỀN SINH
Trước khi đến với Thiền Tánh Không tôi hoàn toàn không biết chút gì về giáo lý của đạo Phật.
Để gọi là biết, thì tôi chỉ có khái niệm sơ sơ rằng những vị tu theo đạo Phật thì thờ Phật, lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật, do tôi nhìn thấy những việc làm chính hằng ngày của cô tôi (chị ruột của ba tôi xuất gia năm cô lên 9 tuổi, cô tôi đã mất cách đây khoảng 10 năm, nếu còn sống năm nay cô khoảng 100 tuổi. Cô trụ trì một chùa nhỏ ở tỉnh năm cô 40 tuổi. Lúc tôi còn ít tuổi, đang học tiểu học và những năm đầu của những cấp lớp ở trung học, hằng năm ba mẹ tôi đều gởi tôi về chùa ở trong những tháng hè. Có thể do những công việc hằng ngày của cô nhiều quá, nên ít khi cô chánh thức dạy cho tôi những điều thuộc về giáo lý). Khi lớn lên, bận rộn với cuộc sống, tất cả nhưng sinh hoạt ở chùa hoàn toàn chìm trong dĩ vãng.
Cho tới những năm gần đây, tự cảm nhận có nhu cầu về tâm linh. Tôi tìm đến chùa (điều mà tôi không bao giờ làm trong suốt mấy chục năm), tôi gặp Thầy, tôi tụng kinh, tôi niệm Phật, tôi lạy sám hối. Ngoài giờ làm việc tại sở làm, ở nhà tôi hành trì y như những gì tôi đã chứng kiến cô tôi làm khi tôi còn bé. Thỉnh thoảng tôi có nghe thuyết pháp, khi trong vùng tôi đang cư ngụ, có tổ chức những buổi giảng pháp của những vị Tăng Ni từ các nước khác, lâu lâu đến một lần. Pháp được giảng. Người nghe (ý tôi ám chỉ tôi) cảm thấy quá hay, vì nghe rất là xuôi tai và hợp lý sống ở đời. Ít lâu sau quên hết. Coi như không biết gì hết. Nhưng tôi vẫn thích nghe thuyết pháp.
Một câu kệ trong kinh tụng, phần Khai Kinh có câu: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp” và một câu nữa “Duy tuệ thị nghiệp” mà tôi nghe được từ bài giảng pháp của một vị giảng sư, hai câu này làm tôi suy nghĩ và xét lại quá trình tu tập của mình. Hai năm rồi, pháp Phật vi diệu chỗ nào tôi chưa được thấy, và trí tuệ chỗ nào tôi cũng chưa cảm nhận được nơi tôi. Tôi vẫn là tôi của hai năm về trước và nhiều năm trước nữa.Tâm tôi vẫn khổ vì bất an, gia cảnh của tôi dạo đó không vừa ý như tôi mong đợi, tôi tự cho mình là người bất hạnh, tôi đổ thừa kiếp trước đã vụng tu nên mạng số không may như những người khác. Tôi gượng sống. Tôi sống âm thầm trong buồn khổ, trong tủi thân. Hơn hai chục năm sống trong bế tắc. Hoàn toàn bế tắc! Trên gương mặt tôi hằn lên những nét buồn thầm lặng. Sống nội tâm. Ít nói. Ít cười. Tôi tìm cách thoát ra. Tôi nghe người ta nói, đến chùa thì tâm sẽ được thanh tịnh, lúc đó tôi chỉ hiểu ba chữ “tâm thanh tịnh” một cách đơn giản thôi, đó là “tâm an”. Thế là tôi đến chùa với hy vọng tìm được chỗ dựa tâm linh, người ta khuyên tôi: "Muốn thoát khổ, con phải buông” nhưng không chỉ cho tôi cách buông thì làm sao tôi buông, trong khi nội tâm tôi tối đen, đầy đặc những ưu tư, phiền muộn. Nói suông như vậy, người tầm thường như tôi cũng biết nói.
Hai năm trôi qua…. không thấy ánh sáng…. Vẫn bế tắc. Rồi…một ngày đó, bỗng nhiên tôi loé lên ý nghĩ: "Có lẽ mình chưa gặp minh sư?”. Sau đó tôi quyết định tìm Thầy học đạo. Tìm một cách kiên nhẫn và quyết tâm.
Tôi nghĩ Cái Phước và Cái Duyên tôi đã tới. Tôi được học đạo với Ni Sư Triệt Như, một vị giáo thọ đến từ Tổ Đình Thiền Tánh Không ở Mỹ thuộc tiểu bang California.
Trong khoá học, lần đầu tiên tôi được biết về lịch sử của Đức Phật Thích Ca và tiến trình tu tập và thành đạo của Ngài qua từng giai đoạn, qua bài giảng của Ni Sư. Bấy giờ tôi mới cảm nhận được sự hãnh diện, tôi là Phật tử. Tôi tôn kính và tri ân Ngài bởi tạng giáo pháp Ngài đã để lại cho hậu thế noi gương và nếu ai tu tập đúng theo Ngài chỉ dạy thì thoát khổ, giác ngộ và giải thoát là việc khả thi.
Ni Sư cho chúng tôi biết Phật dạy chúng ta rất nhiều cách tu tập nhưng trong thiền, Ngài dạy cho chúng ta 4 phương tiện: Thiền Quán, Thiền Chỉ, Thiền Định và Thiền Huệ.
Thọ giáo từ Hoà Thượng Thông Triệt, Viện Chủ Tổ Đình Thiền Tánh Không đã tu tập theo giáo pháp của Đức Phật nhiều năm và dầy công nghiên cứu, đối chiếu Thiền với não bộ để tạm chứng minh Thiền là một khoa học tâm linh, Ni Sư chỉ dạy lại cho chúng tôi 4 phương tiện ấy ở mức độ của lớp căn bản. Hoàn tất xong khoá học 7 ngày toàn thời, Ni Sư trở về Mỹ, tôi về nhà.
Trong khoá học, ngoài thời gian thực tập để có chút kinh nghiệm về Tánh Giác qua thực hành các chiêu thức trong Thiền Chỉ và kỹ thuật thực hành nói 2 từ “KHÔNG NÓI”, bước 1 của giai đoạn 1 trong Thiền Định, hầu hết thời gian còn lại, chúng tôi học thiền lý. Thế là quên hết, nếu có nhớ thì chỉ mang máng thôi bởi một lẽ dễ hiểu là vì tôi không biết gì về Phật pháp cả. Nhưng, tôi không chịu thua, tôi đã kiên nhẫn và quyết tâm tìm Thầy học đạo thì tôi cũng kiên nhẫn và quyết tâm học và hành. Tuy nhiên có một điều lạ mà tôi không quên, đó là hai chữ “vô thường” trong Thiền Quán và bài kinh “Nhất Dạ Hiền Giả” với câu mở đầu:"Quá khứ không truy tìm”, tôi hiểu và nhớ rõ ràng những gì Ni Sư giảng, như tiếng đại hồng chung báo thức, tôi giật mình tỉnh giấc. Mấy chục năm nay tôi sống sau cái màn vô minh mà không hề hay biết. Chính Ni Sư, Ni Sư là người vén bức màn ấy cứu tôi. Chỉ sau 7 ngày học thôi, tôi trở thành một con người khác, tôi suy nghĩ khác về số phận, về cuộc đời. Tâm tôi nhẹ nhõm. Thật là “vi diệu”!
Có lẽ, bởi hai lý do mà tôi đã trải nghiệm khi còn bé sống ở chùa, tôi đã nhiễm thời khóa hành trì một cách nghiêm nhặt của Cô tôi, và trong những năm tôi còn đi học, tôi đã biết tự kỷ luật mình trong việc học, tôi lập ngay thời khoá biểu, giờ nào tôi phải đi làm để sinh sống, giờ nào dành cho việc tập tu của tôi. Chắc chắn là phải có hai thời thiền trong ngày, mỗi thời nửa tiếng, còn lại thời gian khác tôi vào trang mạng của Thiền Viện Trung Ương để nghe lại những bài giảng của Ni Sư. Tôi sống một mình, không vướng bận gia đình nên việc sắp xếp giờ giấc theo ý muốn cũng dễ và theo đúng thời khoá biểu để dụng công hằng ngày cũng không gặp cản trở nào đáng kể.
Sau một năm liên tục siêng năng thực hành hết các chiêu thức trong Thiền Chỉ theo đúng hướng dẫn của Ni Sư tôi tự cảm thấy tâm tôi tạm cho là “yên” trong những thời hành thiền (sau này tôi mới biết chỉ cần chọn vài chiêu thức hợp với căn cơ mà thôi).
Chỉ sau một năm thôi, tôi tự cảm thấy tôi thay đổi khá nhiều. Thiền Quán giúp cho tôi biết “buông”, phối hợp với Thiền Chỉ, trong khi hành thiền luôn luôn giữ Cái Biết Không Lời, lâu ngày cái biết này tạo thành một thói quen “biết mà không nói thầm trong não” giúp cho tâm tôi thư giãn hơn, cảm thấy thanh thản hơn, ít dính mắc việc gì khiến tôi phải suy nghĩ, đi vào giấc ngủ rất dễ với một giấc ngủ bình yên. Tôi nhớ lại, hình như tôi đã lần lượt không phải uống thuốc nhức đầu, thuốc trị bao tử và thuốc ngủ sau năm hay sáu tháng thực tập thiền và nhất là vấn đề khỏi phải cạo gió nữa vì trước kia trong tuần bảy ngày, tôi cần cạo gió hết năm ngày vì không hiểu sao tôi cảm thấy cơ thể lúc nào cũng sắp bị bệnh, luôn luôn cảm thấy mệt và mỏi toàn thân. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên vì Ni Sư đã giải thích trong bài Sự Tương Tác Giữa Tâm- Pháp và Não Bộ.
Thân tôi khoẻ, tâm tôi an, tôi cảm thấy vui. Đây là mục đích duy nhất khi tôi đến với thiền. Thật là “vi diệu”.
Tôi thích hành thiền. Thiền trở nên một sinh hoạt hằng ngày trong đời sống của tôi. Tôi quen với “nó” rồi! Tôi sống với “nó”! Và “Tôi yêu “nó”! Tôi quyết định xin làm việc bán thời để có thêm giờ sống với bạn Thiền Chỉ của tôi.
Rồi những năm kế tiếp, Ni Sư trở lại dạy cho chúng tôi thêm kiến thức về Phật học, khoa học về não bộ và các kỹ thuật thực hành khác.
Bấy giờ Thiền chẳng những là bạn thân của tôi mà Thiền còn trở nên một “game” (trò chơi) Tâm Linh trong đời sống của tôi nữa. Mỗi năm Ni Sư đưa cho chúng tôi thêm một “game” mới kèm theo những lời chỉ dẫn cách chơi “game” qua những bài giảng theo thứ tự từ thấp đến cao với những chủ đề liên quan để dẫn đến nội dung của “game” chơi.
Ban đầu, thực sự tôi không hiểu rõ lắm, nhưng Ni Sư ở cạnh tôi mỗi ngày để giải thích, cần Ni Sư bất cứ lúc nào Ni Sư có mặt lúc đó.Tôi chỉ cần đến máy vi tính, lên trang mạng của Thiền Tánh Không Trung Ương là Ni Sư đến với tôi ngay. Mấy năm nay, ngoài giờ tôi phải đi ra ngoài, khi về nhà thì lúc nào trong nhà tôi cũng có tiếng nói, tiếng cười của Ni Sư. Cô ôn bài cho tôi. Tôi ngồi nghe Cô giảng bài một cách nghiêm chỉnh để hiểu và nhớ, tôi không nằm.
Cô lần lượt đưa cho chúng tôi những “game” có tựa đề như: Như Thật, rồi tới Bảy Bước Để An Trú Trong Tâm Tathà và sau cùng là Chân Như.
Như một đứa trẻ con, tôi thích chơi “game”. Tôi chơi một cách miên mật, mỗi ngày chính thức hai thời (sáng sớm và chiều tối), mỗi thời một tiếng. Ngoài ra tôi cũng tận dụng luôn giờ giấc trong sinh hoạt hằng ngày, trong bốn tư thế, thực hành được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cứ hết bước này, thấy chắc rồi tôi bước sang bước kế tiếp. “Game” Tâm Linh này chơi khoẻ lắm, khỏi làm gì nặng nhọc, ngồi trên bồ đoàn, thư giãn thân, thư giãn tâm với tâm trống rỗng chỉ cần có cái biết là tâm mình trống rỗng, cùng lúc biết mình đang không nói gì trong tâm, thỉnh thoảng gợi lên hai chữ Không Nói. Khoẻ quá!
Ngày nào tôi cũng vui, ngày nào tôi cũng chơi. Tôi sống trong hạnh phúc đơn giản đó của cuộc hành trình tâm linh này. Thật là “vi diệu”.
Tôi không phải là người có dư ăn dư để. Xét thấy đủ. Tôi xin nghỉ việc hẳn để có thêm giờ chơi “game”. Bây giờ thì trước mắt tôi có tới tám mươi bốn ngàn “games” và có thể có nhiều hơn nữa, chơi tới mãn đời chưa hết. Tuyệt diệu!
Thông thường, người lớn hay trẻ em mê chơi “game” điện tử, ngồi một chỗ chơi nhiều giờ trong ngày, sau một khoảng thời gian dài thì thân, tâm có thể bị bệnh. Còn tôi cũng mê chơi “game”, thực hành miên mật đúng y như lời truyền dạy của Ni Sư, trái lại tôi có những dấu hiệu khác họ: thân thì thường xuyên ở trong trạng thái khoẻ mạnh, còn việc lâu lâu nhức đầu sổ mũi là việc bình thường. Những bệnh cũ mà tôi mắc phải nhiều năm về trước đã hoàn toàn biến mất, tôi biết nguyên nhân là nhờ các chất nước hoá học tốt bên trong cơ thể tôi tiết ra để hồi đáp lại việc hành Thiền của tôi và cũng nhờ vào các chất ấy mà lúc nào tôi cũng cảm thấy giống như người vô tư, vui, bình an và nhẹ nhàng trong tâm. Như vậy đủ rồi, vì trong đời sống của tôi, tôi chỉ cần những thứ đơn giản vậy thôi, mặc dù thực tế vấn đề tài chánh tôi có rất hạn hẹp.
Những người trong gia đình và bạn bè thỉnh thoảng gặp lại nhận xét thần sắc tôi bây giờ khác xưa, nét trầm buồn hoàn toàn biến mất trên gương mặt tôi, còn lại nét mặt tươi và sáng; cách nói năng điềm đạm, nhã nhặn; đi đứng nhẹ nhàng…Tạm tin như đây là sự thật! “Bonus” (phần thưởng)! Ôi, “vi diệu”!
Có những điều khác nữa mà tôi thấy được nơi tôi, đó là cách đây mấy năm, tôi ít nói nhưng tâm tôi nói; còn bây giờ tôi cũng ít nói nhưng để tự nhận biết tôi đang không nói. Tuy ít nói nhưng có việc gì xảy ra trong đời sống, tôi nhìn ra vấn đề rất nhanh và chính xác, tôi giải quyết một cách sáng suốt. Những bài đọc thêm do Hoà Thượng viết, ở cấp lớp căn bản tôi hoàn toàn không hiểu gì hết, nhưng bây giờ đọc lại, tôi hiểu rõ tuy có một số điều chưa rõ, tôi nghĩ có thể do không hiểu thuật ngữ Phật học. Bài giảng của Ni Sư ban đầu tôi chỉ hiểu khái niệm thôi, nghe đi nghe lại nhiều lần, mỗi lần nghe lại tôi nhận thấy tôi hiểu sâu hơn. Bây giờ, Ni Sư giảng thì tôi hiểu rất nhanh so với mấy năm trước.
Qua lời giảng dạy của Ni Sư về Thập Nhị Nhân Duyên (Lý Duyên Khởi) và Qui Luật Biến Dịch của hiện tượng thế gian, năng lực biến dịch này làm con người và hiện tượng thế gian thay đổi từng sát na thời gian, tôi hiểu sâu hơn về hai chữ “vô thường”, nếu không chấp nhận thì khổ, càng hiểu tôi càng bớt dính mắc nhiều, nhẹ nhõm thân tâm. Hai bài giảng về Không và Huyễn cũng gây ấn tượng sâu đậm trong tâm tôi. Tôi hiểu bản thể của thế giới hiện tượng là trống không, tuy giác quan nhận biết có nhưng cái có đó là huyễn có, và mọi sự vật chỉ là Như Vậy mà thôi. Bây giờ tôi có cái nhìn rõ hơn về con người và về tất cả hiện tượng thế gian. Tôi chuyển đổi nhận thức, tâm tôi cũng trống rỗng khi tiếp xúc với môi trường xung quanh, nhưng bây giờ chưa vững chắc, có khi còn thoái chuyển. Tôi cần rất nhiều thời gian nữa tuy nhiên tôi cũng tự nhận biết tôi có những bước tiến trên con đường tu tập của tôi, điều mà vài chục năm trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Thật là “vi diệu”.
Một bài giảng nữa cũng rất là quan trọng, đó là bài Nhận Thức, đã giúp tôi hiểu và biết chuyển đổi từ nhận thức của tâm thế gian qua nhận thức không lời của tâm bậc thánh, đây là trọng điểm mà tôi phải nhắm tới qua những kỹ thuật thực hành mà Ni Sư đã truyền trao lại cho chúng tôi một cách cặn kẽ. Muốn có kết quả tốt, phải dụng công miên mật, đó là điều kiện ắt có và đủ.
Tôi vẫn còn rất nhiều “game” để thực tập cho vững chắc. Mấy năm nay tôi tạm thời hạn chế tối đa tiếp xúc với thế giới bên ngoài để tránh tối đa những bất an ngoài ý muốn, chướng ngại cho việc hành Thiền của tôi. Tôi sống trong thế giới của riêng tôi, chỉ có tôi và Ni Sư, chỉ có tôi và “game”.
Các bạn ơi, các bạn nào chưa từng chơi "game” Tâm Linh như tôi, hãy bước vào cuộc hành trình này nếu nhận thấy có nhu cầu thoát khổ về thân, tâm, hoặc có nhu cầu giác ngộ, tu tập để phát huy trí tuệ tâm linh hay có nhu cầu giải thoát, khi sống thì sống an nhiên tự tại và khi ra đi thì cũng tự tại mà ra đi, các bạn cần những “game” này. Những “game” mà Ni Sư trao cho tôi không tìm kiếm được ở thị trường bên ngoài như các “game” điện tử. Muốn có được phải tìm đúng chỗ, đúng người. Một loạt “game” vô giá như vậy mà miễn phí (free of charge) mới lạ. Ôi! Cao quí thay tấm lòng đại bi của những vị Bồ Tát đang thừa hành Bồ Tát đạo.
Dùng trang giấy này, tôi xin được có vài lời với Ni Sư Triệt Như:
Kính Sư phụ,
Thông qua kinh Phật, thọ giáo từ Hoà Thượng Viện Chủ, Sư phụ giảng dạy lại cho con, con thoát khổ, nỗi khổ thầm lặng mà con nặng mang quá nhiều năm. Bây giờ con sống hạnh phúc trên con đường con đang chọn.
Hai chữ “cám ơn” nhỏ bé quá không đủ để nói lên lòng tri ân của con đối với Phật, Tổ, Hoà Thượng và Sư phụ.
Con nghĩ, tiếp tục cuộc hành trình, hành trì một cách miên mật là cách duy nhất để đền ơn. Và…con đi tiếp.
Kính lễ,
Đệ tử.
Một Thiền Sinh Tánh Không